Friday, December 31, 2010

CẢI CÁCH TẠI TRUNG QUỐC (RFA)

Cải Cách Tại Trung Quốc Nguyễn Xuân Nghĩa &Việt Long RFA
Việt Báo Thứ Năm, 12/30/2010, 12:00:00 AM

...không cải cách thì xã hội vỡ đôi, cải cách không khéo thì đảng vỡ đôi...

Tiếp tục loạt tổng kết về kinh tế Trung Quốc mà một số lãnh đạo Việt Nam coi như mẫu mực, mục Diễn đàn Kinh tế đài RFA kỳ này sẽ nói đến những thử thách của một quốc gia rộng lớn và có quá nhiều mâu thuẫn bên trong. Phần trao đổi với nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ do Việt Long thực hiện sau đây hầu quý thính giả.

Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Qua hai chương trình liên tục, diễn đàn này đã đề cập tới các số liệu thống kê để ta đánh giá chính xác hơn trực trạng Trung Quốc và nói về những cái nhất của Trung Quốc, ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Trong chương trình hôm nay, xin đề nghị ông phân tách tiếp về những vấn đề cơ bản của xứ này trước viễn ảnh của một thay đổi sau Đại hội Khoá 18 của đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ triệu tập trong vòng 20 tháng nữa.
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi xin bắt đầu từ địa dư hình thể, là điều kiện khách quan trói buộc lãnh đạo của mọi quốc gia. Trung Quốc là một nước rất lớn, với diện tích tới gần 10 triệu cây số vuông mà thật ra lại không được thiên nhiên ưu đãi. Địa dư xứ này gồm ba khu vực khác biệt mà từ mấy ngàn năm nay ý chí của con người chưa thay đổi được. Từ hướng Đông vào là khu vực trù phú gần duyên hải, nơi có độ ẩm đủ cao cho canh nông nhưng không rộng lớn, với diện tích canh tác bình quân một đầu người chỉ bằng một phần ba của trung bình thế giới thôi. Đây là nơi tập trung Hán tộc và có mật độ dân số cao nhất. Kế tiếp là khu vực tạm gọi là nội địa, gồm các tỉnh bị khóa bên trong, khó thông thương ra ngoài vì toàn sa mạc hay thảo nguyên, thiếu sông ngòi và ít thuận lợi cho giao thông, lại là nơi tập trung các sắc tộc thiểu số. Khu vực thứ ba là biên trấn miền Tây và miền Bắc, còn hoang vu hiểm trở hơn, mà cũng là nơi xuất phát các đợt xâm lăng của dị tộc như Kim, Liêu, Mông, Mãn, đã nhiều lần vào làm chủ vùng Trung nguyên của Hán tộc ở miền Đông.

Việt Long: Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đạo quốc gia này được 60 năm, họ thay đổi được những khác biệt thiên nhiên đó như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Họ không thay đổi được gì nhiều, trừ có một việc là đưa người Hán vào sinh sống đông hơn tại khu vực xưa nay thuộc các sắc tộc khác. Thực tế thì Trung Quốc vẫn có ba nền kinh tế khác biệt về trình độ và lợi tức, đấy là một thách đố sinh tử cho lãnh đạo.
- Khu vực miền Đông gồm 500 triệu dân sống khá chật chội mà cung cấp cỡ 64% sản lượng toàn quốc từ 11 tỉnh và thành phố. Khu vực nội địa rộng lớn hơn nhiều, có 450 triệu dân thì chỉ sản xuất chừng 25% sản lượng cả nước từ tám tỉnh. Sau cùng, khu vực biên trấn bao quanh có 400 triệu dân sống trên một vùng hoang vu bát ngát và sản xuất ra gần 20% sản lượng. Hố cách biệt về lợi tức người dân giữa từng khu vực là vấn đề nghiêm trọng, trình độ phát triển và đô thị hoá khác nhau quá xa là một vấn đề khác. Sự khác biệt này còn lớn hơn những gì có thể thấy giữa các tiểu bang nghèo nhất và giàu nhất Hoa Kỳ hay các nước giàu nghèo nhất Âu châu từ Bắc xuống Nam, từ Tây qua Đông. Thực tế thì Trung Quốc chỉ là một hải đảo trù phú và chật chội ở miền Đông, được vây quanh bằng biển Thái bình và sa mạc bát ngát và núi non hiểm trở.
- Vì đặc tính đó, từ ngàn xưa, lãnh tụ nào lên cầm quyền cũng phải làm chủ được miền Đông và ngăn ngừa động loạn từ khu vực nội địa hoặc ngoại xâm từ các vùng biên trấn. Nỗi lo sợ truyền thống đó khiến họ xây Vạn lý Trường thành rất sớm, từ thời Chiến quốc và đưa quân lập vùng trái độn quân sự tại khu vực biên trấn. Mao Trạch Đông có thắng năm 1949 thì cũng nhờ cuộc Vạn lý Trường chinh để vét nông dân đói rách từ khu vực nội địa đi làm cách mạng và vừa chiến thắng là cướp lấy Tân Cương, Tây Tạng, để lập ra vùng trái độn. Mối lo của lãnh đạo đời nay là thành phần cùng khốn bên trong sẽ túa ra vùng duyên hải kiếm việc, hoặc gây động loạn xã hội.

Việt Long: Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nắm toàn quyền từ sáu chục năm nay mà chưa thể cải sửa được cái thực tế khách quan và khắt khe đó hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Từ 1949, 30 năm đầu là thời hoang tưởng của Mao với ý chí tập trung quyền lực trên một chế độ kinh tế tự cung tự cấp của địa phương vì vậy xứ này mới bị khủng hoảng kinh tế rồi khủng hoảng chính trị. Ba mươi năm sau, là từ khi Đặng Tiểu Bình cải cách thì miền Đông được mở ra ngoài tìm lực đẩy qua giao thương buôn bán với thế giới. Thế hệ Giang Trạch Dân và Chu Dung Cơ có thấy ra vấn đề nên mươi năm trước đã phát động kế hoạch "Tây tiến" nhằm đẩy mạnh đầu tư vào các tỉnh miền Tây bên trong mà không có kết quả. Từ khi lên cầm quyền năm 2003, thế hệ lãnh đạo thứ tư như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo cũng muốn cải sửa và tái phân lợi tức từ khu vực trù phú cho các vùng lạc hậu mà không thành vì thực tế là bị cưỡng chống bên trong, rồi lại bị hiệu ứng của vụ Tổng suy trầm 2008-2009 nên họ đành trao vấn đề cho thế hệ nối tiếp sau Đại hội 18 này.

Việt Long: Ông nói đến những nỗ lực cải cách mà bị cưỡng chống từ bên trong. Chuyện ấy xảy ra như thế nào?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Lãnh đạo nào lên thì cũng nghĩ rằng ta sẽ thay đổi bộ mặt thế giới hay quốc gia mà thật ra vẫn bị câu thúc bởi thực tế. Trên một xứ sở bát ngát như vậy, vấn đề của Trung Quốc là dung hòa quyền lợi quá khác biệt giữa các địa phương. Hoa Kỳ cũng gặp vấn đề tương tự nên mới bị Nội chiến vào năm 1861 và hình thành chế độ liên bang theo nguyên tắc dân chủ để trung ương, là chính quyền liên bang, giữ trách nhiệm thống nhất mà vẫn bảo vệ được quyền lợi khác biệt của các tiểu bang. Trung Quốc không theo ngả đó và vẫn gặp bài toán đã đặt ra từ ngàn xưa là trung ương phải tranh đua quyền lực với các địa phương. Đảng Cộng sản độc quyền không thay đổi được sự thể mà còn làm vấn đề thêm trầm trọng từ 30 năm nay vì chiến lược phát triển hướng ngoại là lấy xuất khẩu làm đầu máy tăng trưởng và lệ thuộc vào thế giới.
- Hậu quả là các tỉnh duyên hải phát triển mạnh, tiến sâu vào thế kỷ 21 làm thiên hạ khâm phục mà các tỉnh bên trong vẫn bị tụt hậu, ngày một xa hơn. Lãnh đạo Bắc Kinh thấy ra điều ấy và rất sợ bất mãn sẽ gây động loạn từ bên trong ra nên họ muốn tập trung quyền lực vào trung ương để phân bố lại phương tiện phát triển cho đồng đều. Chủ trương đó hàm ý đổi chiến lược để giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu, kể cả nâng tỷ giá đồng bạc cho dân được hưởng, chấp nhận đà tăng trưởng chậm hơn mà có phẩm chất hơn và tái phân lợi tức qua chính sách thuế khóa cho các tỉnh nội địa thêm cơ hội thăng tiến và dân cư túa ra ngoài kiếm việc thì có thêm phúc lợi nhờ cải tổ chế độ hộ khẩu.
- Nhưng chủ trương đó lại bị cưỡng chống và ngấm ngầm phá hoại vì phạm vào quyền lợi của các đảng bộ địa phương xưa nay làm giàu nhờ chiến lược hướng ngoại và nhất là đụng vào một lý luận rất hấp dẫn là phải giương danh Hán tộc và bành trướng thế lực Trung Quốc ra bên ngoài.
Vì vậy, từ năm năm nay, lãnh đạo Bắc Kinh cứ dập dình giữa hai ngả khép mở, nạn Suy trầm Toàn cầu còn khiến họ mất thêm hai năm dồn sức vào tăng trưởng nhờ tăng chi và tín dụng, rồi thổi lên nguy cơ bong bóng đầu tư và lạm phát, là chuyện hôm nay. Việc trì hoãn đó khiến vấn đề bên trong càng trầm trọng vì tiếp tục tích lũy những mâu thuẫn khó hàn gắn và có thể bùng nổ vì bất cứ một biến động kinh tế nào.

Việt Long: Bây giờ, ta bước qua chuyện tương lai. Trung Quốc đang chuẩn bị Đại hội 18, sẽ có lãnh đạo mới sau năm 2012. Thành phần này có thấy ra việc đó và làm được gì không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Ta khó biết được mọi chi tiết nhưng có thể suy ra vài điểm sau đây.
- Đặng Tiểu Bình trao quyền cho Giang Trạch Dân nhưng chọn lựa và cất nhắc người kế nhiệm Giang Trạch Dân là Hồ Cẩm Đào. Giang Trạch Dân trao quyền cho Hồ Cẩm Đào và cũng cất nhắc người sẽ kế vị Hồ Cẩm Đào là Tập Cận Bình, thuộc thành phần ưu tú, con ông cháu cha - gọi là "Thái tử đảng" - và từng là bí thư tại khu vực hướng ngoại như Phúc Kiến, Chiết Giang và Thượng Hải. Chủ tịch mới vì vậy có thể theo khuynh hướng tiếp tục phát triển ra ngoài, như Đặng Tiểu Bình hay Giang Trạch Dân.
- Ngược lại, đã từng phục vụ các tỉnh nghèo bên trong với thế lực và vây cánh được xây dựng từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hồ Cẩm Đào thuộc về "Đoàn phái" và có tinh thần "đại chúng" là quan tâm tới quần chúng bần hàn nên muốn tập trung quyền lực vào trung ương và tái phân lợi tức cho các địa phương lạc hậu. Người có thể làm Thủ tướng là Lý Khắc Cường cũng có chung những đặc tính là "Đoàn phái" và "đại chúng" như Hồ Cẩm Đào.

Việt Long: Như vậy, thế hệ lãnh đạo mới vẫn lại theo những tư tưởng cũ hay sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Nhiều phần thì lớp lãnh đạo mới vẫn ở trong cái thế cài răng lược giữa hai xu hướng. Thành phần ưu tú khá giả thì tiếp tục đòi bung ra ngoài vì quyền lợi cũng có mà vì muốn phát huy thế lực Trung Quốc cũng có. Thành phần gọi là bình dân hơn thì đòi tăng cường vai trò trung ương để gìn giữ ổn định xã hội bên trong và duy trì bản sắc của Trung Quốc. Cả hai đều có những lý luận hấp dẫn và tác động xuống quần chúng qua truyền thông nhà nước.
- Quanh họ là các tân ủy viên trong Thường vụ bộ Chính trị thì cũng có sự phân bố tương tự. Bên Tập Cận Bình có Bạc Hy Lai, Vương Kỳ Sơn, Trương Đức Giang hay Dư Chính Thanh, v.v... Phía Lý Khắc Cường thì có Lý Nguyên Triều, bà Lưu Duyên Đông, Trương Bảo Thuận hay Lưu Kỳ Bảo, v.v... Xuyên qua hiện tượng này còn có sự kiện là tầng lớp lãnh đạo mới đều sinh sau cách mạng, đã trải qua sự điên cuồng của cuộc Cách mạng Văn hoá và từng phục vụ tại nhiều địa phương khác nhau nên ít chủ quan và sẵn sàng thoả hiệp. Chính vì vậy mà càng khó có quyết định chuyển hướng táo bạo và làm gì thì cũng tìm sự đồng thuận. Yếu tố ổn định ấy có mặt trái là quán tính, duy trì hiện trạng đằng sau khẩu hiệu cách mạng.
- Cần nói thêm rằng quân đội cũng là một thế lực đáng kể, không về kinh doanh kinh tài như xưa nhưng về an ninh và đối ngoại. Thành phần này muốn nâng cao khả năng bảo vệ quyền lợi quốc gia mà thực tế là bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc với quan niệm vùng trái độn cố hữu phải mở rộng tới biển xanh. Trong cuộc tranh luận về hai hướng khép mở, tất nhiên họ ngả theo xu hướng mở rộng ra ngoài. Chìm sâu bên dưới là tinh thần quốc gia dân tộc, là chủ nghĩa Đại Hán hiện đại hoá bằng phương pháp cộng sản.

Việt Long: Như vậy, sau 30 năm mở cửa rồi cần chuyển hướng để tìm ra thế quân bằng bên trong, việc cải cách đó có hy vọng hiện thực không?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi thiển nghĩ Trung Quốc có hai yêu cầu cải cách chứ không phải một.
- Thứ nhất, sau 30 năm hoang tưởng và 30 năm mở cửa, xứ này phải tìm chiến lược phát triển cân đối hơn để san bằng mâu thuẫn bên trong, tức là nâng cao khả năng tiêu thụ nội địa và cho dân được hưởng thành quả lao động. Nhưng sự chuyển hướng đó có thể làm nhiều doanh nghiệp nhà nước và đảng viên bị thiệt hại. Nếu không cải cách thì xã hội vỡ đôi, nếu cải cách không khéo thì đảng vỡ đôi và có thể bị loạn sứ quân như đã từng thấy trong lịch sử.
- Thứ hai là phải cải cách về chính trị, là một đòi hỏi còn sinh tử hơn mà cũng khó thực hiện hơn. Trung Quốc mới chỉ có sinh hoạt gọi là dân chủ trong bộ Chính trị, bên dưới thì vẫn là ách độc tài và nạn bè phái kiểu "tư bản thân tộc", nỗ lực dân chủ hóa từ dưới lên đều chưa có kết quả. Việc dung hoà quyền lợi giữa các khu vực không thể thực hiện được nếu không có một thể chế dân chủ liên bang để thoát khỏi cái nghiệp hợp tan ngàn đời của xứ này. Nhớ tới một xứ cũng đông dân trên một diện tích rộng lớn có nhiều sắc tộc và mâu thuẫn là Ấn Độ thì ta thấy dân chủ không là một rủi ro và chế độ liên bang mới là giải pháp. Đó là thử thách của Trung Quốc trong thế kỷ 21 này, may ra thế hệ lãnh đạo thứ sáu, đã tốt nghiệp ở bên ngoài, thì có thể hiểu được và dám làm, nếu xứ này chưa bị loạn trước đó.
.
.
.

No comments:

Post a Comment