Friday, July 2, 2010

TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ NAM HÀ BỊ CẤM THĂM NUÔI

Tù nhân chính trị Nam Hà bị cấm thăm nuôi

Wednesday, June 30, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=115357&z=2

.

Bà Trần Thị Lệ bị ép 'khuyên bảo con gái' Lê Thị Công Nhân

.

HẢI PHÒNG (NV) - Tù nhân chính trị bị bỏ tù tập thể hồi tháng 9 năm ngoái ở Hà Nội và Hải Phòng đang bị giam giữ ở nhà tù Ba Sao, Nam Hà, bị cấm thăm nuôi tiếp tế một thời gian, thân nhân không được cho biết lý do tại sao ngoài lời giản thích ngắn gọn là họ “bị kỷ luật.”

“Tôi đến thăm chồng ngày 12 tháng 6, 2010 thì không được gặp. Họ nói rằng chồng tôi bị kỷ luật.”

Bà Nguyễn Thị Nga, vợ nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa bị bản án 6 năm tù, nói với báo Người Việt. “Giữa tháng 7 phải làm đơn xin thăm lại mới hy vọng được gặp.” Bà nói.

Khi được hỏi có phải vì sự kêu ca tình trạng ô nhiễm tồi tệ của nhà tù của họ và gần đây bà và vợ một số tù nhân khác làm đơn kêu gọi chuyển họ tới một nơi khác mà họ bị trả thù hay không, bà Nga nói “tôi cũng không biết nữa.”

Lần sau cùng bà và thân nhân của các tù nhân cùng một vụ án được cho thăm nuôi là một lần vào tháng 5.

“Tôi rang lạc, cá khô, đồ ăn khô và nhiều loại thuốc chữa bệnh cho anh Nghĩa nhưng họ không cho chuyển vào.” Bà nói: “Tôi nói nếu không cho tôi gặp thì cũng phải cho tôi gửi đồ ăn thuốc uống cho chồng, nhưng họ cương quyết không nhận.”

Theo lời bà họ nói dù có gửi bưu điện tới thì họ cũng gửi trả lại.

.

Tù nhân ở Việt Nam chỉ được phát cơm và một chút rau luộc. Thịt cá là thứ xa xỉ nên thỉnh thoảng mới được cho một chút ít loại thịt ôi hay cá ươn rẻ tiền. Bởi vậy, tù nhân trông nhờ vào thực phẩm khô và thuốc men của thân nhân tiếp tế hầu có thể sống còn.

Tuy cho ăn uống tồi tệ, chỗ ở thiếu vệ sinh trong kỷ luật sắt, họ vẫn bị ép buộc sản xuất để nuôi béo cai tù và chế độ. Tùy vùng, tù nhân bị bóc lột sức lao động nhiều hình thức khác nhau và không được trả tiền. Tù nhân ở Ba Sao phải đan mây tre, tù nhân ở Long Khánh lột vỏ hạt điều. Tù nhân nữ ở Thanh Hóa phải may quần áo.

.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, 61 tuổi, bị nhiều thứ bệnh nguy hiểm như đau dạ dày, sạn thận, bệnh trĩ rất nặng. Bà cho biết ông kêu ban đêm đi tiểu rất nhiều lần, nhiều phần bị sưng tuyến tiền liệt, nên giấc ngủ ban đêm rất khó khăn. Các loại thuốc cần thiết bà đã mua cho chồng chữa bệnh đều phải mang về trong khi người bệnh trông từng ngày.

Trong bức thư kiến nghị gửi nhà cầm quyền CSVN và nhà tù Nam Hà, bà Nguyễn Thị Nga (vợ ông Nguyễn Xuân Nghĩa), bà Nguyễn Thị Huyền Trang (vợ ông Phạm Văn Trội), bà Ngô Thị Lộc (vợ ông Nguyễn Kim Nhàn) nói rằng chồng của họ bị giam ở gần bể phân, mái nhà tù rất thấp, vô cùng nóng, lại ngay dưới đường dây điện cao thế. Không những vậy, phòng giam lại còn gần lò nung gạch, bị khói lò gạch xông vào ngộp thở. Nhiều người dù đã phải đeo khẩu trang do gia đình cung cấp mà vẫn không chịu nổi.

Theo lời bà, không phải chỉ ông Nghĩa bị kỷ luật mà cả những người bạn tù chính trị khác cùng vụ án cũng bị kỷ luật cấm thăm nuôi.

.

Cùng bị lôi ra tòa ở Hải Phòng ngày 9 tháng 10, 2009 cùng với ông Nghĩa còn có các ông Nguyễn Kim Nhàn (61 tuổi) bị án tù 2 năm, ông Nguyễn Văn Túc (46 tuổi) 4 năm tù, ông Nguyễn Văn Tính (68 tuổi) 3 năm rưỡi tù, Nguyễn Mạnh Sơn (67 tuổi) 3 năm rưỡi tù, Ngô Quỳnh (26 tuổi) 3 năm tù.

Họ bị cáo buộc đã treo biểu ngữ kêu gọi chống tham nhũng, đòi đa nguyên đa đảng và tuyên bố chủ quyền các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Khi ra tòa họ đều nói họ không làm gì trái luật pháp và chỉ bày tỏ lòng yêu nước.

.

“Không cho tôi gặp cũng được, nhưng không cho tôi gửi thuốc chữa bệnh và đồ ăn cho chồng là quá tàn nhẫn, vô nhân đạo.” Bà Nga nói.

.

Mặt khác, trong cuộc phỏng vấn của báo Người Việt, bà Trần Thị Lệ, mẹ nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân cho hay bị bị Công an CSVN gọi đi thẩm vấn và đe nẹt ngày 29 tháng 6, 2010.

“Họ gọi tôi đến để khai thác tin tức và đe dọa.” Bà Lệ nói với báo Người Việt. “Tôi từng bị họ gọi đi ‘làm việc’ kiểu này và đối mặt với họ nhiều rồi.”

Theo lời bà, viên chức từ Bộ Công An tới trụ sở công an phường Phương Mai, quận Ðống Ða, nơi bà bị gọi tới để “làm việc,” chỉ trích nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân “không tuân thủ lệnh quản chế, đi không xin phép” mà nếu không chấp hành “sẽ bị kỷ luật.”

“Họ nói tôi là mẹ thì phải có trách nhiệm khuyên can con cái.” Bà nói: “Tôi nói rằng con gái tôi lớn rồi, cũng là người có nhận thức. Cháu từng nói nó không làm điều gì trái với công ước quốc tế về các quyền Dân Sự và Chính Trị mà Việt Nam ký kết nên bản án đối với cháu hoàn toàn không đúng. Cháu là người học luật, hiểu luật, hành nghề luật sư. Công nhân là luật sư nên làm đúng luật.”

Bà nói: “Họ nói tôi là mẹ... nên khuyến khích cháu đi lấy chồng chứ đừng tham gia việc này (đấu tranh dân chủ hóa đất nước) nữa.”

Bà lệ nói với họ rằng: “Ðúng sai Công Nhân cũng biết, không chờ phải bảo.”

Nữ Luật Sư Lê Thị Công Nhân, 31 tuổi, bị kết án tù 4 năm trong phiên xử sơ thẩm ở Hà Nội ngày 11 tháng 5, 2007 cùng một vụ án với Luật Sư Nguyễn Văn Ðài với sự vu cáo “tuyên truyền chống nhà nước.” Trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận thế giới, Hà Nội chỉ giảm án cho 1 năm tù nhưng vẫn giữ nguyên 3 năm quản chế. LS Nhân ra khỏi tù ngày 6 tháng 3, 2010 tuyên bố tiếp tục đấu tranh cho dân chủ, cho quyền làm người ở Việt Nam.

.

.

Bà TRẦN THỊ LỆ Tường Thuật BUỔI LÀM VIỆC VỚI CÔNG AN HÀ NỘI

.

.

.

No comments:

Post a Comment