Sunday, December 26, 2010

THỂ THAO NĂM 2010 : NĂM TÂY BAN NHA CHINH PHỤC THẾ GIỚI

Tony Trung    
24/12/2010 - 10:52

Thể thao thế giới trải qua một năm 2010 đầy rẫy những ‘cú sốc’ và bất ngờ vượt tầm dự đoán của chúng ta.

Nhà báo thể thao của Hãng Truyền thông Quốc gia Úc ABC Raman Goraya đã mở màn bài bình luận về làng thể thao thế giới năm 2010 như thế. Ông dẫn chứng ngay: “Có những điều không nằm trong dự tính ngay cả đối với những vận động viên cừ khôi nhất. Tay golf lừng danh Tiger Woods là một minh chứng!”

Năm của xì-căng-đan
Trong năm qua, Tiger Woods đã khiến báo chí thế giới tốn quá nhiều giấy mực từ sau vụ tự tông xe trước cửa nhà riêng ở Mỹ, kéo theo hàng loạt người tình ‘kề vai ấp má’ của tay golf số một thế giới (nay đã thành cựu) lần lượt lộ diện và một kết cục ly dị không thể tránh khỏi với người vợ là cựu siêu mẫu người Thụy Điển.
‘Hổ’ có vẻ đã hóa thành ‘mèo’: thành tích thi đấu của Tiger Woods trong năm thật tệ (không đoạt danh hiệu nào) và anh cũng không thể bảo vệ được chức vô địch giải Master Cup thường niên diễn ra ở Melbourne tháng 11/2010.

Âu cũng buồn khi thể thao Úc nói riêng và thế giới nói chung đã chứng kiến những xì-căng-đan in đậm trên tiêu đề trang thể thao của báo chí bên cạnh những sự trở lại đầy quả cảm hay những thất bại nhiều tiếc nuối.

Sự kiện câu lạc bộ lừng danh của Giải Rugby Quốc gia Úc NRL Melbourne Storm bị tước hai chức vô địch NRL đoạt được trong vòng ba năm qua do bị phanh phui gian lận tiền thưởng cho các cầu thủ (lên đến 1,7 triệu đô-la) là một vết đen nổi cộm trong năm 2010.

Ở môn cricket, không ai quên sự kiện thủ quân Salman Butt và các đồng đội Mohammad Asif, Mohammed Aamer của đội Pakistan đã bị đình chỉ thi đấu do cáo buộc họ cố tình không chơi bóng trong trận gặp Anh. Sự kiện này cũng phần nào làm hoen ố đến chiến thắng của tuyển Úc trước Pakistan trước đó.

Tây Ban Nha trên đỉnh cao thế giới
Còn gì để nói về Tây Ban Nha khi các vận động viên xứ đấu bò này ngự trị trên đỉnh cao thế giới trong một năm lịch sử của nền thể thao nước này.
Nổi bật nhất đương nhiên là đội tuyển bóng đá Tây Ban Nha, sau khi vừa đoạt chức vô địch Châu Âu hai năm trước, giờ đây lần đầu tiên trong lịch sử đã hiên ngang đứng trên bục đăng quang thế giới với chiếc Cúp Vàng tại giải World Cup 2010 ở Nam Phi (sau khi hạ đội tuyển ‘cơn lốc màu da cam’ Hà Lan 1-0 ở trận chung kết).

World Cup 2010 cũng là một giải đấu lịch sử khi lần đầu tiên diễn ra tại lục địa đen và Nam Phi đã làm cho thế giới phải ngưỡng mộ vì tổ chức thành công với tiếng kèn truyền thống vuvuzela nay đã nổi tiếng khắp thế giới. Giải đấu cũng khép lại với sự kiện vô tiền khoáng hậu khi cả thế giới lên cơn sốt chú ý trò dự đoán chính xác kết quả trận đấu của... chú bạch tuộc Paul ở Đức (nay đã qua đời).

Với các tín đồ bóng đá Úc, việc đội tuyển Socceroos không vượt qua vòng bảng World Cup như mong muốn cùng với việc hai chàng hoàng tử Tim Cahill và Harry Kewell đều phải nhận thẻ đỏ là một kỷ niệm khó nuốt trôi.

Trở lại với nền thể thao Tây Ban Nha, ngoài việc các cầu thủ bóng đá cừ khôi Xavi, Villa, Casilas... vô địch World Cup 2010, năm qua cũng là năm huy hoàng của tay vợt Tây Ban Nha Rafael Nadal khi liên tiếp giành ba chức vô địch Grand Slam (Pháp mở rộng, Wimbledon và Mỹ mở rộng) và đoạt vị trí số một thế giới từ Roger Federer – tay vợt vốn khởi đầu mùa giải khá tốt khi đoạt chức vô địch giải Úc mở rộng. Không nghi ngờ gì, với độ tuổi còn quá trẻ (24 tuổi), tương lai của Rafael Nadal trong làng banh nỉ tràn đầy hứa hẹn!

Thế giới cũng biết đến tay đua xe mô-tô Jorge Lorenzo của Tây Ban Nha đã về nhất hàng loạt chặng đua MotoGP trong năm. Đồng thời mọi người cũng không quên tay đua xe đạp Tây Ban Nha, Alberto Contador, tiếp tục giành Áo Vàng giải Tour de France. Đây là lần thứ ba Contador vô địch vòng đua xe đạp nổi tiếng nhất thế giới này.
Tour de France 2010 cũng chứng kiến lần tranh tài cuối cùng của tay đua người Mỹ từng bảy lần vô địch Lance Armstrong. Năm qua Lance chịu áp lực rất lớn từ các cuộc điều tra về việc ông sử dụng chất kích thích trong quá khứ nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả cụ thể nào. Người hâm mộ Úc sẽ được dịp chứng kiến Lance Armstrong tham gia tranh tài lần cuối cùng ở các cuộc đua chuyên nghiệp thế giới tại giải Santos Tour Down Under 2011 ở Adelaide vào tháng Giêng tới.

‘Những cô gái vàng’ của Úc
Trên đấu trường quốc tế, chắc chắn 2010 là một năm mà người Úc rất đỗi tự hào về các 'cô gái vàng' của họ.
Người Úc tự hào khi hai nữ vận động viên Torah Bright (trượt tuyết) và Lydia Lassila (biểu diễn lướt ván trên không) mang về hai huy chương vàng cho Úc tại Thế vận hội Mùa Đông Vancouver 2010. Đây là kỳ Thế vận hội có khởi đầu rất buồn khi vận động viên Georgia Nodar Kumaritashvili bất ngờ qua đời vì tai nạn trong tập luyện.
Một ‘cô gái vàng’ của thể thao Úc khác là Stephanie Gilmore khi đoạt danh hiệu thứ tư ở giải lướt ván trên biển trong vòng bốn năm tranh giải chuyên nghiệp.
Ở môn bơi lội, nữ kình ngư Geoff Huegill sau ba năm giải nghệ đã trở lại đường đua xanh và nhanh chóng giành huy chương vàng tại Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung Commonwealth Games diễn ra tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Mặc dù có quá nhiều bê bối trong công tác tổ chức và xây dựng cơ sở hạng tầng, sân bãi thi đấu nhưng Commonwealth Games 2010 cũng diễn ra suôn sẻ với hai chương trình khai mạc và bế mạc rất đặc sắc. Tại Đại hội này đoàn Úc đã giành được 74 huy chương vàng, trong đó tay bơi nữ Alicia Coutts đạt thành tích không thể xuất sắc hơn khi chiếm 5 huy chương vàng.
Chỉ duy nhất một tiếc nuối là nữ hoàng tốc độ Sally Pearson tuy chiến thắng trong cự ly 100m nhưng lại bị tước huy chương vàng vì cô được cho là phạm quy trước đó. Những giọt nước mắt của Sally đã làm người Úc theo dõi qua truyền hình phải thổn thức theo.
Tay vợt nữ Samantha Stosur suýt giành danh hiệu Grand Slam lần đầu tiên trong sự nghiệp khi lọt vào trận chung kết giải Pháp mở rộng 2010. Dù thất bại nhưng Stosur vẫn là niềm hy vọng số một của làng quần vợt Úc với vị trí thứ sáu trên bảng xếp hạng thế giới - nơi tay vợt trẻ Đan Mạch Caroline Wozniacki đang chiếm vị trí số 1 bất chấp sự trở lại xuất sắc của ‘nữ hoàng Bỉ’ Kim Clijsters.

Bên cạnh những ‘cô gái vàng’, người Úc tự hào về một ‘nam vương’: tay đua Formula One Mark Webber. Lần đầu tiên trong sự nghiệp thi đấu, Webber đã về nhất bốn vòng đua F1 trong năm 2010 và chỉ bỏ lỡ danh hiệu vô địch thế giới vào chặng cuối cùng của mùa giải. Đồng đội trẻ của Webber trong cùng đội đua Red Bull, Sebastien Vettel, là người đoạt được danh hiệu này và qua đó trở thành tay đua trẻ nhất trong lịch sử F1 giành chức vô địch thế giới.

Những chiến thắng khó quên ở Úc
Giải footy AFL (bóng đá Úc) năm nay vẫn đầy sôi động với lượng khán giả theo dõi khổng lồ và một kết thúc đầy kịch tính. Collingwood và St Kilda tranh chức vô địch không những một mà tới hai trận chung kết lịch sử bởi họ hòa điểm nhau ở trận đầu vào cuối tháng 9. Khi tái đấu vào đầu tháng 10, Collingwood đã chứng tỏ họ hoàn toàn xứng đáng là đội bóng hùng mạnh nhất mùa đấu với việc vượt hơn St Kilda tới 56 điểm trên sân vận động MCG tại thành phố Melbourne, bang Victoria.
Trong khi đó ở giải rugby NRL, với xì-căng-đan tiền lương Melbourne Storm xem như ‘nằm ngoài vòng chiến’ và câu lạc bộ Dragons đã giành lấy cơ hội này để đoạt chức vô địch quốc gia đầu tiên trong 31 năm qua.

Mọi người chứng kiến ‘nụ hôn kiểu Pháp’ ở Giải đua ngựa truyền thống Melbourne Cup khi chú ngựa Pháp Americain xuất sắc đoạt chức vô địch thay vì chú So You Think vốn rất được yêu thích trước giờ xuất phát của huấn luyện viên huyền thoại Bart Cumming.

Mặc dù đến cuối năm, cả nước Úc tràn ngập nỗi buồn khi thất bại trong cuộc đua đăng cai World Cup 2022 thế nhưng không vì thế mà thể thao Úc không lạc quan khi hướng tới năm 2011. Melbourne vẫn là ‘thủ đô thể thao’ của Úc khi tiếp tục đăng cai nhiều sự kiện thể thao hấp dẫn nhất như Australian Open, Formula One, Melbourne Cup hay chung kết giải AFL...
.
.
.

No comments:

Post a Comment