Friday, October 1, 2010

CUỘC CÁCH MẠNG DÂN CHỦ ĐÃ BẮT ĐẦU : TRUNG QUỐC và PHONG TRÀO ĐÌNH CÔNG

Phan Van Song
October 1, 2010

Những năm tháng gần đây Trung Cộng tự nhiên tỏ ra hung hăng, bất chấp dư luận thế giới, bướng bỉnh tuyên bố chủ quyền lãnh địa, lãnh hải của mình đặc biệt đối với Việt Nam. Nào là vùng Kinh tế đặc biệt hình lưỡi bò, nào là huyện Tam Sa. Nào là xâm chiếm Hoàng sa, Trường sa và hung hăng hơn nữa, cấm cả ngư dân Việt Nam hành nghề. Trung Cộng quả thật là côn đồ. Càng côn đồ hơn, Trung Cộng dùng tàu đâm chìm các tàu đánh cá Việt Nam. Trung Cộng thật là dã man. Càng dã man hơn, không cho tàu của ngư dân Việt Nam gặp bão tỵ nạn ở những đảo thuộc quần đảo Hoàng sa, bất chấp cả đến những luật nhơn đạo cứu người của ngành hàng hải. Hung hăng ngoại giao trên biển! Trên lãnh địa, xua dân di dân qua Việt Nam, xâm chiếm đất đai, xây dụng nhà máy khai thác bừa bãi đất đai, rừng núi… Nhà cầm quyền Việt Nam quá hèn yếu, quá nhu nhược hay đồng lõa, nhượng bộ và nuôi dưỡng những hành động ngang ngược xâm chiếm của Tàu. Hung hăng quá đà, Tàu đụng chạm quyền lợi quốc tế, thế là đụng chạm anh Mỹ, thế là đụng chạm tổ chức Asean …Hay là cũng có thế anh Tàu và anh đồng lõa Việt Nam dùng kịch bản (scénario) hung hăng dân tộc để nhờ thế giới, Mỹ và lân bang phải cản trở bước tiến sung mãn của mình để mỵ dân mình. Dừng bước do bị cản trở sẽ khơi động tự ái dân tộc và giữ đoàn kết đất nước. Nếu không quốc gia Tàu sẽ nổ thành nhiều mảnh: Tân Cương, Quảng Tây, Quảng Đông, Shang Hai, Beijing

Kinh tế Trung Quốc phát triển quá nhanh. Anh Tàu lớn mạnh. Anh Khổng lồ Tầu lớn quá nhanh. Phát triển quá nhanh, nên phát triển không đồng bộ. Sức mạnh kinh tế của Tàu là nhơn công rẻ. Nhơn công rẻ nhưng là nhơn công hạng hai. Những người dân công mingong bỏ làng mạc đồng ruộng ra thành phố xây dựng kinh tế Tàu. Hai yếu tố xây dựng nền kinh tế nước Tàu là đầu tư ngoại quốc và công nhơn minhgong rẻ. Ngày nay, công dân thành phố giàu có, nhưng người minhgong vẫn nghèo. Và vì có một thị trường tiêu thụ do Tư bản đem vào, người dân công chỉ biết nhìn, nhưng không mua được, nên họ phát hiện họ bị bóc lột, và giới công nhơn mingong đang bị bỏ quên. Và ngày nay bắt đầu một cuộc đấu tranh giai cấp.
Ông Thị trưởng Tianjian phải đích thân đứng ra, trung gian thương thuyết giữa đại diện công nhơn và chủ nhơn đại diện Hãng Toyota. 1300 công nhơn phần đông là dân mingong được tăng lương 15%. Dĩ nhiên không được 20% như đòi hỏi nhưng cũng đã là một thành công lớn rồi. Từ nay công nhơn của Toyota Tianjian sẽ có số lương xấp xỉ 200 dollars US mỗi tháng. Thật là một sự tiến bộ vượt bực, 6 dollars mỗi ngày. Mới ngày nào đây họ chỉ được trả chưa đầy 2 dollars/ngày, bằng chỉ số nghèo do thống kê thế giới định nghĩa (Công nhơn Việt Nam còn tệ hơn nữa ngày nay, giữa năm 2010 vẫn còn ở mức trên dưới 2 dollars một ngày).
Đây sẽ là cuộc một Cách mạng xã hội lớn để đặt lại vấn đề công lý và cân bằng cho xã hôi tương lai hậu cộng sản của Việt Nam và Trung Quốc.
Nếu hôm qua, đấu tranh giai cấp tạo cho Đảng Cộng sản cướp chánh quyền ở Việt Nam và Trung Quốc, tạo quyền lực cho Đảng Cộng sản, thì ngày hôm nay, đấu tranh giai cấp cũng sẽ đập tan Đảng công sản. Giai đoạn hôm nay là giai đoạn cuối cùng. Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi.

1. Phong trào Đình Công

Tianjin, một thị trấn nhỏ cách Beijing khỏang 150 cây số, một ngày đầu tháng 7 năm 2010, những nhóm công nhơn tụ họp trong sân nhà máy Toyota, nằm trong khu kỹ nghệ Gosei. Xe cảnh sát bao quanh, cấm những người đi lại. Đã ba ngày rồi, cảnh sát bao vây khu vực kỹ nghệ, từ nhà máy trở ra khoảng một cây số, là khu vực cấm. “Công an và cảnh sát chống biểu tình đã bắt và kiểm soát giấy tờ hơn cả trăm người biểu tình và công nhơn đình công”, một cư dân trong khu vực cho biết. …. Đình công, bãi khóa, trong chế độ Công sản và công an trị của Trung Hoa lục địa hay hiện tượng Thiên An Môn ngày nay vẫn còn là cơn ác mộng của nhà cầm quyền Beijing.
Từ hơn một tháng nay, một phong trào đình công đòi tăng lương bắt đầu phát xuất từ những nhà máy các khu kỹ nghệ miền Nam Trung Quốc, Shenzhen, Zhongshan, Foshan,Nansha và ngay cả Canton, đang lan rộng đến miền Bắc. Nay đã đến Tianjin. Đây là một phong trào tự phát hoàn toàn độc lập không do Công đoàn Nhà nước do Đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ đạo. Mà Công đoàn Nhà nước Cộng sản Tàu, cũng như Công sản Việt Nam có bao giờ chỉ đạo một cuộc đình công đâu? Đã từ lâu rồi Công đoàn Nhà nước Công sản Tàu và Việt Nam chỉ biết ký kết với tư bản đầu tư nước ngoài, kiểm soát những điều kiện làm ăn và lương bổng của công nhơn quốc gia mình làm sao cho có lợi cho Tư bản đầu tư và Đảng Cộng sản cầm quyền thôi. Mặc kệ số phận của người công nhơn và công dân mình, mặc kệ đời sống và điều kiện sống của công nhơn và công dân mình, đặc biệt hơn nữa là những người công nhơn lao động nầy phần đông là những người mingong – dân công tức là những người di dân từ miền quê đến.
Và đình công thương thuyết ở Toyota Gosei, Tianjian vừa xong, thì 1100 công nhơn của Toyota Denso, ở Nansha, ở cách 2 000 cây số ở phía Nam, nằm giữa HongKong và Canton cũng bãi khóa, đình công và đòi tăng lương. Và Hãng Toyota Motor ở Canton sản xuất 360 000 xe hằng năm tê liệt không hoạt động được vì thiếu hàng để lắp ráp. Mặc dù ngay những ngày đầu của cuộc đình công, các báo chí thông tin được lệnh không nói một tiếng, không đăng một bài. Kiểm duyệt toàn bộ. Cớ sao phong trào đình công được phổ biến lan rộng như vậy. Ấy là do “Mạng Internet và điện thoại di động”. Thời đại thông tin đã phá vỡ hệ thống bưng bít của Đảng Cộng sản.
Phong trào đình công đang đấu tranh đòi tăng lương ở Tàu, bắt đầu từ những nhà máy sản xuất của kỹ nghệ Xe hơi. “Đây là khu vực kinh tế đang tăng trưởng rất mạnh, lợi nhuận nhiều và các công nhơn nắm rõ vai trò của mình, hiểu được sai biệt đồng lương giữa giai cấp công nhơn và giai cấp chủ nhơn” nhận định phân tích của một blogger trên mạng Sohu. Năm 2009 vừa qua, thị trường xe hơi Trung Hoa Cộng sản đã chiếm được vai trò số 1 của thị trường xe hơi thế giới, qua mặt Mỹ, với 13,5 triệu chiếc xe bán. Ngay từ đầu năm 2010, con số nầy được tăng, nhảy vọt: gần 72 % cho quý 1, đối chiếu với cùng thời điểm nầy năm trước. Các thương hiệu Nhựt Bổn dẫn đầu. Toyota đang đầu tư thêm 475 triệu dollars vào nhà máy lắp ráp sản xuất mới ở Nansha để vượt từ 3,5 % lên 10 % thị trường xe ở Trung Quốc, sẽ qua mặt General Motors hiện đang đứng hàng số 1. Nhưng cuộc chạy đua cạnh tranh nầy đang được thực hiện với một sự kiểm soát gắt gao giá thành sản xuất.

2. Công nhơn và Lương bổng

Nhưng qua những phong trào đình công vừa qua, những nhà bình luận kinh tế cảm nhận rằng chỉ có những nhà đầu tư Nhựt, và Đài loan là có những khó khăn về vấn đề quản trị công nhơn Trung Quốc. Tại sao? Quan điểm quản trị công nhơn? Nhơn sanh quan về tổ chức sản xuất và quan hệ giữa con người của công nhơn và hệ thống sản xuất? Nhà báo bình luận gia kinh tế Masayoshi Tanaka, đặc phái viên của Đài Truyền Hình NHK tại Trung Quốc nhận xét: “Không có một dữ kiện chánh trị nào trong những trường hợp đình công vừa qua tại các nhà máy Nhựt Bổn. Quan hệ chánh trị và ngoại giao giữa hai quốc gia Nhựt Bổn và Trung Quốc vẫn tốt đẹp (ấy là trước việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm hải phận Nhựt bổn). Đình công ở các hãng Nhựt là do phương pháp quản trị công nhơn Nhựt không phù hợp với văn hoá con người của công nhơn ngưòi Hoa”. Thực vậy, ở các hãng xưởng Hoa – Nhựt, các cán bộ lãnh đạo địa phương không có quyền quyết định về lương bổng công nhơn gì cả, khác với những xí nghiệp Hoa –Âu Châu hay Hoa -Mỹ. Mọi đòi hỏi thay đổi lương bổng đều phải gởi về Tokyo để xét. Chế độ quản trị tập trung cứng ngắt và đầy kỷ luật của Nhựt Bổn là một trở ngại cho người Hoa… và chẳng mấy chốc những kỷ niệm của thời quân đội Nhựt Hoàng xâm chiếm đất Hoa lại trở về ám ảnh, và phá vỡ mọi cố gắng xây dựng tình hữu nghị.
Ngày nay, những mingong của thế hệ thứ hai không chấp nhận làm việc với bất cứ giá nào như thời các cha mẹ của họ. Trước cổng nhà máy Faw Toyota ở Tijian, ba anh công nhơn thanh niên sanh vào khỏang 1993, quần jean và áo thun có sơn hình, dáng vẽ chẳng khác nào các cậu công tử thành phố, một anh mặc một chiếc áo thun mầu hồng, có hình một danh ca đang lên, một trang sức lủng lẳng ở trái tai, cả ba em đều đến từ Handan, tỉnh Hebei. Các em đã phải lớn lên và sống xa cha mẹ, vì cha mẹ bị bắt buộc phải đi làm ăn kiếm tiền ở những tỉnh lớn miền Duyên Hải. Cả ba nghỉ học sớm để giống như cha mẹ mình, ra thành phố lớn kiếm sống. Tại xí nghiệp nầy, các em lãnh 1500 yuan một tháng (cỡ 175 dollars US). Đây là một đồng lương khá đối với tuổi đời và nghề nghiệp còn tay non của các em. “Nhưng tôi không ở mãi đây đâu” một em thợ 19 tuổi thốt lên. “Các ông chủ buộc chúng tôi làm nhiều lắm! Thật là bóc lột. Và cuộc sống ở những ký túc xá, ngủ chung, ngủ chạ như vậy trong những khu vực kỹ nghệ như vậy, thật không văn minh tí nào”.

3. Nghiệp đoàn

Tình trạng thiếu thốn nhứt của thợ thuyền Trung Hoa ngày nay là không có một Nghiệp đoàn công nhơn để bảo vệ và tranh đấu cho quyền lợi công nhơn. Chế độ Cộng sản Trung Quốc, cũng như chế độ Cộng sản Việt Nam, chỉ cho phép một Công đoàn do Đảng Cộng sản chỉ đạo. Ở Trung Quốc một Nghiệp đoàn công nhơn độc lập được “thử” thành lập năm 1989 bởi Han Dongfang, trong những ngày dân chủ của Phong trào Thiên An Môn (Tien An Men) đã bị đàn áp và tàn rụi với phong trào Tien An Men. Han Dongfang bị nhốt nhiều năm trong tù, được thả ra và ngày nay tỵ nạn ở Hong Kong. Han thành lập một Đài Phát Thanh và hằng ngày theo dõi và phát sóng kêu gọi Công Nhơn Trung Quốc hãy đòi hỏi quyền lợi công nhơn.
Ngày nay, quyền lợi công nhơn đã được giới trí thức Trung Quốc theo dõi “Nhà nước phải suy nghĩ đến quyền lợi công nhơn. Một Nghiệp đoàn lao động phải được tạo ra để bảo vệ quyền lợi các công nhơn thuộc thế hệ mới mingong. Nghiệp đoàn ấy phải đứng ra thương thuyết với giới chủ nhơn tư bản về quyền lợi và điều kiện làm việc của giới lao động mingong’.  Nhận xét nầy được đăng trên mục xã luận của Tuần báo kinh tế Caijing trung tuần tháng 6 2010. Ngày 4 tháng 6 kỷ niệm lần thứ 21 phong trào Tien An Men, Công đoàn quốc doanh Cộng sản ra một Nghị định quyết cũng cố vai trò của Công đoàn trong tất cả mọi xí nghiệp ngoại quốc. Và còn tiến xa hơn nữa, Tuần báo Nan Fang Zhoumo ngày 10 tháng 6 cũng kêu gọi: “Hãy tạo một mô hình tổ chức Nghiệp đoàn Công nhơn” Và anh nhà báo Dai Zhiyong, trong bài xã luận ấy, đề nghị các công nhơn các xí nghiệp nhỏ (dưới 1000 công nhơn) hãy trực tiếp bầu các đại diện nghiệp đoàn.
Cơn gió dân chủ nầy bắt đầu làm hoảng nhà cầm quyền Trung Quốc. Viễn ảnh một Ba lan hay một Nam Hàn dân chủ hoá năm 1980, do sự lớn dậy của một Phong trào Nghiệp đoàn đã làm sụp đổ chế độ Cộng sản bắt đầu ám ảnh vài nhơn vật cầm quyền Trung Quốc!
Beijing từ lâu, cũng nhìn nhận phải làm một cái gì để san bằng bất công đối với nhóm mingong, những nông dân bỏ nhà bỏ ruộng ra thành phố xây dựng cái Trung Quốc tiến bộ ngày nay. Chế độ Hộ khẩu khắt khe ở những thành phố không cho các mingong nhập khẩu dễ dàng biến họ thành những công dân loại 2. Nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc biết nếu không làm một cái gì thay đổi cái nhìn của nhóm mingong, Trung Quốc sẽ có một cuộc nổi loạn không lường được. Thế nhưng, Beijing cũng không muốn các nhà đầu tư ngoại quốc, những người đã giúp Trung Quốc giàu mạnh như ngày nay, bỏ đầu tư ở Trung Quốc, đi giao việc làm cho các quốc gia láng giềng như Việt Nam.
Vào ngày 1 tháng giêng năm 2008, nhận thấy tình hình công nhơn bắt đầu căng thẳng, nhà cầm quyền Trung Cộng ra một đạo Luật Lao động buộc các nhà đầu tư ngoại quốc phải trả thêm 30% lương bổng gồm cả bảo hiểm sức khỏe và quỹ hưu trí. Thật là một tiến bộ lớn lao! Nhưng than ôi, Nhà cầm quyền Beijing gặp ngay sự phản kháng cúa các nhà đầu tư, và bắt đầu ngay 6 tháng sau, viện cớ có khủng hoảng kinh tế, các xí nghiệp ngoại quốc bắt đầu đuổi công nhơn, thậm chí khai phá sản đóng cửa và sau đó mở lại với một thương hiệu khác và mướn người rẻ hơn. Mùa thu cùng năm luật ấy bị bãi bỏ.

Thay lời kết

Từ nay, người lao động Trung Quốc sẽ tạo một không khí lao động mới với những luật lệ Lao động mới, với những Nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi công nhơn. Giữa hai giới: giới chủ nhơn tư bản làm giàu cho Trung Quốc, giới công nhơn mingong, có công xây dựng cho nền kinh tế Trung Quốc, phải thương thuyết với nhau để tạo những điều kiện làm việc mới. Trung Quốc sẽ phải thay đổi cái nhơn sanh quan về tổ chức lao động để làm một Trung Quốc mới, cân bằng hơn, bền vững hơn, phát triển đồng bộ hơn giữa hai Miền Duyên Hải và Nội địa. Có như vậy Trung Hoa mới tồn tại được, và cũng tại như vậy Trung Quốc bắt buộc phải dân chủ hóa. Những tuyên bố khiêu khích dân tộc, bành trướng vừa qua, chỉ là những tấm bình phong để che đậy những khó khăn trong nước hiện nay đó thôi.
Mong nhà cầm quyền Việt Nam nhìn gương anh bạn Tàu của mình mà can đảm, dũng mãnh tuyên bố chủ quyền Việt Nam trên lãnh hải, lãnh địa của mình. Và cũng phải biết tỉnh ngộ đối đãi một cách dân chủ và công bằng với giới công nhơn lao đông, và nhơn dân của mình.
Hãy tỉnh ngộ nhận xét rằng, nếu lúc xưa Đảng Cộng sản sử dụng công nhơn để Đấu tranh giai cấp cướp chánh quyền, đem quyền lực về cho Đảng Cộng sản, thì ngày hôm nay, cũng bởi giai cấp công nhơn đấu tranh giai cấp, Đảng cộng sản sẽ bị lật đổ, trả quyền lực về cho nhơn dân.
“Vùng lên những kẻ nô lệ của thế gian!” *….
 “Các Công nhơn của thế giới, hãy họp lại nhau!”.**
Ngày mai, công nhơn của hai quốc gia Cộng sản Việt Nam và Tàu sẽ vùng lên lật đổ độc tài tạo nền Dân chủ để phát triển bền vững.
Mong lắm!

Phan Văn Song


*Câu đầu của Quốc tế ca
** Khẩu hiệu của Đảng Cộng sản quốc tế.
.
.
.

No comments:

Post a Comment