Saturday, November 27, 2010

KHI NHỮNG "THIÊN THẦN" BỊ NGƯỢC ĐÃI (Trần Minh Quân)

Tháng Mười Một 27, 2010

Những hình ảnh tắm cho trẻ bằng cách giẫm đạp, nắm tóc, dùng nồi nhôm múc nước tạt vào mặt bé Hồ Thị Thúy Ngân một cách thô bạo được dư luận lên án trong clip được phát tán trên mạng của bà bảo mẫu Trần Thị Phụng (52 tuổi, huyện Thuận An, Bình Dương) thực sự gây sốc cho rất nhiều người.
Hiện tượng đối xử thô bạo đối với trẻ em dường như không thuyên giảm mà còn biến tướng bằng nhiều cách “khôn ngoan” hơn của những bảo mẫu mất hết tính người như bà Phụng vẫn đang diễn ra. Sự việc này thực sự là hồi chuông cảnh báo của lương tri con người đối với cộng đồng và xã hội cần nhìn nhận một cách chính xác và ngăn chặn kịp thời.

Chăm sóc trẻ “kiểu mới”!?
Rất nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra quanh câu chuyện nuôi dạy trẻ được dư luận phát hiện. Những sự việc này có lẽ chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khi mà nhiều nhà trẻ tự phát của những bảo mẫu không có chuyên môn liên tiếp mọc lên và đang hoạt động ở khắp nơi. Các nhà trẻ kiểu này đặc biệt nhiều và có đất sống mãnh liệt, nhất là ở những vùng ven đô, quanh các khu công nghiệp và các khu đô thị.
Hiện tượng các nhà trẻ tự phát đã xuất hiện và tồn tại từ rất lâu. Tuy nhiên sự việc mới thực sự được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.
Năm 2007, sự việc bé Đỗ Ngọc Bảo Trân (18 tháng tuổi) gửi tại lớp Cháo nát, trường Mầm Non tư thục Thiên Thơ, Quận Gò Vấp, TP.HCM đã tử vong suy khi bị cô giáo Lê Thị Lê Vy dùng băng keo dán vào miệng.
Sau khi bé Bảo Trân khóc nhiều vì đòi mẹ, cô giáo Lê Thị Lê Vy đã có một “sáng kiến” chết người nhằm làm cho bé hết khóc bằng cách lấy cuộn băng keo và cắt miếng băng (kích thước 4x15cm) dán vào miệng Trân để cháu… ngưng khóc. Sau khi đặt bé Trân nằm xuống chiếu, đắp một tấm khăn lên ngực cho bé ngủ. Khoảng 5 phút sau, khi cháu Trâm bắt đầu ngạt thở, tím tái Lê Thị Vy mới tá hỏa đưa đi cấp cứu. Do bị ngạt quá lâu nên Trân đã rơi vào tình trạng hôn mê sâu, chết não và sau gần 1 tháng thì bé tử vong.
Gần đây hơn chút, hành động “chăm sóc” trẻ em của bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa (SN 1967, ở phường Quyết Thắng, Biên Hòa, Đồng Nai) cũng đã làm cho dư luận hết sức phẩn nộ với phương thức “độc đáo” của mình. Khi cho các bé ăn, đi kèm với mỗi miếng cơm là một hoặc hai cái tác như trời giáng được Kim Hoa “khuyến mãi” kèm theo vào miệng các em. Độc ác hơn, có trường hợp bà Hoa nắm tóc một bé gái giật ngược ra phía sau rồi liên tiếp tát hàng chục cái vào mặt, dùng tô cơm đập vào cằm và miệng cháu bé để ép cháu ăn cơm, đồng thời kèm theo đó là liên tục những lời mắng chửi.
Gần đây là sự việc bé Lê Quang Vinh bị cô giáo trường tư thực Hoa Lan (Tân Phú, TP HCM) bỏ vào thang máy gây thương tích nặng nề với mục đích chỉ để … “dọa cháu ăn”.
Các phương pháp “chăm sóc” trẻ được dư luận phát hiện và lên án nêu trên đây lại liên tiếp xảy ra với các phương pháp vô cùng mới mẽ và dưới nhiều hình thức đa dạng. Có thể nói đây là phương pháp nuôi dạy trẻ “kiểu mới” cần được kịp thời lên án và ngăn chặn.

Vai trò và trách nhiệm của xã hội
Với sức hút lao động và nhu cầu tìm kiếm công ăn việc làm, người dân nhập cư từ các tỉnh thành khác có xu hướng đổ xô về các khu đô thị và những nơi tập trung những khu công nghiệp. Đối tượng này thường có thu nhập thấp nên đang phải đối mặt với những thiếu thốn về vật chất lẫn sự chăm sóc về y tế, giáo dục.
Ngoài ra sự quá tải ở các trường công lập và những rào cản về hộ khẩu luôn luôn là gánh nặng đối với họ. Khi đó sự chấp nhận phải gửi con vào các cơ sở nuôi dạy trẻ tự phát đã, đang và sẽ xảy ra như một quy luật tất yếu “có cung thì có cầu”.
Phải chăng xã hội chỉ đang rất cần nguồn lao động từ nhiều đại phương trên phương diện mua sức lao động mà không cần có những chính sách quan tâm tạo điều kiện cho họ thực sự an tâm sinh hoạt.
Xét một cách công bằng thì công nhân nhập cư, những người có thu nhập thấp là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và con cái của họ cũng vậy, các đứa trẻ bị ngược đãi rồi sẽ lớn lên như thế nào trong khi tuổi thơ các em đang bị “giam cầm” và đối xử một cách tồi tệ đến vậy?
Khi để những sự việc đáng tiếc như trên xảy ra, ngoài việc xử phạt một số người bảo mẫu không có lương tri thì cần xem xét lại vai trò của xã hội đối với sự việc này một cách công bằng.
Một điều đáng chú ý là tất cả sự việc trên đây đều do các cơ quan truyền thông hoặc người dân sống lân cận phát hiện, trong khi những người quản lý nhà trẻ và chính quyền gần đó thì lại không hề hay biết.
Cũng giống như những sự việc trước đó được phát hiện. Trước khi sự việc bé Hồ Thị Thúy Ngân bị đối xử thô bạo được phát hiện, những người có trách nhiệm tại địa phương hầu như không hề hay biết.
Mới đây, sự việc bốn em nhỏ phải trốn chạy khỏi nhà mở Đồng Nai cũng nói lên thực trạng này. Khi được dư luận phát hiện và lên tiếng các em nhỏ mới thực sự được sống trong vòng tay yêu thương của mọi người. Tại sao trong lúc các em rất cần tình thương khi đang ở trong những “ngục tù” này lại không được phát hiện và sẻ chia?
Đây thực sự là một vấn đề cần được làm rõ trách nhiệm của những cơ quan chuyên môn trong cong tác kiễm tra, thanh tra và chính quyền đại phương tại những nơi đã diễn ra những sự việc đau lòng trên.

Chuyện con mèo ở Anh và sự nghiêm minh của pháp luật
Rồi đây những bảo mẫu mất nhân tính kia sẽ được đưa ra vành móng ngựa. Tuy vậy nhiều người vẫn chưa thực sự bị thuyết phục bởi những án phạt quá nhẹ, không đủ tính răn đe cho những hành vi thô bạo này.
Bản án 12 tháng tù giam cho Quảng Thị Kim Hoa và 3 năm tù cho cô bảo mẫu Lê Thị Lê Vy chưa qua trường lớp đào tạo nghiệp vụ nào được đánh giá là quá “nhân đạo”. Những hành động trên đây không chỉ tạo ra những thương tật trên thân thể bé bỏng của các em mà còn là niềm tin, là lương tri, đạo đức của người “thầy giáo”.

Nhân đây cũng nên nhắc lại câu chuyện về con mèo ở nước Anh bị ngược đãi.
Bà Mary Bale hồi tháng 08/2010 đã bị “bắt quả tang” ném con mèo Lola 4 tuổi vào thùng rác, đóng nắp thùng lại và thản nhiên bỏ đi. Hành động của bà này đã bị các camera an ninh ghi lại. Hành động của bà Mary Bale  đã bị Tổ chức bảo vệ động vật hoàng gia (RSPCA) của Anh đã buộc tội bà Bale, một nhân viên ngân hàng 45 tuổi, phạm 2 tội danh hành động độc ác với động vật. Với hành động này bà Bale đã phải ra toà tại Coventry, miền trung nước Anh với các cáo buộc gây tổn thương vô cớ cho một con mèo và không cung cấp môi trường thích hợp cho động vật. Cả hai tội danh trên, theo Luật quyền lợi động vật, đều có thể bị phạt tù và bị cấm nuôi giữ động vật suốt đời.

Nhắc lại câu chuyện trên đây để thấy rằng, khi không còn hy vọng nhận được tình thương của một người nào đó thì các chế tài về xử phạt cần được thể hiện.
Khi so sánh chuyện đối xử với con mèo ở Anh và chuyện bạo hành trẻ em ở Việt Nam đã thực sự làm cho chúng ta nhiều suy ngẫm.
Trẻ em là tương lai của đất nước, là tương lai của giống nòi. Nhất là trong thời đại phát triển, trẻ em ngày nay còn cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Tuy vậy những sự việc trên vẫn liên tiếp xảy ra như đang thách thức dư luận.
.
.
.

No comments:

Post a Comment