Thursday, August 26, 2010

NHƯ THẾ NÀO MỚI LÀ "CÓ CÁI GÌ MỚI" ?

Như thế nào mới là “có cái gì mới”? Thưa ông Chủ tịch Quốc hội

Đinh Kim Phúc *

Đăng bởi anhbasam on 26/08/2010

http://anhbasam.com/2010/08/26/634-nh%c6%b0-th%e1%ba%bf-nao-m%e1%bb%9bi-la-%e2%80%9cco-cai-gi-m%e1%bb%9bi%e2%80%9dth%c6%b0a-ong-ch%e1%bb%a7-t%e1%bb%8bch-qu%e1%bb%91c-h%e1%bb%99i/#comments

.

Tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 25-8-2010, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – an ninh Lê Quang Bình đề nghị Chính phủ có báo cáo về tình hình biển Đông và tình hình an ninh trước Đại hội Đảng để các đại biểu thảo luận, tạo sự đồng thuận. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng kết luận chưa cần báo cáo tình hình biển Đông vì so với báo cáo của Bộ Ngoại giao tại kỳ họp thứ 6 (cách đây một năm – NV), đến nay không có gì mới…(1)

Trước đó khi tiếp xúc với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc phụ trách về tình báo và đối ngoại Mã Hiểu Thiên, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh đã nói:Trên tinh thần đồng chí, anh em, chúng tôi đã có cuộc trao đổi thân tình, cởi mở, thẳng thắng tất cả các vấn đề.

Tình hình trên Biển Đông hiện nay vẫn yên tĩnh. Chúng ta vẫn hoạt động kinh tế bình thường, hàng hải bình thường, du lịch bình thường, không có vấn đề gì trở ngại cả”.(2)

Mới đây, ông Nguyễn Chí Vịnh vừa dẫn đầu đoàn đại biểu Bộ Quốc phòng thăm Trung Quốc trong 4 ngày, từ 22 đến 25/8, chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) diễn ra tại Hà Nội giữa tháng 10 tới.

Trong thời gian ở thăm, Thứ trưởng Quốc phòng đã hội đàm với Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc Mã Hiểu Thiên và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Lương Quang Liệt.

“Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nói, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, có đại cục quan hệ tốt đẹp, Việt Nam ủng hộ và vui mừng trước sự phát triển của Trung Quốc, trong đó có phát triển quốc phòng…”.(3)

.

Đọc tin trên thấy lòng mình phấn khởi, nay lại được củng cố thêm:

Theo tin Đài phát thanh quốc tết Trung Quốc ngày 10/6/2010: Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nói: “Trung Quốc không gây đe dọa đối với người khác, cũng không xâm lược nước khác, Trung Quốc phản đối chủ nghĩa bá quyền. Trung Quốc là nước đang phát triển, cho dù sau này Trung Quốc phát triển, cũng sẽ kiên định đi theo con đường phát triển hòa bình, mãi mãi không xưng bá, đây là sự tuyên bố trịnh trọng trước thế giới của Chính phủ Trung Quốc”.

.

Nhưng: Trong tám tháng đầu năm 2010, Trung Quốc đã:

- Ngày 30/04, Trung Quốc đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển Đông từ 12h trưa ngày 06/0512010 và sẽ kéo dài đến 12h trưa ngày 01/08/2010.

Được biết, khu vực cấm đánh bắt mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố có nhiều phần nằm trong lãnh hải của Việt Nam (Bắt đầu từ 12 độ Vĩ Bắc đến 113 độ Kinh Đông – khu vực này sẽ kéo dài từ Hải Nam đến vùng biển Nha Trang của Việt Nam). Trong đó bao gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phía Trung Quốc còn đưa ra mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm luật cấm đánh bắt trên. Ví dụ sẽ tiến hành áp dụng mức phạt lên tới 50000 NDT trở xuống đối với các hành vi vi phạm thông thường, đối với các tình tiết nghiêm trọng sẽ tích thu giấy phép đánh bắt, ngoài ra sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.(4)

- Theo tin từ mạng báo điện tử Tân Hoa Xã, tính đến trưa ngày 25/05, các khâu cuối cùng của công tác lắp đặt trạm thu phát sóng điện thoại đầu tiên trên đảo Chữ Thập (thuộc quần đảo Trường Sa) đã hoàn thành.

Được biết, ngay từ đầu tháng 5 Trung Quốc đã cử cán bộ nhân viên kỹ thuật ra hòn đảo này nhằm tiến hành các công tác lắp đặt. Đến ngày 25/05 thì trạm phục vụ điện thoại di động này chính thức bắt tín hiệu và đưa vào sử dụng. Đây là trạm phục vụ điện thoại di động đầu tiên được phía Trung Quốc cho lắp đặt tại quần đảo này. Theo đó, số binh lính Trung Quốc đồn trú tại các đảo của Việt Nam trong phạm vi quần đảo này có thể gọi điện thoại trực tiếp vào đất liền.

Bên cạnh đó, ngoài đảo Chữ Thập ra thì phía Trung Quốc cũng đang tiến hành lắp đặt thêm một số trạm thu phát sóng nữa, đồng thời dự kiến các trạm phát sóng này sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian ngắn tiếp theo.(5)

- Ngày 06/06, một loạt báo chí Malaisia đưa tin nghi ngờ khả năng Trung Quốc có thể sẽ bố trí tên lửa đạn đạo Trường Kiếm 10 tại khu vực quần đảo Trường Sa. Nếu như điều này xảy ra sẽ gây lo ngại cho một số nước và can thiệp đến việc tranh chấp biển Đông hiện nay.

Được biết, trước đó Trung Quốc đã tiến hành bố trí loại tên lửa đạn đạo này tại 3 khu vực trọng yếu phía nam đó là Quý Châu, Quảng Tây và Giang Tây nhằm đối phó với mối đe dọa có thể xảy ra từ các nước như Ấn Độ, Việt Nam và Đài Loan. Chính vì thế, một số nguồn tin lo ngại trong thời gian tới Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai loại tên lửa đạn đạo này xuống khu vực sâu hơn, trong đó có các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.(6)

- Vào giữa tháng 6 gần đây, Trung Quốc đã xây dựng Cương lĩnh quy hoạch phát triển đảo “Tầm nhìn 2020″ – trong đó “quy hoạch” cả các vùng biển và hải đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Dư luận cho rằng, bản chất “Tầm nhìn 2020″ của Trung Quốc là, bất chấp luật pháp quốc tế, từng bước thôn tính biển Đông. Những hành động trong một thời gian dài đó còn nham hiểm ở chỗ nó định hướng tâm lý rằng đó là “sự đã rồi”, rằng Trung Quốc có danh phận và do đó có quyền giành chủ quyền của mình trên các vùng biển đã nêu.(7)

- Từ cuối tháng 5/2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, và tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này.

Ngày 5/8/2010, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga cho biết, từ cuối tháng 5/2010 đến nay, phía Trung Quốc đã sử dụng tàu khảo sát M/V Western Spirit cùng nhiều tàu bảo vệ tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa và tại các lô dầu khí 141, 142 và 143 trên thềm lục địa Việt Nam, cách đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi khoảng 90 – 116 hải lý. Phía Trung Quốc còn tiến hành san lấp, mở rộng đảo Tri Tôn với mục đích xây dựng công trình trên đảo này… Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc chấm dứt ngay và không để tái diễn các hoạt động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định ở Biển Đông, thúc đẩy quan hệ Việt – Trung phát triển ổn định, lành mạnh.

Ngày 6/8, khi trả lời báo giới về việc người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga đã lên tiếng phản đối Trung Quốc tiến hành khảo sát tại đảo Tri Tôn và các vùng biển lân cận thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, người phát ngôn bộ ngoại giao Trung Quốc, bà Jiang-Yu lên tiếng phản đối đồng thời cho biết, Trung Quốc “có chủ quyền không thể tranh cãi” đối với quần đảo Hoàng Sa. Sự thật về cái gọi là chủ quyền mà Trung Quốc nói tới này là kết quả của việc Trung Quốc đã bất chấp luật pháp quốc tế, sử dụng vũ lực đánh chiếm và hiện vẫn đang chiếm giữ bất hợp pháp nhiều đảo và quần đảo của Việt Nam.(8)

- Trong những ngày gần đây, “Bất chấp những phản ứng và tuyên bố chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc vẫn tiếp tục ngang nhiên cho tổ chức hoạt động diễn tập quân sự của hải quân tại khu vực này.

Một số báo chí Hồng Kong đưa tin, vừa qua Trung Quốc đã cho hàng trăm xe bọc thép lưỡng cư, pháo tự hành, xe chở quân với hàng ngàn binh lính ra quần đảo Hoàng Sa tiến hành diễn tập thực binh.

Theo đó, nội dung chủ yếu của cuộc diễn tập lần này đó là diễn tập tấn công và phòng ngự đối với các cụm đảo mà Trung Quốc đã chiếm đóng của Việt Nam tại quần đảo này.

Trong đó, báo chí Trung Quốc nhấn mạnh, điều đặc biệt đáng chú ý trong lần diễn tập này đó chính là lần đầu tiên hải quân nước này đưa vào sử dụng tác chiến trên đảo một khối lượng lớn các trang thiết bị vũ khí mới mà trước nay Trung Quốc chưa từng cho vào tham gia các cuộc diễn tập trước đó. Bên cạnh đó, các xe thiết giáp chở quân lưỡng cư tham gia diễn tập này cũng hoàn toàn được trang bị mới.

Cũng theo tờ báo này, mục đích của cuộc diễn tập này của hải quân Trung Quốc đó là nhằm “đối kháng” với cuộc diễn tập trên biển Đông sắp tới với sự tham gia của Mỹ và Nhật, bên cạnh đó đây còn là một “lời cảnh báo không lời” của Bắc Kinh.

Ngoài ra, cuộc diễn tập lần này còn huy động sự tham gia của một sư đoàn phòng không Trung Quốc đóng tại quân khu Quảng Châu. Theo đó, nội dung mà quân khu này tham gia diễn tập bao gồm khoa mục tiếp dầu trên không, tấn công đánh chiếm đảo, diễn tập phòng không…”(9)

.

Tạm kết:

Hôm nay, ngày 26/8/2010, đọc xong bài “Đề nghị báo cáo Quốc hội tình hình Vinashin” của tác giả Lê Kiên trên báo Tuổi Trẻ tôi sợ mình nhầm nên đã đọc lại nhiều lần từng câu, từng chữ, nhưng tôi không nhầm vì trên báo Lao Động Online cũng đăng lại như thế.(10)

Cho nên, tôi mạo muội xin hỏi một câu: Như thế nào mới là “có cái gì mới”? Thưa ông Chủ tịch Quốc hội.

Thưa ông, cái tin này có mới không: “Hôm thứ Năm 26/8, chính quyền Trung Quốc tuyên bố một tàu ngầm nhỏ, có người điều khiển của họ đã “cắm lá quốc kỳ dưới đáy biển Nam Hải”, tức Biển Đông theo cách gọi của Việt Nam.

Hãng Reuters cùng ngày trích nguồn Trung Quốc nói đây là vùng biển “Trung Quốc va chạm với Hoa Kỳ và các nước Đông Nam Á vì lý do tranh chấp lãnh thổ”.(11)

—-

Chú thích:

(1) Đề nghị báo cáo Quốc hội tình hình Vinashin (Tuổi trẻ, 26/8/2010)

(2) Mỹ không đứng về phía nào, TQ tuyên bố không bành trướng (VNN, 9/6/2010)

(3) Thứ trưởng Quốc phòng: ‘Việt Nam không là đồng minh quân sự của nước nào’ (VNN, 26/8/2010)

(4) 南海海域16日起休渔 (News.cn, 15/5/2010)

(5) 南沙守礁部队首次开通手机服务(News.cn, 25/5/2010)

(6) 马媒担心中国在南沙部署长剑10巡航导弹() (war news)

(7) “Tử huyệt” của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông (Vit, 26/8/2010)

(8) Trung Quốc phản đối phản ứng của Việt Nam đối với vấn đề Hoàng Sa (Vit, 7/8/2010)

(9) Hải quân Trung Quốc lại tổ chức diễn tập tại Hoàng Sa (Vit, 20/8/2010)

(10) Đề nghị báo cáo Quốc hội tình hình Vinashin (Lao động, 26/8/2010)

(11) Tàu ngầm TQ cắm cờ ở đáy Biển Đông (BBC)

.

.

.

No comments:

Post a Comment