Tuesday, October 26, 2010

CHÚNG TA BIẾT ĐƯỢC GÌ TỪ HỘI NGHỊ TW 5 CỦA ĐẢNG CSTQ ?

Ngụy Kinh Sinh

Chúng ta biết được điều gì từ hội nghị trung ương 5 của Ủy ban Trung ương khóa 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc?

Kỳ họp lần thứ năm vừa kết thúc của khóa 17 Uỷ ban trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc được chú ý rộng rãi của truyền thông Trung Quốc và nước ngoài. Sự chú ý vì bởi trong phiên này, ngoài các chủ đề truyền thống của kế hoạch năm năm sắp tới, ba chủ đề rất gay cấn mà người ta quan tâm hơn được thảo luận.
Một trong những chủ đề này là vấn đề kế nhiệm. Trong một hệ thống độc tài, chủ đề này được dân chúng chú ý nhiều hơn so với cuộc bầu cử ở Mỹ. Trong một nước dân chủ như Hoa Kỳ, chính sách căn bản của nhà nước không thay đổi nhiều khi có một tổng thống mới. Các chính sách hiệu quả nhất sẽ không thay đổi. Đó là bởi vì tất cả các chính sách có cơ sở pháp lý từ Quốc hội Mỹ. Tổng thống và bộ máy hành pháp của tổng thống theo truyền thống chỉ thi hành luật pháp, thay vì làm ra luật pháp. Vì vậy, sự thay đổi và phát triển của đất nước đi theo một quỹ đạo êm dịu, thay vì một tình trạng hỗn loạn không ngừng của sự thăng trầm.
Nhưng tình hình của Trung Quốc thì khác. Ngay những người dân thường đều rất quan tâm về chính trị. Tại sao? Bởi vì kinh nghiệm lịch sử cho chúng ta biết rằng một thiểu số người làm ra chính sách và luật pháp. Một lãnh tụ mới thường luôn đốt ba đống lửa lớn để làm nên tên tuổi của mình. Các đống cháy này thường có hậu quả là thiêu đốt quyền lợi của người dân. Các ước mơ của người dân nghèo chỉ khác nhau có một chút, nhưng những thay đổi chính sách thì quá lớn đến độ khó mà biết được. Ngày nay, có nhiều người phương Tây đang làm ăn với người Trung Quốc, do đó họ cũng hết sức quan tâm về thay đổi lãnh đạo hàng đầu trong chế độ Cộng sản Trung Quốc.
Vấn đề bất thường thứ hai là các tin đồn về cải tổ chính trị. Trong hai tháng trước đó, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và một số cơ quan truyền thông làm ầm ĩ trên một quy mô lớn về cải tổ chính trị, và làm ra vẻ như thật. Vì vậy, nó đã làm cho một số người thiển cận nhảy múa vì vui mừng, đã trở nên kích động như điên. Họ nghĩ rằng thời gian đã chín muồi để tương tác với Đảng Cộng sản, với “những trái tim tử tế”, và rằng những con chó sói với ý định vồ mồi cuối cùng đã tự biến mình thành những kẻ ăn chay.
Vấn đề thứ ba lại càng khó khăn hơn. Đó là sự thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ và Châu Âu không muốn trì hoãn lâu hơn nữa đòi hỏi của họ về cải tổ tiền tệ. Chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc đang đứng ở ngã tư đường. Cho nên, các nhà lãnh đạo cộng sản có những bất đồng và chưa chọn được một con đường nào rõ rệt. Vấn đề này là những gì mà cộng đồng quốc tế đang có nhiều quan ngại.
Vấn đề kế nhiệm đã được giải quyết suông sẻ trong sự ngạc nhiên. Ban đầu, vấn đề này rất khó khăn để giải quyết vì hai phe không chấp nhận nhượng bộ. Theo thông lệ, nó lẽ ra phải được giải quyết vào năm ngoái. Tuy nhiên, kết quả lúc đó gần như là một sự đấm đá, vì vậy, nó được dự kiến là sẽ khó có thể giải quyết suông sẻ trong năm nay. Tuy nhiên, nó đã trở thành giải pháp duy nhất thực sự có được trong số tất cả các vấn đề của hội nghị này.
Lý do đằng sau của giải pháp này là cả hai phe của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đang phải đối mặt với hai vấn đề khác nghiêm trọng hơn, vấn đề cải tổ chính trị và vấn đề kinh tế. Trong hai vấn đề này cả hai phe đều là thiểu số trong Đảng Cộng sản. Cả hai phe đều cần đồng minh và không muốn đi vào một cuộc đấu tranh quyết liệt trong nội bộ Đảng Cộng sản. Vì vậy, Tập Cận Bình có thể êm ả đạt được tiêu chuẩn của người kế nhiệm. Kết quả này là điều mà chúng ta thường thấy trong chính trị – khi nghêu cò tranh nhau thì ngư ông đắc lợi – phe thứ ba sẽ hưởng lợi từ cuộc đấm đá của hai phe kia. Tuy nhiên, hai vấn đề kia đã không diễn ra suông sẻ.
Cải tổ chính trị là một vấn đề lớn. Chế độ cộng sản đang ở trong vị thế bấp bênh. Đây là một sự kiện thực tế mà hầu hết mọi người nhìn thấy. Tuy nhiên, các phản ứng để đối phó với thực tế này thì lại không giống nhau. Tôi nhớ cách đây vài năm có một nhóm học giả phóng đại trên một bình diện rộng lớn về “chính trị của đám đông ô hợp” và lên án dân chúng khi sự chống đối của người dân càng ngày càng mạnh hơn. Các học giả có ý muốn dẫn dắt dư luận quần chúng bằng sự đàn áp xu hướng chống đối. Tuy nhiên, họ đã không thành công.
Về cơ bản, quan điểm của họ là “hòa bình, hữu lý, bất bạo động”, trong nỗ lực để “tương tác tích cực” với chế độ Cộng sản. Nhưng, người dân bị đẩy vào chân tường, không có sự lựa chọn sẽ không chấp nhận lý thuyết này. Khi chính sự sinh tồn của người dân là một vấn đề, và với vị trí của Đảng Cộng sản hết sức rõ ràng, thì ai có thể đánh lừa dân chúng được dưới ánh sáng mặt trời? Vì vậy, những người có tầm nhìn xa trong giai cấp thống trị đã đi đến kết luận là: nếu không tôn trọng ý chí quần chúng, cải tổ để trở thành hệ thống dân chủ kiểu phương Tây, thì không thể giải quyết những vấn đề hiện tại ở Trung Quốc. Khi hỗn loạn, những người trong giai cấp thống trị sẽ là nạn nhân của các sự trả thù.
Thay vì là nạn nhân sau cuộc cách mạng, thì tốt hơn hết là nên đi vào con đường cải tổ thông qua pháp luật và phương tiện của diễn biến hòa bình. Con đường này sẽ bảo vệ được tính mạng và tài sản của họ. Quan điểm này đã làm cho một số những người thành công về kinh tế, chính trị và văn hóa hình thành một nhóm chính trị mà hiện nay được gọi là phe cải cách trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Động cơ của họ thì rõ ràng: để bảo vệ yên ổn tài sản và danh tiếng của họ từ các động thái vi phạm chết người, chỉ có cải cách chính trị mới có thể giải quyết sự hỗn loạn hiện nay.
Tuy nhiên, những người này không phải là dòng chính trong tầng lớp quan chức. Các quan chức cao cấp hiện tại nhưng làm giàu chưa đủ và thân nhân của họ, hoặc những quan chức không tin rằng người dân thường sẽ để cho các lãnh tụ Đảng Cộng sản được ra đi tự do mà không bị trả thù. Những người này là dòng chính với lợi thế tuyệt đối về cả hai phương diện, số đông và sức mạnh thực sự của quyền lực. Hồ Cẩm Đào là đại diện đầu não của họ, và người kế thừa, ông Tập Cận Bình đang cố gắng hết sức để đóng vai trò đại diện đầu não. Vì vậy, trong khi phe chủ trương cải cách chính trị có sự hỗ trợ của nhân dân và dư luận quần chúng, họ không thể thay đổi tình hình. Sự yếu kém của chính họ cũng có nghĩa là họ sẽ không bao giờ trở thành đa số.
Rồi có một vấn đề khác quan trọng nhất, việc cải cách hệ thống kinh tế. Đảng có nên tiếp tục làm cho người dân Trung Quốc bị tổn hại, cũng như gây nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới, bởi cái gọi là  ”mô hình Trung Quốc”? Hay là Trung Quốc nên hướng tới một nền kinh tế thị trường công bằng và đúng nghĩa? Điều này được thảo luận là do bởi các nước phương Tây áp lực phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Về vấn đề này, phe cải cách chính trị và phe bảo thủ có cùng chung một quan điểm, bởi vì cả hai phe đều có đặc quyền đặc lợi trong hệ thống hiện tại.
Nói một cách khác, hệ thống bất công hiện tại là điều kiện cơ bản để họ có được lợi ích kinh tế. Cùng với các nhà tư bản phương Tây, họ mạnh mẽ chống lại sự tăng giá đồng nhân dân tệ, kiên quyết chống lại thương mại quốc tế công bằng, kiên quyết chống lại các cải cách của cái gọi là “mô hình Trung Quốc”, và rất muốn ngăn chặn một sự tăng trưởng bình thường của thị trường tiêu thụ của người bình dân Trung Quốc. Chỉ có “mô hình Trung Quốc” và chuyên chế chính trị mới có thể đảm bảo cho họ được liên tục hưởng các lợi nhuận thặng dư. Nhìn qua khắp nước Mỹ, cả nước muốn trừng phạt Trung Quốc vì mậu dịch bất công, chỉ có Phòng Thương mại Hoa Kỳ là đồng minh trung thành của chính quyền Trung Quốc. Họ đang bảo vệ cơ hội của họ để chia sẻ lợi nhuận thặng dự.
Tuy nhiên, bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn còn một lực lượng rất mạnh mẽ muốn thúc đẩy cải cách hệ thống kinh tế. Một số quan tâm về điều kiện sống của người dân bình thường, một số quan tâm về sự phát triển kinh tế bền vững, và một số đang tự hỏi nếu chế độ Cộng sản Trung Quốc có thể được duy trì. Kết cuộc là, chống lại thế giới và cũng chống lại chính dân chúng mình thì vi phạm điều cấm kỵ của những chiến lược gia quân sự kể từ thời cổ đại. Vi phạm điều cấm kỵ này chắc chắn sẽ đưa đến sự diệt vong.
Dù đứng trên quan điểm nào, cuối cùng rồi cũng phải đi đến sự cải cách hệ thống kinh tế không hợp lý. Đây chính là lợi ích của người dân Trung Quốc, mà cũng là nhu cầu của sự hồi phục kinh tế toàn cầu. Chiều hướng toàn cầu thì khó mà đứng lại. Cuối cùng rồi, sự liên minh của tư bản Trung Quốc và tư bản nước ngoài mà thôi, sẽ không đáp ứng được trong thế giới của ngày hôm nay.
© Ngụy Kinh Sinh
Bản tiếng Việt:  Lê Minh Nguyên
.
.
.

No comments:

Post a Comment