Wednesday, June 23, 2010

THÊM BẰNG CHỨNG về BẰNG GIẢ TRƯỜNG DỎM

Nghịch lí dẫn đến bằng giả từ trường dỏm

Nguyễn Văn Tuấn

Thứ tư, 23 Tháng 6 2010 11:15

http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/941-nghich-li-dan-den-bang-gia-tu-truong-dom

.

Hôm nay Vietnamnet đăng 2 bài của chúng tôi về giáo dục. Bài thứ nhất tiếp tục bài hôm qua phân tích về bệnh thành tích trong giáo dục. Bài thứ hai bàn về vụ một quan chức ở Phú Thọ lấy bằng tiến sĩ từ Mĩ với cái giá 17000 USD, nhưng không biết tiếng Anh. Tôi xin post lại bài thứ hai để các bạn tham khảo. Trong bài này tôi muốn nói rằng cái nghịch lí về việc bổ nhiệm nhân sự trước khi có bằng cấp đã tạo nhu cầu cho bằng giả từ trường dỏm.

Bài này thật ra VNN đã nhận từ hôm Thứ Bảy tuần trước (tức 2 ngày sau khi SGTT nêu vấn đề), nhưng họ bận chuyện Ngày báo chí nên không đi được hôm thứ hai; mãi đến hôm nay mới đi được. Mấy người bên báo chí thật là … “ngộ”. Khi cần bài, họ đốc thúc cộng tác viên cứ như là … đuổi tà, nhưng khi nhận bài rồi thì họ … nhẩn nha, tà tà, thậm chí không thèm trả lời nữa chứ! Hình như họ không biết rằng cộng tác viên tài tử như tôi chỉ viết những bài đó sau giờ làm việc, phần lớn là ban đêm (có khi đến 11pm), tốn công sức lắm chứ đâu phải chuyện chơi. Nói như vậy đã các bạn trong báo chí hiểu cái khó khăn và cảm thông cho cộng tác viên, chứ chẳng phải kể công gì đâu. :-). NVT

====

.

Dư luận công chúng bức xúc về trường hợp một quan chức văn hóa của một tỉnh có bằng tiến sĩ nhưng không biết tiếng Anh. Thật ra, bằng tiến sĩ của vị quan chức này là một bằng dỏm từ một cơ sở kinh doanh bằng cấp bên Mĩ, và do đó không có giá trị học thuật gì cả. Câu chuyện chung quanh sự việc là một hệ quả của sự nghịch lí về chức vụ và bằng cấp ở nước ta.

.

Nghịch lí tạo nhu cầu

Ở nước ta đang tồn tại một nghịch lí về chức vụ và bằng cấp. Theo logic thông thường và qui trình bao đời nay ở nước ta và trên thế giới, người có năng lực chuyên môn (thể hiện qua kinh nghiệm và bằng cấp) được bổ nhiệm vào các chức vụ công quyền thích hợp. Tuy nhiên, hiện nay ở nước ta có tình trạng đi ngược lại qui trình trên: bổ nhiệm trước, rồi hợp thức hóa sau. Thật vậy, trong thực tế, đã có biết bao trường hợp người được chỉ định (hay “cơ cấu”) vào các chức vụ công quyền dù chưa có bằng cấp thích hợp. Điều này dẫn đến một hệ quả là người được bổ nhiệm phải hợp thức hóa bằng cách “chạy” bằng cấp. Đây là một nghịch lí phổ biến ở nước ta ngày nay, nhưng rất hiếm thấy trên thế giới.

Có thể nói rằng nhu cấp bằng cấp rất lớn ở nước ta. Trong bối cảnh kinh tế – xã hội phát triển nhanh đặt ra nhu cầu cho rất nhiều vị trí công tác trong hệ thống quản lí và công quyền. Hàng năm, có lẽ có hàng vạn người được bổ nhiệm vào các chực vụ hành chính và quản lí, dù họ chưa có bằng cấp thích hợp, và dẫn đến nhu cầu bằng cấp. Trong nhiều trường hợp, việc hợp thức hóa bằng cấp được cấp trên khuyến khích và tạo điều kiện. Có lẽ do nhu cầu này mà hàng trăm đại học ồ ạt ra đời trong thời gian gần đây trên khắp các tỉnh thành ở nước ta. Tình trạng này dẫn đến một hệ quả có thể đoán được là chất lượng đào tạo bị suy giảm, do thiếu thầy cô và cơ sở vật chất cho giảng dạy và thực hành. Chất lượng đào tạo xuống cấp làm cho công chúng nghi ngờ tất cả những bằng cấp xuất phát từ các đại học ở Việt Nam.

Dù muốn hay không, cũng phải ghi nhận một thực tế là người Việt chúng ta rất vọng ngoại. Tâm lí vọng ngoại nhìn người nước ngoài, nhất là người phương Tây, bằng con mắt nể phục. Từ nể phục, chúng ta xem cái gì của phương Tây hay xuất phát từ phương Tây cũng đều có giá trị hơn, có chất lượng cao hơn những gì xuất phát từ trong nước. Do đó, không ngạc nhiên khi bất cứ thời nào, những gia đình có điều kiện đều muốn gửi con em ra nước ngoài du học, lấy được một mảnh bằng với tiếng Anh hay tiếng Pháp làm chứng từ cho việc tiến thân sau này. Trong tình hình giáo dục Việt Nam xuống cấp thê thảm và hỗn loạn như hiện nay, không ai ngạc nhiên khi thấy một làn sóng mà có người ví von là “tị nạn giáo dục” ở nước ngoài, với hàng vạn học sinh và sinh viên từ VN đang theo học tại các trường trung học và đại học ở Mĩ, Úc, Anh, Pháp, Canada, Singapore, v.v… Các quan chức Việt Nam gửi con em ra ngoài học khá nhiều. Thật ra, chính các quan chức này cũng có nhu cầu kiếm một tấm bằng từ nước ngoài để làm phương tiện thăng quan tiến chức. Tiêu biểu cho tình trạng này là các quan chức ở tỉnh Phú Thọ tìm cách theo học ở Mĩ để có một học vị tiến sĩ, dù các vị này không biết tiếng Anh! Thông tin này làm công chúng hết sức bức xúc vì họ không ngờ ở Mĩ cũng có những trường đào tạo tiến sĩ mà nghiên cứu sinh không biết tiếng Anh!

.

Nhận dạng trường dỏm

Nhưng trong thực tế, thị trường giáo dục ở nước ngoài cũng có tình trạng vàng thau lẫn lộn. Bên cạnh những trường nổi tiếng như Harvard, Stanford, Yale, Cornell, Princeton, Columbia, v.v… cũng có hàng trăm trường xoàng xỉnh. Nguy hiểm hơn, bên cạnh những trường xoàng xỉnh, còn có hàng ngàn cơ sở thương mại giáo dục xuất hiện dưới danh xưng “đại học” chuyên bán bằng cấp. Đây là những “trường” dỏm, những trường mà chẳng có một tổ chức kiểm định giáo dục nào trên thế giới công nhận. Những cơ sở kinh doanh bằng cấp (tức trường dỏm) thường có một số đặc điểm chính sau đây:

Thứ nhất, họ có những tên giống như trường thật. Vì để đánh lạc hướng người tìm hiểu và “lặp lờ đánh lận con đen”, nên các cơ sở buôn bán bằng cấp thường lấy những tên mà đọc lên có âm tiết giống như các trường nổi tiếng. Chẳng hạn như thay vì đại học Harvard, họ nhái tên là đại học Horvard, hay đại học Harward. Vị quan chức tỉnh Phú Thọ cho biết ông theo học tại trường đại học Nam Thái Bình Dương. “Trường” này có tên tiếng Anh là Southern Pacific University, nhái theo tên trường thật của FijiUniversity of South Pacific!

Thứ hai, các cơ sở bán bằng cấp thường thay đổi địa chỉ rất thường xuyên. Chẳng hạn như trường “đại học Nam Thái Bình Dương” danh nghĩa là ở Hawaii (Mĩ), nhưng đăng kí thì ở … Malaysia! Trong thời đại internet, có rất nhiều “trường” chẳng có địa chỉ cụ thể, mà chỉ một website. Với công nghệ web và thông tin, họ có thể thiết kế một trang web “hoành tráng” giống y như trang web của trường đại học thật. Thật vậy, có thể nói rằng trang web của các doanh nghiệp bán bằng cấp còn hoành tráng hơn nhiều so với các trang web của đại học thật ở Việt Nam!

Thứ ba, tài liệu trình bày thường sai chính tả và sai văn phạm tiếng Anh. Sự thật là những người chủ doanh nghiệp “đại học” không thạo tiếng Anh, hay xuất thân từ Phi châu. Chính vì thế mà tiếng Anh của họ có rất nhiều sai sót. Ngay cả “bằng cấp” họ cấp cũng có nhiều lỗi chính tả và văn phạm! Đương nhiên, đối với phần đông người Việt thì những lỗi này khó phát hiện.

Thứ tư, họ thường nhấn mạnh thời gian hoàn tất học rất nhanh. Thay vì phải bỏ ra 3, 4 năm để hoàn tất chương trình cử nhân, các cơ sở này quảng cáo rằng chương trình cử nhân chỉ cần … 7 ngày. Ngay cả tiến sĩ cũng chỉ cần … 1 tháng! Bằng cấp của họ cũng rất mù mờ, không có gì là cụ thể. Thay vì gọi “cử nhân kinh tế”, họ cố tình đổi thành “Cử nhân kinh tế quản trị kinh doanh” – một ngành học chẳng ai biết có ý nghĩa gì! Cố nhiên, vì đây là doanh nghiệp mua bán, nên không có vấn đề tiêu chuẩn về đầu vào và đầu ra. Bất cứ ai cũng có thể “ghi danh” theo học, miễn là có khả năng trả tiền.

Thứ năm, những “trường” dỏm này không có giáo sư, không có giảng đường, và cũng không có chương trình học. Điều này thì ai cũng có thể hiểu được, bởi vì trong thực tế, những cơ sở kinh doanh này thực chất chỉ là một nhà để xe (garage) hay một khu nho nhỏ trong phòng ngủ hay phòng khách cũng đủ để thiết lập một “đại học” dỏm.

Thời đại internet là cơ hội lí tưởng để các “đại học” dỏm này sinh sôi nảy nở. Những cơ sở thương mại này cũng chẳng khác gì những doanh nghiệp làm đồng hồ dỏm. Tức là cơ sở thương mại có đăng kí tên doanh nghiệp đàng hoàng, và hàng hóa của họ là bằng cấp. Cũng như đồng hồ dỏm, bằng cấp dỏm của họ rất giống bằng cấp thật. Họ bán những bằng cấp từ cấp cử nhân, thạc sĩ, đến tiến sĩ, với những cái giá khác nhau. Bằng cấp càng cao, giá càng cao. Một bằng tiến sĩ có khi giá khoảng 5000 USD. Là cơ sở thương mại, nên họ cũng cạnh tranh, và trong khi cạnh tranh, họ cũng … giảm giá (discount)! Cố nhiên, bằng cấp của họ không được ai công nhận. Khách hàng của họ thường là những người nhẹ dạ từ các nước thiếu thông tin và kém tiếng Anh như nước ta.

.

Học tiến sĩ ở Mĩ nhưng không biết tiếng Anh

Trong thực tế, đã có không ít người ở nước ta là nạn nhân của các cơ sở bán bằng cấp. Hai hôm nay, dự luận công chúng bức xúc về một số trường hợp giám đốc sở văn hóa tỉnh Phú Thọ lấy học vị tiến sĩ ở Mĩ nhưng không biết tiếng Anh. Vị quan chức này cho biết ông theo học tại trường “Đại học Nam Thái Bình Dương của Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, tôi e rằng vị quan chức đó là nạn nhân của một cú lường gạt.

Qua tìm hiểu, tôi được biết trường này có tên là Southern Pacific University (tên pháp lí là Southern Pacific University, Inc, a Hawaii corporation). “Trường” có hẳn một website khá hoành tráng. Tuy nhiên, theo tài liệu của Bộ Thương mại và Tiêu thụ vụ (Department of Commerce and Consumer Affairs) thì “trường” đã bị giải thể từ ngày 28/10/2003 (nguyên văn: “Although incorporated in Hawaii, SPU was based in Malaysia. SPU’s Hawaii corporation was dissolved on October 28, 2003.”) Đây là một trường dỏm, và đã được đưa vào danh sách các trường dỏm. Trường này thậm chí còn được liệt kê vào danh sách scam, tức là những nơi chuyên lừa gạt người nhẹ dạ để lấy tiền bằng cách bán bằng cấp dỏm. Bằng cấp của trường Southern Pacific University không được các cơ quan kiểm định giáo dục của Mĩ công nhận.

Nói tóm lại, tôi nghĩ vị quan chức này đã bị lừa gạt và chắc tốn nhiều tiền để có cái giấy tiến sĩ đó. Tờ giấy gọi là tiến sĩ đó chỉ là chứng từ của một sự lường gạt, chứ không phải là một học vị gì cả.

Kinh doanh giáo dục không chỉ giới hạn trong việc buôn bán bằng dỏm, mà còn bao gồm buôn bán chức danh dỏm. Những chức danh hay danh xưng như “danh nhân thế giới” (Who is Who in the World), bộ óc vĩ đại, viện sĩ hàn lâm, v.v… đều có thể mua từ các nhóm kinh doanh qua mạng, thậm chí qua các tổ chức mà đọc qua tên thì có vẻ như thật. Vấn đề trở nên phức tạp khi phân biệt giữa tổ chức thật và giả. Chẳng hạn như Viện hàn lâm khoa học New York là một tổ chức khoa học thật sự, nhưng cách họ cấp bằng “viện sĩ” thì không nên hiểu là viện sĩ mà chỉ là hội viên. Khoảng 6 năm trước đây, người viết bài này đã giải thích những khác biệt đó, nhưng rất tiếc là mãi đến nay vẫn còn nhiều người ở Việt Nam bị sa đà vào cái bẫy danh xưng và tốn tiền một cách không cần thiết. Điều đáng nói là có cơ quan Nhà nước khuyến khích, chi tiền để nhân viên mình có được những danh xưng dỏm, những học vị dỏm đó! Trong tình trạng vàng thau lẫn lộn như hiện nay ở Việt Nam, những danh xưng tiến sĩ hay giáo sư, nhất là trong giới quan chức, càng ngày càng trở thành chuyện tiếu lâm dân gian. Nhưng nghiêm chỉnh và bình tâm mà nói, phải gọi đó là một quốc nạn giáo dục.

.

Trong khoa bảng, không có phương cách gọi là “đi tắt đón đầu”. Tri thức tích lũy theo thời gian chứ không thể nào một sớm một chiều mà có được. Tất cả những học vị khoa bảng hay bằng cấp nói chung là một chứng nhận về một quá trình học tập để tiếp thu kiến thức trong một thời gian dài, có khi rất dài và rất gian nan. Tiến sĩ là một học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục hiện đại, và người có học vị này được công chúng phương Tây kính cẩn gọi là “Doctor”. Người có văn bằng đó phải trải qua một quá trình học và nghiên cứu với những thành quả được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận. Điều cốt lõi và cũng là đặc điểm để phân loại bằng tiến sĩ với các bằng cấp khác là nghiên cứu. Không có nghiên cứu khoa học thì không thể là tiến sĩ được. Do đó, văn bằng tiến sĩ thích hợp và giá trị cao nhất trong khoa bảng và nghiên cứu khoa học, chứ không phải trong hệ thống công quyền và quản lí hành chính. Bằng tiến sĩ càng không phải là món hàng để người ta mua làm vật trang sức hay làm phương tiện để thăng quan tiến chức.

So với các nước trong vùng, nước ta có nhiều tiến sĩ và giáo sư. Tính đến nay, Việt Nam đã phong hàm giáo sư và phó giáo sư cho hơn 8300 người. Con số tiến sĩ còn cap gấp 4 lần con số giáo sư. Chúng ta không biết bao nhiêu tiến sĩ ở Việt Nam được cấp bởi những “trường” dỏm, nhưng chúng ta có thể nói rằng những tiến sĩ dỏm này làm cho năng suất khoa học Việt Nam thấp hơn các nước trong vùng. Thật vậy, hàng năm Việt Nam chỉ công bố được khoảng 1000 công trình khoa học trên các tập san quốc tế, tức chỉ bằng khoảng 1/5 Thái Lan và 1/10 Singapore. Lí do đơn giản là vì Việt Nam có nhiều giáo sư và tiến sĩ không làm việc trong khoa học, mà chỉ làm quản lí và hành chính. Rất nhiều các quan chức trong các bộ của chính phủ đều có bằng tiến sĩ. Phân nửa những bộ trưởng VN có bằng tiến sĩ. Nhưng trớ trêu thay, chỉ có khoảng ~20% giảng viên trong các đại học lớn ở VN có văn bằng tiến sĩ! Đó là một nghịch lí.

Đã đến lúc phải phục hồi qui trình tuyển dụng quan chức theo logic thông thường: dựa vào kinh nghiệm và bằng cấp đã có, chứ không nên “cơ cấu” xong rồi mới hợp thức hóa sau. Đã đến lúc phải nhận thức rằng văn bằng tiến sĩ là để nghiên cứu khoa học và giảng dạy đại học, chứ không phải là một chứng chỉ để thăng quan tiến chức.

TB. Bài đã đăng trên Tuần Việt Nam 23/6/2010

.

.

Thêm bằng chứng về bằng giả trường dỏm

Nguyễn Văn Tuấn

Thứ tư, 23 Tháng 6 2010 19:55

http://nguyenvantuan.net/education/3-edu/943-them-bang-chung-ve-bang-gia-truong-dom

.

Đọc trên SGTT hôm nay, tôi mới thấy văn bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Ngọc Ân, và đây chính là một bằng chứng khác cho thấy ông đã bị (hay sẵn sàng bị) lường gạt. Như mô tả hôm qua, những cơ sở kinh doanh bằng dỏm thường có những đặc điểm chung, bao gồm 3 đặc điểm chính là: (a) nhái tên trường thật; (b) thay đổi địa chỉ hay không có địa chỉ cụ thể; (c) tài liệu viết sai chính tả tiếng Anh.

Nơi mà vị quan chức trên “theo học” đáp ứng đầy đủ 3 đặc điểm này. Thứ nhất là trường này nhái tên trường University of South Pacific củaquốc đảo Fifi. Thứ hai, trường đăng kí ở Mã Lai nhưng danh nghĩa thì ở Hawaii. Thứ ba, bằng cấp viết sai tiếng Anh be bét. Chúng ta thử nhìn qua những câu chữ trong “bằng tiến sĩ” mà SGTT chụp lên cho công chúng xem như sau: http://118.69.212.144/ImageHandler.ashx?ImageID=107930

“Southern Pacific University

To all whom letters shall come greeting

The Directors of the Ubniversity on the recommendation of the University faculty and by virtue of the Authority in Them bested have conferred on

NGUYEN NGOC AN

Of who has satisfactorily pursued the Studies and passed the Examinations required therefore the Degree

PhD in Economics

With all the Rights Privilege and honors thereunto appertaining

…. ”

.

Thấy gì qua cái văn bằng đó? Hầu như dòng chữ nào cũng có sai sót về văn phạm, ngữ pháp, thậm chí cách viết hoa bằng tiếng Anh. Chẳng hạn như câu “To all whom letters shall come greeting”, hay câu “by virtue of the Authority in Them bested”, hay “passed the Examinations required therefore the Degree”, v.v… là cái gì? Sai be bét! Lại còn sai cả văn phạm và cách diễn tả danh từ “all the Rights Privilege” một cách hết sức ngờ nghệch (Rights Privilege là cái gì? Đáng lẽ phải là Rights and Privileges, nếu viết cho đúng). Đặc biệt là người soạn cái phôi bằng này dùng rất nhiều mạo từ “The”, và đây chính là một sai sót rất phổ biến ở người Á châu khi viết tiếng Anh.

Hơn nữa, văn bằng tiến sĩ thật không ai viết tắt kiểu “PhD” cả, mà là viết nguyên chữ một cách trang trọng là “Doctor of Philosophy”.

Nói tóm lại, “văn bằng” này là một chứng từ khác cho thấy vị quan chức đó đã bị lừa gạt và tốn 17,000 USD cho một tờ giấy hoàn toàn vô giá trị. Vấn đề là không biết còn bao nhiêu người là nạn nhân của trò lường gạt này nữa.

NVT

.

.

.

No comments:

Post a Comment