Thursday, August 26, 2010

NHỮNG LÝ DO SÂU XA ĐỂ HOA KY và TRUNG QUỐC DIỄU VÕ GIƯƠNG OAI

Những lý do sâu xa để Trung Quốc và Hoa Kỳ diễu võ giương oai

Jingdong Yuan

Trần Ngọc Cư dịch

Thứ năm, ngày 26 tháng tám năm 2010

http://www.talawas.org/2010/08/jingdong-yuan-nhung-ly-do-sau-xa-e.html

Phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với việc Hoa Kỳ kêu gọi đàm phán đa phương để giải quyết tranh chấp lãnh hải trong Biển Nam Trung Hoa nằm trong ngọn triều của những căng thẳng đang gia tăng giữa Bắc Kinh và Washington về một loạt vấn đề.

Ngoại trưởng Trung Quốc Yang Jiechi (Dương Khiết Trì) nói rằng hành vi can thiệp của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton một tháng trước đây cho thấy rằng Hoa Kỳ đang toa rập với nhiều nước khác ở trong vùng nhằm chống lại Trung Quốc. Các nhà phân tích Trung Quốc cũng vạch ra rằng những cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp Mỹ-Hàn trong Hoàng Hải và Biển Nhật Bản chỉ là hành động khiêu khích và xâm phạm quyền lợi trên biển của Trung Quốc.

Tuy nhiên, ở bên dưới những lời qua tiếng lại công khai, có những lý do sâu xa cho lập trường cương quyết và thậm chí có tính đối đầu của cả đôi bên. Đối với Hoa Kỳ, sự vươn dậy liên tục của kinh tế Trung Quốc và sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc đặt ra những thách thức nghiêm trọng, đối với vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ tại Châu Á cũng như đối với các nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm đối phó các vấn đề toàn cầu, từ cấm phổ biến vũ khí nguyên tử đến thay đổi khí hậu. Kinh tế Trung Quốc có vẻ còn đang tiếp tục gia tăng nếu đem so với kinh tế đình đốn của Hoa Kỳ, nơi mà nạn thất nghiệp vẫn còn ở mức cao không thể chấp nhận, kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu cách đây hai năm. Trung Quốc đang nhắm thay thế Nhật Bản trong vai trò cường quốc kinh tế đứng hạng nhì thế giới.

Chương trình hiện đại hóa quân đội cũng đang diễn tiến mạnh mẽ tại Trung Quốc, đặc biệt tập trung vào chiến lược nhằm chống lại sự tiếp cận và từ chối việc sử dụng các biển đảo [mà Trung Quốc cho là quyền lợi cốt lõi của mình], một nỗ lực có thể đe doạ nghiêm trọng việc đi lại của hải quân Hoa Kỳ trong vùng này. Một bản tường trình do Lầu Năm Góc đưa ra tuần này cho biết Trung Quốc đang thu thập và bố trí tàu ngầm, tàu tuần dương hiện đại, các ổ tên lửa chống chiến thuyền, và các khả năng bất đối xứng như hoạt động chiến tranh mạng (cyber warfare). [Bất đối xứng theo nghĩa hai quân đội thù nghịch không quân bình lực lượng theo đuổi chiến lược, chiến thuật khác nhau nhằm khai thác nhược điểm của phía bên kia - ND chú thích.]

Washington lo ngại rằng sức mạnh kinh tế và khả năng quân sự đang gia tăng của Trung Quốc có thể thúc đẩy lãnh đạo nước này đi theo một đường lối cương quyết hơn trong chính sách đối ngoại và không còn muốn hợp tác với cộng đồng quốc tế trong những vấn đề mà Trung Quốc có thể giữ vai trò trọng yếu. Đồng thời, một vai trò như thế lại đòi hỏi Bắc Kinh phải hi sinh lợi ích của chính mình để phục vụ lợi ích to lớn hơn của thế giới, bao gồm các biện pháp đối phó tình trạng thay đổi khí hậu và chương trình nguyên tử của Iran.

Đáng đặc biệt quan tâm là điều mà Washington cho là những nỗ lực cố tình của Trung Quốc nhằm đẩy Hoa Kỳ ra khỏi Châu Á. Việc Trung Quốc quả quyết rằng Biển Nam Trung Hoa là một trong những quyền lợi cốt lõi ngang hàng với Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương chứng tỏ rằng Bắc Kinh sẽ không để cho một cường quốc khác can thiệp vào vấn đề lãnh thổ vùng này trong khi Bắc Kinh có khả năng o ép các phe trong cuộc tranh chấp phải chấp nhận các điều kiện của Trung Quốc.

Bắc Kinh cũng có nỗi bất bình tương tự, nếu không muốn nói là lớn hơn, đối với những hành động của Hoa Kỳ mà Bắc Kinh cho là làm thương tổn quyền lợi quốc gia của Trung Quốc. Thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan và cuộc họp của Tổng thống Barack Obama với đức Đạt Lai Lạt Ma được coi như là hành vi Hoa Kỳ tiếp tục can thiệp vào vấn đề nội bộ của Trung Quốc.

Riêng về vấn đề Đài Loan, quan hệ giữa đảo quốc và lục địa đã trở nên khá ổn định kể từ ngày Ma Ying-jeou (Mạc Anh Cửu) nhậm chức tổng thống Đài Loan. Quan hệ kinh tế song phương tiếp tục được củng cố và hai bên vừa mới ký kết Thoả ước về Khung Hợp tác Kinh tế (Economic Cooperation Framework Agreement-ECFA) nhằm tạo thêm điều kiện thuận tiện cho những tương tác kinh tế song phương. Mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan cũng được tăng cường bằng những chuyến bay trực tiếp và bằng những thỏa ước về du lịch và giáo dục. Trong tình hình như vậy, thương vụ vũ khí của Hoa Kỳ đã gây phản ứng mạnh mẽ từ phía Bắc Kinh.

Các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng việc thay đổi chính sách của Hoa Kỳ tại Châu Á gần đây có mục đích giới hạn và thậm chí chặn đứng sự vươn dậy cũng như ảnh hưởng của Trung Quốc ở trong vùng này. Bắc Kinh coi việc Hoa Kỳ kêu gọi giải quyết các tranh chấp lãnh hải trong Biển Nam Trung Hoa như một âm mưu nhằm lôi kéo một số nước có tranh chấp vào trong vòng tay của Hoa Kỳ, với mục tiêu chiến lược là tái khẳng định ưu thế của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương sau một thời gian xao lãng.

Một biểu hiện của chiến lược này được phản ánh trong quan hệ có vẻ đang nồng ấm giữa Washington và Hà Nội. Hai nước vừa mới kỷ niệm đánh dấu 15 năm thiết lập quan hệ ngoại giao bằng những cuộc thao diễn hải quân hỗn hợp, có sự tham dự của khu trục hạm USS John McCain. Sự kiện có ý nghĩa hơn cả là cuộc đàm phám hợp tác hạch nhân Việt-Mỹ, mà có nguồn tin cho rằng Hoa Kỳ sẽ cho phép Việt Nam làm giàu chất uranium.

Những cuộc thao diễn hải quân hỗn hợp Mỹ-Hàn trong Hoàng Hải và Biển Nhật Bản, có cả sự tham dự của tàu sân bay USS George Washington với danh nghĩa biểu lộ quyết tâm và phản ứng lại vụ việc Bắc Hàn đánh chìm tàu Cheonan của Nam Hàn, bị các nhà phân tích Trung Quốc coi như là một sự khiêu khích. Ngoài ra, hai nước còn tổ chức một cuộc họp Mỹ-Hàn “2+2” tại Seoul có sự tham dự của bộ trưởng ngoại giao và bộ trưởng quốc phòng của mỗi bên. Tín hiệu này đã được Trung Quốc ghi nhận như sau: Những nỗ lực nhằm tăng cường các liên minh quân sự của Washington tại Châu Á có mục đích tái lập ưu thế của Hoa Kỳ và ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc.

Lý do sâu xa của sự căng thẳng đang gia tăng và các cuộc tập luyện quân sự qui mô lớn gần đây là sự thiếu tin cậy lẫn nhau và thiếu đối thoại chiến lược ở tầm sâu. Điều này có khả năng đưa đến ngờ vực, sợ hãi lẫn nhau và thậm chí những tính toán sai lầm. Tình trạng này diễn ra ở thời điểm Hoa Kỳ đang tìm cách giành lại ưu thế tại Châu Á trong khi Trung Quốc tìm cách đòi lấy những gì mà họ cho là lãnh thổ thuộc thẩm quyền của họ ở trong vùng này. Cuộc tranh giành ảnh hưởng này có thể gây nguy hại nghiêm trọng cho sự ổn định và thịnh vượng của vùng Đông Á và cho tất cả các phe liên hệ.

Rõ ràng là, quản lý những quan hệ Mỹ-Trung đang diễn biến là nhiệm vụ nghiêm trọng của các nhà lãnh đạo và các nhà chiến lược của cả hai nước. Tuy nhiên, những khác biệt về nhận thức và lợi ích quốc gia, cùng với các vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc và Hoa Kỳ, sẽ làm cho nhiệm vụ này vừa khó khăn vừa bức thiết. Ông Obama cần phải khẳng định mình và đánh tan dư luận cho rằng ông là một nhà lãnh đạo nhu nhược, quá nhân nhượng trong các vấn đề thuộc chính sách đối ngoại. Trong khi đó, tại Trung Quốc, việc chuyển giao quyền lãnh đạo trong vòng hai năm tới cũng là động cơ to lớn để các người tranh giành quyền lực tỏ ra cứng rắn trong các vấn đề thiết thân với lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.

Không nhất thiết là hai quốc gia phải cùng nhau sa vào một cuộc đối đầu quyết liệt. Dẫu sao, khả năng thiệt hại cho đôi bên là quá cao và không cường quốc nào đủ sức gây ra một cuộc chiến tranh lạnh trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, nhìn nhận như vậy cũng chưa chắc đảm bảo được rằng hai bên có thể tránh được những xung đột trong tương lai. Phần lớn sự ổn cố trong vùng sẽ tùy thuộc vào khả năng thắng thế của những đầu óc bình tĩnh tại Bắc Kinh và Washington cho dù họ phải chấp nhận một cuộc tranh đua chiến lược trong nhiều thập niên tới.

------------------------------------

Tiến sĩ Jingdong Yuan là phó giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh Quốc tế, Đại học Sydney.

Nguồn: “Deep Reasons for China and US to Bristle”, Asia Times Online, 20.8.2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Ngọc Cư

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

.

.

.

No comments:

Post a Comment