Wednesday, October 27, 2010

BỒNG MIÊU - CÂU CHUYỆN TỨC NƯỚC VỠ BỜ (Kỳ 1 & Kỳ 2) - Liêu Thái

Phóng sự của Liêu Thái/Người Việt
Friday, October 22, 2010

LTS: Bồng Miêu là mỏ vàng được coi là lớn nhất Việt Nam thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, hôm 25 tháng 8, đã nổ ra vụ bạo động với 500 người dân thuộc ba thôn An Lâu 1, An Lâu 2 và Bồng Miêu đã đánh trả lực lượng công an sau khi anh Dương Văn Yên, 19 tuổi, vào bãi thải của nhà máy vàng Bồng Miêu mót quặng bị công an bắt và tra tấn bằng cách dí roi điện vào vùng kín. Vừa qua, ký giả Liêu Thái, cộng tác viên của Người Việt đã có chuyến đi về Bồng Miêu để tìm hiểu về cuộc sống ngột ngạt của người dân ở đây sau vụ bạo động.

Kỳ 1
Những cái lạ ở Bồng Miêu
Hơn hai tuần sau biến cố người dân biểu tình, chống cự lại công an và đập phá khu mỏ vàng ở mỏ vàng Bồng Miêu, tôi và một người bạn thử lên tận nơi điều tra hư thực ra sao. Có thể nói địa thế ở đây quá hiểm trở và lòng dân ở đây cũng heo hút không gì bằng...

Công an chìm giả làm người câu cá canh chừng xung quanh mỏ vàng Bồng Miêu. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Sau đoạn đường dài 100 cây số, đi ngang qua thành phố Tam Kỳ - Quảng Nam, ngược đường lên hồ Phú Ninh, qua huyện Phú Ninh, ngược theo đường kênh dẫn nước từ lòng hồ và đi theo con đèo dọc bờ hồ, đến thôn Bồng Miêu - xã Tam Lãnh - huyện Phú Ninh, tôi ghé vào một quán nước ven đường, nằm trong địa phận bãi vàng. Ở đây, mọi thứ đều kì cục.
Ðiều kì cục đầu tiên có lẽ là sự im lặng đáng ngờ của những con người trong quán nước. Có cảm giác họ nhìn chúng tôi là kẻ đang đi điều tra, mọi câu hỏi của tôi về chuyện làm vườn, chuyện lượm đá cảnh đều được trả lời một cách hết sức thận trọng.
Vào vai những người đi nhặt đá cảnh, chúng tôi đi sâu vào trong bãi sông Bồng Miêu. Ở đây, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường một cách không bình thường, xe ủi đất, lấy cát sạn cho xây dựng vẫn tiếp tục hoạt động.
Anh bạn nói với tôi rằng đó là một kiểu làm việc khác thay vì nói là đào vàng, những tư thương mạnh tiền cứ mua một bãi chừng vài chục hecta đất với giá chừng tám trăm triệu đồng cho mục đích khai thác cát, sỏi, sau đó họ tách riêng quặng và vật liệu, khai thác quặng lấy vàng... Theo anh bạn nói thì chỉ cần lấy cát và sỏi không cũng thừa vốn, cái lãi thì vô cùng. Nhưng chỉ có dân máu mặt mới làm được điều này.
Ðến chỗ đầu bãi, chúng tôi gặp một người đàn ông ngồi câu cá trong mưa lạnh, nhìn cách trang bị cần câu, ngồi dầm chân trong nước và chiếc mũ an toàn có gắn thêm một vật lạ giống như microphone thì biết rằng ông này “câu” rất chuyên nghiệp. Anh bạn bảo rằng có rất nhiều người “câu cá” và “bẫy chim” như vậy quanh vùng mỏ trong những ngày gần đây.
Tôi và người bạn lội sâu vào bên trong bãi đá và chụp [lén] một số hình, người đàn ông lạ hỏi xin tí lửa để mồi thuốc, khi mồi, ông cố gắng xoay “cúc áo” về phía chúng tôi. Tôi hiểu ra mình đang đi vào chỗ khó. Nhưng vẫn xem như chưa gặp ông ta và không biết gì, tiếp tục “tìm đá”.

Ðường vào mỏ vàng Bồng Miêu. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Chúng tôi nhặt đá và sau đó quay trở ra quán nước cũ, vì khu vực bên trong hoàn toàn không thể vào được, khu vực cấm, dành cho công ty vàng Bồng Miêu, chỉ thấy thấp thoáng cửa hầm và xe cộ, khói bụi nặng nề...
Ở quán nước, sau một lúc nói chuyện, xem đá, người đàn ông tên H. đồng ý cho tôi xem mấy dây chuyền máy móc đãi vàng của họ. Và anh nói rằng chúng đã bị niêm phong từ sau vụ em Dương Văn Yên.
Tôi hỏi gợi chuyện em Yên, nhận được sự im lặng đáng sợ của anh H. và nghe một tiếng nổ “đoàng”, chiếc hộp quẹt gas bị ném vào thành chiếc xe cần xúc phát ra âm thanh này. Tôi hiểu mình đang làm họ bực. Vờ như không hay biết, tiếp tục xem đá và chọn mẫu. Anh H. cho biết đây là đá quí, không thể bán giá rẻ được.
Mọi việc vẫn nằm trong sự im lặng đáng sợ và chúng tôi luôn bị một ánh nhìn ngờ vực...
Tôi và anh bạn tiếp tục lội sang các điểm khác “tìm đá”.
Trực giác mách bảo, tôi ghé vào nhà một người đàn ông có ánh nhìn lạ xoáy vào tôi khi tôi nhìn vào đống đá trước sân nhà của ông. Mọi chuyện bắt đầu mở ra...
Người đàn ông này là người thân của em Dương Văn Yên. Cậu bé bị dí roi điện vào tinh hoàn hôm trước vụ biểu tình.
Ông kể: “Hôm đó có khoảng hai ngàn người tất cả, cùng vào biểu tình, chống đối phía công an. Thật ra chúng tôi chẳng muốn làm vậy, tức nước vỡ bờ thôi... Trước đây chuyện công an bảo vệ thuê cho mỏ, mỗi khi bắt gặp người đào trộm quặng thì đánh đập là chuyện thường ngày. Nhưng rồi dần dần chúng tôi nhận ra mình không thể bị đánh mãi như con vật vậy được, chúng tôi tức lắm, cho đến lúc thằng cu Yên (tức em Dương Văn Yên, con ông Dương Văn Thanh [người dân thôn Bồng Miêu] bị đánh, bị châm roi điện vào tinh hoàn) cho đến ngất xỉu thì chúng tôi mới bực tức và nổi lên như vậy ông à!”
“Hôm đó khoảng chừng 19 giờ tối thì phải, tôi nghe thằng Yên đang được cấp cứu trên chỗ trạm y tế công ty vàng Bồng Miêu, cha mẹ nó chạy lên thì nghe ông Thành công an bảo ‘Ð.M. tao đã cứu nó mà không có lấy tiếng cảm ơn, biết vậy tao để cho uống nước chết mẹ nó đi...! ’ ’ Tôi nghe vậy thấy cũng vô lý vì con sông Bồng Miêu cạn khô vậy thì làm chi có chuyện một đứa biết bơi, lội xuống dòng nước chưa lút đầu gối như thằng Yên mà lại bị uống nước chứ...
Chừng một lúc sau thì các công nhân mỏ mới xúm vào bảo là thằng Yên không bị uống nước, nó bị chính ông Thành công an đánh và vừa dí roi điện vào dái vừa chửi là sẽ làm cho thằng Yên vô sinh luôn và sau đó ném nó lên xe như ném một con chó chở về đây cấp cứu... Vậy là mọi người tức giận, xông lên... Và bên công an có ông bảo ‘ai nói là bị châm điện? Có ai đứng ra làm chứng không?’ Tất cả đồng thanh xông vào nói rằng họ làm chứng, đuối lý, các ông làm thinh, nhưng bên gia đình của cháu Yên khi biết con mình bị như vậy thì nổi giận và mọi việc bắt đầu sinh sự lớn...
Hôm đó công an lên đông lắm, và cho đến bây giờ công an cũng còn đầy ngoài rừng đó ông ơi! Tôi nói là chúng tôi khổ lắm, anh chưa biết đâu, sở dĩ có chuyện biểu tình, nổi loạn, đập phá như ngày hôm nay là do nguyên nhân tích tụ từ trước đây rất lâu ông ạ”...
(Còn tiếp)
Kỳ 2: Những cú bắt xe và sự vô lý

Phóng sự của Liêu Thái/Người Việt
Sunday, October 24, 2010

Vào rừng bắt xe, ‘bịt miệng’ bằng tiền
LTS: Bồng Miêu là mỏ vàng được coi là lớn nhất Việt Nam thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, hôm 25 tháng 8, đã nổ ra vụ bạo động với 500 người dân thuộc ba thôn An Lâu 1, An Lâu 2 và Bồng Miêu đã đánh trả lực lượng công an sau khi anh Dương Văn Yên, 19 tuổi, vào bãi thải của nhà máy vàng Bồng Miêu mót quặng bị công an bắt và tra tấn bằng cách dí roi điện vào vùng kín. Vừa qua, ký giả Liêu Thái, cộng tác viên của Người Việt đã có chuyến đi về Bồng Miêu để tìm hiểu về cuộc sống ngột ngạt của người dân ở đây sau vụ bạo động.

***

...
Người đàn ông tiếp tục kể về nỗi bức xúc của mình. Ông kể liên tu một hồi dài không ngớt. Có lẽ đáng nhớ hơn cả là chuyện những công an giao thông vào tận rừng sâu bắt xe một cách vô lý và chuyện bà cụ hay phản đối bị “bịt miệng” bằng tiền...

Trụ sở mỏ vàng Bồng Miêu, nơi xảy ra vụ bạo động hôm 25 tháng 8, 2010. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Vào rừng bắt xe
Mới nghe tưởng nói đùa, vì trong rừng đường sá gập ghềnh, mấy ai đi xe, phần lớn dùng trâu kéo hoặc mang vác. Nhưng trong một số trường hợp và ở một vài đoạn đường thuận tiện, người ta có thể sử dụng xe để thồ, việc này rất hãn hữu, ít xảy ra.
Riêng ở thôn Bồng Miêu, việc đi lại của bà con trong thôn tương đối thuận tiện ở những đoạn đường của công ty khai thác vàng Bồng Miêu, còn những đoạn không liên quan đến việc khai thác vàng của công ty thì tệ hại không gì bằng. Những đoạn như vậy chỉ còn cách duy nhất là dắt xe, cho nổ máy và chạy theo nó, những lúc nó chạy không nổi thì người đẩy phụ nó... chạy.
Thế nhưng điều lạ là vẫn có công an giao thông vào tận trong rừng bắt xe của bà con. Và trung bình mỗi ngày một chuyến, họ bất ngờ tiến sâu vào hoặc đến bìa rừng bốc những chiếc xe dựng dọc rừng bỏ lên xe tải chở về đồn. Bà con đi làm rừng về, tưởng xe mình bị mất, tìm lẩn quẩn mãi mới hay nó đang ở đồn. Cũng có một số trường hợp được thông báo về thời gian và địa điểm bắt xe.
Dần dần, bà con trong thôn thấy đời sống mình ngột ngạt, không còn bình yên được, bị kìm kẹp đủ điều. Ngay cả trong việc tối thiểu như mua một chiếc xe gắn máy về chạy cũng trở thành nỗi lo. Xe có thể bị bắt bất kỳ giờ nào. Ở một nơi vắng vẻ, núi rừng sơn cước tưởng như được bình yên nhưng lại suốt ngày thấy xe công an giao thông lượn lờ, bắt bớ.
Một khi bị bắt thì phải đóng tiền phạt, phải tăng cường làm việc để tăng thu nhập mà bù lỗ, phải tranh thủ khai thác chút quặng nằm vất vưởng may rủi đâu đó trong rừng, phải vào rừng trồng cây, kiếm củi. Cái vòng lẩn quẩn ấy bám lấy bà con ngày một nặng nề kể từ ngày công an xuất hiện dày đặc ở thôn Bồng Miêu.

Ðá có chứa quặng vàng, sau khi xay nhuyễn đá thành bột, người ta tiến hành tách quặng. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)


Khói và ô nhiễm, đấu tranh rồi lại thôi
Mỗi ngày trong khu sản xuất tách quặng vàng, cách chỗ ở của bà con thôn Bồng Miêu chừng một ngàn mét từ đồi cao, công ty Bồng Miêu sử dụng chừng một tấn cyanua [CN] để đốt, phân loại quặng, khói từ chất này rất độc, nếu một người bình thường, khi hít phải khói sẽ bị ngất, trong trường hợp chất này bị nhiễm vào nước thì xem như dòng sông đó có thể giết rất nhiều sinh linh.
Theo như anh H. kể thì nhiều bữa mưa rừng về, sương mù phủ xuống làng thành từng mảng lớn, trong làng có người bị ngộp thở, bất tỉnh, phải đưa đi cấp cứu. Mà cấp cứu ở đâu? Xuống trạm y tế của công ty Bồng Miêu hoặc trạm y tế xã, huyện, cấp cứu xong, các bác sĩ ở đó kết luận do say nắng, suy dinh dưỡng...
Ðương nhiên là bà con biết mình bị lừa, vì những ngày đang mưa, hít phải khói bị ngất mà bảo là say nắng thì nghe thật buồn cười. Ðành vậy, họ phải nghĩ là chắc do nắng mấy bữa trước tích tụ trong người, chưa kịp say, đến lúc này nhân cơ hội trời mưa, nó say cho đỡ nhớ.
Trong làng có rất nhiều người bất bình, phẫn nộ đứng ra đấu tranh vì chuyện này, đầu tiên họ dẫn chứng về con sông Bồng Miêu.
Trước đây chừng mười năm, nó là con sông nước trong xanh, cá lội tung tăng, phong cảnh hữu tình. Sông bồng Miêu cũng là nguồn nước tưới tiêu cho những đồng lúa trong làng, và là nguồn nước sinh hoạt cho bà con. Nhưng rồi dần dần người ta cày xới chỗ này, lấp đi chỗ kia, kết quả là con sông khô cạn, nhiều đoạn không còn là sông nữa, dù mùa mưa đang đến nhưng chẳng có dấu hiệu nào cho thấy đó là sông, một bãi đất trống trơn, trơ trọi. Những con mương dẫn thủy bằng bê tông nằm chõng chơ. Ðoạn sông mà tôi và người bạn đã lội qua “lượm đá,” gặp người đàn ông “câu cá” là đoạn duy nhất còn nước của con sông Bồng Miêu - một con sông đẹp và thơ mộng của mười năm trước.
Chính vì bức xúc chuyện con sông, khói độc, bà con đứng ra đấu tranh. Ai đấu tranh? Thoạt đầu thì người dân ở đây rất sợ công an, họ bị bảo vệ mỏ và công an đánh như cơm bữa, chẳng mấy người dám đứng ra lên tiếng chuyện này. Trong làng chỉ có mấy cán bộ về hưu, mấy người mẹ liệt sĩ đứng ra kiện tụng. Vì chính họ cũng nhận ra là mình bị xâm phạm môi trường quá mức chịu đựng.
Người mà tôi muốn nói trong chuyện đấu tranh chống lại sự hủy hoại môi trường trong thôn Bồng Miêu này là một bà cụ chừng bảy mươi tuổi tên Năm Tài. Cứ mỗi lần có việc gì không bình thường là bà cụ xuất hiện, dẫn đầu đoàn người đi lên ủy ban xã, huyện thương thuyết, đấu tranh. Bà cụ rất hăng hái, không sợ chuyện gì. Chỉ phải cái tội nhà nghèo, neo đơn. Biết được điểm yếu này, người trong công ty đến “thăm,” cứ mỗi tháng có người đến thăm vậy, dần dần ai khói bụi, nghẹt thở hay sao đó kệ, bà Tài im lặng.
Những lần sau có sự cố, mọi người rủ bà đi, bà cười hề hề: “Tau không quậy nữa đâu!” Hiểu ra chuyện, bà con trong xã càng thêm bực bội... Và họ tự đấu tranh, càng táo bạo, quyết liệt hơn.
“Và cả những chuyện có liên quan đến đất rừng, quyền lợi của bà con trong thôn, trong làng nữa ông ạ! Tôi nói ra đây và mong ông đừng ghi lại tên tôi, vì như vậy tôi hết đường sống, tôi có vợ con và mẹ già, muốn an phận thôi ông ơi, nhiều lúc bức xúc quá muốn mang lửa ra đốt trụi cho bõ hận, nhưng đó là tức, chứ mình thấp cổ bé họng mà! Làm gì được hở ông?...” Người đàn ông tên H. nói với tôi như vậy trước lúc tôi tạm biệt ông để sang nhà ông Dương Văn Thanh, cha của cậu bé Dương Văn Yên.

Cửa vào hầm mỏ vàng Bồng Miêu. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

***
Lúc tôi bước chân ra khỏi nhà ông H. thì có hai chiếc xe gắn máy rồ ga chạy về phía tôi, những người ngồi sau xe nhìn mặt tôi thật kỹ, vẻ mặt của họ mang nặng sát khí, tôi thấy hơi ớn nhưng vẫn phớt tỉnh và tránh nhìn lại họ, vì rất có thể...! Ðợi họ đi khỏi, anh bạn đi cùng nói nhỏ tôi hãy cẩn thận, hết sức cẩn thận, vì bây giờ khó mà phân biệt giữa du đãng với công an. Mỗi năm Việt Nam đào tạo ra hàng ngàn công an viên nhưng họ xuất hiện ở cơ quan rất ít. Rất có thể, du đãng và công an là một. Có khác nhau chăng là du đãng ngoài đời không có được thế lực công an, thế lực nhà nước.
Tôi nói anh bạn thôi đừng nói thêm nữa, vì đi giữa rừng núi mà nói chuyện này nghe xui xẻo quá, để khi về Tam Kỳ rồi hẳn nói. Anh bạn cười hề hề bảo: Bộ ông tưởng về Tam Kỳ là không có loại này à? Sao ông có vẻ sợ ma thế? Tôi cười.
Kỳ tới tôi sẽ kể quí vị nghe câu chuyện gặp một người đàn bà đau khổ ở Bồng Miêu. Bà ấy là mẹ của em Dương Văn Yên, bà không chỉ mới biết đau khổ từ câu chuyện của em Yên đâu, chuyện người anh của nó mới ra tù cũng đã làm bà lưng nước mắt lâu rồi!
(Còn tiếp)
Kỳ 3: Người đàn bà đau khổ
.
.
.

No comments:

Post a Comment