Tuesday, November 2, 2010

TALAWAS PHÚT LÂM CHUNG (talaCu)

Gia Cát Dự
01/11/2010 | 10:51 chiều | 3 phản hồi

talaCu “Chim kia chết rũ dưới cội đa/ Tiếng kêu rơi rụng giữa giang hà/ Mai Ta chết ở cội nào/ Khóc Ta… xin nhỏ lệ vào thiên thu”. Ta là ai? Ai là Ta? Ta từ đâu đến và sẽ chết rũ ở đâu? Những vần thơ ai oán từ thế kỷ trước của thi sĩ Phạm Thiên Thư ngờ đâu lại như một định mệnh nghiệt ngã vận vào số phận diễn đàn talawas, khi mà chỉ còn ít giờ nữa thôi, trái tim thân yêu chuyên chở bao nỗi đau nhân tình thế thái của nó sẽ vĩnh viễn ngừng đập. Ôi! Tổn thất này thật là lớn lao, đau thương này thật là vô hạn đối với toàn thể nhân loại tiến bộ (không ngoặc kép), những người mang một tư duy, hoài bão chung – hoài bão dân chủ.
Trong loạt bài của thời kỳ hấp hối, talawas hoàn tất chặng đường gian khó nhưng đầy vẻ vang bằng một serie bài phỏng vấn các blogger, khách mời – những người đã luôn theo sát và chung tay tạo dựng nên một bản sắc riêng biệt của trang nhà – để tìm hiểu những tâm tư, trăn trở của họ trước thời cuộc đất nước, ngõ hầu tìm thấy một lời giải minh triết cho tương lai của nước Việt thân yêu. Và người được phỏng vấn gần như cuối cùng trong danh sách là cái tên vừa lạ lại vừa quen: Thi sĩ nhân dân Gia Cát Dự (hay Gia Cát Văn Nô) – một phóng viên chắc tay và cũng là một Phật tử biết sống tốt đời đẹp đạo.
Thi sĩ nhân dân Gia Cát Dự ban đầu vốn là một cậu đánh máy ở Toà soạn talawas với công việc chính là đánh máy văn bản và soát lỗi chính tả. Nhưng bằng sự siêng năng, học hỏi, với ý chí vươn lên mạnh mẽ, anh đã âm thầm tích luỹ kinh nghiệm biên tập, làm tin, viết bài để rồi được điều động về chuyên trang talaCu uy tín. Với những đóng góp của anh, thời gian qua talaCu đã trở thành một trong những chuyên mục chủ lực làm nên tên tuổi lẫy lừng của talawas hiện nay.
Trong thời khắc mà cả trời và người đều không cầm được nước mắt, nghẹn ngào chờ thời điểm đau thương khi Chủ nhiệm Phạm Thị Hoài gạt lệ cắt đứt dây chuông vào hồi 24h ngày 03/11, anh được Ban biên tập talaCu dành cho vinh dự thay mặt toàn Ban trả lời 3 câu hỏi của talawas. Bài phỏng vấn (cũng là tâm tình của những người đồng nghiệp sắp cách xa) dưới đây do đích thân Chủ nhiệm Phạm Thị Hoài thực hiện.
talaCu trân trọng đăng toàn văn.
————————————-

Kể chuyện hành xác

talawas: Anh Gia Cát Dự này, trước khi vào chủ đề chính, chúng tôi muốn hỏi anh một chuyện bên lề, đó là về tập thơ “Những vần thơ của quỷ Sa-talaCu” mà anh đã cho công bố Phần I. Được biết những ngày gần đây anh lại hành xác dưới gốc Bồ đề đến mức “thân xác hoang tàn không nhận ra” để hoàn thiện Phần II. Tại sao cứ mỗi lần làm thơ là anh lại phải đày ải mình như vậy?
Gia Cát Dự: Chị Hoài ơi, thơ với tôi thiêng lắm. Mỗi một câu chữ viết ra là chiết xuất những gì tinh tuý nhất của lòng mình. Hơn nữa thơ của tôi là thơ viết về số phận của con người, của xã hội, của thời cuộc đảo điên vô minh tăm tối, nghiệp chồng lên nghiệp, cho nên xuyên suốt mỗi trang viết đều thấm đẫm tinh thần yêu thương cứu khổ cứu nạn. Và để chở được những đạo đức lớn lao này, không có cách nào khác là tôi phải tìm đến gốc Bồ đề để mong tiếp nhận được trí huệ cao siêu của Đức Thế tôn vô lượng từ bi dội đến từ muôn kiếp trước.
talawas: Mô Phật!… Thực ra mọi khổ đau phiền muộn của kiếp người đều bắt nguồn từ tham sân si, dục vọng vô minh mà ra. Anh đã thiền định dưới gốc Bồ đề gần được bảy bảy bốn chín ngày, chắc đã tìm ra được cơ chế gây ra Khổ và con đường diệt Khổ. Được biết anh là người chủ trương tìm đến giải thoát bằng cách thức cổ điển, tức là phép tu khổ hạnh. Anh có thể chia sẻ với độc giả một chút trải nghiệm về những ngày hành xác để mong đạt đến giác ngộ và giải thoát?
Gia Cát Dự: Vâng. Này chị Hoài Nam, nó là thế này. Ban đầu tôi suy nghĩ như sau: “Ta hãy giảm thiểu tối đa ăn uống, ăn ít từng giọt một, như xúp đậu xanh, xúp đậu đen hay xúp đậu hột hay xúp đậu nhỏ”. Và này chị Hoài Nam, trong khi tôi giảm thiểu tối đa sự ăn uống, thân của tôi trở thành hết sức gầy yếu. Vì tôi ăn quá ít, tay chân tôi trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo, bàn chân của tôi trở thành như móng chân con lạc đà; vì tôi ăn quá ít, xương sống phô bày của tôi giống như một chuỗi banh, các xương sườn gầy mòn của tôi giống như rui cột một nhà sàn hư nát; vì tôi ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của tôi nằm sâu hoắm trong lỗ con mắt, da đầu tôi trở thành nhăn nhíu khô cằn như trái bí bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn.
talawas: Trời ơi! Rồi sao nữa?
Gia Cát Dự: Này chị Hoài Nam, nếu tôi nghĩ: “Ta hãy rờ da bụng”, thì chính xương sống bị tôi nắm lấy. Nếu tôi nghĩ: “Ta hãy rờ xương sống”, thì chính da bụng bị tôi nắm lấy. Vì tôi ăn quá ít, nên này chị Hoài Nam, da bụng của tôi đến bám chặt xương sống. Này chị Hoài Nam, nếu tôi nghĩ: “Ta đi đại tiện, hay đi tiểu tiện” thì tôi sẽ ngã quỵ, úp mặt xuống đất, vì tôi ăn quá ít. Này chị Hoài Nam, nếu tôi muốn lấy tay xoa bóp chân tay, thì này chị Hoài Nam, trong khi tôi xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân tôi, vì tôi ăn quá ít.
talawas: Ôi mô Phật!
Gia Cát Dự: Lại nữa, này chị Hoài Nam, có người thấy vậy nói như sau: “Sa-môn Gia Cát Dự có da màu đen”. Một số người nói như sau: “Sa-môn Gia Cát Dự da không đen, Sa-môn Gia Cát Dự có da màu xám”. Rồi một số người lại nói: “Sa-môn Gia Cát Dự da không đen, da không xám, mà là da màu vàng sẫm.” Cho đến mức độ như vậy, thì này chị Hoài Nam, da của tôi vốn thanh tịnh, trong sáng, mịn màng như da trẻ em thì cũng đã bị hư hoại. Tất cả vì tôi ăn quá ít.
talawas: Và kết quả là…
Gia Cát Dự: Có một hành giả mang đến cho tôi một tấm gương, bảo nhìn đi. Trời ơi, tôi nhìn vào và kinh hãi thốt lên: “Thế này thì ta sẽ bỏ đời trước khi chánh ngộ”. Tôi chợt nhận ra rằng, ta đã đi đến chỗ cùng cực của công phu tu khổ hạnh và khổ hạnh không dẫn đến giác ngộ. Tôi cuống cuồng trở lại cõi người và ăn uống bình thường. Thi thoảng cũng có dùng… thịt chó.
Trả lời 3 câu hỏi
talawas: Dù sao thì những tháng ngày kinh hoàng đó chắc chắn sẽ không vô ích khi anh đã chạm đến tận cùng của thống khổ. Mong anh ăn uống, tập tành điều độ để lấy lại phong độ, rồi hoàn thành Phần II tập thơ để đời của mình. Bây giờ xin vào chủ đề chính… Chắc anh đã biết là talawas đang ở trong thời khắc “Final countdown”, anh đón nhận tin tức này với tâm trạng thế nào?
Gia Cát Dự: Vẫn biết cõi người, vũ trụ là vô thường, nhưng sao trong lòng vẫn đầy trĩu nặng. Thật là đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa. Cuộc chia ly này, tôi nghĩ đến các anh ở A25 cũng không cầm đặng nước mắt. Tôi được biết tạp chí danh tiếng People ở Mỹ mới loan tin là bạch tuộc tiên tri – thánh Paul ở Viện Hải dương học Oberhausen, Đức đã bị sốc nặng và qua đời vào ngày 26 tháng 10 vừa rồi khi hay tin talawas chuẩn bị đóng cửa. Hi vọng cuộc tự sát này sẽ là một lần lột xác, để “Phượng hoàng sẽ tái sinh từ đống tro tàn”.
talawas: Xin cảm ơn những tình cảm của anh. Giờ là lúc xin được cùng anh đi đến phần chính – đó là “các câu hỏi gửi lại’. Thưa anh Dự, trong tầm tư duy có quán chiếu huệ nhãn của Đức Phật, thì 5 vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay theo anh là gì?
Gia Cát Dự: Vâng. Với tôi đó là:
nỗi sợ công an/”tai nạn”;
bệnh “ái tử thi” còn quá nặng (rất nhiều người vẫn còn luyến tiếc Cha già, cũng như Việt Nam Cộng hoà thời tươi đẹp);
dân chủ cuội phá đám, gây nhiễu loạn;
dân trí u mê, vô cảm (cứ nhìn số người háo hức đổ xô xem diễu hành dịp Đại lễ thì biết);
sự sợ hãi, ngu trung, múa đôi, nửa vời trong tranh đấu của số lớn văn nghệ sĩ, trí thức Việt (kể cả những người có điều kiện, có phương tiện thông tin (blog, web) ở ngoài nước).
Nhưng bao trùm lên tất cả là chúng ta thiếu một khối thống nhất trong quá trình vận động dân chủ hoá; bệnh nghi kị, chia rẽ, mỗi người một phách của chúng ta còn quá nặng. Tôi vẫn luôn chủ trương là phải có một hội nghị toàn thể bàn về vấn đề Việt Nam do một diễn đàn uy tín đứng ra vận động, chứ ông chính quyền hiện nay ông ấy đang sống gấp, ông ấy lãnh đạo, quản lý nhưng thực ra các ông ấy không biết mình đang làm gì đâu; tất cả suy nghĩ, hành động của các ông ấy bây giờ là đối phó. Thế nên chúng ta nên vừa hợp tác, cảm hoá, và cũng dần dần phân hoá cái nội bộ của các ông ấy… Nhân đây cho phép tôi được hụ một tiếng còi: Người Cộng sản sẽ lắng nghe, nếu chúng ta biết cách nói. Đây chính là cuộc cờ chính trị cho kẻ trưởng thành.
talawas: Chí lí, chí lí quá anh Dự ạ. Nếu tôi hiểu không nhầm thì chúng ta phải biết phá chấp, phải biết bao dung, lắng nghe và đối thoại.
Gia Cát Dự: Hoàn toàn chính xác.
talawas: Nhân anh vừa nói rằng người cộng sản cầm quyền hiện nay thực ra không biết họ đang làm gì, đang đưa dân tộc ta đi đến đâu, như thế thì không thể đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu Đảng là Tổng Bí thư Nông Đức Hạnh. Vậy một cách chuẩn mực nhất, xin anh cho đánh giá về con người này.
Gia Cát Dự: Vâng vâng… Ông Đức Hạnh yếu kém thế nào thì ai cũng rõ. Nhưng tôi không trách ông ấy, tôi chỉ thấy ông ấy là nghiệp quả của… bốn ông kia kìa (lấy tay chỉ vào bức hình chụp “bè lũ 4 tên” treo trên tường).
talawas: Bất hạnh thay, bất hạnh thay!… Và nghiệp này sẽ còn cộng dồn nếu không có cơ chế để người dân được quyền bầu lên người lãnh đạo theo tâm nguyện của số đông. Một mùa bầu cử đang đến gần trong thời điểm đất nước đang quá nhiều nguy cơ, thách thức. Chắc là anh cũng rất quan tâm, nhất là vấn đề nhân sự cấp cao?
Gia Cát Dự: Vâng. Đối với tôi chính trị thời cuộc là điều quan trọng nhất lúc này. Mọi thứ thơ ca hò vè, liên hoan lễ lạt đều là vô tích sự, chỉ càng thêm sát muối vào nỗi đau.
talawas: Hiện nay chiếc ghế Tổng Bí thư đang đến hồi đua tranh quyết liệt giữa các ứng viên là các ông Nguyện Trọng Phụ – Chủ tịch Quốc hội, Trang Tấn Sương – “Phó Tổng Bí thư”, Tôn Duy Hứa ở Ban Nối giáo, Bí thư Hà Nội Phàn Quan Nghị, Trưởng Ban Tổ chức Hồ Cẩm Việt, Bộ trưởng Quốc phòng Phục Quân Thanh, Bộ trưởng Công an La Hồng Anh, Trưởng ban Kiểm tra Đảng Nghiễm Vân Chi. Nghe đâu danh sách còn có Bí thư Đà Nẵng Nguyên Bá Đạo, Phó Thủ tướng Hoàng – Trung Nam Hải; thậm chí là cả đại ca phá giời Nguyễn Túng Dẫn. Hiện giới cá độ đang dồn hết tiền vào cửa ông Nguyện Trọng Phụ với tỷ lệ cược được nhà cái Ladbrokes đưa ra là 11/4 (đặt 4 ăn 11). Nhưng trong quan sát của anh thì ai sẽ lên ngôi vào tháng Giêng năm sau?
Gia Cát Dự: Người đó là Hồ Chủ tịch.
talawas: Xin anh đừng quá đau buồn khi talawas đột tử mà quẫn trí. Hồ Chủ tịch vĩ đại đã thác đến năm thứ 41 rồi.
Gia Cát Dự: U mê, u mê…
talawas: Này này, anh nói ai u mê đấy? Đừng tưởng có tí Phật pháp dẫn chiếu mà tinh vi.
Gia Cát Dự: Thì nói chị chứ ai. Ý của tôi là Hồ Jintao Chủ tịch sẽ là Tổng bí lưỡng quốc Vệ – Tề vào năm tới chứ không phải bảo xác ướp Ai Cập bật dậy đòi ngôi.
talawas: (thều thào) Lẽ nào lại mạt vận đến thế sao anh Dự!
Gia Cát Dự: Vâng… vâng.
talawas: Anh Dự ạ, trong suy nghĩ của tôi thì đỉnh cao trí tuệ của ta có vùng vẫy, đánh đu tài mấy thì cũng không thoát khỏi vòng khống chế của các đồng chí Trung Nam Hải. Vì họ đã nắm được những tử huyệt của Đảng ta, biết quá rõ các đồng chí ta toan tính gì. Chính sách hiện nay của họ là dùng người Việt trị người Việt, đồng thời lại âm thầm thôn tính bằng nhiều cách thức từ lộ liễu đến cực kỳ tinh vi. Thực tế là đất nước chúng ta đang phải đối mặt với hai nguy cơ nội tặc và ngoại xâm, nhưng hiểm họa thường trực nhất vẫn là Tung Của. Thế nên chúng tôi mới có câu hỏi thứ hai dành cho anh là, nếu được cầm quyền tuyệt đối tại Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, anh sẽ làm gì?
Gia Cát Dự: Làm gì với 24h cầm quyền tuyệt đối ư?… Thế này chị Hoài ạ. Bế tắc của đất nước, dân tộc Việt Nam bây giờ theo tôi chính là nỗi sợ hãi ngự trị. Giải toả được nỗi sợ hãi là giải hết được bài toán Trung Quốc hay Đảng trị. Phật tổ nói: Kẻ thù lớn nhất của đời người là chính mình. Còn tôi thì nói: kẻ thù lớn nhất của tâm huyết, trí tuệ Việt Nam là nỗi sợ công an. Có thể nói di hoạ lớn nhất của các chế độ cộng sản là nó áp đặt một chế độ công an trị kinh hoàng, làm thui chột tất cả dũng khí, sáng tạo, tự trọng… của người dân nói chung và tầng lớp nhân sĩ, trí thức văn nghệ sĩ nói riêng. Bây giờ ở Việt Nam mà cứ nghe đến từ “đi làm việc” thì chín trên mười ông són đái. Vì thế nếu được cầm quyền…
talawas: Từ từ anh Dự. Xin cắt lời chút, là vì thấy anh chém rất mạnh. Xin hỏi là nếu ở Việt Nam thì anh có nằm trong số 9/10 ông són đái không?
Gia Cát Dự: Tôi… tôi xin phép được bảo lưu câu hỏi này. Có lẽ…
talawas: Thôi, chúng tôi hiểu, chúng tôi hiểu… Bây giờ anh nói tiếp đi. Nếu được cầm quyền tuyệt đối anh sẽ…
Gia Cát Dự: Tôi sẽ cho tổ chức ngay một ngày hội hoành tráng toàn quốc mang tên: Ngày của hoà giải, yêu thương”.
talawas: Có thiết thực không anh, trong khi thay bằng yêu thương hoà giải, ta hãy lập một quốc hội lập hiến để soạn thảo một bản hiến pháp mới, trên cơ sở đó sẽ thiết lập một nhà nước dân chủ tự do của dân, do dân và vì dân thực sự?
Gia Cát Dự: Chị hãy nghe tôi nói đây, hầu như bất kỳ cái gì được làm ra trong 24h đều có thể bị hủy bỏ, làm lại trong 24h tiếp theo. Vậy nên tôi phải đưa ra một giải pháp mang tính phát triển bền vững. Vậy bền vững như thế nào? Như tôi đã nói, ám ảnh nặng nề nhất của dân tộc ta bây giờ là nỗi sợ công an. Vậy thì “Ngày của hoà giải, yêu thương” của tôi sẽ là ngày mà mọi công sở, công viên, mọi làng quê, mọi thành phố, mọi đồn công an, trại tạm giam, nhà tù trên nước Việt Nam này sẽ là những thiên đường trên mặt đất này. Ngày đó chúng ta sẽ cùng nhau nghe những bản nhạc diệu kỳ, vẽ những bức tranh lộng lẫy về cuộc sống thế gian này, về tình yêu đồng loại giữa người công an và người dân. Ngày đó mỗi người công an trong bộ quân phục nghiêm trang, có cả các phương tiện hỗ trợ như dùi cui, còng số tám, súng ngắn, tờ lệnh tạm giam và khám xét khẩn cấp, camera thu hình thú tội v.v., mỗi người sẽ bước đến trước một người dân thường và nói: “Hãy tha thứ cho tôi. Tôi yêu bạn”. Rồi họ lại nói: “Xin đừng sợ tôi. Chúng tôi cũng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Chúng tôi từ nay sẽ chỉ biết còn dân, còn mình. Nếu các bạn chưa tin lời tôi thì hãy thử đánh tôi đi. Hãy đánh đi đánh đi đừng ngại ngần!”. Thế rồi cả ngày hôm đó người dân và các chiến sĩ sẽ vui vầy, quây quần đầy ắp tiếng cười. Họ nô đùa, chơi kéo co, bịt mắt bắt dê, đánh trận giả (người dân phải thắng); bày trò chơi hỏi cung, bóp cổ, đạp vào bàng quang, thú tội và xin khoan hồng để quay thành băng. Đêm đến bên những vò rượu say mềm, các chiến sĩ công an sẽ kể cho người dân về tất cả các “biện pháp nghiệp vụ”, tất cả sẽ cười rú lên thích thú khi được bật mí về các thủ thuật “điều tra”, “phá án”, tỉ dụ như là thuê côn đồ vãi bom phân vào nhà “đối tượng”. Và trước khi bước vào một giấc ngủ viên mãn, tất cả cùng hoà điệu cất cao lên lời ca “hãy cứu thế gian này khỏi những hận thù, những ích kỷ, những vô cảm và sợ hãi bằng những hành động cụ thể của mỗi con người đang sống trên thế gian này”.
talawas: Và như vậy, ngày hôm sau khi chế độ công an trị có được tái lập thì người dân vẫn coi họ như là những người bạn yêu thương. Bởi cuộc “tổng diễn tập” ngày hôm trước đã cho họ một liều thuốc đề kháng đủ mạnh. Từ đây họ sẽ không còn sợ hãi và tự tin tự làm chủ vận mệnh của mình; đàng hoàng làm những việc mà hiến pháp minh định như tự do báo chí, ngôn luận, lập hội, biểu tình.
Gia Cát Dự: Hoàn toàn chính xác. Khi căn bệnh nan y đã được bốc đúng thuốc thì vấn đề lột xác vươn lên mạnh mẽ của một dân tộc chỉ còn là vấn đề thời gian.
talawas: Dù câu hỏi 24h cầm quyền chỉ là giả định nhưng ý tưởng của anh đã gợi mở rất nhiều điều đáng quan tâm. Đó là lấy trí nhân phục hàng cường bạo, lấy yêu thương, từ bi, hỉ xả làm phương tiện tối thắng bạo lực, vô minh. Chúng ta hãy tạm gác câu hỏi “nếu” đó ở đây để trở lại với thực tại đất nước với câu hỏi thứ 3 dành cho anh như sau: Hình dung của anh về Việt Nam năm 2010, 2020 và 2030?
Gia Cát Dự: Thời kỳ “cố đoạ” đi lên CNXH như thế nào đã quá rõ ràng ở năm 2010 này rồi. Theo tôi 5 hay 10 năm nữa sẽ không có biến chuyển gì nhiều. Tham nhũng, lãng phí vẫn sẽ tràn lan, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thiên tai và nhân tai “cộng hưởng” sẽ còn làm khốn đốn đồng bào miền Trung cũng như đồng bằng sông Cửu Long. Chính trị vẫn ngột ngạt và rập khuân theo Trung Quốc. Có khác chăng là kinh tế sẽ ngày càng khấm khá (tất nhiên), dân trí sẽ cao hơn và biết đòi hỏi quyền lợi chính đáng nhiều hơn. Tôi cho rằng đột biến sẽ ở vào thời điểm từ 2021, năm có Đại hội Đảng 13, sau đó sẽ là khoảng thời gian 5,6 năm giằng co dân chủ – độc tài giống như Ba Lan thời Công đoàn Đoàn kết. Và gần như hoàn toàn ngã ngũ vào năm 2028, rằng Việt Nam sẽ là nước dân chủ đa đảng hay mãi mãi trong vòng kềm toả của Bắc Kinh với mô hình “một quốc gia hai chế độ” tinh vi mờ ảo – còn nước đấy, có tên đấy nhưng thực ra là mất rồi đấy.
talawas: Anh có nói đến thời điểm đột biến vào năm 2021, anh có thể nói rõ hơn?
Gia Cát Dự: Đây là thời điểm mà các thành phần thủ cựu, thái thượng hoàng, “ái tử thi”, cựu chiến binh chống Pháp, Mỹ cực kỳ “kiên định, trung thành”; hay những thành phần còn dây dưa ân oán với ngày hôm nay đều đã khuất bóng hoặc về… vui thú điền viên. Cũng là lúc mà một dự án chính trị của người Việt nhằm dân chủ hoá chế độ đã chín muồi. Ý nguyện của người dân trong và ngoài nước, với chất xúc tác là cầu nối thông tin (internet) sẽ hoà chung một điểm. Dân trí, dũng khí thời kỳ này khác xa hiện nay và nhân dân sẽ không chấp nhận khi một nhúm người lại có quyền quyết định vận mệnh dân tộc.
talawas: Thế còn các tác động bên ngoài thì sao, thưa anh?
Gia Cát Dự: Tất nhiên các nước dân chủ trong khu vực và phương Tây sẽ cổ vũ cho những người cấp tiến Việt Nam. Và tôi có lòng tin rằng thời điểm này người Trung Quốc sẽ phải đối phó với những vấn đề gay gắt trong nước, như yêu cầu dân chủ hoá quyết liệt, bất ổn xã hội bùng phát, nên không thể can thiệp sâu vào tình hình Việt Nam. Và nữa, những người cầm quyền yêu nước thời điểm đó sẽ tìm mọi cách thoát ly khỏi Trung Quốc bằng cách củng cố chặt chẽ quan hệ đồng minh tin cậy với các nước lớn như Mỹ, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản…
talawas: Tức là anh đứng về phe lạc quan về một tương lai tươi sáng cho Việt Nam vào năm 2030?
Gia Cát Dự: Vâng. Tôi luôn lạc quan tin như thế. Chị hãy tin tôi đi, bằng cách chịu khó nhìn lại quá trình thay đổi của Việt Nam từ năm 1978 (tạm coi là thời điểm bắt đầu công cuộc đổi mới, theo phân tích của Gs Đặng Phong) cho tới nay. Xu hướng cải cách mọi mặt – trước hết là kinh tế, rồi kéo theo nó là chính trị, văn hóa, giáo dục v.v…, đã trở thành một quá trình không thể đảo ngược, bất kể cá nhân hay nhóm người nào cầm quyền.
Chị thấy đấy, đất nước ta như một cái xe bò có rất nhiều người xúm vào, mỗi chú kéo một hướng nhằm mục đích riêng, tốt có, xấu có. Nhưng hợp lực của chúng vẫn đưa chiếc xe tiến lên phía trước, dù có lúc nhanh lúc chậm, lúc ngả nghiêng, lúc khốn khổ khốn nạn, nhục nhã vì ngoại xâm, nội chiến, sâu mọt đục khoét, tù ngục đoạ đầy, bồi bút chó nô tụng ca cái “chưa từng có trong tiền lệ”…
Là người tin vào Phật pháp, thần quyền, quy luật huyền bí, tôi cảm thương và ít quy trách nhiệm cho các cá nhân (dù cá nhân đó có gây ra bao nhiêu đầu lâu và nước mắt, có nuốt trọn bao nhiêu nghìn tỉ). Tôi nhìn sự vật ở tầm cao hơn – cái nhìn của nhà Phật, để thấy rằng tất cả chỉ là nghiệp, quả, khổ đau, sân hận, dục vọng vô minh của chúng sinh trầm luân trong vòng luân hồi mù mịt. Và nữa, là người tin và theo cả quan điểm duy vật marxist, tôi thường cố gắng xem xét các điều kiện kinh tế-xã hội, để từ đó lý giải sự biến chuyển trong ý thức của cá nhân, xã hội, và suy đoán về tương lai theo một hướng nhân bản, lạc quan, đầy lạc quan.
talawas: Cám ơn anh, sự lạc quan của anh về tương lai đất nước khiến tôi dịu đi những dằn vặt khi đã quyết định kết thúc talawas vào đúng thời điểm nước sôi lửa bỏng.
Gia Cát Dự: Cũng không hoàn toàn lạc quan đâu chị Hoài ạ. Vẫn có nỗi bi quan đan xen đấy. Đó là nỗi bi quan về Trường Sa. Tôi dự đoán rằng trước khi buộc phải buông một Việt Nam dân chủ, người “bạn vàng” sẽ bằng cách này hay cách khác cưỡng chiếm những phần thuộc chủ quyền của ta trên quần đảo này. Một kịch bản của  năm 1974, năm chúng ta mất Hoàng Sa vào lúc tranh tối tranh sáng sẽ có thể được lặp lại.
talawas: Vâng. Tất cả những người có lòng với đất nước, ngoài nỗi mong đợi về một nước Việt Nam dân chủ, còn là nỗi niềm hướng về Trường Sa thân yêu, nơi bao máu xương dân mình, chiến sĩ mình đã đổ. Xin ghi nhận những dự báo của anh, chia sẻ với những tâm tư và cảnh báo của anh. Nhưng cũng khá ấm lòng khi được biết anh còn có biệt danh là… Sái Toàn Đoan.
Gia Cát Dự: Cũng không hoàn toàn như vậy đâu chị Hoài ạ. Nhiều lúc xác suất đúng sai cũng là 50/50 đấy.
talawas: Cũng giống như làm bô-xít hả?
Gia Cát Dự: Hì hì.
Những lời yêu thương
talawas: Anh Dự này, chuyện thời cuộc mình bàn cũng đã khá nhiều rồi, bây giờ đến tiết mục tâm sự nhé… Chẳng còn mấy nữa chúng tôi giải tán toà soạn, anh chắc cũng lại trở về với nghề cũ là buôn thuốc lá lậu và trồng cần sa như hồi mới qua đây. Rồi khi bị công an săn đuổi thì lẩn trốn vào ngôi chùa Việt gần đây cầu xin sư trụ trì cứu vớt cho cái dạ dày, cũng chính là cái nhân duyên đưa anh đến với đạo Bụt và biết đến Lý Duyên khởi, Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, biết hành xác làm thơ và được Trụ trì giới thiệu đến với chúng tôi. Vậy hỏi thật là khi tôi đóng cửa thì anh có luyến tiếc với công việc ở talawas cũng như talaCu không?
Gia Cát Dự: Híc híc…
talawas: Ừ, chắc là nhớ lắm hả? Dính vào cái nghề viết lách là nặng nợ lắm… Mà này, anh là người cũng có nhiều cống hiến cho trang nhà, nhưng trong lúc bạc tàn này, tôi cũng xin thưa với anh một chuyện để anh rút kinh nghiệm nếu còn muốn theo cái nghề “lập thân tối kị” này. Số là thời gian qua, lợi dụng lợi thế gần như độc quyền thông tin trên trang nhà talaCu, anh đã tổ chức đấu tố khá nhiều cá nhân, tổ chức; xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp, cũng như danh dự, nhân phẩm của họ. Rất nhiều phản hồi gửi về toà soạn cực lực lên án về hành vi phá đời, phá đạo của anh. Vậy trong thời khắc thiêng liêng khi talawas sắp rút ống thở, ông có muốn giãi bày điều gì không?
Gia Cát Dự: Thưa chị Hoài Nam, thưa quý vị độc giả, oan… oan cho tôi quá. Có thể là cái khẩu của tôi mang hình con rắn nhưng thề có Trời, Phật chứng giám, cái tâm tôi nó sáng như sao Khuê. Tất cả cũng  bởi vì tôi quá sốt ruột, quá sốt ruột.
talawas: Vâng. Nói là nói vậy thôi chứ chúng tôi cũng thấu hiểu tâm trạng của anh, một thi sĩ luôn đau đáu đau đáu với vận nước, với khổ nạn của chính sinh nên rất bất bình trước những động thái nửa vời, ngu trung, u mê quá chó lợn. Nỗi oan Thị Màu của anh rồi mọi người sẽ thấu hiểu. Lời cuối cùng, xin thay mặt Ban biên tập talawas chúc anh sẽ kiếm được một công việc vừa ý, cũng như đạt được nhiều thành tựu trong công quả tu tập. Chúc anh sẽ đạt đến bến Giác Ngộ và nhập lộ Niết Bàn.
Gia Cát Dự: Chị Hoài ơi, chị Hoài ơi/ Niết Bàn nào ở đâu xa/ talawas đó hoá ra Niết Bàn. Bây giờ tôi đã hiểu khi ta tìm thấy đâu đó, dù là trong cõi phàm trần, một niềm vui bất tận, một tình cảm thân thiết yêu thương, những phút thăng hoa chém gió bất tận, thì đó chính là Niết Bàn. Xin cảm ơn và gửi lời chào thân ái, quyết thắng tới toàn thể Ban biên tập, các blogger, khách mời; và những người thích hát bè trầm – các phản hồi viên: Phùng Tần Vương, Vương Trần, Tri Ngộ, Hoà Nguyễn, Trầm Kha, Trương Đức, Bach Phat Gia, Kim Sinh, Hoàng Trường Sa…!
talawas: Xin cảm ơn anh Gia Cát Dự.
© 2010 Gia Cát Dự
© 2010 talaCu
.
.
.

No comments:

Post a Comment