Friday, December 31, 2010

TÂM SỰ NGƯỜI PHỤ NỮ Á CHÂU NỔI TIẾNG NHẤT THẾ GIỚI NĂM 2010


Newsweek

Hồng Quang chuyển dịch
Dec 30, 2010

Cali Today News - Trong số cuối năm 2010, tuần báo Newsweek thực hiện gần 20 cuộc phỏng vấn các nhân vật có ảnh hưởng nhất trên thế giới trong năm. Điểm đặc biệt: không có bài phỏng vấn TT Obama hay nhân vật được Time bầu là “nhân vật trong năm”, Mark Zuckerberg, chủ nhân Facebook.

Đặc biệt hơn nữa là người châu Á duy nhất trong các cuộc phỏng vấn thú vị này lại là một phụ nữ, bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện; chi tiết này cho thấy phương Tây đã quý mến và kính trọng bà ra sao.

Sau đây là vài trích đoạn:

Newsweek: Bà đã dùng phần lớn thì giờ trong thời gian bị tạm giam ở nhà mình bằng cách nghe radio, bà thích nghe gì?
Bà ASSK: Nghe các chương trình chính trị chỉ là nhiệm vụ thôi. Tôi thật sự mê các tiết mục văn hóa, như của BBC chẳng hạn, nhưng bây giờ sao mà ít âm nhạc quá. Mỗi ngày tôi nghe ít nhất 6 giờ. Thế giới luôn đầy thiên tai và bạo động, chứ không chỉ riêng gì Miến Điện…

N: Khi nghe các sư sãi Phật Giáo nổi lên năm 2007 chống lại chính quyền quân phiệt Miến Điện, bà có cảm giác gì?
Bà ASSK: Ngay từ đầu tôi biết chuyện này sẽ kết thúc không ổn, nên tôi buồn lắm, nhưng nó cũng thay đổi não trạng của nhiều người và cái đó thật sự là quan trọng. Nhiều người không thích chính trị nhưng khi họ thấy các sư bị đối xử tàn bạo như thế, họ bị sốc và bắt đầu chú ý đến Miến Điện.

N: Bà từng bị chỉ trích là quá ‘lì lợm’ khi đương đầu với các quân nhân cầm quyền của xứ bà?
Bà ASSK: Đa số các nhà kinh tế cho là vấn đề hiện nay của Miến Điện chính là chính sách mà nhà cầm quyền quân phiệt áp đặt lên. Một thay đổi trong chính sách của chính phủ sẽ làm thay đổi hiện trạng kinh tế Miến Điện. ngay cả Quỹ Tiền Tệ Thế Giới IMF cũng nhận xét như thế.

N: Tại sao giới cầm quyền Miến Điện không chịu thay đổi?
Bà ASSK: Vì họ làm ăn phất lên, làm giàu nhờ ‘tình trạng không thay đổi’ này, Những kẻ thân cận với các nhân vật chóp bu trong chính phủ thì càng không ưa thay đổi chút nào.

N: Làm cách nào đảng của bà tránh được ‘lổ trống quyền lực’ khi thế hệ lãnh đạo già nua sắp ra đi?
Bà ASSK: Có nhiều người trẻ trong nước xuất hiện, mẫn cán, linh lợi và ham học hỏi. Họ có thể không bằng những người ngang tuổi sống ngoại quốc nhưng họ đang học hỏi. Chúng tôi cần làm sao để một số đừng bỏ nước ra đi. Không có ‘lổ trống’ đâu, họ chỉ ít hơn con số mà chúng tôi mong đợi thôi.

N: Những người chọn ở lại sẽ gặp những trở ngại nào?
Bà ASSK: Nhiều lắm! Tôi đếm còn không xuể nữa kia, đến nỗi tôi tự hỏi liệu còn có từ ngữ nào đúng hơn là chữ ‘trở ngại’ nữa không.

N: Có nhiều bậc nữ lưu chính trị có vẻ thừa hưởng máu huyết từ cha của họ là hoạt động cho xứ sở. Điều này có đúng trong trường hợp của bà?
Bà ASSK: Tôi luôn xem cha tôi, ông Aung San, là lãnh đạo của tôi, cũng ngang như là một người cha. Đó là một lãnh tụ chính trị mà tôi tin tưởng, vì tôi nghiên cứu cuộc đời cha mình, công việc của ông và các tư tưởng chính trị của ông.

N: Bà có nghĩ là đó là định mệnh của bà?
Bà ASSK: Tôi không tin vào số phận theo kiểu này. Người Miến Điện hay bàn về nghiệp chướng. Tôi luôn nhắc mọi người chữ ‘karma’ có nghĩa là ‘hành động’. Bạn gieo cái gì, sẽ gặt cái đó. Vì thế chúng ta tạo ra nghiệp của mình do hành động, nghiệp chính là các hành động. Tôi không tin định mệnh như một kiểu số phận an bài.

N: Dường nnư bà vẫn có vẻ tinh nghịch dù đã trải qua không biết bao nhiêu là nghịch cảnh?
Bà ASSK:Hy vọng là vậy! 

Hồng Quang chuyển dịch

.
.
.

No comments:

Post a Comment