Wednesday, October 27, 2010

BỒNG MIÊU - CÂU CHUYỆN TỨC NƯỚC VỠ BỜ (Kỳ 3 & Kỳ Cuối) - Liêu Thái

Phóng sự của Liêu Thái/Người Việt
Monday, October 25, 2010

Người đàn bà đau khổ

... Tạm biệt anh H., tôi và anh bạn chạy xe ngược về phía Tây của thôn chừng 500m, ở đây, nhìn vào mỗi nhà đều còn ngổn ngang bao tải chứa đất quặng trước sân. Theo tôi được biết thì quặng này họ khai thác trên phần đất của họ và mua lại của một số gia đình có máu mặt về để khai thác lại.

Bãi khai thác cát sạn trên khu vực có nhiều quặng vàng ở Bồng Miêu. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Ðón tôi và anh bạn là ngôi nhà trống hoác, không có chủ nhân ở nhà. Chúng tôi đứng đợi một lúc, mấy người đi xe máy mà tôi đã gặp lúc ra ngõ nhà anh H. cứ lượn qua lượn lại nhìn chúng tôi. Chừng mươi phút thì chủ nhà về, một người đàn bà chừng chừng năm mươi tuổi, gương mặt buồn, nặng nề, có cách nói chuyện chầm chậm, cô là mẹ của em Dương Văn Yên.
Chồng bà, ông Dương Văn Thanh không có nhà vì đang ở trên đồn công an huyện Phú Ninh để xử lý vụ con trai mình, em Dương Văn Yên.
Chủ nhà nhìn chúng tôi đầy vẻ nghi ngại, cô hỏi tôi đến có việc chi, nhà cô giờ không có ai ở nhà, chẳng có nước để mời chúng tôi đâu. Tôi trả lời cô rằng chúng tôi là người lúc nãy anh H. có gọi điện thoại giới thiệu, rằng cô yên tâm vì chúng tôi không đến đây để làm gì cô phải lo. Thật sự là tôi biết nói gì cô cũng không tin. Nên tôi cứ ngồi im lặng một lúc.
Thấy khách im lặng quá, cô cũng lên tiếng: “Tôi nói thật với các anh, các anh đừng tìm gì ở tôi, tôi khổ lắm rồi, điều gì nói thì báo đã nói rồi, tôi là người dân thấp cổ bé họng, tôi chỉ xin anh để cho chúng tôi được yên...!”
Nói đến đây cô rơm rớm nước mắt.
Tôi nói với cô là nếu cô nghĩ chúng tôi đi điều tra thì chẳng thể nói chuyện với nhau được thêm nữa. Vì nếu muốn điều tra, chẳng ai dại gì đến gặp thẳng cô, và cần thiết, “người ta” đã đặt thiết bị nghe lén trong nhà cô, chuyện gì phải đến hỏi cô, hỏi cô để được gì...
Nghe tôi nói cũng có lý, cô im lặng một lúc rồi khóc òa lên, tức tưởi. Cô nói rằng cô đã quá khổ, con cô, thằng anh mới đi tù về chưa kịp nóng chỗ nằm ở nhà thì thằng em đi bệnh viện, không biết sau này có thể có vợ, sinh con được không. Hơn nữa sau vụ bà con kéo lên đập phá trụ sở mỏ vàng Bồng Miêu, công ty này nói rằng họ mất chín mười tấn quặng chuẩn bị qua tinh chế, nếu thật sự như vậy thì những người trong xóm chẳng được yên thân mà gia đình cô có thể bị nặng hơn họ. Cô đang sống trên ‘chảo lửa.’

‘Khò’ là phương pháp thủ công của các gia đình ở Bồng Miêu để tách vàng từ quặng do những người đào lẻ và những em bé lượm quặng lấy được. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Ðợi cô khóc xong, tôi hỏi cô về chuyện con cái. Cô kể rằng cô có ba đứa con trai, đứa đầu mới đi tù về, đứa thứ hai đang nằm bệnh viện và đứa thứ ba đang là học sinh của một trường chuyên. Về chuyện đứa con trai đầu, cô đã hết nước mắt vì nó. Nó bị tù một cách oan ức mà cô chẳng biết thưa ai. Sự thể cũng do chuyện bãi vàng, chuyện lấy quặng, lấy đất trong vườn.
Cô kể rằng nhà cô có mua một chiếc xe tải loại xoàng để chở cát sạn, mà chuyện chở cát sạn ở đây thì biết rồi, đương nhiên là ngoài việc chở những thứ ấy ra, thi thoảng người ta cũng phải chở một ít quặng lấy được từ phần đất đã thuê về nhà để tinh chế. Nhưng rồi trong một lần con cô đi chơi, uống rượu và lỡ va chạm với những thanh niên khác. Nghiệt nỗi là đụng độ với con một quan chức. Như vậy là mọi cái khó bắt đầu từ đây. Có bữa giữa khuya, anh con trai nhận cú điện thoại lạ, hăm dọa, đòi giết.
Và chuyện này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần khiến cho con trai cô hoảng loạn. Cuối cùng việc gì đến cũng đã đến... Khi con trai cô vừa bước ra ngõ mấy bước, có hai thanh niên xông vào đánh tới tấp, mọi người trong xóm xông ra can thì hai thanh niên kia nhảy lên xe chạy mất hút. Và từ lần bị đánh máu me đầy mặt này, con trai cô luôn cảnh giác trước mọi việc.
Nhưng rồi trong một lần đi chơi với các bạn, cả nhóm bị đánh, bị bắt lên đồn công an, sau vài hôm, những thanh niên khác được thả về, riêng con cô bị kết án tù giam mười tám tháng.
Trở về, thằng nhỏ mang mặc cảm tiền án tiền sự. Cô buồn lắm, mỗi khi nhìn thấy nó nằm buồn, cô chỉ biết khóc một mình. Chồng cô, ông Dương Văn Thanh, suốt ngày lầm lì không nói gì, chiếc xe chở cát sạn cũng chẳng hoạt động được nữa vì tài xế của nó chẳng buồn lái nữa, nếu ai lái chiếc xe mang bảng số này cũng bị hăm dọa đôi lần, ông Thanh đã buồn càng buồn hơn khi nhìn chiếc xe nằm một khối như khối sắt gỉ.
Ðứa anh vừa ra tù chưa được bao lâu thì thằng em lại bị công an đánh, bị châm điện vào tinh hoàn, gia đình cô buồn và lạnh lùng hơn bao giờ hết. Giờ mọi thứ đối với cô đều có vẻ đe dọa, khó thở. Cô sợ đến khiếp vía mỗi khi có người lạ hỏi thăm về tình hình con trai của mình. Cô cũng không hiểu vì sao mình lại sợ đến mức như vậy.
Khi tôi đưa máy ảnh bấm cảnh cô đang quệt nước mắt, cô nhìn thấy vội lấy tay che mặt và năn nỉ tôi hãy xóa giùm bức ảnh vừa chụp, phải xóa ngay trước mặt cô, cô nói giống như vừa van lơn vừa lạy dạ lại vừa đe dọa [có thể là cô chết] vậy. Tự dưng tôi nghe nghẹn nghẹn, khó tả và lấy máy ra xóa bức ảnh ngay trước mặt cô rồi cho cô kiểm tra lại một lần để cô tin. Tôi còn biết thêm là cô bị bệnh tim, rất có thể bức ảnh của tôi sẽ làm cô mất ngủ trong đêm đó và chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo với người đàn bà tội nghiệp này!
Khi tôi hỏi cô chuyện đời sống của bà con trong thôn Bồng Miêu, cô lắc đầu, trả lời tôi rằng cũng chẳng mấy ai hơn cô đâu, mà hỏi để làm gì cho thêm khổ cô chứ, vì có nói ra thì cũng chẳng giúp được gì cho họ, không khéo còn liên lụy, ảnh hưởng đến cô, cô muốn được yên. Cô lại khóc.
Lần này tôi không thể giải thích được vì sao cô lại khóc. Có lẽ do đã khóc quá nhiều, mãi thành quen rồi, nên trước chuyện gì đó của cô chỉ là khóc và khóc... Tôi định chụp một tấm ảnh căn nhà cấp bốn của gia đình cô nhưng rồi lại thôi. Ngại rằng cô lại lo lắng!
Tôi và anh bạn tạm biệt cô, đi sang một nhà khác đã hẹn. Nhưng trời cũng bắt đầu nhá nhem chạng vạng, anh bạn hỏi tôi xem quyết định ở lại hay là về. Tôi nhìn ra chung quanh thấy núi rừng quạnh quẽ, dờn dợn. Hỏi có nhà trọ nào cho an toàn ở vùng này không thì anh bạn lắc đầu, bảo nếu ở lại thì cũng về Tam Kỳ mà ở chứ ở đây thì không yên thân đâu, vì từ chiều tới giờ những gì diễn ra cùng mấy tay lái xe lượn lờ dòm ngó cũng đủ nói lên điều gì đó không bình thường rồi. Tôi thấy hơi ớn lạnh và quyết định phải về.
Trước khi tạm biệt cô, tôi không quên xin số điện thoại của ông Dương Văn Thanh và gọi cho người mà tôi đã hẹn đến gặp xin một cuộc hẹn khác tại Tam Kỳ, anh ta đồng ý. Tôi gọi hẹn gặp ông Thanh ở Tam Kỳ, ông cũng đồng ý.
Sau một đoạn chạy như ma đuổi, vừa chạy vừa nhìn gương chiếu hậu, theo dõi mấy người đi xe máy lượn lờ đang bám đuôi, chúng tôi cũng về tới Tam Kỳ.
Về Tam Kỳ, anh bạn hỏi tôi có định làm một cốc bia xả bớt căng thẳng của một ngày qua không, tôi đồng ý. Anh bạn lại chở tôi đi vòng vèo một đoạn thật xa, vào quán quen mà chủ quán vốn là bạn thân, anh dắt tôi vào thẳng trong phòng khách rồi kêu mấy chai bia, vài con ốc biển. Tôi vờ hỏi sao lại vào trong này nhìn mất tự nhiên quá, anh bạn bảo: Bộ ông tưởng về đến đây là không ai theo dõi ông à, đi nửa bước đã có công an ông ơi!
Tôi im lặng, tợp một ngụm bia và nghĩ mông lung về chuyện mấy tờ biên bản, chuyện cái án tù treo mười hai năm hết sức vô lý mà tôi sẽ kể cho quí vị nghe trong kỳ tới.
Kỳ cuối: Mười hai năm tù vô lý cùng những vô lý khác
.
.
.
Phóng sự của Liêu Thái/Người Việt
Tuesday, October 26, 2010

Mười hai năm tù vô lý cùng những vô lý khác

LTS: Bồng Miêu là mỏ vàng được coi là lớn nhất Việt Nam thuộc xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Tại đây, hôm 25 tháng 8, đã nổ ra vụ bạo động với 500 người dân thuộc ba thôn An Lâu 1, An Lâu 2 và Bồng Miêu đã đánh trả lực lượng công an sau khi anh Dương Văn Yên, 19 tuổi, vào bãi thải của nhà máy vàng Bồng Miêu mót quặng bị công an bắt và tra tấn bằng cách dí roi điện vào vùng kín. Vừa qua, ký giả Liêu Thái, cộng tác viên của Người Việt đã có chuyến đi về Bồng Miêu để tìm hiểu về cuộc sống ngột ngạt của người dân ở đây sau vụ bạo động.

***

Những người đàn ông sống thấp thỏm lo sợ

Lẽ ra những người đã hẹn sẽ gặp tôi vào sáng hôm sau tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Nhưng rồi họ không đến, tôi gọi điện thoại hỏi, họ nói có lý do đặc biệt, nhưng sẽ đến gặp tôi sau.
Hôm hẹn gặp tại một quán cà phê ở Tam Kỳ, tôi hỏi quán nào, họ không trả lời, họ nói mười lăm phút nữa sẽ cho tôi biết tên quán. Vậy là càng khó hiểu hơn, tôi đồng ý gặp và đợi mười lăm phút.
Tại một quán cà phê trên đường Lê Lợi - thành phố Tam Kỳ, người bạn đã đến gặp họ trước tôi chừng mười lăm phút, sau đó anh mời hai người này sang một quán khác.
Ðương nhiên, đúng như tôi dự đoán, trên đường đi, có hai người khác bám theo, anh bạn khéo léo cắt đuôi những người đi theo và dắt hai người cần gặp vào một điểm mà chúng tôi có thể cùng nói chuyện.
Nhưng chừng mươi phút sau tôi lại quyết định không ngồi quán nữa, về thẳng nhà anh bạn tôi, anh này là một tay chịu chơi, đáng tin cậy, nói chung là nhà kín cổng cao tường. Ở đây, anh bạn khéo léo ra vườn tưới cây và chúng tôi nói chuyện thoải mái. Ðến lúc này, hai người đàn ông cho tôi biết là họ bị đe dọa và theo dõi từ hôm tôi liên lạc với họ.
Hai người mà tôi phải nhiều lần hẹn và nhiều lần cắt đuôi không ai khác là ông Thanh, cha của em Dương Văn Yên và anh H. (một người tôi đã lỡ hẹn hôm tuần trước, khác với anh H.). Ông Thanh đã photo một xấp biên bản gửi cho tôi trước đó qua đường nhà xe, và lần này ông đi để bổ sung thêm những chi tiết còn thiếu. Anh H. thì đến kể cho tôi nghe chuyện anh đã bị kết án 12 năm tù như thế nào...
H. là bộ đội đi 'K' (chiến trường Campuchia những năm 1979), khi về quê (Bồng Miêu), anh cưới vợ và đi làm công nhân mỏ vàng. Làm được một thời gian, anh thấy công việc quá nguy hiểm mà mức lương cũng không đủ cho anh xoay xở nuôi mẹ già, vợ và mấy đứa con. Anh nghỉ việc, chuyển sang chăn nuôi, làm rừng, làm vườn.
Thoạt đầu anh nuôi mấy con bò giống, sau đó anh nhân ra thành đàn năm sáu mươi con, anh được dân trong xã mệnh danh là “H. bò,” công việc làm ăn ngày càng tiến triển, anh bắt đầu nghĩ đến kinh doanh, mua bán thức ăn, hàng tạp hóa. Anh mở quầy tạp hóa cho vợ anh bán và tiếp tục khai thác quĩ đất bỏ không để trồng keo lá tràm, trồng dó bầu (loại cây tích tụ trầm). Năm 2006, anh khai thác mấy hecta đất bỏ trống, đồi trọc, cũng trong năm này, bà con trong làng và cán bộ xã thi nhau khai phá đất trống đồi trọc để trồng rừng. Mọi việc tường chừng như suôn sẻ.

Những điều vô lý

Nhưng đến năm 2007, có chỉ thị mới (không rõ chỉ thị của ai vì người dân không nhìn thấy công văn hay thông báo gì...), công ty Bồng Miêu mở thêm đường rừng để thuận tiện cho việc khai thác vàng. Một số đường được mở ra, đường đi ngang qua rừng mới trồng, trong đó có rừng của một số người trong làng và rừng của ông Vinh Phó chủ tịch xã. Mọi người không ai dám nói gì, riêng anh H. thấy rừng dó bầu của mình bị chặt phá ngang ngửa, xót của, hỏi ra thì thấy công ty không có chế độ đền bù cho anh và bà con, chỉ đền bù cho ông Vinh phó chủ tịch xã sáu triệu đồng, trong khi ông này bị thiệt hại ít nhất.
Anh thấy vô lý, vì rừng nào cũng là rừng, cũng là mồ hôi, nước mắt của bà con đổ xuống mới xanh lên được, sao lại bù cho quan mà không đền cho dân, gần ba trăm hộ dân thôn 10 cũng có rừng bị phá mà không ai có đồng nào... Anh lên tiếng, viết đơn khiếu nại, yêu cầu đền bù. Nhưng kiện mãi chẳng thấy trả lời, anh tiếp tục mang đơn lên cơ quan huyện, rồi lên tỉnh. Anh quyết đòi cho ra lý lẽ, cho được công bằng.

Chữ ký của các bên liên quan trong biên bản em Yên bị tra tấn bằng roi điện. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Trong thời gian này, anh bắt đầu hoang mang lo sợ vì mỗi tối luôn phải nhận những cuộc điện thoại lạ, đe dọa giết anh, tuy nhiều giọng nói khác nhau, nhưng đều có chung nội dung: “Mày muốn chết à? Tao sẽ cho mày chết nghe con!...” Anh bắt đầu thấy lo và đi đâu cũng nhờ một người em họ cùng đi.
Thế rồi khi anh mang đơn xuống đến cơ quan tỉnh thì cũng là lúc anh nhận được giấy triệu tập, kêu án của tòa án huyện Phú Ninh với nội dung anh H. đã xâm phạm tài sản quốc gia, đã phá hoại và chiếm đất rừng trái phép. Và sau đó không lâu anh bị kết án 12 năm tù treo, mười hai triệu đồng tiền phạt (so với mức nhận đền bù nếu có thì nặng gấp đôi lần) và anh hoàn toàn không được nhận đồng đền bù nào vì anh đã chiếm dụng rừng trái phép...
Anh thấy vô lý vì tất cả mọi người cùng làm, sao một mình anh chịu trận, vả lại nếu bắt thì bắt mấy người cán bộ đã khai thác, trồng đến cả trăm hecta rừng dó bầu, keo lá tràm, sao không nghe nói gì tới họ mà bắt mỗi mình anh? Vả lại khi anh đánh tiếng đòi công bằng thì có nhiều người khác có rừng cũng làm theo anh, như vậy kết án anh có phải là để phủ đầu, để hăm dọa những người có ý định đòi công bằng?! Anh tiếp tục mang đơn đi kiện.

Và những cánh rừng... ma

Trở lại chuyện những cánh rừng, tuy anh H. bị kết án vì tội phá rừng, chiếm rừng, phải thụ án và mất trắng những vạt rừng mình đã bỏ công trồng trọt, chăm bón. Nhưng những cán bộ trong thôn, xã và mấy người có thế lực trong làng thì vẫn còn nguyên rừng của họ, không ai bị tịch thu hay bị hỏi han gì...
Nhìn lại cánh rừng của bà Anh (vốn là dân buôn gỗ trong một thời gian dài trước đậy, khi mà rừng đóng cửa, bà Anh vẫn ngang nhiên “buôn gỗ,” theo lời anh H. nói thì bà Anh là một trùm lâm tặc) gần sáu chục hecta xanh tốt, vẫn trong quyền sử dụng của bà Anh, nhìn cả trăm hecta đất thuộc về cán bộ huyện, cán bộ xã. Thậm chí những phần đất bồi, đất lấp trên mặt sông Bồng Miêu cũ giờ thành đất của cán bộ, tuy mặt đất im lặng vậy chứ chúng đã được ngấm ngầm chia lô, thay tên đổi chủ với thần núi thần sông từ lâu rồi.
Và bây giờ, mỗi khi bà con nhìn ra cánh rừng, họ không còn nghĩ tới đại ngàn bao la cùng những câu chuyện huyền bí, thân thuộc, mà họ nghĩ đến những trận khói độc, những mảnh rừng phân nhỏ thành lô, những ngôi nhà tương lai sẽ mọc chễm chệ trên đồi.
Ðương nhiên, những ngôi nhà là của con người xây ra, nhưng nó xây ra không mang lại cảm giác gần gũi ấm áp giữa con người với con người mà nó được xây để phô trương sức mạnh, quyền thế của một nhóm người và cho nhiều người dân tự thấy mình nhỏ lại, thấp cổ bé họng và dần trở nên xa lạ với mảnh đất nhiều đời cha ông họ đã bám trụ, khai phá... Và nỗi lo mồ mả cha ông sẽ bị cày xới trong mục đích khai thác vàng, khai thác quĩ đất của bà con trong xã không phải là chuyện mơ hồ, huyễn hoặc nữa. Có vẻ như chuyện ấy đang đến rất gần.
Như anh H. nói, khu vực Bồng Miêu là một cái tổ mối rộng lớn, người dân ở bên trên, nhìn núi rừng tưởng là còn hoang sơ nhưng bên dưới lòng đất hàng ngàn cây số đường hầm xuyên qua lưới lại dưới ấy, và đồi núi ngày một trơ trọc, người ta thi nhau lấy đất, lấy quặng và đào hầm... Môi trường mỗi lúc một hư hao, không thấy một biện pháp nào cho việc bảo vệ môi trường cả!
Và mối bất hòa giữa bà con trong thôn với người của công ty ngày càng lớn, nhất là chuyện bảo vệ công ty Bồng Miêu đánh người, chuyện này lặp đi lặp lại nhiều lần, cho đến năm 2008, bà con nổi dậy đánh lại bảo vệ một trận nảy lửa. Và kết quả là có khá nhiều bảo vệ bị đánh trọng thương, công ty bảo vệ rút hẳn về Sài Gòn, thay vào đó là công an có mặt khắp nơi trong thôn. Nếu không phải là người trong làng, rất khó để phân biệt đâu là dân, đâu là công an chìm... Bà con vẫn phải sống, làm việc, núi rừng ngày một trơ trọi.
Ðất đai mỗi lúc thêm rỗng ruột và lòng người mỗi lúc thêm trống rỗng, mất niềm tin vào chính quyền. Có thể nói chuyện cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh đè kẻ yếu và kẻ có thế lực hại kẻ cô thế diễn ra ở Bồng Miêu một cách rõ ràng, điển hình.
Chính vì vậy mà lòng người cũng phân ly năm bảy đường, không biết đâu mà lần. Và hơn hết, khi niềm tin không còn, thì e rằng câu chuyện công an đánh dân, công ty ép dân, chính quyền qua mặt dân sẽ còn diễn ra dài dài trên đất này và chuyện dân phản đối, đập phá để rồi lại bị ghép tội bạo động, cướp tài nguyên... Bị bắt nhốt, bị tù, rồi ra tù, bị ép, bị đánh để rồi nổi dậy chống đối có lẽ còn diễn ra dài dài...
Khi người ta đã mất niềm tin và xem thường cái bộ máy quản lý họ! Và câu chuyện người dân bạo động, đập phá, chống lại công an, tuyên bố sẵn sàng sống mái với chính quyền vào ngày 24, 25 tháng 8 năm 2010 tại công ty vàng Bồng Miêu là một câu chuyện tức nước vỡ bờ... không hơn không kém!
.
.
.

No comments:

Post a Comment