Monday, December 27, 2010

LOAY HOAY VỚI CÁI CNXH TAI HỌA

Dan Viet Nam 8X

Thứ Ba, 28/12/2010

Anh tôi vênh váo vì mua được với giá “cực rẻ” chiếc máy tính ở hiệu đồ cũ. Hồi đó, ai có cái máy tính là oai lắm, nhưng anh tôi chỉ vênh váo được một thời gian ngắn, rồi chán ngán ngay. Bỏ thì thương, vương thì tội. Bởi vì nó cứ hỏng lên, hỏng xuống, tiền sửa chữa và nâng cấp còn tốn hơn cả số tiền có thể mua cái máy mới. Lại còn chuyện mất dữ liệu nữa chứ! Rõ là quân phản chủ.
Nhưng thú nhận mình dại dột, dốt nát, thì ngượng với bàn dân thiên hạ. Định quẳng cái máy cũ, lạc hậu đi, rước cái mới về… thì chưa có lý do chính đáng để vòi tiền cha mẹ. Thế là… “anh chàng ta” cứ loay hoay với cái máy tính lạc hậu, cũ nát. Đó là nguyên văn câu của bà chị dâu tương lai của tôi chế nhạo anh tôi.
Tôi xin mượn ý của câu trên để nói rằng: “đảng ta” đang loay hoay với cái CNXH tai hoạ. Tôi thấy có nhiều điều rất tương đồng, chỉ khác ở mức độ vi mô và vĩ mô mà thôi. Một bên là nỗi ngượng nhỏ, thiệt hại nhỏ, cái máy tính chẳng đáng là bao; còn một bên là biển khổ cho toàn dân, tồn vong của đất nước và nỗi nhục muôn đời cho những người có quyền lực đưa dân vào con đường sai trái.

Loay hoay sửa chữa cái chủ nghĩa có hại và phản chủ
Thế hệ cha mẹ tôi nói lại: Phải từ bỏ “nền kinh tế kế hoạch hóa XHCN” (để sẽ tiến tới “xoá bỏ” nó) chuyển sang công nhận “thị trường tự do, TBCN” là điều rất đau đớn, bẽ mặt của “đảng ta”. Thế hệ sinh ra chúng tôi đã suốt ngày đêm được nghe đảng lên án, kết tội thị trường tự do vì nó gắn với bản chất của chủ nghĩa tư bản, do đó là kẻ thù của CNXH. Thời các cụ, những người buôn bán bị đảng nói thẳng vào mặt là “không có tương lai”. Thế mà tới lúc “đảng ta” đành công nhận thị trường, đành muối mặt giải thích cho những người (như cha mẹ chúng tôi) - đã được học chính trị Mác-Lênin quá kỹ - rằng (thì là)… thị trường là thành quả của tiến bộ nhân loại, xã hội nào cũng có thể sử dụng.
Các bạn nghĩ gì khi nghe nói “cơ chế thị trường định hướng XHCN”? Gắn cái đuôi XHCN vào cơ chế thị trường chẳng qua chỉ là sự vớt vát cho đỡ bẽ mặt mà thôi. Xin các bạn hãy chịu khó quan sát: khi nước ta vào WTO thì cái đuôi “XHCN” gắn vào cơ chế thị trường sẽ teo dần và sẽ cụt hẳn. Đố “đảng ta” cưỡng nổi. Mới ngoài 20 tuổi, chúng ta rất đủ thời gian chứng kiến điều này.

Vậy CNXH ở VN còn lại cái gì?
Cùng với sự vứt bỏ “nền kinh tế kế hoạch hóa XHCN” (do đảng giám sát, quản lý), đảng đã vứt nốt cái xương sống của chủ nghĩa Mác-Lênin mà cha mẹ chúng ta đã học quá kỹ, nay đảng muốn thế hệ này quên đi mà họ không quên nổi, cứ nhè vào chỗ này mà mỉa mai “đảng ta”. Đó là nguyên tắc “công hữu hoá tư liệu sản xuất”.
Thế hệ chúng ta không còn phải nghe đến “công hữu hoá tư liệu sản xuất” nữa, hoặc nghe dưới dạng khác, mang nặng tính chất thanh minh, chữa thẹn. Ngược lại, chúng ta được nghe “cắt nghĩa” và nhìn tận mắt về chuyện các đồng chí đảng viên có quyền “tiến lên” thành nhà tư bản, lớn mọi cỡ.

Đảng vẫn loay hoay sửa chữa CNXH. Xin kể vài điều dễ thấy
Trước hết, đó là đưa đất đai thành “sở hữu toàn dân, do nhà nước của đảng thống nhất quản lý”, thể hiện ở Luật Đất Đai. Đây là cái bộ Luật mà nhóm sinh viên Thảo – Xuân, và sau đó cả Đỗ Thuý Hường nữa, đã gọi thẳng là sản phẩm của tư duy phản động. Chúng ta thấy luật này chống lại tình hình thực tiễn ở đất nước ta, gây đảo lộn cuộc sống bình thường, làm đau khổ oan ức hàng chục triệu dân, thiệt hại nhiều mặt và vô kể cho đất nước, nuôi béo bọn tham nhũng… Có lẽ dùng từ “phản động” là không oan.
Các bạn có để ý không? Cái Luật Đất Đai này đã được sửa chữa năm lần bày lượt, nói lên “đảng ta” đang loay hoay sửa chữa một chủ nghĩa mà lịch sử đã phế bỏ, trên thế giới chỉ còn 4 nước theo đuổi và đều là những nước độc đảng, độc tài…
Tiếp nữa, đó là chủ trương “quốc doanh giữ vai trò chủ đạo” trong nền kinh tế. Loay hoay cách nào thì quốc doanh dù được mọi ưu tiên vẫn cứ thua lỗ triền miên. Nếu có lãi, xin hãy coi chừng đó là “lãi giả”, hoặc lãi do được ưu tiên độc quyền. Các con số do kiểm toán nêu ra (dù chỉ được phép nêu một phần) khiến dân ta phẫn nộ với cái “quốc doanh” này. Rốt cuộc, vẫn là dân chịu hậu quả.
Đi ngược lại cuộc sống bình thường như vậy liệu có nên gọi cái chủ trương quốc doanh chủ đạo là “phản động”?. Xin các bạn tìm cho một tính từ khác, nhẹ hơn.
Còn có thể kể những chuyện đảng ta “loay hoay” trong văn nghệ, giáo dục, khoa học… sao cho chúng khỏi mất đặc trưng XHCN, nhưng sợ rằng bài sẽ quá dài.

Loay hoay sửa chữa như vậy để làm gì?
Ban đầu, loay hoay sửa chữa để CNXH thoát cơn khủng hoảng chết người. Sau 20 năm “đổi mới” dần dần “đảng ta” (cũng như ông anh khốn khổ của tôi) nhận ra cái máy tính quá cổ lỗ, lạc hậu này đáng vứt đi, không thể thay thế, không thể sửa chữa. Nhưng vứt ngay thì ngượng. Đến nay, “đảng ta” loay hoay chuẩn bị dư luận và điều kiện để vứt bỏ hẳn CNXH, giống như anh tôi tìm cách vứt cái PC cà khổ.
Đảng sẽ chuyển thành một đảng hữu sản, tư bản. Con cháu cán bộ cao cấp đang tư bản hoá, ví dụ bác Lê Kiên Thành (con cụ Lê Duẩn) đã thành nhà tư bản từ khuya rồi… Sau nữa, nhiều người chuẩn bị cho con cái thành những chính khách lớn trong tương lai. Bất tài như anh Nông Quốc Tuấn cũng đã có hàm thứ trưởng (phó trưởng ban Dân Tộc của chính phủ), nay đã thành bí thư tỉnh uỷ để sẽ vào trung ương…
Khi nước ta thành nước tư bản, con cháu các đảng viên cao cấp hiện nay vẫn chiếm địa vị ăn trên ngồi trốc trong xã hội tương lai.
Xin hỏi các bạn: Chúng ta thảo luận có nên theo đảng “kiên trì” CNXH hay không… và để làm gì, trong khi “đảng ta” loay hoay quẳng bỏ cái CNXH này đi?
.
.
.

No comments:

Post a Comment