Trương Nhân Tuấn
Sat, 11/27/2010 - 12:56
Những ngày vừa qua, trên một số trang blog và báo chí, có đăng tải một số hình ảnh và phụ chú theo đó phía Trung Quốc đang có phong trào đào lấy các cột mốc biên giới cắm theo công ước Pháp Thanh 1887 để đưa vào viện bảo tàng. Đây là một việc làm khuất tất vì các cột mốc này là các di vật lịch sử, thuộc chủ quyền của hai nước Việt Nam và Trung Quốc (ngoại trừ một số mốc kép cắm dọc theo sông Ka Long ở vùng giáp ranh Móng Cái). Phía Trung Quốc không thể đơn phương tự tiện lấy các mốc này làm của riêng.
Tuy nhiên, không thể loại trừ trường hợp Hiệp ước phân định biên giới mà hai bên Việt-Trung ký năm 1999 đã làm thay đổi đường biên giới lịch sử, khiến những cột mốc này nằm sâu vào trong lãnh thổ Trung Quốc. Nếu các mốc này đã nằm sâu trong lãnh thổ của TQ thì họ có thể có quyền làm các việc này.
Dư luận từ lâu nay cho rằng nhà nước CSVN “nhượng đất, nhượng biển” cho Trung Quốc. Việc nhổ mốc đã xảy ra từ tháng 5 năm 2010 mà bộ Ngoại Giao VN không lên tiếng phản đối. Rõ ràng hành vi của phía Trung Quốc khẳng định việc đồn đãi của dư luận. Việc nhổ đi các mốc giới lịch sử còn mang ý nghĩa xóa bỏ vết tích lịch sử, từ nay không còn ai có thể kiểm chứng được hai đường biên giới 1887 và 1999 trên thực địa.
Phải chăng phía Việt
Trong bài viết nhỏ này người viết mô tả sơ lược về hình thể và nội dung của các cột một được cắm theo công ước 1887. Từ đó, mọi người có thể quan sát các tấm hình các mốc bị đào lên (được đăng trên BBC hay blog Phạm Viết Đào), để có thể đoán cột mốc ấy ở đâu, vùng nào, từ đó suy luận đường biên giới ở các nơi đó phía VN có bị thiệt hại hay không.
Đường biên giới giữa hai nước Việt-Trung đã được phân định rõ rệt theo hai công ước:
1/ Công ước phân định biên giới giữa Trung Hoa và Bắc Kỳ (Convention relative à la délimitation de la frontière entre la Chine et le Tonkin) do ông Constans ký tại Bắc Kinh ngày 26 tháng 6 năm 1887 và
2/ Công ước bổ túc do ông Gérard cũng ký tại Bắc Kinh ngày 20 tháng 6 năm 1995.
Người Pháp thay mặt triều đình nhà Nguyễn ký kết với nhà Thanh (Trung Hoa) các kết ước này chiếu theo tinh thần điều 1 của Hiệp ước bảo hộ (Traité Protectorat): “L'Annam reconnaît et accepte le Protectorat de la France. La France représentera l'Annam dans toutes ses relations extérieures. Nước An Nam nhìn nhận và chấp nhận sự bảo hộ của nước Pháp. Nước Pháp sẽ đại diện cho An Nam trong mọi liên hệ với các nước khác".
Theo "Convention sur le Droit des Traité de Vienne – Công ước về Luật của các kết ước ký tại Vienne (thủ-đô Áo-Quốc) ngày 29 tháng 5 năm 1969 – (Vienna Convention on Succession of States in respect of Treaties): một nước có thể ngưng thi hành một kết ước đã ký cũng như có thể hủy bỏ toàn bộ nội dung các kết ước nầy do tính bất bình đẳng của nó (trường hợp các kết ước ký dưới thời một nước bị bảo hộ). Tuy nhiên, Ðiều 11 của Công ước Vienne có nội dung:
“Boundary regimes: A succession of States does not as such affect: (a) a boundary established by a treaty; or (b) obligations and rights established by a treaty and relating to the regime of a boundary.”
“Thể lệ về biên giới: Một sự kế tục của Quốc Gia không đặt lại vấn đề về: a) biên giới xác định do một hiệp ước và b) nghĩa vụ và quyền lợi xác định do một hiệp ước có liên hệ với một thể lệ về biên giới.”
Ðiều nầy cho thấy, trên quan điểm công pháp quốc tế, các kết ước về biên giới Việt-Trung ký giữa Pháp và nhà Thanh năm 1887 và 1895 vẫn còn giá trị pháp lý, nếu hai bên Việt-Trung không có các kết ước khác thay thế. Mặt khác, ngoài một số địa phương đã bị Pháp nhượng cho Trung Hoa để được quyền lợi về kinh tế, đường biên giới này thể hiện thực tế lịch sử giữa hai nước Việt-Trung từ nhiều ngàn năm qua.
Nhà nước CSVN đã ký lại Hiệp ước phân định biên giới trên đất liền với Trung Quốc vào tháng 12 năm 1999 vì nhiều lý do: “Do lời văn công ước 1887 mô tả đơn giản, không rõ ràng, do nội dung không phù hợp với thực địa, bản đồ tỷ lệ nhỏ, nhiều địa danh, khu vực không thể hiện… nhiều khu vực chưa được phân giới cắm mốc hoặc cắm mốc quá thưa. Ngoài ra, qua hơn trăm năm, hệ thống mốc cũng bị hư hại, xê dịch, phá hủy do chiến tranh và thời gian…”
Những lý do này đưa ra thì phù hợp với thực tế. Nhưng việc có cần phân định lại biên giới hay không và phân định trên căn bản nào thì còn nhiều điều cần bàn luận (nhưng không phải là chủ đề viết ở bài này).
Việc phân định lại biên giới năm 1999 làm vô hiệu hóa hiệu lực các kết ước lịch sử 1887 và 1895 về biên giới.
Nhưng theo điều I của hiệp ước 1999: “Hai Bên ký kết lấy các Công ước lịch sử về biên giới hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc làm cơ sở, căn cứ vào các nguyên tắc luật pháp quốc tế được công nhận cũng như các thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán về vấn đề biên giới Việt - Trung, đã giải quyết một cách công bằng, hợp lý vấn đề biên giới và xác định lại đường biên giới trên đất liền giữa hai nước.”
Các công ước lịch sử liên quan đến biên giới hai nước chỉ gồm có hai công ước 1887 và 1895. Theo nội dung điều I, đường biên giới 1999 như thế sẽ trùng hợp với đường biên giới 1887 ở những đoạn (hay điểm) mà nó thể hiện rõ ràng. Dĩ nhiên ngoại trừ những đoạn (hay điểm), mặc dầu thể hiện rõ ràng trên thực địa, nhưng đã được dời đổi theo các “thỏa thuận đạt được trong quá trình đàm phán” giữa hai bên Việt-Trung.
Các mốc giới được cắm theo các công ước Pháp-Thanh có nhiều mô hình khác nhau. Tùy theo (a) vùng biên giới, (b) thời kỳ cắm mốc, hay (c) đoạn biên giới mà hình thức các mốc giới hoàn toàn khác nhau.
(a) Vùng biên giới:
Có ba vùng biên giới: vùng tiếp giáp các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam . Ở thời kỳ phân định và cắm mốc 1885-1897, vùng tự trị Choang tỉnh Quảng Tây chưa thành lập. Phủ Khâm Châu thuộc tỉnh Quảng Đông.
- Vùng biên giới thuộc tỉnh Quảng Đông: bắt đầu từ biển (Trúc Sơn-Trà Cổ) cho đến Bắc Cương Ải.
- Vùng biên giới thuộc tỉnh Quảng Tây: từ Bắc Cương Ải cho đến “Nham Động Hà Ca” là giao điểm hai vùng biên giới Quảng Tây và Vân Nam .
- Vùng biên giới thuộc tỉnh Vân Nam : từ Nham Động Hà Ca cho đến sông Cữu Long. Theo tinh thần của công ước Gérard 1895 thì Lào thuộc về Việt Nam .
(b) Thời kỳ phân giới: Có hai thời kỳ:1/ phân định và 2/ phân giới và cắm mốc:
- Thời kỳ phân định: Bắt đầu buổi họp phân định biên giới lần đầu tiên tại Đồng Đăng ngày 12 tháng 1 năm 1886 và chấm dứt ở ngày ký công ước 26-6-1887.
- Thời kỳ phân giới và cắm mốc: chia làm 5 thời kỳ. 1/ thời kỳ do ông Chiniac de Labastide (1889-1890) làm chủ tịch ủy ban Pháp, phân định vùng biên giới Quảng Đông. 2/ Thời kỳ do ông Frandin (1890-1891) làm chủ tịch, phân định vùng Quảng Tây. 3/ Thời kỳ do ông Servière (1892-1893) tiếp tục công trình của Frandin. 4/ Thời kỳ do Galliéni (1893-1894) làm chủ tịch, kết thúc phân giới, cắm mốc và công nhận công trình của các ủy ban trước (vùng Lưỡng Quảng). 5/ Thời kỳ do Pennequin (1895-1897) làm chủ tịch, phân giới, cắm mốc vùng Vân Nam và kết thúc công trình phân giới toàn bộ, qua việc trao đổi giác thư (nghị định thư) công nhận đường biên giới ngày 2 tháng 10 năm 1897.
Các cột mốc cắm ở các thời kỳ 1, 2 đều là cột mốc tạm vì lý do các viên chức phụ trách (De Labastide, Frandin…) thì không có thẩm quyền. Các kết quả cắm mốc phải đưa về Bắc Kinh để Tổng Lý Nha Môn (tương đương bộ ngoại giao) và Đặc sứ toàn quyền Pháp phê duyệt. Các công trình của ông Frandin sau này được công nhận bởi ông Galliéni, do đó các biên bản mô tả vị trí các cột mốc do ê-kíp Frandin phụ trách thì có giá trị và hiệu lực pháp lý. Các thời kỳ sau (thời Galliéni và Pennequin), người phụ trách có toàn quyền quyết định mà không cần phải đưa về Bắc Kinh nữa.
(c) Các đoạn biên giới:
- Vùng biên giới tỉnh Quảng Ðông chia làm hai đoạn. Đoạn 1 từ biển cho đến hợp lưu sông Ka Long, đoạn này trung tuyến dòng sông là đường biên giới. Gồm có 20 cột mốc, mỗi bên có 10 cột mốc (mốc kép) được cắm dọc theo hai bờ sông, được đánh số từ 1 đến 10, theo thứ tự từ đông sang tây, do ủy ban Chiniac de Labastide thực hiện năm 1890.
Đoạn 2 từ có 23 cột mốc được cắm, theo thứ tự từ đông sang tây.
Mô hình cột mốc vùng Quảng Đông, cắm bên phía bờ Việt Nam :
Trên mốc có ghi chú: Frontière Sino-Annamite, 1890, Đại Nam (chữ Hán)
Cột mốc cắm phía bờ Trung Quốc:
Trên mốc ghi: Hàng giữa ghi: Đại Thanh Quốc Khâm Châu Giới. Hàng phải: Quang Tự Thập Lục Niên Nhị Nguyệt Lập (làm năm Quang Tự thứ 16, tháng hai). Hàng trái: Tri Châu Sự Lý Thọ Đổng Thư (do tri châu Lý Thọ Đổng viết).
- Vùng biên giới tỉnh Quảng Tây được chia làm hai đoạn. Ðoạn 1 từ Bình Nhi, trên sông Kì Cùng, cho đến biên giới Quảng Ðông có 67 cột mốc, cắm từ Tây sang Ðông. Ðoạn thứ 2 từ Bình Nhi đến biên giới Vân Nam có 140 cột mốc, cắm từ Ðông sang Tây.
Sơ đồ mô hình mốc giới vùng Quảng Tây do ủy ban Frandin thực hiện:
Ký tên trên sơ đồ mốc giới là đại úy Didelot ngày 30 tháng 3 năm 1891 tại Bình Nhi.
Nội dung mốc được ghi theo hình sau:
Trên mốc có ghi: hàng trên chữ Pháp Frontière Sino-Annamite (Biên giới Trung-Việt). Hàng dưới chữ hán: An Nam Quốc Biên Giới. Năm 1891.
Hình dưới đây là mô hình một loại cột mốc khác cắm trên vùng Quảng Tây.
Hình này chụp từ cuốn "Au Tonkin et sur la frontière du Kwang-si" của Commandant Famin. Trên mốc có ghi: Trung Quốc Quảng Tây Giới.
- Vùng biên giới tỉnh Vân Nam: Trên vùng biên giới Vân Nam thì được phân chia ra làm năm đoạn .
Vùng hữu ngạn sông Hồng, là đoạn thứ 5, được phân định lại theo công ước Gérard năm 1895. Theo công ước nầy, phần thượng Lào thuộc về Việt Nam. Từ Sông Hồng đến sông Ðà (Rivière Noire) thì không cắm mốc. Từ sông Ðà đến biên giới Lào có 4 cột mốc được cắm theo thứ tự từ Ðông sang Tây. Cột thứ 1 ở mệng núi Phúc Ngỏa, cột thứ 2 ở miệng núi Chỉ Sưởng, cột thứ 3 giáp Mường Sa và Mường Bun, cột thứ 4 ở cửa trại Sông Mặc Ô. Vùng nầy đã được ông Auguste Pavie, trong lúc nhận công tác nghiên cứu vùng thượng Lào để chuẩn bị cho một Quốc Gia trái độn (Etat tampon), thì đã vẽ họa đồ. Vùng tả ngạn sông Hồng thì được chia làm bốn tiểu đoạn. Ðoạn thứ nhứt, từ hợp lưu của sông Hồng với sông Lũng Pô qua sông Nậm Thi, biên-giới là dòng sông thì không cắm mốc. Ðoạn 1 đến sông Kosso (Qua Sách) thì có 21 cột mốc. Ðoạn hai từ sông Qua Sách đến Cao Mã Bạch có 19 cột mốc được cắm. Ðoạn 3 và 4 từ Cao Mã Bạch đến biên giới Quảng Tây gồm có 24 cột mốc được cắm. Như thế tổng cộng gồm có: Từ sông Hồng đến biển có 314 cột mốc. Từ sông Hồng đến biên giới Lào có 4 cột mốc. Tức là có 318 cột mốc tất cả.
Mô hình cột mốc vùng Vân Nam:
Trên mốc có ghi: Hàng trên số mốc, hàng kế Chine-Annam, hai hàng (viết dọc) ở dưới bằng chữ Hán, hàng phải: Đại Pháp Quốc Việt Nam; hàng trái Đại Thanh Quốc Vân Nam.
Các cột mốc được làm bằng xi măng, vôi, gạch, đá… tùy theo có sẵn ở địa phương. Ngoài ra còn có một số mốc thiên nhiên làm bằng những tảng đá lớn, trên đỉnh núi hay đèo.
Kết luận:
Quan sát các cột mốc đăng trên BBC: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/pictures/2010/11/101125_china_border_mar...
Hình thứ nhất mốc có đề chữ Hán: Đại Nam. Theo ghi chú trên BBC thì mốc này ở Đông Hưng (Quảng Tây). Thực ra mốc này là mốc kép, cắm dọc theo sông Ka Long, phía bờ Việt Nam, thuộc đoạn biên giới Quảng Đông (nay thuộc Quảng Tây) giáp ranh với Đông Hưng. Phía Trung Quốc cho người đào như thế cho thấy vùng đất này thuộc về họ, mặc dầu theo công ước 1887 là trên đất Việt Nam (nếu cột mốc còn ở đúng vị trí cũ).
Hình thứ 4, chụp cột mốc số 17. Theo nội dung và hình dáng thì cột mốc thuộc vùng biên giới Vân Nam như không biết đoạn nào vì có đến 3 cột mốc cùng mang số 17 sau đây:
Ðoạn thứ 1: Từ hợp lưu sông Long Bác (Lũng Pô) (龍賻) với sông Hồng (紅河) đến sông Qua Sách (戈索河)
Cột số 17: ở giữa đèo, trên đường từ Nhai Đầu (崖頭) đến Ðường Tử Biên (塘子邊).
Ðoạn biên-giới thứ 2: Từ Qua Sách Hà (戈 索 河 ) đến Cao Mã Bạch (膏 馬 白 ) thuộc Bắc Kỳ và Tân Nhai (新 崖) thuộc Vân Nam .
Cột số 17: đường từ Thạch Duẫn (石筍) đến Tie-Tchang.
Các đoạn biên giới thứ 3 và thứ 4: Từ Tân Nham 新 岩 (Trung Hoa) và Cao Mã Bạch 高 馬 白 (Việt Nam ) đến biên giới Quảng-Tây廣 西.
Cột số 17: trên đèo, trên con đường nối Long Qua Ca 龍 戈 卡 (Trung-Hoa) với Long Cô 龍 姑 (Việt Nam ).
Trong nhất thời ta không thể xác định cột mốc trong hình thuộc về đoạn biên giới nào, nhưng điều chắc chắn là mốc này, theo công ước 1887, thì nằm trên biên giới và thuộc chủ quyền của hai nước.
Hình thứ 5: mốc có ghi Đại Thanh Quốc Khâm Châu Giới. Mốc này là mốc kép, cắm dọc theo sông Ka Long, cắm ở phía bờ Trung Quốc.
Trương Nhân Tuấn
Tài liệu tham khảo: Tập tài liệu "Biên Giới Việt-Trung 1885-2000 Lịch sử thành hình và những tranh chấp" NXB Dũng Châu, in năm 2005, của Nhân-Tuấn Ngô Quốc Dũng.
----------------------
1. Như các vùng tổng Tụ Long (Hà Giang, diện tích 700km², có nhiều mỏ kim loại quí), Đèo Lương (hay Luông) (Cao Bằng, diện tích khoảng 300km²), các xã thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Trang (thuộc Hải Ninh), vùng mũi Bạch Long (phía bắc Móng Cái…)
2. "Việt-Trung và Đường biên giới pháp lý, công bằng và hữu nghị", nguồn http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/01/821775/, tác giả TS Nguyễn Hồng Thao.
1. Như các vùng tổng Tụ Long (Hà Giang, diện tích 700km², có nhiều mỏ kim loại quí), Đèo Lương (hay Luông) (Cao Bằng, diện tích khoảng 300km²), các xã thuộc hai tổng Kiến Duyên và Bát Trang (thuộc Hải Ninh), vùng mũi Bạch Long (phía bắc Móng Cái…)
2. "Việt-Trung và Đường biên giới pháp lý, công bằng và hữu nghị", nguồn http://www.vietnamnet.vn/chinhtri/2009/01/821775/, tác giả TS Nguyễn Hồng Thao.
---------------------------
BBC
Cập nhật: 14:05 GMT - thứ năm, 25 tháng 11, 2010
Trung Quốc cho đào cột mốc theo Hiệp Ước Pháp – Thanh (1887-1895) đem về bảo tàng. Trong hình là cột mang dòng chữ “Đại Nam Quốc Giới” tại Đông Hưng, Quảng Tây.
Tin này được các báo và trang mạng Trung Quốc đăng tải như trang chinareviewnews.com hôm 13-8-2010.
Được biết một số cột ở cả Quảng Tây và Vân Nam đều được đem về bảo tồn
Hình :
Cột mốc thuộc tỉnh Vân Nam còn ghi hai bên là “Trung Hoa” – “Vân Nam ”
Hình :
Trên cột này còn dòng chữ “Đại Thanh Quốc, Khâm Châu Giới” .
Hình do Ban Tiếng Trung cung cấp từ nguồn Tân Hoa Xã
----------------------------
Tin liên quan :
Thongtinberlin.de - thứ hai 22.11.2010
Phạm Viết Đào - 24-11-2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment