Wednesday, September 1, 2010

BÁT NHÁO TRONG ĐÀO TẠO THẠC SĨ - TIẾN SĨ LIÊN KẾT QUỐC TẾ

Bát nháo trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ liên kết quốc tế:

Bài 1: Học thạc sĩ không cần biết tiếng Anh

phapluattp.vn

31/08/2010 - 01:08 AM

http://phapluattp.vn/20100831010530245p0c1019/hoc-thac-si-khong-can-biet-tieng-anh.htm

3/10 môn học được dạy chỉ trong... một tuần, kết hợp với tham quan Malaysia.

.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không có chức năng đào tạo đã đăng ký tên doanh nghiệp là Viện X, Trung tâm Y... mượn danh nghĩa tư vấn, cung cấp thông tin nhưng thực chất là tuyển sinh liên kết đào tạo.

Hàng ngàn người vì thiếu thông tin, vì nghe theo các quảng cáo đã đổ tiền vào học mà không hiểu hết các định chế đào tạo liên tục, từ xa… và đối tượng cũng như mục tiêu của các định chế này ở nước ngoài.

Loạt bài này nhằm minh bạch hóa một hiện tượng với mục đích: Người đi học cần có kiến thức để tự bảo vệ và người tiêu dùng bằng cấp cần thông minh hơn.

.

Ngày càng bành trướng tại VN

Là một viện cung cấp chương trình đào tạo được thành lập năm 1991 tại Bỉ, từ năm 2000, UBI (United Business Institutes - tạm dịch: Viện Thương mại Thống nhất có trụ sở đặt tại Avenue Marnix, 20 - Marnixlaan, 20B-1000 Brussels, Belgium) đến VN.

UBI - cái tên viết tắt khiến người đọc dễ suy luận nhầm đến các từ University - Belgium - Business- International - đã thiết lập được liên kết đào tạo với các đối tác uy tín tại VN: ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội.

.

Website của UBI - Viện Thương mại Thống nhất, mà mới nghe qua người đọc dễ liên tưởng đến Học viện Thương mại Quốc tế hoặc Học viện Quốc tế Bỉ.

http://phapluattp.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/08/31/8-chot.jpg

.

Thời kỳ đó ở VN có rất ít chương trình đào tạo quốc tế. Người học trong nước chưa thực sự biết nhiều về các trường quốc tế, hệ thống kiểm định đánh giá chất lượng cũng như các loại hình đào tạo lợi nhuận và phi lợi nhuận…

Tại VN, ngày 10-6-2010, một sự kiện xảy ra làm xôn xao trong giới học thuật. Đó là sự kiện Viện Quản trị và Tài chính (gọi tắt là IFA, có trụ sở tại tòa nhà IFA số 58 Tân Canh, quận Tân Bình, TP.HCM) đã làm lễ ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo quốc tế với tổ chức giáo dục NetAcademy của Malaysia. Theo đó, hai bên cùng triển khai chương trình đào tạo các bậc: cử nhân quản trị kinh doanh (BBA), thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA), tiến sĩ quản trị kinh doanh (DBA) theo định hướng phát triển của IFA và NetAcademy. Tuy nhiên, các chương trình này sẽ được đào tạo và cấp bằng quốc tế của UBI.

Ngay sau khi diễn ra lễ ký kết thỏa thuận về hợp tác đào tạo giữa IFA và tổ chức giáo dục NetAcademy của Malaysia, IFA nhanh chóng triển khai mở các văn phòng đại diện tại Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Vũng Tàu, Dăk Lăk, Hà Nội, Nha Trang, Bình Dương, Đà Lạt. Có lẽ IFA hy vọng mạng lưới văn phòng đại diện mọc lên khắp VN sẽ thu hút được nhiều người học đang trong cơn khát và loay hoay đi tìm bằng cấp thạc sĩ, tiến sĩ ngoại.

.

Không biết Anh văn vẫn học tốt!

Tại văn phòng của IFA tại Đà Nẵng (242 Nguyễn Tri Phương, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), sau khi giới thiệu chương trình với chúng tôi, cô Thái Thị Quỳnh Trang, chuyên viên tư vấn tuyển sinh, nói thẳng: “Đây là chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh lấy bằng quốc tế của UBI không yêu cầu đầu vào”. Chương trình gồm 60% đào tạo bằng online do giảng viên Bỉ đảm trách và 40% giảng viên VN đào tạo trực tiếp, tập trung tại Đà Nẵng.

Chúng tôi lấy lý do là dân kỹ sư làm công trình lâu năm, kiến thức tiếng Anh rơi rụng gần hết, không thể theo nổi chương trình thạc sĩ này, nhờ IFA giúp sức. Chuyên viên tuyển sinh Quỳnh Trang khẳng định: “Đầu vào tiếng Anh chúng tôi không yêu cầu do khi anh học online thì có phụ đề tiếng Việt hướng dẫn. Còn khi anh học tập trung sẽ có giảng viên VN chăm lo”.

Chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh kéo dài trong 18 tháng, gồm 10 học phần. Học phí 5.900 USD đóng làm ba lần. “Lệ phí đầu tiên cho việc xét duyệt hồ sơ là 100 USD. Học phí đóng tại văn phòng này (văn phòng của IFA tại Đà Nẵng) hoặc chuyển khoản cho em cũng được” - cô Trang hướng dẫn.

Trong khi đó, thông qua tổ chức giáo dục NetAcademy của Malaysia liên kết với Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển doanh nghiệp Vietwings (gọi tắt là Công ty Vietwings, có địa chỉ tại 1106, tầng 11, CT 1 tòa nhà Fodacon, Hà Đông, Hà Nội), phóng viên được biết cấu trúc chương trình thạc sĩ gồm 10 môn học. Bảy môn trong số đó được dạy theo phương pháp online, ba môn còn lại học tập trung tại Malaysia trong một tuần, kết hợp với... tham quan Malaysia...

.

Giảng viên Tây ta lẫn lộn…

Tại Hà Nội, chương trình đào tạo quản trị kinh doanh các bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ của UBI được triển khai dưới hình thức liên kết với Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển doanh nghiệp Vietwings (gọi tắt là Công ty Vietwings; tòa nhà Fodacon, Hà Đông, Hà Nội). Tuy nhiên, Công ty Vietwings không trực tiếp liên kết với UBI của Bỉ mà thông qua tổ chức giáo dục NetAcademy của Malaysia. Vietwings đóng vai trò đối tác được NetAcademy ủy quyền thực hiện việc chiêu sinh và tham gia đào tạo.

Tại Công ty Vietwings cũng như tại IFA, yêu cầu đầu vào đối với bậc đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ quản trị kinh doanh không hề đề cập đến trình độ tiếng Anh của người học. Yêu cầu ấy khá đơn giản: Có bằng thạc sĩ, bằng cử nhân do trường ĐH được công nhận cấp; có năm năm kinh nghiệm. Vì thế, hiện chương trình đào tạo tiến sĩ tại Công ty Vietwings và IFA được nhiều học viên là cán bộ, lãnh đạo các công ty đăng ký hồ sơ và chờ giấy báo nhập học từ phía UBI.

.

Vẫn trong vai kỹ sư cầu đường ra trường đã lâu muốn học lấy bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh của UBI để thăng tiến, chúng tôi đặt vấn đề trình độ tiếng Anh của mình quá yếu, sợ không theo nổi chương trình và được chuyên viên tư vấn tuyển sinh của Công ty Vietwings hứa hẹn: “Công ty Vietwings có chương trình hỗ trợ thêm tiếng Việt, còn chương trình giảng dạy thạc sĩ, tiến sĩ có cả tiếng Việt và tiếng Anh”.

Thấy chúng tôi tỏ ý chưa yên tâm, chuyên viên tư vấn của Vietwings quả quyết: “Với chương trình tiến sĩ UBI của Vietwings, nếu anh thấy lo ngại về vấn đề tiếng Anh của mình, phía Vietwings sẽ cố gắng xin trường cử giảng viên VN hướng dẫn cho học viên và học viên có thể làm các bài luận bằng tiếng Việt”.

---------------------

Vài nét UBI ở Bỉ

UBI không có từ nào tự xưng mình là trường ĐH trên website chính thức http://www.ubi.edu/about/presentation/.

Là nhà cung cấp chương trình đào tạo, UBI nói rõ văn bằng cử nhân và thạc sĩ, khi ghi danh học ở UBI, là do ĐH Wales chứng nhận và cấp phát.

Về vấn đề ngôn ngữ, ngay tại Bỉ là nước sở tại, UBI đưa ra yêu cầu rất cao: Tất cả các chương trình đều được giảng dạy bằng tiếng Anh, học viên bắt buộc phải chọn thêm một ngoại ngữ phụ (Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha). Nếu ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Anh thì phải theo một khóa ngoại ngữ thứ hai.

Thế nhưng không biết vì sao khi đến VN, yêu cầu về ngoại ngữ đã được tinh giản đến mức… không còn gì!?

Cũng trên website của UBI, ban giảng huấn được giới thiệu rất đa dạng ngành nghề, từ công nghiệp thực phẩm đến báo chí, y khoa, điện, tâm lý, kinh tế… nhưng hầu như tất cả đều là thạc sĩ và cử nhân.

XUÂN CHIỂU

.

.

Bát nháo trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ liên kết quốc tế:

Bài 2: Công ty đào tạo tiến sĩ?

01/09/2010 - 01:08 AM

http://phapluattp.vn/20100901010638816p0c1019/cong-ty-dao-tao-tien-si.htm

Sự liên kết của tổ chức đào tạo trực tuyến NetAcademy của Malaysia tại VN, mà đằng sau nó là UBI, cùng hệ thống Công ty Vietwings và doanh nghiệp mang tên Viện Quản trị và tài chính (IFA)đã cho thấy các đơn vị kinh doanh giáo dục vào cuộc tranh đua kiếm tiền từ những người học mập mờ về giá trị bằng cấp hoặc cần bằng cấp mà không phải học, với những quảng cáo thiếu minh bạch.

.

Và nhất là rất nhiều người học chỉ cần biết chương trình đào tạo nào có Tây, bất kể nó của ai và bằng online có ý nghĩa và mục đích sử dụng như thế nào trong tương quan với các loại bằng khác của
quốc gia!

Trong bài trước, chúng tôi đã đề cập đến UBI - United Business Institute - liên kết đào tạo trực tiếp chương trình “cử nhân, thạc sĩ quản trị kinh doanh” tại VN được triển khai từ năm 2000 với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Hoa Sen....

Đến thời điểm này, UBI đã phát triển liên kết thêm một nhánh khác với cách thức “sang tay” cho đối tác trung gian. Cụ thể là UBI tại Bỉ cho Công ty NetAcademy của Malaysia liên kết với các đối tác mới là các công ty, đơn vị chuyên kinh doanh đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của VN tổ chức đào tạo online các “văn bằng” cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ QTKD và ở đây UBI tự cấp bằng chứ không nhờ đối tác truyền thống là ĐH Wales.

.

IFA giới thiệu chương trình đào tạo cử nhân QTKD liên kết với NetAcademy chỉ có 12 tháng.

http://phapluattp.vcmedia.vn/Images/Uploaded/Share/2010/09/01/8-chot.jpg

.

IFA không có chức năng đào tạo…

Theo tìm hiểu của phóng viên Pháp Luật TP.HCM, IFA là một doanh nghiệp được thành lập năm 2006. Ngày 26-4-2010, Bộ Xây dựng có Quyết định 477/QĐ-BXD cho phép IFA được tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. Theo quyết định của Bộ Xây dựng, IFA được sử dụng con dấu nổi theo quy định khi cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình. IFA cũng có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình...

Như vậy, về mặt pháp lý, giấy phép này chỉ cho phép IFA bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn các kiến thức nghiệp vụ quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình và cấp chứng chỉ. Bộ Xây dựng không đả động đến việc IFA được liên kết đào tạo các chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Đó là điều hợp lý bởi quy định hiện hành của Bộ GD&ĐT không cho phép những đơn vị không có đủ chức năng đào tạo liên kết tổ chức đào tạo dưới bất kỳ hình thức nào.

Thế nhưng theo giải thích của cán bộ tư vấn tuyển sinh của IFA tại TP.HCM và của các văn phòng đại diện IFA thì IFA là một viện nghiên cứu độc lập, được Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM cấp phép với chức năng đào tạo các chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ kể cả những chương trình liên kết với NetAcademy và UBI để cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ (!?).

Website của IFA giới thiệu chương trình đào tạo cử nhân QTKD của đối tác NetAcademy chỉ có 12 tháng (!). Nhưng trên website của Vietwings, cũng với đối tác NetAcademy, chương trình này được ghi thời lượng là từ 12 đến 24 tháng. Nhờ vậy mà Vietwings mạnh dạn quảng cáo: Tiết kiệm được tối đa thời gian. Về chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ của các đơn vị này chúng tôi sẽ đề cập trong một bài khác.

.

Vietwings: Chỉ được tư vấn nhưng trực tiếp đào tạo

Tương tự, Công ty Vietwings là một đơn vị ủy quyền của NetAcademy có vai trò tổ chức quảng bá, thu nhận học viên và hỗ trợ chương trình cho người học. Ở đây có thể thấy rõ vai trò liên kết, tham gia tổ chức đào tạo của Công ty Vietwings và IFA. “Định hướng kinh doanh của công ty chúng tôi là khách hàng vừa có thể học tập, nghiên cứu ở nước ngoài (đào tạo tập trung), vừa có thể học tập, nghiên cứu ở VN (đào tạo trực tuyến)” - một chuyên viên Công ty Vietwings cho biết.

Như vậy, so với chương trình đào tạo online của UBI thì ở đây có thể thấy chương trình đã bị… biến hóa rất nhiều. Với hình thức đào tạo online thì không thể có việc tổ chức lớp học thêm tại VN, trình độ Anh văn kém cỏi phải có giảng viên đi kèm. Ở đây, chương trình đào tạo lại do 40% giảng viên VN đảm nhận, việc học và thi cử một phần cũng được tiến hành tại VN, người học đóng học phí tại VN…

Theo Bộ GD&ĐT, đến thời điểm này Bộ chưa hề cấp phép cho một đơn vị nào chức năng tham gia, liên kết với các đối tác ở nước ngoài về chương trình đào tạo trực tuyến (online). Vì vậy, hiện các cơ sở đào tạo trong nước có chương trình liên kết đào tạo online với các đối tác nước ngoài đều thường lách luật, giải thích rằng “chỉ giới thiệu, tư vấn cho người học chương trình đào tạo online của nước ngoài”. Song tất cả những lời giải thích đó đều là ngụy biện. Thực chất các đơn vị này đã vượt rào, liên kết đào tạo trái phép, chương trình học cũng là chương trình chưa được phép. Vậy các văn bằng mà họ đã và sẽ cấp cho học viên có giá trị ra sao?

. NetAcademy là ai?

- Thưa, là một công ty tư nhân chuyên cung cấp dịch vụ đào tạo trực tuyến (online) đến người học ở khắp nơi trên thế giới. Đã là trực tuyến thì người học có thể ở bất cứ nơi đâu. Nhưng thông thường, những công ty như thế này không có tên tuổi gì nên muốn “bán hàng” ra nước ngoài thì họ cần phải có một đối tác ở địa phương. Đối tác này sẽ làm những việc: tuyển sinh, thu phí, cung cấp địa điểm học v.v… Và quan trọng hơn hết là nó tạo ra sự tin tưởng thông qua những giao tiếp trực tiếp giữa người học tiềm năng và người đại diện cho nơi cung cấp dịch vụ.

. Học trực tuyến với những công ty như NetAcademy có tốt không?

- Xin thưa, đối với những “dịch vụ đào tạo trực tuyến” như vậy, việc dạy có tốt hay không gần như không phụ thuộc ở nơi cung cấp nội dung và văn bằng, chứng chỉ, mà ở nỗ lực của từng người học và sự chia sẻ của các nhóm học viên với nhau. Nói cách khác, chất lượng của những nơi này không được đảm bảo, vì chất lượng của người tốt nghiệp là rất khác nhau nhưng vẫn được cấp bằng như nhau.

. Không đảm bảo chất lượng, vậy có thể gọi là “đồ dỏm” không và có nên cấm hay không?

- Câu trả lời trở nên khá khó khăn đối với tôi. Vì giáo dục hiện nay đã được công nhận là một loại dịch vụ. Và nó có nhiều đối tượng phục vụ khác nhau. Nếu chỉ bán toàn đồ xịn, đắt tiền, v.v… thì sẽ có rất ít người có thể tiếp cận. Như vậy, chất lượng ở đây không phải chỉ là “có” hay là “không có”, mà nó là một dải khá rộng ở nhiều cấp độ khác nhau.

. Có phải NetAcademy đã nói dối mọi người khi nói rằng họ có quan hệ với UBI hay không?

- Quan hệ này là có thật. Giữa NetAcademy và UBI rõ ràng có một mối quan hệ hợp tác đúng như quảng cáo đã nêu: UBI cung cấp nội dung và cấp bằng, NetAcademy cung cấp công nghệ dạy online và một đối tác thứ ba sẽ làm nhiệm vụ quảng cáo, tuyển sinh, thu phí, cung cấp địa điểm học (qua mạng), quản lý sinh viên, và làm đầu mối liên lạc giữa học viên và hai đối tác còn lại.

Tiến sĩ VŨ THỊ PHƯƠNG ANH, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐHQG TP.HCM

Đào tạo online là vi phạm hợp đồng

Các chương trình đào tạo QTKD UBI xuất hiện tại VN từ năm 2000 nhưng từ đó đến nay UBI vẫn im lìm hoạt động trong vỏ bọc của hai ĐH lớn tại VN là ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP.HCM với chương trình liên kết đào tạo trực tiếp. Khi đó, chương trình vẫn còn theo các quy định ràng buộc cụ thể từ hai phía đối tác với nhau ít nhiều. Theo một chuyên gia có trách nhiệm tại ĐH Quốc gia TP.HCM, việc UBI liên kết với NetAcademy đào tạo online ở VN là vi phạm cam kết giữa hai bên. ĐH Quốc gia TP.HCM đang xem xét cắt hợp đồng, ngừng liên kết đào tạo với UBI.

Hệ thống đào tạo MBA trên thế giới rất phức tạp, giá trị văn bằng phụ thuộc vào trường, chương trình, đối tác doanh nghiệp và nhất là hiệu quả làm việc của cựu học viên trong thực tiễn. Tìm tên của UBI trong danh sách đánh giá và công nhận chất lượng MBA của hai trong năm tổ chức nổi tiếng là: AACSB (USA), ACBSP (USA), IACBE (USA), AMBA (Anh), EQUIS (Châu Âu), chúng tôi ghi nhận kết quả: KHÔNG.

.

XUÂN CHIỂU

.

-------------------------------

.

ĐỌC THÊM :

ĐÔI ĐIỀU LẠM BÀN VỀ BẰNG GIẢ, BẰNG THẬT

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/09/oi-ieu-lam-ban-ve-bang-gia-bang-that.html

LIÊN KẾT ĐẠI HỌC DỎM : LỖI TẠI AI ?

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/09/lien-ket-ai-hoc-dom-loi-tai-ai.html

.

.

.

No comments:

Post a Comment