Wednesday, June 23, 2010

HOA KỲ ĐÁNH GIÁ THẤP TRUNG QUỐC

Hoa kỳ đánh giá thấp Trung Quốc – phần 1

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

2010-06-21

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-US-Underestimates-China-NTran-06212010114101.html

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong thời gian gần đây có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.

Qua những bài viết đăng trên các tờ báo là cơ quan ngôn luận chính thức của chính phủ Trung Quốc, cùng những lời phát biểu của các viên chức quân sự cao cấp của nước này, đã công khai tấn công Hoa Kỳ, cho thấy thái độ từ phía lãnh đạo Trung Quốc ngày càng quyết đoán hơn.

Để tìm hiểu thêm các cuộc tấn công bằng lời nói của các viên chức Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ, cũng như sự việc này có phải là ý kiến riêng của một số lãnh đạo Trung Quốc hay không, hay là nước này đã thay đổi chính sách ngoại giao đối với Mỹ, và cũng để biết thêm phản ứng từ phía Hoa Kỳ ra sao?

Liệu Hoa Kỳ có xem những thay đổi từ phía Trung Quốc là quan trọng hay không, mời quý vị cùng Ngọc Trân điểm qua các tin tức có liên quan.

.

Muốn so găng với Hoa Kỳ?

Chúng ta đã từng ngạc nhiên khi nghe qua các bài báo từ phía Trung Quốc với lời lẽ hiếu chiến, kêu gọi chính phủ của họ phát động chiến tranh chống Việt Nam và các nước trong khu vực. Thế nhưng, có lẽ thái độ hung hãn của các viên chức Trung Quốc không chỉ dành riêng cho Việt Nam hay các nước trong vùng, mà với Hoa Kỳ, một cường quốc thế giới, Trung Quốc vẫn có thái độ gây hấn, mặc dù lời lẽ của họ dành cho Hoa Kỳ có vẻ khác hơn so với Việt Nam.

Hồi tháng 2 vừa qua, Đại tá Meng Xianging, chiến lược gia trong Quân đội Trung Quốc tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ nâng cấp chất lượng quân đội trong thập kỷ tới, để có đủ sức mạnh “đánh một trận giáp lá cà với Hoa Kỳ”.

Thêm vào thái độ hiếu chiến vừa kể trên, một số nhà lãnh đạo Trung Quốc đã kêu gọi chính phủ của họ bán vũ khí cho các nước là kẻ thù lâu đời nhất của Mỹ, chẳng hạn như đầu năm nay, ông Lưu Môn Hùng, thành viên Hội nghị Tư vấn Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC), đã phát biểu: “Chúng ta nên trả đũa Hoa Kỳ như ăn miếng trả miếng và bán vũ khí cho Iran, Bắc Hàn, Syria, Cuba và Venezuela”.

Đầu tháng 3, Bắc Kinh đã cho xuất bản cuốn sách “Giấc mơ Trung Quốc”, của ông Lưu Minh Phúc, Đại tá Quân đội (PLA) và là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kiến thiết Quân đội, thuộc trường Đại học Quốc phòng Trung Quốc.

Nội dung cuốn sách này kêu gọi Trung Quốc xây dựng một quân đội mạnh nhất thế giới để giành lấy vị trí siêu cường số một trên toàn cầu từ tay Hoa Kỳ. Ông Lưu Minh Phúc kêu gọi Trung Quốc hãy “bỏ đi ảo tưởng và chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đối đầu với Hoa Kỳ về việc thống trị toàn cầu trong thế kỷ 21”. Có lẽ đây là quyển sách đầu tiên công khai tuyên bố mục tiêu của Trung Quốc muốn trở thành quốc gia hùng mạnh nhất, để thay Mỹ lãnh đạo thế giới trong thế kỷ này.

.

Tấn công có chủ đích

Mới đây, trong một phiên họp về Đối thoại Kinh tế và Chiến lược Trung – Mỹ, hôm 24 tháng 5, tại Bắc Kinh, Thiếu tướng Quan Du Phi đã công khai tấn công Hoa Kỳ bằng một bài phát biểu dài ba phút, trước khoảng 65 viên chức Mỹ có mặt trong phòng họp.

Ông Quan Du Phi nói rằng, trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tất cả mọi chuyện đi đúng đường là nhờ Trung Quốc, còn tất cả những chuyện đi sai đường là do lỗi ở Hoa Kỳ. Ông còn cáo buộc Mỹ là “bá chủ” và âm mưu bao vây Trung Quốc bằng các đồng minh chiến lược. Ngoài ra, ông Quan còn dành những lời lẽ gay gắt nhất cho việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan, ông nói rằng tất cả những điều này cho thấy Hoa Kỳ xem Trung Quốc như kẻ thù.

Ngay sau khi Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung - Mỹ kết thúc, ngày 27 tháng 5, báo Tân Hoa xã, cơ quan ngôn luận chính thức của Chính phủ Trung Quốc, xuất hiện một bài viết công khai nhắm vào Hoa Kỳ. Bài viết có tựa đề “Âm mưu của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc” của ông Đới Từ, Đại tá Không quân và là chiến lược gia có ảnh hưởng ở Trung Quốc.

Trong bài viết này, ông Đới Từ đã công khai tấn công Hoa Kỳ, cáo buộc Mỹ bao vây Trung Quốc bằng những đồng minh khu vực. Ông Đại tá Không quân còn cho rằng, Hoa Kỳ đã sử dụng chiến lược “kềm kẹp ngoại giao” nhằm cô lập hoàn toàn Trung Quốc, làm cho Đông Nam Á ngày càng trở nên phụ thuộc vào Mỹ về mặt chính trị, lôi kéo Việt Nam trở thành đồng minh của Mỹ và cố tình chia rẽ “ba người bạn thật sự” của Trung Quốc là Bắc Hàn, Miến Điện và Pakistan.

.

Làm mất mặt Hoa Kỳ

Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi khi đầu tháng 6 này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo với phía Hoa Kỳ rằng chuyến đi đã lên kế hoạch từ lâu của ông Robert Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, theo lời mời của tướng Từ Tài Hậu, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, đã bị hủy bỏ.

Cũng xin nhắc thêm rằng, kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng hồi cuối năm 2006, ông Gates đã đến thăm Trung Quốc một lần vào tháng 11 năm 2007, và kể từ đó ông đã nhiều lần từ chối lời mời của Bắc Kinh, đến thăm nước này. Cho đến khi tướng Từ Tài Hậu có chuyến thăm đáp trả Hoa Kỳ hồi tháng 10 năm ngoái và trong chuyến đi này, ông Từ đã ngỏ lời mời ông Gates đến thăm Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã đồng ý đến thăm Bắc Kinh vào năm 2010 và hai nước cũng đã chuẩn bị cho chuyến đi này của ông Gates. Thế nhưng, Trung Quốc đã làm mất mặt Hoa Kỳ khi tuyên bố hủy bỏ chuyến thăm của ông Gates vào giờ phút chót mà không cho biết lý do, nên nhiều người đã đoán rằng, lý do Trung Quốc không muốn tiếp ông Gates là do Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan.

Liệu đây có phải là lý do thật sự hay không? Phía Hoa Kỳ không nghĩ như thế. Hôm 5 tháng 6 vừa qua, tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Gates cho rằng việc Trung Quốc cắt đứt quan hệ quân sự với Hoa Kỳ vì lý do Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan là vô lý. Ông nói: “Các quan chức Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ quân đội giữa hai nước, viện lý do Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan. Với nhiều lý do khác, lý do này không hợp lý chút nào. Trước hết, việc Hoa Kỳ bán vũ khí cho Đài Loan không có gì mới. Chuyện này đã xảy ra hàng thập kỷ và đã kéo dài qua nhiều đời Tổng thống Mỹ”.

Đáp lại, Thiếu tướng Chu Thành Hổ, Giám đốc Đại học Quốc phòng Quốc gia Trung Quốc đã lên tiếng trả đũa, ông Chu nói, “Tôi tin rằng việc bán vũ khí đã gửi tín hiệu sai lầm tới Trung Quốc, đó là Trung Quốc xem Mỹ là đối tác cũng như bạn bè, trong khi phía Mỹ xem Trung Quốc như là kẻ thù”.

Cũng xin nhắc thêm, năm 2005, Thiếu tướng Chu Thành Hổ là người nổi tiếng ở Trung Quốc, với quan điểm cứng rắn khi ông lên tiếng cảnh cáo Hoa Kỳ rằng, nếu Mỹ giúp Đài Loan trong chiến tranh với Trung Quốc, thì Bắc Kinh sẽ bỏ học thuyết “không sử dụng trước” về vũ khí hạt nhân và sẽ tấn công Hoa Kỳ bằng vũ khí hạt nhân.

Tại Đối thoại Shangri-La, tiếp lời Thiếu tướng Chu Thành Hổ, ông Mã Hiểu Thiên, Phó Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã gián tiếp tấn công Hoa Kỳ. Mặc dù ông Mã không hề nhắc đến Hoa Kỳ trong suốt bài phát biểu, thế nhưng qua những lời lẽ bóng gió, sử dụng những cụm từ như “tăng cường liên minh quân sự” và “can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác”, cho thấy những lời nói trên đã được ông Mã sử dụng với mục đích nhắm vào Hoa Kỳ.

Những lời nói và thái độ hung hăng của các viên chức Trung Quốc, có phải là sự cố hoặc chỉ thể hiện quan điểm của một số viên chức quân sự Trung Quốc hay không? Đó sẽ là nội dung của bài kế tiếp.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

Hoa Kỳ đánh giá thấp Trung Quốc - phần 2

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

2010-06-21

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-US-Underestimates-China-NgTran-06212010215403.html

Sau những lời phát biểu cũng như hành động của các giới chức Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ. Phải chăng đây là sự cố mà các viên chức này vô tình mắc phải hay đây là các hành động có chủ đích?

Nếu là những hành động có chủ đích, thế thì nó đến từ chủ trương của bộ phận nào, từ Quân đội Trung Quốc hay là từ các cấp lãnh đạo cao nhất trong chính phủ nước này? Liệu Hoa Kỳ có nhận ra điều gì khác thường qua những hành động của Trung Quốc hay không, và phản ứng của Hoa Kỳ ra sao? Mời quý vị nghe Ngọc Trân trình bày tiếp…

.

Chỉ là sự cố?

Những hành động và tuyên bố hung hăng từ phía Trung Quốc ngày càng gia tăng đã làm cho Hoa Kỳ quan ngại. Các chuyên gia phân tích chính sách Hoa Kỳ tự hỏi rằng, phải chăng các hành động này không chỉ là sự cố?

Sau khi nghe những lời phát biểu gay gắt của ông Quan Du Phi tại Bắc Kinh, trên chuyến bay trở về Hoa Kỳ hôm 26 tháng 5, một viên chức ngoại giao đi cùng máy bay với Ngoại trưởng Hillary Clinton cho báo chí biết rằng, ý kiến của ông Quan Du Phi đã vượt ra khỏi quan điểm của các lãnh đạo dân sự Trung Quốc. Thế nhưng viên chức này vẫn chưa rõ, liệu đây có phải là chủ trương của lãnh đạo Trung Quốc hay không.

Trong khi đó, một viên chức cao cấp khác có quan hệ thường xuyên với Hoa Kỳ, đã trả lời báo Washington Post với điều kiện giấu tên, như sau: “Thiếu tướng Quan Du Phi đại diện cho những gì mà tất cả chúng tôi nghĩ về Hoa Kỳ trong thâm tâm chúng tôi. Có thể về mặt chính trị không được chính xác, nhưng đó không phải là ngẫu nhiên”.

Thêm một điểm nữa mà các phân tích gia tin rằng đây không phải là sự cố, bởi vì các viên chức cao cấp Trung Quốc không bao giờ tấn công các viên chức Hoa Kỳ bằng những bài phát biểu có tính khiêu khích ở các sự kiện đã được chuẩn bị kỹ như Đối thoại Kinh tế Chiến lược Trung - Mỹ. Và nếu cho rằng, đó chỉ là quan điểm riêng của Thiếu tướng Quan Du Phi, có lẽ cũng không chính xác, bởi vì ông Quan không dám một mình liều lĩnh đi ngược lại chính sách chung của Trung Quốc.

Liên quan đến vấn đề này, khi được hỏi, một viên tướng giấu tên, thuộc Quân đội Trung Quốc đã trả lời báo chí như sau: “Thật là ngớ ngẩn để nói về phe phái khi nói đến quan hệ với Hoa Kỳ. Quân đội đứng sau đảng. Bạn có thực sự nghĩ rằng ông Quan đã đơn phương làm điều này hay không”?

.

Đánh giá thấp Trung Quốc?

Khác với Việt Nam, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc không đặt trên nền tảng 16 chữ vàng và 4 tốt, thế nhưng chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Bush, cũng như chính sách mà Tổng thống Obama hiện đang áp dụng, Hoa Kỳ không xem Trung Quốc là một đối thủ nguy hiểm phải đề phòng, mà chỉ xem Bắc Kinh như một đối thủ cạnh tranh chiến lược, cùng nhau giúp đỡ để hai nước đi lên.

Do vậy, hồi tháng 5 năm 2007, khi còn là Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, Đô đốc Timothy Keating đã từng đề nghị giúp đỡ Trung Quốc xây một tàu sân bay, mặc dù phía Trung Quốc đã từ chối.

Cũng do chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ chỉ xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh và hợp tác, giúp đỡ, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thường cho các tàu quân sự thực hiện các chuyến viếng thăm Trung Quốc, cùng các cuộc thăm viếng qua lại giữa các sĩ quan hai nước. Bên cạnh đó, hai nước cũng đã lập một đường dây nóng để trao đổi với nhau, cũng như hai bên đã đồng ý một thỏa thuận về các sự cố trên biển, nhằm tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Có lẽ vì vậy, nên khi bị ông Quan Du Phi tấn công ở Trung Quốc, các viên chức ngoại giao Hoa Kỳ vẫn nghĩ rằng đó chỉ là quan điểm riêng của ông ta chứ không phải do chủ trương của Bắc Kinh.

Vào thời điểm đó, giới ngoại giao Hoa Kỳ vẫn tin rằng Bắc Kinh sẽ chào đón ông Robert Gates trong chuyến viếng thăm đã lên kế hoạch. Thế nhưng, hình như Hoa Kỳ đã đánh giá thấp Trung Quốc. Một tuần sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo với phía Hoa Kỳ rằng, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ không được Bắc Kinh đón tiếp với lý do “thời điểm không thuận tiện”.

Không chỉ giới ngoại giao, mà dường như Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cũng đã hiểu sai về Trung Quốc sau khi nhận được tin Bắc Kinh không đón tiếp ông. Ông Gates cho rằng mình bị khước là do phía quân đội Trung Quốc gây cản trở, chứ không phải do chính sách của Trung Quốc.

Trên đường đến Singapore hôm 2 tháng 6, ông đã phát biểu với báo chí, rằng: “Gần như tất cả mọi khía cạnh trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc đang tiến về phía trước theo hướng tích cực, ngoại trừ một điều duy nhất là mối quan hệ quân sự giữa hai nước. Quân đội Trung Quốc ít quan tâm trong việc phát triển mối quan hệ này so với các lãnh đạo chính trị Trung Quốc”.

.

Hoa Kỳ lo ngại

Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 2 tháng 6 vừa qua cho thấy, vào thời điểm này, ông Gates vẫn còn tin rằng việc Trung Quốc cắt đứt quan hệ quân sự với Mỹ là do Quân đội Trung Quốc lơ là trong việc phát triển quan hệ quân sự với Hoa Kỳ. Thế nhưng, có lẽ sau đó ông Gates đã hiểu rõ hơn, do không những bị Bắc Kinh từ chối, mà ông còn phải hứng chịu một loạt chỉ trích hằn học của các viên chức Trung Quốc nhắm vào ông hôm 5 tháng 6 tại hội nghị Shangri-la.

Lo ngại trước thái độ khiêu khích gần đây của Trung Quốc, trong buổi ăn tối hàng năm tại Asia Society Washington hôm 9 tháng 6 vừa qua, ông Mike Mullen, Tổng tham mưu trưởng Liên quân, đã nói:

Trung Quốc là nước đứng đầu và đang trỗi dậy trong khu vực. Chúng tôi hoan nghênh sức mạnh đáng kể và tiềm năng của họ. Câu hỏi được được đặt ra là, Trung Quốc và Hoa Kỳ có nên làm việc với nhau để thúc đẩy sự ổn định trong khu vực hay không? Câu trả lời của Washington chắn chắn là có. Câu trả lời từ phía Bắc Kinh thì đôi khi có, đôi khi không.

Từ chối gần đây về tiếp xúc quân sự giữa hai nước, đặc biệt gây thất vọng, bởi vì nó hủy bỏ cơ hội lắng nghe và học hỏi lẫn nhau. Và việc họ đầu tư rất nhiều vào hàng hải hiện đại, viễn chinh và khả năng không quân có vẻ kỳ lạ, vượt ra khỏi mục tiêu mà họ đã tuyên bố về mục đích phòng thủ trên lãnh thổ của họ. Mỗi quốc gia đều có quyền tự vệ và chi tiêu phù hợp với mục đích tự vệ đó. Nhưng có một khoảng cách lớn giữa ý định mà Trung Quốc đã tuyên bố với các chương trình quân sự của họ, làm cho tôi hơn tò mò về kết quả cuối cùng. Thật vậy, tôi đã chuyển từ tò mò sang thực sự quan ngại”.

Mặc dù Đô đốc Mullen đã từng lên tiếng về việc Trung Quốc gia tăng quân sự, thế nhưng có lẽ đây là đầu tiên Tổng Tham mưu trưởng Liên quân bày tỏ trước công chúng mối lo ngại về việc này.

Liệu các viên chức Hoa Kỳ sẽ phản ứng ra sao với Trung Quốc hay chỉ dừng lại ở mức “quan ngại”? Mời quý vị theo dõi tin tức trong những ngày tới.

.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments:

Post a Comment