Monday, August 30, 2010

CSVN PHẢI THỨC TỈNH, TỎ THIỆN CHÍ, HOẶC PHẢI TRẢ LỜI TRƯỚC LỊCH SỬ

'Thức tỉnh, tỏ thiện chí, hoặc phải trả lời lịch sử'

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt

Sunday, August 29, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=117940&z=262

.

GS Lê Xuân Khoa phân tích thế lựa chọn của Hà Nội:

.
Cuối Tháng Bảy vừa qua, một nhóm trí thức trong và ngoài nước tổ chức một cuộc Hội Thảo Hè chủ đề “Biển Ðông và An Ninh Con Người,” tại Ðại Học Temple, Philadelphia. Nội dung cuộc hội thảo ra sao, đúc kết như thế nào, vai trò của trí thức trong và ngoài nước, đặc biệt, các lựa chọn trước lịch sử của chế độ Hà Nội là gì? Người Việt phỏng vấn Giáo Sư Lê Xuân Khoa, một trong những tham dự viên cuộc hội thảo này. Giáo Sư Lê Xuân Khoa nguyên là chủ tịch Trung Tâm Tác Vụ Ðông Nam Á; nguyên giáo sư thỉnh giảng trường Cao Học Nghiên Cứu Quốc Tế Ðại Học Johns Hopkins - Washington D.C.; trước 1975 là giáo sư triết Ðại Học Văn Khoa và phó viện trưởng Viện Ðại Học Sài Gòn.

.

ÐQAThái (NV): Một cách tóm tắt, giáo sư có thể cho biết đôi nét về nội dung cuộc hội thảo “Biển Ðông và An Ninh Con Người?”

GS Lê Xuân Khoa: Hội Thảo Hè do một nhóm các chuyên gia và trí thức hải ngoại tổ chức hàng năm. Năm nay, họ chọn chủ đề “Biển Ðông và An Ninh Con Người.” Ðề tài này được chọn là để tiếp nối một loạt những hội nghị đã có trước đó. Chẳng hạn, ở Ðại Học Yale hồi năm ngoái cũng đã có một hội thảo chủ đề như vậy, với sự tham dự của các học giả ngoại quốc, Việt Nam trong và ngoài nước. Sau đó, vào Tháng Ba năm nay, lại có cuộc hội thảo cũng tại Ðại Học Temple, cũng về chủ đề này và vẫn có sự tham dự của các học giả ngoại quốc và Việt Nam. Riêng Hội Thảo Hè vừa rồi ở Philadelphia, chỉ có người Việt Nam với nhau mà thôi.

.

NV: Hội thảo đúc kết được điều gì?

GS Lê Xuân Khoa: Cuộc hội thảo là đóng góp của những người làm nghiên cứu, học giả chứ không phải là những người hoạt động xã hội hay chính trị, và những đóng góp của họ hết sức quan trọng, vô cùng tích cực, vì cho đến nay, tư liệu được đưa ra rất cần thiết về mặt lịch sử cũng như về mặt pháp lý để Việt Nam đối phó với Trung Quốc và cũng để có thể đưa ra trước công luận quốc tế nhằm thuyết phục quốc tế rằng Trung Quốc có những đòi hỏi rất ngang ngược và sai lầm về chủ quyền tại khu vực Biển Ðông. Quan trọng hơn cả, tư liệu được đưa ra chứng tỏ rằng luận cứ của Việt Nam là đúng.

Cho đến bây giờ chúng ta thấy, phía chính quyền Việt Nam chỉ có những lời tuyên bố về chủ quyền của Việt Nam chứ không đưa ra được những chứng cứ lịch sử rõ ràng để chứng tỏ với quốc tế và với Trung Quốc về chủ quyền của Việt Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc đưa ra rất nhiều tài liệu lịch sử để nói Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Ðông, mà họ cho là của họ. Với anh em trí thức trong nước, một mặt bị chính quyền làm khó dễ, ngăn cản không được nghiên cứu tự do, một mặt không có điều kiện đi nghiên cứu ở các nước. Trong khi đó, ngoài này thì các học giả và các nhà nghiên cứu có rất nhiều phương tiện và họ nghiên cứu đến nơi đến chốn.

Do đó tôi thấy đóng góp cụ thể và tích cực nhất của hội thảo vừa rồi là những tài liệu tích cực, giá trị và cần thiết cho Việt Nam dùng trong các cuộc thương thảo đa phương với Trung Quốc và với các nước ASEAN trong việc giải quyết vấn đề Biển Ðông.

.

NV: Những trí thức và chuyên gia tham dự cuộc hội thảo, mục tiêu họ muốn nhắm đến là gì?

GS Lê Xuân Khoa: Tôi nghĩ rằng tất cả những người dự hội thảo đều quan tâm sâu xa về hiểm họa Trung Quốc. Cho nên mục tiêu của anh em là, nếu mình không có một tiếng nói hay cuộc vận động nào để ngăn chặn Trung Quốc, chúng ta sẽ mất cơ hội bảo vệ chủ quyền đất nước của mình.

.

NV: Ðối tượng nhắm tới để truyền tải thông điệp này là ai?

GS Lê Xuân Khoa: Có nhiều đối tượng. Ðối tượng thứ nhất nói chung là dư luận quốc tế và thứ hai là với tất cả các quốc gia trong khu vực Biển Ðông muốn đối thoại đa phương để giải quyết xung đột, trong đó chủ yếu là Việt Nam.

.

NV: Việt Nam, ý ông muốn nói nhà cầm quyền Việt Nam?

GS Lê Xuân Khoa: Vâng, vì nhà cầm quyền Việt Nam mới có đủ tư cách dự các hội nghị quốc tế về vấn đề Biển Ðông. Cộng đồng hải ngoại chúng ta không thể vào dự hội nghị được. Chúng ta không thể đưa ra được những giải pháp của chúng ta, mà chỉ có thể ở bên ngoài đưa ý kiến thôi. Ðịnh chế pháp lý có thẩm quyền và có trách nhiệm để thảo luận và ký kết với quốc tế là chính quyền Việt Nam hiện thời.

.

NV: Công việc của trí thức và chuyên viên hải ngoại, liệu có thể gây ngộ nhận, nhất là đối với người Việt Nam ở nước ngoài?

GS Lê Xuân Khoa: Tôi xin nói ngay rằng, bề mặt có vẻ là như vậy, nhưng có một khía cạnh khác nữa là chính khi Việt Nam chọn con đường đó và nhận sự đóng góp của chúng ta và hợp tác với quốc tế để đối thoại với Trung Quốc thì như vậy Việt Nam đã chọn con đường thay đổi, cả về mặt chính trị nữa, vì không thể vừa hội nhập lại vừa tiếp tục dùng mô hình Trung Quốc cai trị Việt Nam.

Tôi thấy đây là cơ hội để chúng ta cùng với quốc tế thay đổi thể chế và cách cai trị của chính quyền hiện hữu ở Việt Nam. Việt Nam phải hội nhập cộng đồng quốc tế thật sự, tức là hội nhập vào xã hội phi-cộng sản, một xã hội dân chủ biết tôn trọng nhân quyền và dân chủ.

.

NV: Liệu đây là một tiến trình sẽ phải xảy ra, hay chỉ đơn giản là một ước mơ?

GS Lê Xuân Khoa: Tôi không nghĩ đây chỉ là một ước mơ, mà là một tiến trình dĩ nhiên sẽ phải xảy ra. Tôi muốn nói thêm, Hà Nội, tức chính quyền hiện hữu, nếu họ chọn con đường độc lập với Trung Quốc và hội nhập với quốc tế thì không thể tiếp tục hành xử như xưa nay nữa. Có những điều kiện giúp cho Việt Nam thay đổi, chẳng hạn muốn có sự đóng góp của trí thức trong nước thì phải cho người ta được tự do tham khảo chứ không ngăn cấm như Hà Nội từng đóng cửa Viện Nghiên Cứu IDS. Nếu chính phủ Việt Nam tiếp tục cấm không cho trí thức trong nước nghiên cứu và vẫn cứ bắt bớ những người lên tiếng bênh vực chủ quyền Việt Nam, thì như thế Việt Nam đã có một sự lựa chọn, lựa chọn đi ngược lại quyền lợi dân tộc, cộng đồng hải ngoại và với cả quốc tế nữa.

Nếu nhà nước Việt Nam tuyên bố mở cửa - nhưng tôi tin rằng họ sẽ không tuyên bố công khai như thế đâu - họ sẽ phải mặc nhiên đón nhận những đóng góp đó. Trong trường hợp này, chúng ta cũng cần nói rõ là phải có điều kiện song song, tức là phải để cho trí thức được tự do nghiên cứu, để cho tiếng nói yêu nước của người trong nước được phát biểu. Nếu như thế, tất cả những người đã phát biểu bằng lòng yêu nước mà cho đến bây giờ vẫn bị bắt bớ, giam cầm, sẽ phải được thả ra. Như thế mới chứng tỏ được thiện chí của Việt Nam.

Một giả thuyết nữa, là chính phủ Việt Nam vẫn không chịu làm chuyện đó, tức không thả những người đã bị bắt, và cũng không hoàn toàn cởi mở cho sự đóng góp của trí thức. Trong trường hợp này, câu hỏi là liệu chúng ta có nên đóng góp cho chính phủ Việt Nam không? Thật ra, khi chúng ta công bố những tài liệu đó cho quốc tế thì tức là Việt Nam đương nhiên cũng được dùng tài liệu đó rồi. Có thể họ dùng, hoặc không dùng, đó là quyền của họ. Vậy thì, dù họ có nhận hay không nhận, chúng ta vẫn làm những việc ấy vì bổn phận của chúng ta đối với đất nước của chúng ta. Nếu tiếng nói của chúng ta không được nhà nước Việt Nam lắng nghe thì chúng ta phải cố gắng vận động thành công với Hoa Kỳ, với các nước ASEAN, với cộng đồng quốc tế; và chúng ta sẽ chứng tỏ với nhân dân trong nước rằng chính quyền Việt Nam không còn phục vụ cho quyền lợi quốc gia nữa, và lúc đó chúng ta có được đầy đủ lý do cùng với trí thức tiến bộ trong nước, nhân dân trong nước nhìn thấy rõ cái không thiện chí của chính phủ Việt Nam.

Tôi nghĩ rằng, chính quyền Việt Nam đã đến lúc phải thức tỉnh và phải nhìn nhận được điều đó, nếu không thì họ phải nhận tội lỗi trước lịch sử.

.

NV: Cám ơn giáo sư đã trả lời phỏng vấn của Người Việt.

.

.

.

No comments:

Post a Comment