Thursday, September 23, 2010

THÁCH THỨC ĐỐI VỚI TRẬT TỰ AN NINH BIỂN CỦA CHÂU Á

Đăng bởi anhbasam on 23/09/2010

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo đặc biệt
Thứ năm, ngày 23/09/2010
THÁCH THỨC ĐỐI VỚI TRẬT TỰ AN NINH BIỂN CỦA CHÂU Á
TTXVN (Xitsni 17/9)
Trong bài phân tích đăng trên tờ “Người Ôxtrâylia” số ra ngày 15/9, nhà nghiên cứu Rory Medcalf, Giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế thuộc Viện Chính sách Quốc tế Lowy có trụ sở tại Xitsni, nhận định những căng thẳng giữa Trung Quốc và Nhật Bản là một điều nhắc nhở đáng lo ngại rằng trật tự an ninh biển của châu Á đang trong trạng thái căng thẳng nguy hiểm.
------------------------------------
Đầu tháng 9/2010, Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản đã bắt giữ thuyền trưởng của một tàu đánh cá Trung Quốc sau khi tàu này hai lần va chạm với các tàu tuần tiễu trong vùng biển đang tranh chấp do Tôkyô kiểm soát. Nhật Bản đã chọn thời điểm đó để có một lập trường muộn màng trước điều mà Tôkyô coi là một kiểu “hành vi côn đồ” của Trung Quốc trên biển. Tháng 4/2010, một lực lượng hải quân lớn của Trung Quốc đã tiến vào vùng biển gần Nhật Bản và một máy bay lên thẳng của Trung Quốc đã bám sát các tàu của Nhật Bản ở khoảng cách chỉ có 90m. Trung Quốc cũng kiên quyết cảnh báo về những hậu quả nếu Nhật Bản truy tố viên thuyền trưởng nói trên theo luật pháp của nước này. Bắc Kinh đã hoãn các cuộc đàm phán về các trữ lượng khí đốt đang tranh chấp ở biển Hoa Đông.
Vụ tranh cãi này có thể liên quan đến chủ quyền đối với quần đảo không có người ở tên Senkaku hoặc Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Đây là vụ việc mới nhất trong một loạt những xáo trộn trên các vùng biển của châu Á trong năm nay, trong đó, cán cân sức mạnh và lợi ích đang thay đổi giữa các cường quốc hải quân của khu vực cho thấy những nguy cơ ngày càng tăng của việc tính toán sai và thậm chí xung đột.
Không có gì ngạc nhiên khi những tương tác an ninh chủ chốt của châu Á lại ở trên biển, căn cứ vào sự phụ thuộc lớn và ngày càng tăng của khu vực ven biển này vào thương mại bằng đường biển, nhất là đối với việc nhập khẩu năng lượng. Điều đang gây báo động là mức độ nguy cơ mới mà một số cường quốc, đặc biệt là Trung Quốc, dường như sẵn sàng chấp nhận trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Rắc rối đầu tiên trên biển trong năm nay xảy ra ở ngoài khơi bán đảo Triều Tiên đang bị chia cắt. Tháng 3/2010, một ngư lôi của Bắc Triều Tiên đã làm đắm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc, khiến 46 thủy thủ thiệt mạng, nhưng Bắc Kinh đã từ chối lên án vụ việc này. Khi Mỹ và Hàn Quốc đáp lại bằng cuộc tập trận hải quân lớn. Bắc Kinh phản đối và cuộc tập trận này đã được chuyển tới vùng biển xa Trung Quốc. Bắc Kinh sau đó đã tự tổ chức diễn tập bắn đạn thật.
Giờ đây Oasinhton và Xơun đang lên kế hoạch tổ chức các cuộc diễn tập mới, có thể đưa một tàu sân bay của Mỹ tới Hoàng Hải bất chấp những phản đối của Trung Quốc. Trong một động thái riêng rẽ, các lực lượng Mỹ, Hàn Quốc và Ôxtrâylia có kế hoạch tổ chức một buổi biểu diễn lại trên quy mô nhỏ những cuộc đổ bộ lịch sử ở Incheon vốn làm thay đổi cục diện Chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Hoạt động kỷ niệm này được lên kế hoạch từ lâu với ý nghĩa rằng Hàn Quốc vẫn luôn có bạn trong bối cảnh có những khiêu khích liên tiếp từ miền Bắc.
Phần lớn căng thẳng khu vực rộng lớn hơn liên quan đến Trung Quốc. Bắc Kinh đang theo đuổi những đợt triển khai mang tính quyết đoán và ngoại giao không thỏa hiệp tại một số chiến trường trên biển. Bắc Kinh đã tuyên bố toàn bộ biển Nam Trung Hoa (biển Đông) là khu vực “lợi ích cốt lõi” của mình, ngang với Tây Tạng và Đài Loan. Gần đây, một tàu ngầm của Trung Quốc được cho là đã cắm cờ dưới đáy biển. Điều này cho thấy Trung Quốc sẵn sàng đương đầu với các nước, như Việt Nam, trong các vùng biển tranh chấp.
Tại Ấn Độ Dương, tiềm năng đối đầu giữa Bắc Kinh và Niu Đêli đang dần dần tăng lên. Tuy nhiên, cũng có một số phối hợp đáng hoan nghênh giữa các lực lượng đặc nhiệm hải quân của Trung Quốc và vài nước khác trong việc tuần tra chống cướp biển Xômali . Niu Đêli, năm 2008 bối rối trước tốc độ Bắc Kinh triển khai tại Ấn Độ Dương mà lâu nay vốn được Ấn Độ coi là khu vực của mình, đã đề xuất hợp tác an ninh biển ở mức độ hạn chế với Trung Quốc. Thế nhưng, ý tưởng này có thể trở thành nạn nhân của những bất đồng rộng lớn hơn giữa hai người khổng lồ đang nổi lên, trong đó có những tranh cãi gần đây về biển giới trên bộ.
Nói chung, việc Trung Quốc hiện đại hóa hải quân là một phản ứng có thể hiểu được của một cường quốc thương mại lớn trước lo lắng về những nguồn cung cấp năng lượng dễ bị tổn thương. Sẽ là không thể tưởng tượng được khi Trung Quốc vĩnh viễn chuyển giao an ninh đường biển cho Mỹ. Hiện nay, khi Trung Quốc là một cường quốc hải quân cùng với công cuộc hiện đại hóa và sự táo bạo chưa từng có, điều đang gây lo lắng là những cơ chế ngoại giao cho liên lạc và ngăn chặn xung đột trên biển vẫn yếu đến mức dường như là không có. Điều này có hại cho Trung Quốc cũng như những nước khác nữa.
Những tuyến đường biển ngày càng đông đúc của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thậm chí còn thiếu quy tắc cơ bản đã giúp giữ cho Chiến tranh Lạnh không leo thang. Vào đầu những năm 1970, Mỹ và Liên Xô (cũ) đã lập ra một thỏa thuận chi tiết và những nguyên tắc hoạt động nhằm ngăn chặn những vụ việc trên biển leo thang thành chiến tranh. Ngày nay, không có thỏa thuận nào như vậy tồn tại giữa Trung Quốc và các cường quốc khác.
Trong khi Bắc Kinh, Niu Đêli và Tôkyô cuối cùng cũng thảo luận về việc thành lập những đường dây nóng ở cấp lãnh đạo nhằm giúp đương đầu với những căng thẳng về an ninh của họ, vẫn còn nhiều điều chưa rõ về việc những đường dây nóng này có thể hoạt động như thế nào trên thực tiễn. Bắc Kinh và Tôkyô cho đến nay thậm chí vẫn chưa thể nhất trí liệu đường dây nóng quân sự theo như đề xuất của họ sẽ mang lại cảnh báo về những cuộc tập trận quốc phòng hoặc đóng vai trò quản lý khủng hoảng trên thực tế hay không.
Đầu năm nay, Trung Quốc viện dẫn việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan làm lý do đình chỉ các cuộc đối thoại quân sự với Mỹ, điều mà cả hai cường quốc cần có để giảm thiểu những va chạm bất ngờ trên biển. Trong khi Bắc Kinh và Tôkyô có các cuộc khẩu chiến về các ngư dân và vùng đảo tranh chấp, các quan chức Trung Quốc và Mỹ đang gặp nhau để hướng mối quan hệ đang lung lay của mình trở lại đúng hướng và ám chỉ rằng các cuộc đàm phán quốc phòng cuối cùng cũng có thể được khôi phục.
Hiện nay, các cường quốc biển của châu Á không giao thiệp với nhau một cách thỏa đáng về việc giữ hòa bình trên biển, đúng vào thời điểm khi những nguy cơ đối đầu trong các vùng biển của khu vực đang tăng lên. Khi những nước nhỏ hơn hoặc các diễn đàn ngoại giao khu vực ít có cơ hội có nhiều tiếng nói, sự ổn định trong khu vực rộng lớn hơn của Ôxtrâylia phụ thuộc và kẻ mạnh và kẻ táo bạo./.
.
.
.

No comments:

Post a Comment