Monday, August 30, 2010

Nhà Văn HUY PHƯƠNG RA Mắt Sách HẠNH PHÚC XÓT XA

Tác giả thấy có 'tội' mang đến sự xót xa

Ðỗ Dzũng/Người Việt
Sunday, August 29, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=118015

.

Nhà văn Huy Phương ra mắt sách 'Hạnh Phúc Xót Xa'

.

WESTMINSTER (NV) - Trong buổi ra mắt tác phẩm thứ năm của mình, “Hạnh Phúc Xót Xa,” nhà văn Huy Phương đã ví von “tôi có tội mang sự xót xa đến quý vị,” khi nói về cuốn sách mới nhất, được giới thiệu tại phòng sinh hoạt báo Người Việt hôm Chủ Nhật.

“Không xót xa sao được, chuyện này nó xảy ra hàng ngày trong cuộc sống chúng ta,” nhà văn Huy Phương nói. “Khi tôi đọc câu chuyện một bà đi chùa, gặp một cậu bé xin bà 5,000 đồng và sẽ cầu bà Chúa Xứ cho con gái bà được lấy chồng Ðài Loan. Lấy chồng Ðài Loan? Hạnh phúc quá đi chứ, mà hạnh phúc trong xót xa.”

.

Nhà văn Huy Phương bắt tay một độc giả tại buổi ra mắt sách “Hạnh Phúc Xót Xa.” (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/118015-big_HuyPhuong%201aa.jpg

.

Về cuốn sách của mình, nhà văn này giải thích: “Tôi viết về thân phận những người cô đơn, người già, vì còn nhiều xót xa quá. Tôi có tội mang sự xót xa đến quý vị.”

“Hạnh Phúc Xót Xa” do nhà xuất bản Nam Việt phát hành, dầy 300 trang với khổ chữ dễ đọc và được trình bày khá đẹp mắt.

Cũng như những tác phẩm trước, ngoại trừ “Những người muôn năm cũ” là tập truyện, tác phẩm lần này cũng ở dạng tạp ghi, một hình thức viết mà nhà văn Huy Phương đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Nhà văn Phạm Xuân Ðài gọi tạp ghi của Huy Phương là một hiện tượng trong cộng đồng Việt Nam vì đề tài của ông gắn liền với cuộc sống con người.

Ông nói: “Tôi cho tạp ghi của Huy Phương là một hiện tượng vì ông viết càng ngày càng phong phú. Trong văn xuôi thường có truyện ngắn, truyện dài, tùy bút, nặng tính văn chương. Nhưng từ ngày có báo chí, tạp ghi là một thể loại mới, có nhiều người viết, nhưng ít ai thành công.”

“Viết tạp ghi là phải chọn đề tài thật kỹ, chỉnh đốn và chuẩn bị nội dung, chứ không như viết vội hàng ngày. Tạp ghi của Huy Phương đã được tôi luyện, tích lũy từ cuộc sống, dùng tài liệu chứng minh, rồi dùng lời bình khoảng 70%, rất hợp lý,” nhà văn Phạm Xuân Ðài nói tiếp.

Nhà văn này cho rằng “cái độc đáo của Huy Phương là ông chọn đề tài gần gũi với cuộc sống.”

“Những gì Huy Phương viết là ông đang lo cho cuộc sống của chúng ta, lo lắng phúc lợi của chúng ta ngày một giảm thiểu, để cuộc sống chúng ta tốt hơn tại quê hương mới này,” nhà văn Phạm Xuân Ðài nói thêm.

.

Nhà văn Huy Phương phát biểu trước cử tọa. (Hình: Ðỗ Dzũng/Người Việt)

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/118015-big_HuyPhuong%202aa.jpg

.

Theo ký mục gia Bùi Bảo Trúc, dù là có thể viết rất nhiều, cái hay của nhà văn Huy Phương là ông biết kết thúc đúng lúc.

Ông Trúc giải thích: “Lối viết của Huy Phương là để chúng ta thưởng thức, và ông viết rất chừng mực. Dù với tư cách nhà giáo hay nhà binh, Huy Phương đã nói thay cho chúng ta nhiều điều. Tôi biết có nhiều người cắt những bài viết của Huy Phương để lưu lại. Tôi xin chúc Huy Phương viết hoài không nghỉ.”

Sau đó là phần phát biểu của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện.

Chương trình còn có phần văn nghệ với sự đóng góp của nhạc sĩ Chí Tâm và ca sĩ Ðan Vi, qua phần điều hợp của MC Ðỗ Tân Khoa.

Nhạc sĩ Chí Tâm đã cống hiến bài vọng cổ “Cái Kiếp Con Người,” do ông sáng tác, thật tuyệt vời, và bài tân nhạc “Bông Hồng Trắng” của nhạc sĩ Nhật Ngân.

Còn ca sĩ Ðan Vi trình bày bài “Tình Hoài Hương” của nhạc sĩ Phạm Duy và sau đó hát một bài tân cổ giao duyên tên “Mừng Tuổi Mẹ” do nhạc sĩ Chí Tâm sáng tác phần vọng cổ.

Nhân dịp này, nhà văn Huy Phương cũng ngỏ lời cảm ơn nhật báo Người Việt là nơi ông đã “gieo hạt, hạt nảy mầm” và ông “có ngày hôm nay, đứng trước số độc giả đông đảo.”

“Nhìn các bạn ở đây, đa số đều hai thứ tóc. Nhìn thân phận người Việt Nam mình bên kia, thấy xót xa. Không biết ngày sau sẽ ra sao, tất cả chúng ta rồi cũng giống như nhà văn Thảo Trường vừa mới ra đi cách đây mấy hôm,” nhà văn Huy Phương nói với một giọng buồn.

Nhà văn Huy Phương tên thật là Lê Nghiêm Kính, sinh năm 1937, tại Thừa Thiên, Việt Nam. Ông là cựu học sinh Khải Ðịnh-Huế, Quốc Gia Sư Phạm-Sài Gòn.

Trước năm 1975, ông học Khóa 16 SQTB, học báo chí Hoa Kỳ, rồi làm biên tập viên báo chí và phát thanh quân đội, phóng viên tuần báo Diều Hâu, tổng thư ký nhật báo Cửu Long, Sài Gòn, thư ký tòa soạn Chiến Sĩ Cộng Hòa và Tiền Phong, trưởng phòng Chỉnh Huấn & Tâm Lý Chiến - Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

Sau 1975, nhà báo, nhà thơ, nhà văn Huy Phương bị tù Cộng Sản 7 năm và đến Hoa Kỳ theo diện HO.

Ngoài hai tác phẩm nêu trên, nhà văn Huy Phương từng cho ra mắt “Nước Mỹ lạnh lùng,” “Ði lấy chồng xa” và “Ấm lạnh quê người.”

Hiện ông đang giữ mục Tạp Ghi xuất hiện mỗi tuần một lần trên nhật báo Người Việt. Ngoài ra, ông còn phụ trách chương trình Huynh Ðệ Chi Binh trên đài truyền hình SBTN.

.

.

.

No comments:

Post a Comment