Jeffrey N. Wasserstrom – Project Syndicate
Đăng bởi bvnpost on 30/09/2010
Trung Quốc thực sự vẫn là nước "nghèo" trong phương diện thu nhập theo đầu người. Và nhiều nơi khá giống những khu vực khó khăn của các nước "đang phát triển" hơn là các thành phố tham quan của Trung Quốc. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu hơn ai hết thực tế này.
Trung Quốc đang sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ khác thường trong việc khẳng định chủ quyền tại những khu vực tranh chấp thuộc các vùng biển quốc tế gần với bờ biển của họ. Việc này dẫn đến nhiều căng thẳng trong chính sách ngoại giao, đặc biệt giữa Trung Quốc và Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã nhấn mạnh rằng, chính quyền của Tổng thống Obama giờ đây sẵn sàng can thiệp và góp phần đảm bảo phân xử công bằng những tranh chấp ở Biển Đông.
Người phát ngôn Trung Quốc phản đối tuyên bố này và khẳng định, Mỹ đang cố gắng "kiềm chế" Trung Quốc
Có một cách để giải thích sự quả quyết của Trung Quốc – và phản ứng mạnh mẽ của họ trước những cuộc tập trận chung Mỹ và Hàn Quốc – rằng, đây là một dấu hiệu khác cho thấy, sự tự tin của các nhà lãnh đạo Trung Quốc lên mức tột bậc và họ hăm hở thể hiện sức mạnh của mình.
Dù sao thì, thực tế lại phức tạp hơn nhiều. Một cách nhìn gần hơn cho thấy, tuyên bố và hành động của các quan chức Trung Quốc thường pha trộn giữa lúc thì tôn lên, lúc lại hạ bớt sức mạnh gia tăng của đất nước.
Dĩ nhiên, có nhiều lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc dường như muốn mọi người biết rằng, họ đã thành công và người khác cần hiểu điều đó. Thậm chí trước khi những căng thẳng ngoại giao diễn ra gần đây, thì các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rất tự hào và thích thú chứng kiến hiệu quả từ gói kích cầu họ đưa ra hơn hẳn biện pháp chống đỡ của chính phủ Mỹ trước những hậu quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính như thế nào.
Và, tháng trước, khi những tin tức mới xuất hiện khẳng định, Trung Quốc chính thức thế chỗ Nhật Bản trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, thay vì vui mừng thể hiện khi vượt qua một đối thủ lâu năm và được sự trợ giúp của Mỹ, trong cách nhìn của mình, chính phủ Trung Quốc lại đưa ra tuyên bố nhấn mạnh, họ vẫn là một nước "nghèo, đang phát triển".
Khía cạnh tự tin của giới lãnh đạo nước này thường xuyên khiến các đồng minh Mỹ và những nước láng giềng của Trung Quốc lo ngại. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ rằng, có một ý nghĩa tích cực với sự tự tin của đảng cầm quyền Trung Quốc. Như nhà khoa học chính trị Kevin O’Brien lập luận, lòng tự tin gia tăng ấy là để thoả hiệp với những người người phản kháng trong nước. Sự "nhạy cảm" an ninh ngày càng tăng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người ta lại chứng kiến sự nhạy cảm an ninh ấy bị phóng đại.
Khía cạnh tự tin của giới lãnh đạo Trung Quốc là dễ dàng hiểu được. Từ cuối 1980 tới 2000, nhiều nhà quan sát đã bàn tới chuyện "phút cuối" của đảng cầm quyền nước này khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở châu Âu. Nhưng đảng này vẫn tiếp tục lãnh đạo Trung Quốc tới ngày nay. Các hiệu sách sân bay từng trưng bày cuốn "Trung Quốc sắp suy sụp" của Gordon G. Chang, giờ đây đã thay bằng tác phẩm "Khi Trung Quốc thống trị thế giới".
Nhưng tại sao sau đó, lãnh đạo Trung Quốc lại rơi vào sự hoài nghi và sợ hãi? Tại sao họ phải cố tìm cách tránh "gắn mác" siêu cường cho Trung Quốc?
Lý do đầu tiên là lợi ích thực tiễn. Sẽ có lợi hơn cho một quốc gia "nghèo, đang phát triển" chứ không phải là một nền kinh tế khổng lồ, vì những nước "phát triển" sẽ phải làm nhiều hơn để đối phó với các thách thức toàn cầu, như biến đổi khí hậu.
Cùng lúc đó, Trung Quốc thực sự vẫn là nước "nghèo" trong phương diện thu nhập theo đầu người. Và nhiều nơi khá giống những khu vực khó khăn của các nước "đang phát triển" hơn là các thành phố tham quan của Trung Quốc.
Đảng cầm quyền của Trung Quốc cũng ở trong một tình thế "nhạy cảm" và họ biết điều đó. Không phải đảng cầm quyền Trung Quốc không có gót chân Asin, nhất là thái độ tức giận của người dân về nạn tham nhũng và kiểu ưu đãi đặc quyền.
Vì thế, lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục trông đợi vào việc hình thành một cơ cấu chủ nghĩa dân tộc. Giờ đây, họ có cơ sở hợp pháp với ý niệm rằng, Đảng với quyền lực gia tăng khi quốc gia chống lại sự chi phối của nước ngoài, là đảng duy nhất đủ tư cách giữ cho Trung Quốc không bị "ức hiếp" trong đấu trường quốc tế, và chỉ có họ mới có thể mới tạo ra môi trường ổn định cần thiết cho tăng trưởng.
"Kiểu đa tính cách" của giới lãnh đạo Trung Quốc giải thích một hiện tượng gây hiếu kỳ mà cựu cố vấn ngoại giao Mỹ Susan Shirk nhấn mạnh trong cuốn sách của bà mang tên: "Siêu cường mong manh". Khi bà đề cập tên cuốn sách với các bạn bè Mỹ, họ tự hỏi vì sao bà sử dụng cụm từ "mong manh", còn những người bạn Trung Quốc thì cho rằng, gọi nước là "siêu cường" có lẽ là vội vàng.
Tiêu đề tác phẩm của Shirk đã gợi nên một hiện tượng đáng kể về những lúng túng trong vấn đề ngoại giao. Người ngoài cuộc càng ngày càng tin tưởng rằng, Trung Quốc là một siêu cường và họ cần phải thể hiện rằng họ có thể gánh vác trách nhiệm ấy. Nhưng những nhà lãnh đạo Trung Quốc chỉ thỉnh thoảng đi theo con đường ấy, và lãnh đạo nước này đôi khi vẫn cư xử như thể họ chỉ nắm giữ quyền lực mong manh.
Jeffrey Wasserstrom là Giáo sư sử học tại Đại học California, và là Biên tập của Tạp chí Nghiên cứu châu Á. Cuốn sách gần đây nhất của ông là "Trung Quốc trong thế kỷ 21: Những gì mọi người cần biết".
Thuỵ Phương (Theo project-syndicate)
Nguồn: Tuanvietnam
.
.
.
No comments:
Post a Comment