Wednesday, August 25, 2010

KHI TƯỚNG GIÁP THỞ DÀI NGAY GIỮA TRUNG NAM HẢI

Khi tướng Giáp thở dài ngay giữa Trung Nam Hải

Bùi Tín viết riêng cho VOA

Thứ Tư, 25 tháng 8 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/blogs/tin/khi-tuong-giap-tho-dai-ngay-giua-trung-nam-hai-08-25-10-101474014.html

Hôm nay, 25-8-2010, là sinh nhật lần thứ 99, bước vào tuổi 100 của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong nước, nhiều bài báo, luận văn, hồi ký được in ra, cùng tin tức về những cuộc thăm viếng, gửi lẵng hoa để chúc mừng đại thọ của ông.

.

Tôi gặp tướng Giáp từ rất lâu - hơn nửa thế kỷ trước, khi ông còn dạy sử ở trường Thăng Long Hà Nội, rồi hồi 1945 – 1946 khi ông làm Bộ trưởng Nội vụ, về sau gặp không biết bao lần trong các cuộc họp tổng kết, giao ban, nghe nói chuyện, lên lớp ở các trường quân sự… trên danh nghĩa là Bộ trưởng Quốc phòng - Tổng tư lệnh suốt 30 năm. Gần gũi, thân mật, nhất là khi ông vào Sài Gòn sau ngày 30-4-75, chọn tôi là người lên chương trình, hướng dẫn ông thăm thú thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn vừa im tiếng súng, trong suốt 2 ngày đầu tháng 5-1975. Ông hài lòng về cuộc quan sát, nhưng còn tiếc rẻ, là không được đứng ở vỉa hè uống nước sinh tố, không được vào chợ Bình Tây la cà xem hàng họ, hỏi thăm dân tình, vì luôn có cậu thiếu tá ban bảo vệ đi theo ngăn chặn, «để giữ an ninh tuyệt đối cho Đại tướng». Khi chia tay tôi, ông nói vui: « Cậu là nhà báo, sướng nhất đó, cậu tự do, mình thì bị cấm cản đủ thứ!».

.

Có một kỷ niệm nhỏ nhỏ, ít ai biết, có chút ý nghĩa thời sự, xin kể nhân dịp này. Ngày 8-5-1977 đoàn Quân sự cấp cao Việt Nam đang ở Bắc Kinh, tại nhà khách số 1, trong khu Trung Nam Hải, là khu vực lớn nhất, sang nhất của trung ương đảng CS Trung Quốc.

Đoàn quân sự VN hơn 20 người vừa đi thăm hữu nghị chính thức Liên Xô, CHDC Đức, Ba Lan, Hungary… để cám ơn các nước, phát hàng ngàn Huân chương chiến công cho các cố vấn, chuyên gia, sỹ quan các nước từng giúp Việt Nam. Tôi được phân công làm tùy viên báo chí – thông tin cho tướng Giáp, giúp ông theo dõi thời cuộc, trả lời phỏng vấn, làm tin hoạt động của đoàn gửi về nước. Cứ sáng sớm, tôi là người đầu tiên đến phòng ông, báo cáo tin tức thu được trong đêm và ăn sáng riêng với ông.

Qua Berlin, cả đoàn vui đón Fidel Castro khi ông vừa đi một chuyến cực kỳ bí mật, sang Ethiopia và một số căn cứ mật trong rừng châu Phi, thăm hàng vạn binh sỹ Cuba tại đó. Ông ghé tai tướng Giáp, mắt nhấp nháy cười, kể cách nào đưa được quân Cuba sang châu Phi, trên các tàu chuyên chở dầu của Liên Xô, khi về ghé cảng châu Phi lấy nước ngọt… Cuộc gặp Fidel rất lạ, vui, tôi sẽ có dịp kể sau.

Ngày 1-5, đoàn ở Moscow, đúng ngày Quốc tế Lao động, có tuần hành lớn ở Hồng trường.

Tướng Giáp là khách nước ngoài duy nhất được mời lên đứng cạnh ông Leonid Brezhnev trên lăng Lenin. Tướng Giáp vui ở Moscow bao nhiêu thì ỉu xìu ở Bắc Kinh bấy nhiêu.

.

Đến Bắc Kinh, sát ngày 8-5 là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, tướng Giáp cùng các tướng Lê Trọng Tấn, Đoàn Văn Cống, Lê Quang Hòa… đều nghĩ rằng Bộ Quốc phòng TQ ắt sẽ như mọi năm mở tiệc khoản đãi, chí ít cũng có đoàn đến chúc mừng hay đến tặng hoa kỷ niệm… Vậy mà không. Đến quá trưa, vẫn không có động tĩnh gì hết. Thế là đành ăn bữa cơm thường lệ rất muộn, tướng Giáp nâng cốc bia Thanh Đảo nhắc một câu đến chiến thắng Điện Biên cho có lệ, rồi ai nấy lặng lẽ về phòng riêng, băn khoăn ngẫm nghĩ. Mọi người còn như giữ lại tiếng thở dài thườn thượt của tướng Giáp cùng những cái lắc đầu trong yên lặng, sau lời nhắc đến Điện Biên Phủ không chút thích thú.

.

Sáng hôm sau, cuộc gặp chính thức giữa 2 đoàn diễn rất nhạt nhẽo và cuối cùng là thất vọng. Người đại diện Bộ quốc phòng Trung Quốc là tướng Trần Tích Liên lặng lẽ lắc đầu trước cả 3 đề nghị của phía Việt Nam:

- Viện trợ tiếp về vũ khí cho bộ binh, không quân, hải quân, những phụ tùng thay thế, đạn dược cho máy bay, tàu chiến, pháo binh, xe tải quân sự;

-Nhận đào tạo giúp cho hơn 600 sỹ quan các loại tại các trường quân sự Trung Quốc như thời gian qua;

-Và cuối cùng là giúp cho việc vận tải quá cảnh hàng viện trợ quân sự từ Liên Xô sang Việt Nam được nhanh chóng an toàn.

Tướng Trần Tích Liên mặt sắt đen sì chỉ có một câu trả lới: «Chúng tôi không thể đáp ứng vì không còn điều kiện giúp đỡ và chi viện ai, vì cơ sở vật chất của nền quốc phòng Trung Quốc bị lũ 4 tên (Tứ nhân bang) phá hoài nặng nề, phải có thời gian để hồi phục».

Ngay sau đó biên giới phía Tây Nam từ Tây Ninh xuống Long An, Châu Đốc, Hà Tiên bị bọn Khơ me đỏ tấn công dữ dội bằng đại bác, súng cối, đại liên do Trung Quốc sản xuất và chúng chôn hàng triệu quả mìn cá nhân cũng do Trung Quốc sản xuất. Cố vấn quân sự Trung Quốc chỉ huy đến cấp tiểu đoàn…

.

Nhân mừng đại thọ của tướng Giáp, tôi nhắc đến một chuyện cũ về mối quan hệ Việt–Trung cho đến nay trở thành một vấn đề lớn phân hóa cả đảng Cộng sản và xã hội ta.

.

Tôi từng công khai tỏ ra thất vọng về tướng Giáp, ông đã không mảy may lên tiếng khi các sỹ quan thuộc cấp bị hãm hại: từ Thượng tướng Chu Văn Tấn, Trung tướng Đặng Kim Giang, Lê Liêm, đến các Đại tá Đỗ Đức Kiên, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Phạm Quế Dương, hay ông Hoàng Minh Chính bị lâm nạn. Vậy mà là một vị tướng có lòng nhân ái ư? Biết bao gia đình anh hùng, liệt sỹ, cựu chiến binh bị đối xử tàn tệ, ông lẳng lặng nhìn đi chỗ khác, ý thức công bằng xã hội có vẻ như rất mờ nhạt trong nhận thức của ông.

Tôi cũng hiểu cơ chế độc đảng đã là nguồn gốc của mọi bất công, và chính ông cũng từng là nạn nhân, từng bị nghi ngờ và hãm hại, nên ông cần giữ mình, theo phản ứng tự vệ của bản năng mọi sinh vật. Ông đã không tự vượt qua được chính mình.

.

Cuối đời, tướng Giáp đã có những việc làm đáng ghi nhận. Ông đã nhiều lần nêu rõ «Vụ án siêu nghiêm trọng Tổng Cục II, T4», mới đây ông lên tiếng ca ngợi và bênh vực Trung tá Vũ Minh Ngọc «đã dũng cảm, ngay thẳng nói lên sự thật», ông cũng từng 3 lần lên tiếng phản đối và đòi chấm dứt ngay việc khai thác bauxite ở địa bàn chiến lược Tây nguyên.

Những lời hứa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là «chúng tôi sẽ thực hiện những ý kiến quý báu của Đại tướng» và lời của ông Tổng bí thư Nông Đức Mạnh: «Xin Đại tướng yên tâm, chúng tôi đang kiếm chỗ để đưa cậu ta (Nguyễn Chí Vịnh) đi rèn luyện» chẳng qua chỉ là những lời hứa cuội của những người nói đó, rồi quên đó, rồi làm những việc trái ngược.

Thành ra lời chúc của Thủ tướng, của ông Tổng bí thư ngày 25-8 này xét cho cùng chỉ là vuốt đuôi, là giả tạo, là một màn kịch vậy. Các vị hãy nghe tiếng thở dài ngày nào của tướng Giáp ở ngay giữa sào huyệt bành trướng ở Trung Nam Hải và ngẫm nghĩ…

---------------------------

* Blog của Nhà báo Bùi Tín là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

.

.

.

No comments:

Post a Comment