Thursday, December 2, 2010

Bán Nguyệt San TỰ DO NGÔN LUẬN Số 112 Ngày 1-12-2010

Khủng hoảng gay gắt, bế tắc tột cùng !
Ban Biên Tập TỰ DO NGÔN LUẬN
Số 112 Ngày 1-12-2010

Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ khi thành lập vào năm 1930 đến nay, chưa bao giờ lâm phải một cuộc khủng hoảng toàn diện như hiện thời, và đang có những dấu hiệu của ngày tàn lụi, y như đàn anh của nó là đảng CS Liên Xô và đế quốc Đỏ Đông Âu vốn đã bị vất vào sọt rác lịch sử sau cuộc tồn tại không quá một đời người, với những bế tắc và khủng hoảng triền miên. Cuộc khủng hoảng của Đảng CSVN hôm nay có thể nói xảy ra trên nhiều phương diện, tạm kể 3: chính trị, nhân sự và công luận.

1- Khủng hoảng chính trị : Để chuẩn bị cho Đại hội đảng lần thứ XI, Bộ Chính trị đã biên soạn 3 văn kiện cơ bản là Báo cáo chính trị, Cương lĩnh xây dựng đất nước cùng Chiến lược phát triển thập niên và đưa ra cho toàn đảng lẫn toàn dân đóng góp ý kiến. Nhưng khác hồi Đại hội X, 3 văn kiện cơ bản lần này đều bị bác bỏ tận gốc, cả về lý luận lẫn thực tiễn, không những bởi những người ngoài đảng, chống đảng mà còn bởi nhiều đảng viên nòng cốt và có trình độ. Các quan điểm chủ chốt của Bộ Chính trị như kiên định học thuyết Mác–Lê, kiên định chủ nghĩa xã hội, kiên định chế độ độc đảng độc tài, kiên định kinh tế quốc doanh như chủ đạo… đều bị coi là sai lầm, giả dối và nguy hiểm. Ta hãy nghe hơn 20 nhà trí thức hàng đầu của chế độ, đảng viên cao cấp kỳ cựu phát biểu trong cuộc hội thảo khoa học hôm 7-10-2010 vừa qua tại Hà Nội. Tuy chưa thật triệt để dứt khoát, nhưng đây là chuyện chưa từng có từ 80 năm nay. “Các giải pháp đột phá phải nhằm vào cải cách chính trị chứ không chỉ kinh tế. Cần nhận thức lại CNXH. CNXH như cách hiểu chính thống, với khẩu hiệu “Dân giàu nước mạnh” thì được, nhưng mô hình trong đó đảng CS toàn trị, đấu tranh giai cấp …cần thay bằng một mô hình văn minh hơn. Ở đó, dân quyền, pháp quyền phải là tối cao” (Gs Đào Công Tiến). “Định nghĩa về CNXH: công hữu là chủ đạo ? Thật là vô lý, có hại cho đổi mới ! Doanh nghiệp Nhà nước là chủ đạo, nền tảng của kinh tế nhà nước? Chỗ này là phi XHCN nhất, quá nguy hiểm” (PGS Võ Đại Lược). “Cải cách thể chế chính trị thành một vấn đề bức xúc, không giải quyết không phát triển được. Phải xây dựng Hiến pháp mới” (Cựu đại sứ Nguyễn Trung). “Đã đến lúc phải đổi mới hệ thống chính trị, phải phân định rõ vai trò lãnh đạo của đảng, chức năng của nhà nước. Quốc hội hiện chưa phải là cơ quan lập pháp” (TS Nguyễn Mại). "25 năm qua, điều ta đạt được là nhờ chuyển sang thị trường chứ không phải là do định hướng xã hội chủ nghĩa” (PGS Trần Đình Thiên). "Phải nhìn thẳng vào sự thật. Lừa được người ta mà không lừa được thực tiễn đâu. Các nước xung quanh cải cách rất nhanh. Ở ta có 3 vấn đề bức thiết : thể chế, lợi ích nhóm, vận hành quyền lực tùy tiện” (TS Lê Đăng Doanh). Tóm lại, theo GS Lê Du Phong, các văn kiện cơ bản nói trên -nhất là Cương lĩnh- đều "tư duy lý luận lạc hậu, mâu thuẫn, xa rời thực tiễn (vấn đề công hữu, kinh tế nhà nước chủ đạo); xem thường lịch sử (nói CNXH là điều kiện để độc lập; các triều đại trước có CNXH đâu mà vẫn độc lập); không gắn với thời đại, xem thường thiên hạ (nếu cứ thế này, đến năm 2020 chắc chắn sẽ tụt xa so với các nước). Đột phá đầu tiên là đổi mới hệ thống chính trị vì đang là vật cản”. Và theo GS Trần Phương, “Cương lĩnh đầy dẫy cái sai, cái mơ hồ. Nói XHCN mà không biết nó là cái gì ! Nhiều chuyện ta tự lừa dối mình và lừa dối người khác. Phải sửa!” Nhưng liệu với bế tắc về lý luận và đường lối chính trị (vốn là căn bệnh kinh niên của CS), thì Bộ Chính trị có dám sửa lại các văn kiện này chăng, nhất là khi họ đang gặp khủng hoảng về nhân sự?

2- Khủng hoảng nhân sự : Nhân sự trước hết là Bộ Chính trị. Đông đảo đảng viên và toàn bộ xã hội hiện thời đều đánh giá họ là «những người lùn» so với tất cả các khóa trước. Bài viết “Ủy viên Bộ Chính trị, ông là ai?” của tác giả Nắng chang chang đăng trên trang mạng “Dân làm báo” hôm 03-11 mới rồi đã phân tích cho mọi người thấy: Họ chỉ là những con người tầm thường: lớn lên, lượm được một tí chữ, đi làm cách mạng, theo lớp tại chức lấy bằng đại học tiến sĩ, sau đó làm quan; họ làm quan do lãnh đạo tiền nhiệm chọn xuống hay đảng viên đưa lên, chứ chẳng phải do dân bầu; họ không phải là cán bộ tiền khởi nghĩa, cũng chẳng là khai quốc công thần, toàn những kẻ hậu sinh trong đảng, đóng góp vô cùng nhỏ nhoi; họ có văn hóa kém : theo lý lịch thì 9/15 có trình độ đại học, 6/15 có trình độ tiến sĩ, nhưng những bằng cấp này đều bị đặt thành vấn đề, vì họ lấy giờ đâu để học có bằng đang khi bận công tác nhà nước và công tác đảng; họ chẳng có tài năng đặc biệt như hầu hết các chính trị gia trên thế giới: quản lý kinh tế thì bết bát, điều hành xã hội thì hỗn loạn, ra quốc tế thì phát biểu lung tung, khôi hài, do ngoại ngữ kém, trình độ thấp, tư duy lỗi thời lạc hậu; tự xưng là đại biểu trung thành của tầng lớp công nông, giai cấp vô sản, họ đều là triệu phú, tỷ phú đô-la, con cái du học ngoại quốc, học hành đỗ đạt, giữ chức lớn, làm quan to, giàu có không ai hơn nổi. Nói tóm, về thành tích chống ngoại xâm, về công lao đóng góp cho đất nước, về trình độ văn hóa kiến thức, về khả năng giao tiếp quốc tế, về sáng kiến trong điều hành lãnh đạo, về lý luận để truyền đạt tư tưởng, về uy đức để thu phục nhân tâm, 15 thành viên Bộ Chính trị hiện nay đều lu mờ, yếu kém, không ai gây được một ấn tượng gì đáng kể. Vậy mà chính những người này vừa họp kín để chọn ra những ủy viên Trung ương đảng, những ủy viên Bộ Chính trị sẽ thay thế họ trong khóa XI. Và ai cũng biết họ trước hết lựa chọn người trong phe nhóm, theo chính hình ảnh, tiêu chuẩn của mình, hay nguy hiểm hơn là theo mệnh lệnh của Bắc triều, theo lập trường phò Trung Cộng, bất kể đạo đức, tài năng, tinh thần quốc gia dân tộc. Dư luận đã có đồn thổi về những nhân vật mới này rồi, vốn cũng sẽ làm nên một Bộ Chính trị “vũ như cẩn”
Nhân sự thứ hai là Ban chấp hành trung ương gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết, vốn phân tán ở các địa phương và các ngành, đứng đầu các bộ, các tỉnh, các cơ chế quan trọng. Mỗi năm những kẻ này chỉ họp vài lần và chẳng có tác động gì nhiều đến các đường lối, chủ trương chính sách của đảng, vì phần lớn được thành ủy viên trung ương nhờ thân cận, nhờ mưu chước hay nhờ tiền bạc, chứ chẳng phải nhờ tài năng và uy tín. Đại đa số đều ra sức tận dụng chức quyền để kiếm lợi lộc, tác yêu tác quái ở địa phương mình y hệt những lãnh chúa, như ở Hà Giang, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên, Đà Nẵng, Bình Thuận, Khánh Hòa, Sóc Trăng, Cà Mau…
Nhân sự thứ ba chính là gần 3 triệu đảng viên còn lại, vốn hầu hết giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy hành chánh, lực lượng quân đội, mạng lưới công an và mặt trận Tổ quốc trên mọi miền đất nước. Đảng và chế độ đã biến họ trở thành những “ông trời con”, chủ yếu lo tranh quyền, tham nhũng, bóc lột, lừa dối, áp bức và hành hạ dân lành, ngày càng đào sâu sự căm thù của quần chúng và sự phẫn uất của nhân dân.
3- Khủng hoảng công luận :
Nghĩa là công luận từ nay không còn im lìm cam chịu, nhẫn nhục thụ động, kiểu “nghe theo đảng, nói theo đài” nhưng đã công khai lên tiếng và phản biện mạnh mẽ. Công luận đó trước hết là Quốc hội vốn gồm những thành viên “đảng cử dân bầu” và từ lâu mang tiếng là “đảng biểu hơn dân biểu”. Từ hai ba năm trở lại đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy văn minh nghị trường đã lan dần vào Quốc hội độc đảng này; nhiều đại biểu dám chất vấn thủ tướng và các thành viên nội các, không thông qua chủ trương của đảng và chính phủ như dự án Đường sắt cao tốc năm rồi, yêu cầu lập Ủy ban điều tra về tập đoàn tàu thủy Vinashin, đòi bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên chính phủ, buộc công khai hóa sổ sách chi thu về Đại lễ Ngàn năm Thăng Long...
Công luận đó là nguyên phó Chủ tịch nước, là nhiều tướng lãnh quân đội và công an, nguyên ủy viên trung ương, nguyên bộ trưởng, nguyên thứ trưởng cùng ký vào Kiến nghị lần 2 về bauxite, gia nhập hàng ngũ của hàng ngàn trí thức, công chức, đảng viên, thanh niên ngoài đảng hoặc lãnh đạo tinh thần, vốn ủng hộ mạng Bauxite Việt Nam. Công luận đó cũng là nhóm hơn 20 nhà trí thức hàng đầu, đảng viên cao cấp trong hội thảo khoa học phê liệt Cương lĩnh ngày 7 tháng 10 nói trên. Họ gồm có nguyên phó Thủ tướng Chính phủ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài chính, viện trưởng Viện kinh tế, nguyên thư ký của cố Thủ tướng Đồng, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng, nguyên Trưởng bộ môn Quản lý kinh tế trường Nguyễn Ái Quốc, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, nguyên cố vấn của cố Thủ tướng Kiệt …
Công luận đó còn là cư dân Internet, gồm các các nhà dân báo, quản lý trang mạng vốn “ngày càng đông đảo, ngày càng quan tâm đến tình hình chính trị, theo dõi chặt từng phiên họp Quốc hội, bình luận rôm rả, đưa tin tỷ mỷ, chính xác mọi sự kiện chính trị của đất nước, tự mình nhận làm nhiệm vụ giám sát đảng và nhà nước. Đây là hình ảnh sinh động nhất về xã hội công dân, xã hội dân sự đang vươn dậy như Phù Đổng” (Bùi Tín, Khủng hoảng gay gắt ở đỉnh cao quyền lực). Và dĩ nhiên, quan trọng hơn hết, tác động hơn hết, chính là lực lượng các nhà dân chủ, đối kháng dân sự lẫn tôn giáo, quốc nội lẫn hải ngoại, ngày càng đông đảo, trẻ trung, nhiều thành phần, có phối hợp, với những hình thức đấu tranh càng lúc càng đa dạng, từ thông tin trên mạng tới thông tin trên giấy, từ âm thầm rải truyền đơn đến công khai giăng biểu ngữ, từ lấy bí danh đến xưng tên tuổi, từ quy tụ phản đối dăm ba cá nhân đến tập hợp để lên tiếng cả ngàn người, từ đấu tranh ngoài đời đến đấu tranh trong tù ngục, với mục tiêu ngày càng quyết liệt rõ ràng : tiêu diệt chủ nghĩa, giải thể chế độ và tống cổ chính đảng CS …
Đảng CSVN, cụ thể là Bộ Chính trị, đang đứng trước một sự lựa chọn sinh tử, phát xuất từ sự khủng hoảng gay gắt và bế tắc tột cùng vừa nói : khư khư ôm lấy quyền lực hoặc trả lại quyền lực cho nhân dân, đứng về phía nhân dân để xây dựng và bảo vệ tổ quốc hoặc nương bóng ngoại thù xâm lược để bảo vệ ngai vàng bất chấp sự tận diệt dân tộc, cúi đầu sám hối và chân thành sửa sai hoặc ngoan cố lì lợm để chờ ngày ra trước công lý của toàn dân và của lịch sử.

Ban Biên Tập (số 112, ngày 01-12-2010)


.
.
.

No comments:

Post a Comment