Tuesday, October 26, 2010

BẮT CHẸT "ĐẤT HIẾM"

Nguyễn Xuân Nghĩa
Monday, October 25, 2010

Ðặng Tiểu Bình: “Trung Ðông có dầu khí, Trung Quốc có đất hiếm...”

Sau 1975, cả trăm chuyên gia và trí thức của miền Nam đã được tập trung vào trụ sở cũ của Viện Văn Hóa Ðức tại Sài Gòn để học tập về “Lý luận Mác-Lênin”. Nơi đây, các giáo sư kinh tế, luật khoa, chuyên gia ngân hàng, v.v... được cán bộ cao cấp từ Hà Nội vào giảng dạy về kinh tế chính trị học xã hội chủ nghĩa, tư bản chủ nghĩa, v.v... Một kinh nghiệm khá bi hài.

Có lần họ được nghe một chuyên gia thượng thặng về kinh tế của miền Bắc kể lại chuyến viếng thăm Nhật Bản ông vừa hoàn tất. Các chuyên gia của miền Nam bàng hoàng khi ông ta phát biểu, rằng nước ta còn nghèo nên phải xuất cảng gỗ, chứ đến khi khá giả hơn thì Nhật Bản sẽ có ngày khốn đốn vì thiếu gỗ xây nhà!

Ngày nay, chúng ta chưa thấy chuyện đó được chứng nghiệm - xin miễn nói về nạn đốn cây, phá rừng hay cho thuê rừng thuê đất ngày nay, và về lời phát biểu của ông mà sau này sẽ là phó thủ tướng của Hà Nội trong thời khủng hoảng. Nhưng đã thấy sự vận hành của “quy luật Ðặng Tiểu Bình”. Chẳng là, năm 1992, lãnh tụ công cuộc cải cách tại Trung Quốc đã phát biểu, rằng “Trung Ðông có dầu khí thì Trung Quốc có đất hiếm”.

Trong tháng qua, vì tranh chấp chủ quyền và mâu thuẫn ngoại giao, Trung Quốc quyết định hạn chế xuất cảng đất hiếm qua Nhật khiến doanh nghiệp Nhật Bản lúng túng không ít. Lúng túng không ít, nhưng chưa hẳn là khốn đốn, vì từ nhiều năm nay người ta đã dự đoán chuyện này...

Nhưng mà “đất hiếm” là gì?
Là một từ dịch sai từ một khái niệm còn quá thô sơ của Pháp vào thế kỷ 19, từ chữ “terre rare” ra “rare earth” hay “rare earth elements”, viết tắt là REE. Trung Quốc dịch cũng chẳng rõ hơn thành “Hy Thổ Kim Thuộc”. Dịch cho dễ hiểu thì ta có chữ “kim loại hiếm”.
Ðấy chỉ là những kim loại hiếm hoi mà loài người đào được từ vỏ trái đất. Ðào đất lên, cán vụn thành sỏi, rồi xay thành bụi để qua nhiều đợt đãi lọc tinh chế bằng vật lý, hóa học hay quang học thì có được 17 nguyên tố hóa chất, thứ kim loại cần thiết cho nhiều ngành kỹ nghệ. Người viết chỉ xin kể nơi đây vài thứ tiêu biểu như Promethium cho lò nguyên tử, Lanthium cho các cọc bình điện hay ống kính máy ảnh, Samarium cho nam châm hay lasers, Gadolinium cho bộ nhớ của máy điện toán, v.v...

Nói cho đơn giản thì cả tấn đất có khi chỉ gạn ra vài gram kim loại cực quý vì không thể thiếu trong hầu hết máy móc thiết bị của nền văn minh hiện đại. Từ máy nói, máy ảnh, máy tính, máy phát điện đến máy bay, có hay không có người lái và cả... bom khôn. Từ kỹ nghệ không gian đến quốc phòng, đến năng lượng xanh, v.v... người ta đều cần đất hiếm.

Trung Quốc hiện sản xuất ra từ 95 đến 97% tổng số nhu cầu của thế giới - và cung cấp 60% nhu cầu của Nhật Bản. Khi hữu sự, việc Bắc Kinh hạn chế xuất cảng kim loại quý như vậy phải gây vấn đề cho Nhật Bản hay cả thế giới. Bài toán kinh tế ấy tất nhiên hàm chứa nội dung chính trị.

Nhưng.... chính trị cũng lại là kinh tế!
Trước hết, “kinh tế chính trị học Trung Quốc” là sản xuất tối đa mà bất kể lời lỗ về kinh doanh vì chỉ để tạo ra công ăn việc làm cho một dân số quá đông. Quan niệm của lãnh đạo về “mức lời” là sự ổn định chính trị và xã hội bên trong và xây dựng thế lực kinh tế với bên ngoài. Nhưng lỗ lã không thể tính là sự tổn thất về môi sinh, là khối tín dụng sẽ biến thành nợ thối hay là các doanh nghiệp sẽ phá sản nếu không được trợ cấp để tồn tại....
Y như nhiều ngành công nghiệp khác, kỹ nghệ khai thác kim loại hiếm của Trung Quốc có thể minh diễn điều ấy.

Từ khi đi cào đất hiếm, ba chục năm về trước, Trung Quốc đã cướp cờ vô địch của các quốc gia sản xuất khác, như Hoa Kỳ, Úc, Brazil, Ấn Ðộ, Mã Lai Á hay Liên bang Nga... Cũng với sự hồ hởi thi đua trong bước Nhảy vọt Vĩ đại - Ðại Dược Tiến - của Mao Trạch Ðông, các doanh nghiệp nhà nước bất kể lớn nhỏ đã được cấp phát tín dụng để cào đất hiếm và đạt thành tích vẻ vang.
Ðó là trong 10 năm đầu sau cải cách, sản lượng gia tăng 40% một năm. Rồi cứ năm năm lại nhân đôi một lần - nghĩa là tăng 14% một năm - cho tới khi giật cờ đỏ năm ngoái là cung cấp chừng 95% nhu cầu của thế giới. Nhưng vì sản xuất ào ạt nên cũng làm giá sụt mất 95% so với tình hình năm 1979! Con số 95 dễ nhớ về một kỷ lục hy hữu, kỷ lục chát đất vào mặt....

Vì mặt trái của kinh tế chính trị học kiểu Trung Quốc là rất nhiều doanh nghiệp bị lỗ do bán dưới giá thành. Chưa kể các “ẩn phí”: mất mát kinh hoàng về môi sinh, phí tổn khó đếm nổi về sức khỏe của công nhân hay sự an toàn của lao động.
Ðâm ra, nhìn trên toàn cảnh thì cả triệu người Trung Quốc có đóng góp mồ hôi và xương máu cho cuộc cách mạng về thuật lý (technology) của thế giới nhờ bán ra kim loại quý với giá bèo! Còn nhìn về kinh doanh thì trong giá thành của các loại máy móc tinh vi nhất, từ máy lọc dầu tới bình điện xe hơi loại hybrid, phí tổn cho kim loại quý chỉ chiếm phần cực tiểu. Thí dụ như 0.2% trong một máy chiếu điện MRI, hay 0.04% trong bộ phận lọc dầu “refining catalyst” mà nước Mỹ phải dùng mỗi ngày, hoặc 0.8% trong chiếc xe Prius của Toyota.

Trung Quốc giật cờ đỏ là như vậy...
Lãnh đạo Bắc Kinh dĩ nhiên là không khờ. Họ thấy ra cái hố đen của đất hiếm và từ 5 năm nay đã bắt đầu sửa sai. Họ kiện toàn việc tổ chức và điều hướng sản xuất cho mục tiêu chiến lược và tìm cách bảo vệ các nguồn cung cấp từ bên ngoài. Ngẫu nhiên sao, đấy cũng là lúc bauxite của Việt Nam được chiếu cố... Nghi quá!

Thề rồi, đầu năm nay Quốc Vụ Viện - Hội đồng Chính phủ - khai triển chủ trương tái phối trí các ngành chiến lược bằng cách kiểm soát việc khai thác cho hợp lý hơn. Các doanh nghiệp chế biến trái phép hoặc buôn lậu đất hiếm phải đóng cửa, số cơ sở sản xuất sẽ giảm từ 90 xuống 20 đơn vị, trở thành tập đoàn quốc doanh có kích thước lớn hơn và hiệu năng cao hơn. Hạn ngạch xuất cảng và cả hệ thống vận chuyển, tồn trữ và phân phối cũng được thanh tra lại, v.v...

Ðầu Tháng Chín, Bắc Kinh đặt ra hạn ngạch xuất cảng trong 5 năm tới là mỗi năm không bán quá 35 ngàn tấn. Tuần qua, họ hãm thắng còn bạo hơn: mỗi năm sẽ giảm hạn ngạch xuất cảng thêm 30%. Tức là Trung Quốc tập trung và chấn chỉnh kỹ nghệ khai thác kim loại hiếm. Chứ không bừa phứa và hoang phí như trước.

Nghĩ thì cũng phải, thế giới không thể cùng lãnh đạo Bắc Kinh xiết họng công nhân và hủy hoại môi sinh như trước nữa... Bài học này chưa thấm tới Hà Nội khi ta nhìn vào kế hoạch bauxite - cũng do Trung Quốc chủ xướng!

Huống hồ, kim loại quý lại là nhu yếu phẩm cho kỹ nghệ tiên tiến về an ninh, quốc phòng. Cùng với việc rà lại hệ thống sản xuất, Bắc Kinh lập kế hoạch kiểm tra mọi nghiệp vụ đầu tư, liên doanh và sản xuất các sản phẩm thuộc về quyền lợi hạch tâm. Nói ra bạch văn thì lãnh đạo Trung Quốc điều hướng lại sản xuất để tiến dần đến chế độ độc quyền khai thác các sản phẩm liên hệ đến an ninh chiến lược. Dại gì mà không làm như vậy?

Vì họ thấy rõ là với đà phát triển hiện nay thì trong một tương lai không xa, Trung Quốc chỉ có đủ đất hiếm cho nhu cầu nội địa mà thôi. Vì thế, việc Nhật Bản bị phong tỏa - dù cho đến tuần qua Bắc Kinh vẫn chối - không thể là chuyện bất ngờ.

Bây giờ, ba chục năm sau khi Ðặng Tiểu Bình cải cách, thế giới tính sao về bài toán vừa kinh tế vừa chính trị này?

Trung Quốc cung cấp 97% sản lượng kim loại quý cho thế giới. Nhưng vốn liếng dằn lưng - là trữ lượng của các sản phẩm này trong lãnh thổ - từ Nội Mông tới Sơn Ðông, Phúc Kiến, Giang Tây, Quảng Ðông, v.v... chỉ có chừng 36% của thế giới và lại bị lạm thác từ mấy chục năm nay. Mà ngoài vòm trời này còn có vòm trời khác. Hoa Kỳ, Nga, Úc, Ấn Ðộ, v.v... cũng có loại đất quý ấy. Xưa kia, các nước công nghiệp như Hoa Kỳ thì khôn ngoan đậy mỏ để bảo vệ môi sinh, khi giá rẻ như bèo nhờ Trung Quốc. Nhưng bây giờ, khi Bắc Kinh muốn bắt chẹt, tình hình sẽ khác.

Từ nay sẽ khác thế nào?
Trước hết, thế giới ý thức được rằng Trung Quốc là xứ bá quyền ngang ngược, bất chấp luật chơi quốc tế và nay muốn chiếm độc quyền về một sản phẩm chiến lược. Tại Hoa Kỳ, Bộ Quốc Phòng Mỹ đã nghiêng mình ngó vào hồ sơ đất hiếm. Vấn đề nào chỉ có kinh tế!
Bài toán đầu tiên là chuyện cung cầu và giá cả: Nếu nguồn cung cấp mà giảm thì giá sẽ tăng. Giá mà tăng thì việc sản xuất sẽ khác vì có lời hơn. Nhiều khu chế biến đất hiếm trước đây đã tạm đóng cửa vì ít lời và gây ô nhiễm lại trở thành hấp dẫn. Ðó là trường hợp khu vực Mountain Pass của Mỹ tại California, hay Mount Weld của Úc. Ngoài Hoa Kỳ và Úc, nhiều quốc gia khác cũng có loại đất hiếm này, như Canada, Greenland, Kazahkstan, Liên bang Nga, Cộng hòa Mông Cổ, Ấn Ðộ, Nam Phi và cả Việt Nam... Và khi đất hiếm mà lên giá thì nhu cầu khảo sát thêm về địa chất có thể giúp người ta tìm ra nhiều nguồn cung cấp mới, ở xứ khác.
Nhưng, từ khi thấy ra vấn đề đến ngày thực hiện giải pháp, người ta mất vài ba năm.

Tìm ra tiền đầu tư thì còn dễ, tìm ra sự đồng thuận về luật lệ để bắt đầu khai thác mới là khó. Xưa nay, Hoa Kỳ đóng mỏ để bảo vệ môi sinh và thú hiếm nên đang dẫn đầu thế giới về sản lượng thì từ cả chục năm nay không sản xuất gì nữa. Nhập cảng đất hiếm và xuất cảng ô nhiễm, vì đẩy vấn đề môi sinh cho xứ khác, là cách tính toán khôn ngoan. Từ nay người Mỹ sẽ tính lại. Khai thác hầm mỏ cũ thì có lợi vì đã sẵn hạ tầng cơ sở, nhưng cũng bị trở ngại vì đã có luật lệ về môi sinh. Nhất là sau tại nạn về dầu khí của hãng BP tại Vịnh Mễ Tây Cơ và vụ sụp hầm mỏ của Chile hồi Tháng Tám.

Nhưng, may là Bắc Kinh càng gây sức ép thì Quốc Hội và các cơ quan hữu trách của Mỹ càng phải tính cho nhanh. Cho nên, Trung Quốc cũng đang... tạo ra việc làm cho những người tranh đấu về môi sinh! Hoa Kỳ phải chọn lựa và trả giá chứ không thể hít thở khí trời trong sạch mà đẩy bụi qua xứ khác. Kinh tế Trung Quốc sẽ thành đề mục đấu tranh chính trị và luật pháp ngay trong xã hội Hoa Kỳ.

Một lối suy tính khác: Nếu không có sẵn dự trữ hoặc bị trở ngại về luật lệ thì người ta có thể tìm nguồn cung cấp ở xứ khác. Nhật Bản nhìn qua Mông Cổ và Việt Nam theo hướng đó. Nếu mấy xứ này lại mau mắn áp dụng bài bản Trung Quốc để cào đất bán rẻ và cho dân hít lấy bụi độc thì đó là vấn đề của họ. Lại chuyện... bauxite!

Dù sao, khai thác đất hiếm với mối quan tâm cao hơn và tiêu chuẩn chặt chẽ hơn về môi sinh và sức khỏe sẽ khiến giá thành của kim loại hiếm này phải tăng. Khi ấy, người ta sẽ nghĩ đến việc tái tạo các sản phẩm phế thải, cải thiện quy trình sản xuất cho tinh vi và có hiệu năng hơn, hoặc tìm ra giải pháp thay thế. Một hoàn cảnh lý tưởng cho nhiều khám phá mới sau này.

Trong khi chờ đợi, mọi chuyện sẽ lại đảo lộn
Kỹ nghệ tiên tiến của toàn cầu dùng nhiều loại kim loại hiếm khác nhau và mỗi loại lại có đặc tính riêng về mức cần thiết, hữu ích hay sự co giãn cao thấp của giá cả. Có loại dù cực đắt thì vẫn không thể thiếu, như cho kỹ nghệ quốc phòng. Có loại mà kỹ nghệ có thể ứng biến để thay thế được, nhưng muốn thay thế giả dụ như máy phát điện trong xe Prius, người ta sẽ mất thời gian và tiền.

Vả lại, chuyện chiến lược là cái đầu hơn là cục đất: Trung Quốc có đất hiếm nhưng kiến năng sử dụng lại nằm bên ngoài. Trung Quốc có bán một tấn đất với giá rẻ mà phải mua sản phẩm hoàn tất nhỏ xíu với giá cực đắt thì chưa chắc đã nắm dao đằng chuôi. Ðấy là lúc có thể trả giá... Vì vậy, trong chi tiết thì thế giới có nhiều kịch bản khác nhau cho cả chục kim loại hiếm. Bài viết xin không đi vào chi tiết...

Chi tiết đáng chú ý nhất là nhờ trận đánh của Trung Quốc trên mặt trận đất hiếm - vấn đề kinh tế lồng trong chính trị - người ta chú ý hơn đến việc cào đất kiếm ăn. Gần đây, khi Hung Gia Lợi bị tai nạn về bùn đỏ và Bắc Kinh gây áp lực với Nhật về đất hiếm, chúng ta càng nên nhìn lại kế hoạch bauxite của Việt Nam với nhãn quan mới.
Tệ nhất là lại áp dụng “kinh tế chính trị học” kiểu Trung Quốc ngay trên lãnh thổ mình - ở một khu vực địa dư chiến lược của đất nước! Tối dạ.

--------------------------

.
.
.

No comments:

Post a Comment