Thursday, July 29, 2010

CHỐNG CA SĨ 'CỘNG SẢN' THẾ NÀO CHO ĐÚNG ?

Chống ca sĩ “cộng sản” thế nào cho đúng?

Phạm Minh

29-7-2010

http://www.bacaytruc.com/index.php?option=com_content&view=article&id=854:chng-ca-s-cng-sn-th-nao-cho-ung&catid=34:din-an-c-gi&Itemid=53

.

Đọc bài: ”Từ chuyện Đàm Vĩnh Hưng bị tấn công: Chống ca sĩ ‘cộng sản’ thế nào cho đúng” của tác giả Lê Diễn Đức, tôi xin được tham gia đóng góp một số ý kiến.

Qua bài viết trên quả thật chẳng những tôi không thấy được tác giả cho biết cách nào để chống ca sĩ “cộng sản” cho đúng; điều mà tôi (và có lẽ nhiều người khác) cũng đang muốn được chỉ giáo mà còn có
nhiều điểm tôi thấy dường như chưa thấu tình đạt lý lắm.

.

Hầu như ai cũng biết đặc tính của những người ca sĩ nói chung là đa cảm và nhạy cảm. Họ cần có được nhiều người biết và hâm mộ. Họ là người của quần chúng (khán thính giả) Do đó thật hiếm có người vừa là ca sĩ vừa là cán bộ hoạt động chính trị hay tình báo. Thật hiếm chứ không thể nói là không có. Tuy nhiên, vai trò, việc làm của người ca sĩ thì lại đóng góp hữu hiệu trong công tác chính trị như tuyên truyền, dân vận, địch vận, chiêu hồi v.v… nói chung là công tác chiến tranh tâm lý. Miền Nam trước đây có ca sĩ trong ngành tâm lý chiến và miền Bắc có các đoàn văn công.

Không ai cho rằng tất cả những người ca sĩ trong nước hiện nay đều là cán bộ, đảng viên và cũng không ai nghĩ rằng tất cả những người sống dưới chế độ cộng sản đều là cộng sản cần phải chống như ông Lê Diễn Đức tự nói rồi nhắn nhủ, lưu ý là sẽ “nhầm khủng khiếp, nhầm đau đớn.” Chẳng những vậy chúng tôi còn hiểu được ngay cả phía người Việt quốc gia, cũng có người hoặc từng là cộng sản, hoặc vì quyền lợi mà tiếp tay, hoặc vì vô ý thức mà làm những điều còn tai hại, nguy hiểm hơn cả chính người cộng sản làm. Những hành động đấu tranh ở hải ngoại chắc không ai chủ quan cho rằng có thể hay là nỗ lực chính để lật đổ được chế độ CSVN như ông Đức (cũng) tự nói. Nhưng nếu nói muốn lật đổ hay thay đổi được chế độ CS trong nước thì không thể thiếu những hoạt động đấu tranh ở hải ngoại thì nhiều người đã biết và đồng ý. Ông Đức là người bước ra từ hàng ngũ “bên kia”. Ông cho biết ông đã từng tiếp xúc, thảo luận với những người đấu tranh chống cộng thứ thiệt ở hải ngoại nhưng ông lại đánh giá sự hiểu biết của những người tị nạn chống cộng hải ngoại như vậy thì tôi thấy những người ông tiếp xúc đó chưa phải là những người đấu tranh chống cộng thứ thiệt.

Ca sĩ Khánh Lý hát các bài hát về quê hương, đất nước, về thân phận con người, về tình yêu tuổi trẻ và ca sĩ Linda Trang Đài sexy bốc lửa; khán thính giả hầu hết là những người sống dưới chế độ CS, thời điểm 1995 là thời hậu CS ở Ba Lan; những người mà trước đó thường chỉ được nghe những bản nhạc như : Cô Gái Vót Chông, Chiếc Gậy Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào, Bác Cùng Chúng Cháu Hành Quân … thì làm sao mà không mê, không tán thưởng? Trước năm 1975 Khánh Ly hát nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn, quân dân miền Nam còn “nản lòng chiến sĩ” không muốn chiến đấu huống chi là khán thính giả ở Ba Lan lúc đó. Khánh Ly không phải là ca sĩ đi làm công tác tuyên vận, không hát nhạc tuyên truyền mà đã có tác dụng thu hút, lôi kéo được khán thính giả. Như vậy thì chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng: ca sĩ không nhất thiết phải là cán bộ tuyên vận, phải là đảng viên hay ủy viên gộc thì lời ca tiếng hát của họ mới có tác dụng và mới cần đề phòng hay chống đối. Xin mở ngoặc ở đây là nếu như Khánh Ly hát nhạc tuyên truyền, kêu gọi lật đổ chế độ CS thì kết quả sẽ khác, sẽ có tác dụng ngược. Trường hợp Đàm Vĩnh Hưng (ĐVH) trình diễn ở hải ngoại cũng vậy.

Bà đại sứ T. cấm không cho đảng viên đi dự và yêu cầu (không chính thức) tẩy chay buổi trình diễn là vì trách nhiệm của bà phải làm. Là đại sứ, nghề nghiệp liên quan đến ngoại giao, chính trị, tình báo, đời sống của kiều bào trong lãnh vực trách nhiệm là điều dễ hiểu. Nhưng điều đó một lần nữa xác nhận rằng: dưới chế độ CS, họ luôn luôn đặt nặng công tác tuyên truyền qua hình thức văn hóa, văn nghệ. Họ không bỏ qua bất cứ một cơ hội nào có thể tuyên truyền, gây chia rẽ, làm xáo trộn hàng ngũ đối phương.

Một sự kiện hai nhân vật Khánh Ly và bà đại sứ T. mà ông Đức đưa ra để làm nền cho lập luận của ông đã “phản bội” ông rồi.

Điểm khác biệt quan trọng cần thấy ở đây là cái bối cảnh xã hội và chính trị của kiều dân ở Ba Lan năm 1995 với bối cảnh xã hội, chính trị của khối người Việt ở Úc và Mỹ hiện nay.

Cộng đồng người Việt ở Úc và Mỹ (nơi thường có những buổi trình diễn của ca sĩ trong nước) là cộng đồng tị nạn cộng sản, họ đã đổi mạng sống ra đi tìm tự do. Những người mà lãnh đạo CS gọi là ma cô và đĩ điếm (chẳng may chỉ một thời gian sau con gái của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã lấy một trong số ma cô này làm chồng). Và, cũng chỉ một thời gian sau những người này đã trở thành khúc ruột xa ngàn dặm của chế độ. Hơn thế nữa, lãnh đạo CSVN còn muốn thả cái vòi bạch tuộc ra để chiệu dụ, kêu gọi những người này về nước hợp tác, giúp cho chế độ tồn tại mà bóc lột, đàn áp người dân trong nước đồng thời gây chia rẽ, tạo nghi kỵ làm mất tư thế tị nạn chính trị của khối người tị nạn này. Và, sau cùng là họ muốn thao túng kiểm soát cộng đồng này theo như nghị quyết 36 mà văn hóa văn nghệ là những phương tiện, công cụ được đảng sử dụng.

Lời phát biểu của nhà báo Trương Duy Nhất trong nước mà ông Đức dẫn chứng, tôi thấy sự hiểu biết của ông ta trong lãnh vực tổ chức tuyên vận, kiều vận, tình báo thật quá kém. Không ai chờ đợi một nhà báo hay kể cả đảng viên cộng sản đều có thể biết hết mọi việc của các cơ chế nhà nước làm, nhất là những lãnh vực có tính đặc biệt chuyên môn này nhưng cũng đừng nên, tự mình hay người khác, nghĩ là ký giả, là nhà báo thì chuyện gì cũng biết, cũng đúng. Họ quăng cái gì ra cũng chụp rồi tranh nhau bỏ lên web lên blog của mình rồi cùng nhau mặc áo thụng mà vái nhau thì lạ thật. Cái này mới là “nhầm khủng khiếp, nhầm đau đớn” đó.

Thi hành nghị quyết 36 ở hải ngoại, chủ trương và chỉ đạo là đảng CSVN. Văn hóa văn nghệ là một trong những phương tiện và ca sĩ là một trong những công cụ.

Kẻ hàng xóm bất lương cứ thả chó qua nhà mình sủa om nhưng nó lại không nhận đó là chó của nó. Nhà nó tường cao, rào kỹ mình chưa đủ sức qua hỏi tội nó, thì mình có nên phang cho con chó của nó một gậy không?

Trong chiến tranh giữa miền Nam và miền Bắc trước đây, kẻ mang chủ thuyết cộng sản vào VN, chủ trương xâm chiếm miền Nam là Hồ Chí Minh và bắc bộ phủ. Những người bộ đội bị đưa vào nam chiến đấu, đâu phải ai cũng tình nguyện, ai cũng hiểu, cũng tin chủ thuyết cộng sản? Vậy khi găp nhau ngoài chiến trường có nên chừa họ ra, không đánh mà chỉ đi tìm những người lãnh đạo CS ở bắc bộ phủ mà đánh?

Tôi không biết người tổng biên tập tờ Thể Thao TP/HCM Hồ Thu Hồng, cây điếm bút, chuyên trêu chọc, khiêu khích người Việt hải ngoại mà ông Đức giới thiệu “võ công” cỡ nào? Có giống như đoạn ông Đức nhận định, phê phán hành động giả gái của Lý Tống sau đây không: “Đàn ông, nam nhi quân tử, mà phải cải trang làm đàn bà để tặng hoa rồi tấn công một tay ca sĩ sến, trói gà chưa chặt như Đàm Vĩnh Hưng, vừa kỳ cục, non tay, vừa phí công và chẳng mang lại tác động chống Cộng nào thiết thực…”

Chắc ông Đức đã từng nghe câu: “Cứu cánh biện minh cho phương tiện” miễn là cái phương tiện sử dụng không thú tính, không dã man, vô nhân đạo. Để thi hành một công tác, người ta dùng mọi kế sách, kể cả giả dạng làm bồi phòng, làm kẻ ăn xin, gái bán bar hay thậm chí giả làm gái điếm để tiếp cận đối phương mà lấy tin tức hoặc ám sát. Tôi thấy hành động của họ chẳng những không hèn mà ngược lại còn nên vinh danh vì họ đã vì trách nhiệm vì lý tưởng mà dám hy sinh giá trị bản thân mình. Huống chi ở đây, Lý Tống giả dạng là đàn bà sao ông Đức lại chê bai và phát biểu là nam nhi quân tử thì không được giả dạng đàn bà? Đàn bà ở các xứ văn minh đều được xem là tượng trưng cho phái đẹp. Tạo hóa đã trao cho đàn bà cái thiên chức sanh ra con người và làm Mẹ thiên hạ, trong đó có ông và tôi, vậy thì đàn bà có gì hèn kém hơn nam nhi quân tử?

Truyện xưa bên Tàu, Việt Vương Câu Tiễn nằm gai nếm mật, nếm phân cho Ngô Phù Sai để phục quốc, ngàn năm sau tôi chưa thấy ai phê phán hành động nếm phân này là hèn hạ dơ bẩn mà còn coi đó là cái gương của ý chí và sự nhẫn nhục để rèn luyện, phấn đấu.

Chuyện Lý Tống xịt hơi cay văn công ĐVH chỉ là một hành động cảnh cáo nhẹ. Lý Tống đã có khả năng tiếp cận ĐVH như vừa rồi thì lúc đó anh cũng có khả năng tặng cho ĐVH một hình phạt nặng hơn, nhưng Lý Tống đã không làm. Cộng đồng hải ngoại chống nghị quyết 36 thì phải dẹp bỏ phương tiện, công cụ dùng để thi hành công tác đó. Chống văn nghệ do CSVN chủ trương (ngoại trừ những ca sĩ trình diễn riêng lẻ kiếm tiền ở các vũ trường hay sòng bạc) quy mô như Duyên Dáng Việt Nam, Tình Vào Hạ … không phải dư thừa vì đánh sai mục tiêu. Chuyện Lý Tống xịt hơi cay vào ĐVH chỉ là muốn cảnh cáo ĐVH đừng xấc láo, vô ơn, thách thức, gây nghi kỵ, chia rẽ đồng thời cũng là một cái tát vào mặt những kẻ chủ trương thi hành nghị quyết 36 ở hải ngoại này. Như vậy không thể nói đây là một hành động thiếu văn hóa như anh chàng ký giả Đỗ Dũng ở Mỹ nói hay là đã đánh sai mục tiêu, sao không chống cộng sản mà lại đi chống anh ca sĩ nhóc con như ký giả Trương Duy Nhất trong nước nói.

Tôi không đặt ra cái tiền đề: Chống ca sĩ “cộng sản” thế nào cho đúng vì tôi không dám chủ quan cho rằng ý kiến của mình là đúng nhất. Ngay cả một chân lý, đúng ở bên này dãy núi Pyrenees chưa chắc đã là chân lý ở phía bên kia. Tiền đề này nên đặt lại là: Đánh thế nào cho có kết quả thấy được thì có lẽ hợp lý hơn.

Đánh văn công VC thế nào cho có kết quả thấy được, đánh cho tận gốc thì trong thời gian gần đây, trên các diễn đàn truyền thông, báo chí đã có nhiều người góp ý những việc làm rất cụ thể. Nếu các tổ chức, hội đoàn biểu tình chống văn công VC quyết tâm làm như vậy thì tôi tin chắc vấn đề này sẽ sớm được giải quyết mà không cần phải tốn kém nhiều giấy mực, để dành công sức cho các công tác khác.

© Phạm Minh

.

ĐOC THÊM :

VIDEO LÝ TỐNG VÀ DỒNG HƯƠNG BIỂU TÌNH NGÀY 24-7-2010

ĐÀM VĨNH HƯNG BỊ THƯA VỀ TỘI TRỐN THUẾ VÀ NHẬP CẢNH LẬU

CƠ QUAN THUẾ VỤ MỸ "SỜ GÁY" ĐÀM VĨNH HƯNG

ĐÁNH TẬN GỐC

.

.

.

No comments:

Post a Comment