Friday, October 1, 2010

NHÌN NGƯỜI MÀ NGẪM TỦI MÌNH

Nguyễn Hiền
Đăng ngày 30/09/2010 lúc 15:28:36 EDT

Câu này tôi đã được bố mẹ tôi dạy, từ khì còn chập chững bước vào lớp 1. Số là hồi đó, gia đình tôi quá nghèo, cho nên bố mẹ tôi cứ hay chỉ nhà người này, người kia giàu có thế nào, để “nếu muốn giàu như người ta, thì con phải học thật giỏi”. Bài học vỡ lòng từ bé đến nay tôi vẫn thuộc nằm lòng.

Bây giờ đã trở thành một chàng thanh niên trẻ, khi nhìn người dân có cuộc sống ấm no ở các nước tiên tiên trên thế giới đang thụ hưởng, vì đất nược họ có an sinh phúc lợi xã hội, tự do dân chủ. Tôi bổng thấy chạnh lòng cho đất nước mình, người dân mình sao còn quá khổ…

Nhìn người ta …

Nước Đức là một quốc gia lạ kỳ, cộng với một dân tộc có sức vươn lên phi thường: đổ nát trong Thế Chiến I, sau đấy gượng dậy lấy lại sức mau chóng; rồi nước Đức lại tan tành thành bình địa trong Thế Chiến II với hậu quả chia đôi đất nước. Tưởng rằng người Đức không còn sức để ngoi lên, nhưng một bên Tây Đức theo tự do dân chủ đã làm cho thế giới kinh ngạc, ngả nón kính phục trước một đứa trẻ kỳ diệu về phát triển kinh tế “die Wunderknaben”. Chỉ trong thời gian ngắn nhãn hiệu “Made in Germany” trở thành biểu tượng cho những sản phẩm chất lượng cao mà mọi người trên thế giới đều ưa thích.

Diệu kỳ hơn nữa, tưởng chừng một đất nước, cùng một dân tộc luôn đối đầu như một kẻ thù không đội trời chung giữa Đông và Tây, bỗng chốc bắt tay làm hòa thống nhất với nhau. Nhiệm màu hơn nữa: không phải tốn đến một viên đạn, không tốn một mạng người, không đổ một giọt máu. Bức màn sắt Bá Linh tưởng chừng “tồn tại muôn năm” và “đời đời”, nhưng đã bị phá hủy hoàn toàn sau 40 năm chia cắt. Đó là một nguyên do làm cho toàn khối Đông Âu sập đổ. Một chủ nghĩa cộng sản tàn bạo, đày đọa con người được chấm dứt.

Đúng thế, cách đây 20 năm, ngày 31/8/1990 Đông Đức và Tây Đức đã ký kết hiệp thương thống nhất, đồng nghĩa với việc khai tử hoàn toàn chủ nghĩa cộng sản Đông Đức, có danh hiệu là Cộng Hòa Dân Chủ Đức. Nước Đức thống nhất theo khối tự do dân chủ để toàn dân xây dựng lại tổ quốc, tái kiến thiết toàn diện miền Đông Đức.

Ai đã sống trong các nước Đông Âu thì mới biết “con muỗi cũng không lọt qua được bức màn sắt cộng sản”. Thí dụ tình báo Nga KGB luôn là nỗi kinh hoàng cho từng người dân Đông Âu, KGB là bố mẹ của những tên chủ tịch cầm quyền mỗi nước. Họ có quyền “bảo sao nghe vậy”. Tiếp đến hệ thống công an mật vụ quốc gia với nhiều quyền lực để bảo vệ chính quyền bằng mọi thủ đoạn ác độc.

Thế nhưng cách mạng dân chủ tự do đến với Đông Đức, đến với toàn khối Đông Âu thật tuyệt vời: không khát máu hận thù, không trại cải tạo, không bắt bớ, không cướp đất, không lộng quyền, không trí trá, không công an mật vụ, ngược lại được diễn tiến trong tự do dân chủ, trong nhân bản tình người, trong trật tự luật pháp. Đến ngay tên tội đồ lớn nhất của cộng sản Đông Đức là chủ tịch Erich Honecke còn được dung tha để có một cái chết bình yên tại Chí Lợi, ngay cả vợ ông ta vẫn còn hưởng được chế độ lương bổng nghỉ hưu cho đến bây giờ. Nhân bản như thế trong một xã hội tự do dân chủ, như người dân chưa bao giờ có được trong một thế giới cộng sản đằng đằng sát khí và được bao trùm trong chiếc áo trả thù, đầy đọa ngục tù, trấn áp, đánh người bịt miệng, giết người tại trụ sở công an…

Tôi cứ suy nghĩ mãi về lời một người bạn nước ngoài khi anh ta nói với tôi rằng : Ai cũng biết sau Thế chiến thứ hai, Nước Đức ở Phương Tây và nước Nhật ở Phương Đông chỉ còn có hai thứ : đó là những đống đổ nát tro tàn, và còn lại những con người với nền văn hóa vĩ đại của họ. Có nhiều chục năm ở các thành phố lớn Tây Đức trước kia đi đâu người ta cũng nhìn thây những bức tranh cổ động vẽ một bàn tay, ở giữa là 1 đồng xu phenic ( D.mac ) và phía dưới ghi bốn dòng chữ : Hãy tiết kiệm nó – Hãy làm ra nó – hãy quí hóa nó – hãy giữ gìn nó.
Sau thế chiến thứ hai, đâu đâu ở Nhật cũng thấy khẩu hiệu: “Nỗ lực độ cường để thức tỉnh lòng tự tôn của nhân dân và quan chức…”. Sau nửa thế kỉ nước hai nước đó đã trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

… mà ngẫm tủi mình

Một dân tộc có những niềm tự hào của mình mà được nhân loại thừa nhận thì mới có thể ngẩng mặt mà sánh vai các cường quốc năm châu. Nếu chỉ là sự ngộ nhận của chính dân tộc đó về những giá trị của riêng mình thì rất có thể điều đó sẽ trở thành thái độ dương dương tự đắc, không biết cái gì là lớn nên chỉ cho mình là nhất – đó là một dân tộc không cầu thị, do vậy sẽ bị xa lánh mà rơi vào bi kịch của “Trăm năm cô đơn” mà thôi.

Nhưng chúng ta vốn là một đất nước nghèo, vẫn đang nghèo nhưng có thể đang tiếp tục bị nghèo đi không phải từ 1 xu mà từ hàng tỉ USD đi vay hoặc xúc tài nguyên lên bán, để làm giàu cho các vụ “đình đám” như Vinashin, boxit…

Trong bài viết “Nước Việt của ai?” mới được đăng trên trang boxitvn. Tác giả Lê Phú Khải đã nghẹn ngào thốt lên: “Sau năm 1975, hàng triệu người phải bỏ nước ra đi! Đất nước đứng bên bờ vực thẳm. Công cuộc đổi mới, mở cửa để Đảng tự cứu lấy mình đó, mở đầu bằng cải cách kinh tế. Đất nước như người bệnh được hồi sức. Nhưng kinh tế thị trường định hướng XHCN đã dẫn đất nước đến tình trạng tiền mafia. Đất nước không còn là của nhân dân nữa. Đất nước bây giờ là của các nhóm lợi ích, của Tập đoàn Than và Khoáng sản để dẫn người Tàu vào khai thác Bauxite ở Tây Nguyên, của Tập đoàn Vinashin ném hàng núi tiền của dân xuống biển, của dự án đường sắt cao tốc toan bắt dân khoác lấy cả một hàng núi nợ nần…

Vâng! Đất nước bây giờ đã không còn là của nhân dân nữa. Niềm tự hào xuyên suốt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của mỗi dân tộc, dù là phương diện nào cũng phải là tạo dựng nên hệ giá trị cốt lõi của cộng đồng, thấm đẫm vào mọi giai tầng, mọi thế hệ, mọi vùng miền để trở thành sức mạnh tinh thần của mọi người dân, để trong từng lúc Hệ giá trị đó là niềm tự hào, là niềm tin, là động lực giúp cho dân tộc đó nuôi dưỡng được Nhân hòa, có năng lực cạnh tranh, phát triển ổn định bền vững trong một thế giới ngày càng đa dạng và mở mang. Còn nếu chỉ nói về những cuộc chiến tranh vì tham vọng hay tranh giành (vì bất cứ phương diện nào đi nữa) thôi thì không có một quốc gia nào, một cá nhân nào có thể được tự hào bởi những gì người ta đã làm, cho dù là thắng trận.

Nước Đức, nước Nhật làm sao có thể tự hào bởi cuộc chiến tranh của họ trong thế chiến lần thứ 2 được đây ? Pháp và Mĩ họ cũng đã từng đau đớn mà tự thấy là thảm bại ở Việt nam rồi đấy ư? Napoleon Bonaparte vĩ đại đã có những cống hiến kiệt xuất cho nước Pháp và Nhân loại về rất nhiều lĩnh vực quản lí xã hội, nhưng linh hồn của ông có lẽ cũng phải ngẫm nghĩ liệu có tự hào được không với nghệ thuật chiến tranh siêu đẳng của mình – Những cuộc tương tàn ? Niềm tự hào của nước Đức muôn thủa là xứ sở của triết học, âm nhạc và khoa học với bao nhiêu vĩ nhân kiệt xuất làm rạng danh Nhân loại. Niềm tự hào của nước Nhật là dù đầm lầy Châu Phi hay trong rừng rậm Amazon đâu đâu cũng thấy thương hiệu sản phẩm của họ. Niềm tự hào của nước Pháp với bao nhiêu chứng tích của nhiều thời đại xứng đáng là biểu tượng Kinh Đô Ánh Sáng của Thế giới. Niềm tự hào của nước Mĩ là siêu cường số một hoàn cầu trên nhiều lĩnh vực của hôm nay…

Ngày xưa chiến tranh, hàng chục ngàn tấn bom đạn của Mĩ thả xuống hòng đánh sập cầu Hàm Rồng (bắt qua sông Hàn, thuộc địa phận Đà Nẵng), nhưng cầu vẫn được các chiến sĩ kiên cường bảo vệ, đứng vững. Nhưng đến hôm nay với cả một nền quản lí tự chủ, tự lập, với những con người Việt Nam mới học nhiều, biết rộng….thì đã có nhiều cầu sụp đổ hoặc biến mất do ăn cắp, tham nhũng. Ngày xưa, các cánh rừng bất chấp đạn bom rải thảm, chất độc da cam, bom napalm….của địch vẫn bạt ngàn xanh tươi, lấn dần ra biển cho dân tộc Việt Nam sức sống mới để trường tồn….Nhưng đến hôm nay… thì cỏ cây rũ héo, kiệt quệ, muông thú bỏ đi cả…bởi cháy! đốn! tàn sát của con người Việt Nam mới đang đội trên đầu những sứ mạng kiến quốc cao cả.

Thay lời kết!

Việt Nam đã hơn 35 năm thống nhất, có gì tự hào để so sánh với nước trên thế giới.

Có muộn màng lắm không khi tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ gửi kiến nghị lên Quốc hội Việt Nam vào ngày 30/8/2010 về việc đòi trả tự do cho tất cả tù nhân cựu quân nhân và viên chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Ông cũng kêu gọi lấy “Việt Nam” làm quốc hiệu thay cho “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Luật Sư Hà Vũ nhìn thấy sự tàn bạo của men chiến thắng do Ban lãnh đạo của nước Việt Nam thực hiện từ 35 năm qua:
“Bằng việc tập trung “cải tạo” trong nhiều năm trời cả trăm nghìn quân nhân, viên chức Việt Nam cộng hòa, bằng kỷ niệm liên tục 35 năm nay “Ngày giải phóng Miền Nam” đậm chất “thắng – thua”… đẩy không ít người Việt thuộc chính quyền cũ rơi vào vòng xoáy của sự thù hận với hệ quả là một số người bị chính quyền mới kết vào “tội xâm phạm an ninh quốc gia”!
Và hận thù ấy lại dẫn đến chia rẽ khác không kém phần đau đớn, lần này ngay trong nội bộ những người đã ca khúc khải hoàn, bởi có mấy gia đình Việt Nam không có người thân ở bên kia chiến tuyến.
Kinh khủng hơn nữa, chính những hận thù và chia rẽ dân tộc ấy đang từng ngày, từng giờ tiếp tay cho nguy cơ Việt Nam bị Bắc thuộc lần thứ Tư và lần này e vĩnh viễn!
Nhưng Tổ quốc Việt Nam không thể không quyết sinh và vì vậy, Hòa giải dân tộc hay là Chết!“
– hết trích.

Thật độc hại, chính quyền CSVN đang làm hoàn toàn trái ngược những gì chính quyền tự do dân chủ Tây Đức đưa tay tiếp sức với người Đông Đức, kể cả cộng sản từ năm 1990 để xây dựng một quốc gia no ấm cường thịnh.

Khi bức tường Berlin sụp đổ, câu nói của ông Michail Gorbachow dạy cho chủ tịch Đông Đức Erich Honecker một bài học vào ngày 06/10/1989 khi ông Gorbachow đến thăm Đông Berlin và nhìn thấy người dân Đông Đức biểu tình chống đối nhà nước Đông Đức, ông nhắc nhở rằng: “Wer zu spät kommt, den betraft das Leben” (Người nào đến trễ sẽ bị cuộc đời trừng phạt).

Cộng sản Việt Nam đã trễ đến 35 năm mất rồi!

Nguyễn Hiền
Hà Nội, 16/9/2010
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments:

Post a Comment