Wednesday, August 25, 2010

TẠI SAO KHỔNG TỬ...KHÓC? (Nạn bằng giả ở Trung Quốc)

Tại sao Khổng Tử… khóc?!

Khâu Thành Đồng (Yau Shing-tung)

24/08/2010 - 06:27 PM

http://phapluattp.vn/20100824104518339p0c1019/tai-sao-khong-tu-khoc.htm

Nếu tái sinh vào thời này, hẳn Khổng Tử cũng phải khóc và ngửa mặt lên trời kêu “Ô hô ngán thay!”... Chuyện gì đang xảy ra và làm Khổng Tử uất giận đến thế? Đó là nạn "đạo chích" ý tưởng của giới học thuật, nạn mua bán văn bằng tiến sĩ, nạn xào nấu và bịp bợm trong giới nghiên cứu khoa học lẫn giảng dạy...

Nếu không kể tham nhũng, vấn đề trên thật sự là "quốc nạn" của Trung Quốc ngày nay, một Trung Quốc đang "hừng hực khí thế phát triển" với niềm "tự hào" là nơi có nhiều tiến sĩ nhất thế giới.

.

Quốc nạn

"Tham nhũng trong học thuật đang là vấn đề nghiêm trọng đến mức nó có thể chặn đứng thành tựu phát triển khoa học của Trung Quốc. Nếu không thế, tôi đã chẳng rước phiền cho mình khi nói thẳng ra. Mà cũng chẳng có sự phủ nhận nào trong giới học thuật nước nhà cả. Có điều, người ta không sẵn lòng nói một cách công khai" - phát biểu của Khâu Thành Đồng (Yau Shing-tung), Giáo sư toán Đại học Harvard, một trong những nhà khoa học gốc Hoa xuất sắc nhất thế giới hiện nay, người từng giành giải thưởng toán học Fields năm 34 tuổi và mới đây lại được trao giải Wolf lĩnh vực toán năm 2010 (người Trung Quốc đầu tiên giật được cả 2 giải toán học danh giá nhất thế giới nói trên).

Tham nhũng trong học thuật Trung Quốc đúng là vấn đề nghiêm trọng ngày càng gây bức xúc xã hội, như được ghi nhận trên China Daily (bản tiếng Anh của Trung Quốc nhật báo) ra ngày 2/6/2010.

Tình trạng “luộc” đề án nghiên cứu hoặc thuê người viết luận án, từ cử nhân đến tiến sĩ, thậm chí len lỏi vào tận những giảng đường lớn nhất Trung Quốc.

Tháng 3/2009, một giáo sư Đại học Chiết Giang đã bị sa thải sau khi bị phát hiện hành vi ăn cắp ý tưởng và "sao chép dữ liệu". Trước đó, năm 2003, một giáo sư Đại học Giao thông Thượng Hải cũng trở thành trung tâm của scandal tương tự. Năm 2008, 3 vụ bịp trong giới nghiên cứu cũng bị phơi bày tại Đại học Phục Đán, liên quan đến một số giáo sư, giảng viên, nghiên cứu sinh tiến sĩ và tiến sĩ.

Sự việc còn cho thấy một mặt trái nữa: Hệ thống giáo dục và đào tạo nâng cao của Trung Quốc rất có... "vấn đề". Giáo sư Khâu kể: "Nhiều sinh viên Hoa lục cho tôi biết điểm thi đại học quốc gia của họ và hỏi rằng, liệu (điểm cao như thế) có thể giúp họ vào khoa Toán Harvard hay không. Tôi buộc phải nói rằng họ có chút ít cơ hội vào Harvard nhưng vào khoa Toán Harvard thì không bao giờ, bởi họ thậm chí còn không biết làm... toán".

Trong bài báo khác (23/7/2010), China Daily cho biết thêm, nạn "hư đốn" trong giới học thuật Trung Quốc đã trở thành một thứ văn hóa phổ biến mà "thủ phạm" dường như chẳng còn màng và bận tâm đến sĩ diện và liêm sỉ. Giới giáo sư từ trường đại học danh tiếng thì chôm chỉa đâu đó rồi đưa vào bài "nghiên cứu" mình đăng trên chuyên san. Nghiên cứu sinh tiến sĩ thì chôm kết quả khoa học từ đâu đó bên Mỹ rồi đưa vào luận án riêng. Sinh viên thì sao chép, có khi cả bài (!), từ "tư liệu" nào đó để thực hiện bài kiểm tra...

Tình hình loạn đến mức một nghiên cứu từ Đại học Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) do Giáo sư Trầm Dương (Shen Yang) thực hiện trong ba năm (công bố gần đây) cho thấy, gần 1 tỉ tệ đã được chi ra cho các bài viết khoa học trong năm 2009, gấp 5 kể từ năm 2007; rằng sinh viên đại học Trung Quốc đã bỏ ra đến nửa tỉ tệ (khoảng 73 triệu USD) mỗi năm để mướn người viết luận án thay.

Điều tra China Daily cho thấy, những sinh viên giỏi chuyên "hành nghề" trong "công nghiệp viết thuê" được trả công tính theo số trang với trung bình mỗi trang từ 130-160 tệ (luận án bằng tiếng Anh khoảng 200 tệ/trang). Theo lời một sinh viên - chuyên gia viết mướn, cậu có thể hoàn tất một luận án cử nhân chỉ trong 2 ngày. Với bằng thạc sĩ, giá viết thuê cho một luận án 20.000 từ là khoảng 4.500 tệ và được giao sau chừng một tháng "đặt hàng"...

Có không ít người thậm chí nổi tiếng nhờ bán chất xám cho công nghiệp viết thuê luận án. Lô Khắc Khiêm (Lu Keqian) là một ví dụ. Với chiếc laptop và ngồi trong buồng ngủ chật chội, tay cựu giáo viên trung học 58 tuổi này là chuyên gia viết luận án thuê cho giáo sư, sinh viên và viên chức nhà nước. Tóm lại là bất cứ ai sẵn lòng trả cho Lô lệ phí khoảng 300 tệ/bài...

Đầu năm 2009, Phó hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp An Huy bị phát hiện từng "đạo chích" cho 20 bài nghiên cứu (đương sự bị cách chức nhưng vẫn được phép giảng dạy). Tháng 6/2009, hiệu trưởng một trường đại học y ở Quảng Châu cũng bị buộc tội chôm chỉa ít nhất 40% trong luận án tiến sĩ.

Tháng 3/2010, China Youth Daily cho biết, một bài báo y khoa từng bị xào đi nấu lại trong suốt một thập niên qua! Ít nhất 25 người từ 16 tổ chức đã "sao y bản chính" bài báo trên... Tất cả điều đó cho thấy sự thật và mặt trái của "hiện tượng kỳ diệu" Trung Quốc trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, và rằng tất cả con số hào nhoáng về "cú đại nhảy vọt" Trung Quốc trong thành tựu nghiên cứu khoa học đều rất đáng ngờ!

Như tác giả Stephen Wong thuật trên Asia Times, từ năm 2008, Trung Quốc đã qua mặt Mỹ trở thành quốc gia có nhiều tiến sĩ nhất thế giới. Theo Hội đồng Văn bằng Nhà nước Trung Quốc, chương trình đào tạo tiến sĩ đầu tiên tại nước này năm 1978 chỉ có 18 nghiên cứu sinh tiến sĩ. Năm 1982, chỉ 6 trong 18 người trên là được cấp bằng tiến sĩ. Số người theo học chương trình tiến sĩ bắt đầu tăng khoảng 23,4%/năm kể từ năm 1982 đến nay (so với 15% sinh viên theo học thạc sĩ). Đến cuối năm 2007, Trung Quốc đã cấp bằng tiến sĩ cho 240.000 người (theo vị Giám đốc Hội đồng Văn bằng Nhà nước Trung Quốc, mỗi giáo sư tên tuổi phải giám sát trung bình 5,77 nghiên cứu sinh tiến sĩ, cao hơn rất nhiều chuẩn quốc tế).

Mạnh Kim tổng hợp (ANTG)

.

.

ĐỌC THÊM :

ĐỪNG LẠ KHI NHIỀU CÁN BỘ XÀI BẰNG GIẢ

http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/08/ung-la-khi-nhieu-can-bo-xai-bang-gia.html

.

.

.

No comments:

Post a Comment