Wednesday, June 2, 2010

BỆNH HOÀNH TRÁNG

Bệnh hoành tráng, sự tham lam của người Việt và lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam

Lê Diễn Đức

02/06/2010 7:00 sáng 1 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=20994

Ít ai trong cộng đồng người Việt ở Ba Lan lại không muốn một ngày nào đó sẽ mua được biệt thự hoặc một căn nhà khang trang, tiện nghi và sắm được xe hơi sang trọng. Đây là một ước mơ đẹp. Giống như mơ Việt Nam sẽ có những con tàu TGV như của nước Pháp chạy suốt Bắc-Nam!

Có một ước mơ đẹp để phấn đấu là điều không có gì đáng trách, thậm chí nên được khuyến khích, vì nó là động lực thúc đẩy con người trở nên năng động, sáng tạo, cần cù hơn trong làm ăn, vươn tới mục đích.

Chỉ đáng tiếc là từ giấc mơ đến thực tế và phương pháp thực hiện sao cho hợp lý và hiệu quả lại là bài toán xa vời, gian nan, đôi khi ảo tưởng và có tác động tiêu cực trái ngược.

.

Chuyện một người

Nói đến vợ chồng ông G. và bà Ch., giới trí thức và kinh doanh người Việt ở Ba Lan hầu như ai cũng biết. Họ được xem là “Soái” một thời, một “Việt kiều yêu nước”, một khuôn mặt doanh nhân Ba Lan. Xin mở ngoặc: “Soái” là từ thông dụng dành cho những người buôn bán thành đạt của thế hệ tuổi 4x, 5x, 6x, phần lớn là cán bộ nhà nước đi thực tập sinh hay nghiên cứu sinh (làm luận án phó tiến sĩ), những người đột phá thị trường Nga trong thập niên 90 sau khi chế độ cộng sản ở Đông Âu và Nga sụp đổ. Một thời kỳ vàng kim cho business vì hàng hoá khan hiếm, đặc biệt là hàng điện tử, quần áo, có lúc một vốn bốn lời, nhưng cũng đi kèm với những mạo hiểm, thậm chí mất sạch hoặc phải trả giá bằng nhà tù, mạng sống…

Đáng buồn, giống như số phận của danh hiệu phó tiến sĩ / tiến sĩ của người Việt xã hội chủ nghĩa, thực chất thì ít mà dỏm đời thì nhiều, “Soái” cũng có thứ rởm, hết thời, nhưng vẫn muốn tỏ ra mình thuộc hạng thượng lưu! Có người kể lại cho tôi rằng, ông bà G., Ch. sống “hoành tráng” cực kỳ, sở hữu bất động sản lớn ở Việt Nam, nhà trong khu đắt giá ở Warszawa, xài xe BMW đời mới nhất, láng coóng, như muốn ăn đứt những “ngôi sao” thuộc thế hệ 7x, 8x mới nổi. Cái bệnh thích hoành tráng này đã dẫn những con người vốn hiền lành, lương thiện trở thành kẻ lừa đảo.

Mới đây, ông G., bà Ch. không một lời tạm biệt bà con đã đột nhiên biến mất, cầm theo món nợ cả trên triệu đôla của đồng hương trong các phi vụ vay tiền trả lãi. Trước đó, cả trăm người đã ép hai ông bà lên Đại sứ quán Việt Nam ở Warszawa ký cam kết hoàn trả. Đau hơn, nghe đồn vài tay anh chị ngáo ngổ đã bắt bà Ch. phải dùng “vốn tự có” tới “phục vụ” cho những lần khất nợ trong nỗi cay đắng nhục nhã của ông chồng. Được biết hiện công an Việt Nam đang nhờ Interpol truy nã…

Trường hợp của cá nhân như ông bà G., Ch. ở Ba Lan nói chung không hiếm và không lạ đối với người Việt, là hậu quả của căn bệnh thích hoành tráng, khoe khoang, vĩ cuồng.

Một mặt, người Việt xuất phát từ một quốc gia nghèo khổ, lạc hậu, thường mặc cảm bị coi khinh, nên lúc nào có cơ hội là nhất thiết phải phô diễn ồn ào, xôm xụ nhất, phải bảnh hơn thằng cha hàng xóm bên cạnh, láng hơn con mẹ trước nhà, nhiều khi với thái độ ngông nghênh, thách đố rất thiếu văn hoá.

Mặc khác căn bệnh hoành tráng còn vì những “ước mơ đẹp”, vượt khả năng thực tế của mình, nhưng cứ dấn thân vào phiêu lưu vì tham lam thái quá. Người ta cũng nói cái bệnh này là của mấy anh lùn nhưng thích chơi bóng rổ.

.

Chuyện một nước

Nguy hiểm hơn, căn bệnh hoành tráng hiện nay còn xâm nhập vào những người đang quản lý đồng tiền bát gạo của dân tộc Việt Nam. Dự án càng hoành tráng bao nhiêu thì phần lại quả (từ 10 đến 35% giá trị) chui vào túi riêng càng “hoành tráng” bấy nhiêu. Đồng thời lại được tiếng thơm bởi những người hoặc thiếu thông tin hoặc ngu dốt, thuộc lòng bài kinh “nhờ sự lãnh đạo của Đảng mà đất nước phát triển như ngày nay”!

Trong kỳ họp Quốc hội tháng 5/2010, ông Nguyễn Minh Thuyết, một trong vài đại biểu hiếm hoi đã từng phản đối dự án Bauxite trong năm 2009, nói: “Bệnh hoành tráng càng ngày càng nặng nề. Ở Việt Nam có bệnh cái gì cũng thích to nhất, dài nhất, đường sắt cao tốc sắp tới dài nhất thế giới, bánh chưng cũng muốn to nhất để ghi vào Guinness” và “bệnh này vẫn tiếp tục, làm ba, bốn cái cầu sập chưa thấy ai bị kỷ luật, chưa thấy ai từ chức, không ai xin lỗi nhân dân. Cầu sập không phải chỉ là vấn đề giao thông, xây dựng, đấy là vấn đề chi ngân sách. Chi ngân sách ra rồi không hoàn thành được nhiệm vụ và gây tốn kém”.

Ông Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, bệnh hoành tráng cũng đã dẫn đến những hành xử ngu ngốc, trái khoáy như “vỉa hè đang yên đang lành thì bóc ra để thay bằng thứ đá trơn trượt hơn, ít nữa lại bóc thứ đá đó đi để thay lại” và “nếu chúng ta không chữa thì nền kinh tế còn đi xuống”.

Nói về dự án khổng lồ 56 tỷ đôla làm đường sắt cao tốc, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đặt câu hỏi: “Tại sao trong khi đồng bào của mình đang phải đu dây để vượt qua những con sông, các cháu học sinh đu dây vượt sông để đi học hằng ngày mà mình không phát triển đường ở đấy? Những người tiêu bằng tiền Nhà nước đã không biết xót?”[1]

Vấn đề không chỉ nằm ở chuyện vay được tiền (đã rất khó), khoan nói đến chuyện vay thì phải trả, hãy xem khả năng sản xuất của Việt Nam trong dự án khủng khiếp, không tiền lệ này. Ngành công nghiệp cơ khí của Việt Nam còn rất yếu kém, mỗi năm vẫn phải nhập khoảng 18 tỷ đô la thiết bị, có nghĩa rằng nhập siêu thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng vọt thêm riêng từ dự án đường sắt cao tốc. Chẳng ông Tây, bà Đầm nào tốt lành đến mức đổ tiền bạc ra chỉ vì yêu mến nhân dân Việt Nam anh hùng, chăm chỉ, chất phác. Các nhà tư bản xanh có hàng xuất khẩu sẽ xiết chặt tay với các nhà tư bản đỏ Ba Đình và đôi bên tha hồ kiếm chác.

Tôi nhớ lại vụ Ba Lan mua máy bay tiềm kích, trị giá vài trăm triệu đôla. Cuộc đấu thầu khó khăn và kéo dài đã diễn ra công khai trước dư luận, được các chuyên gia trong lĩnh vực chính trị-xã hội, kinh tế, quốc phòng nghiên cứu, cân nhắc, tư vấn cho chính phủ chọn phương án tối ưu. Báo chí tự do lúc nào cũng rình rập xem có gì bê bối trong vụ này không. Cuối cùng Ba Lan chọn F-16 của Hoa Kỳ không phải chỉ vì giá thích ứng, vì Hoa Kỳ là đồng minh chiến lược, mà là Hoa Kỳ chấp nhận ký hợp đồng kiểu Offset, buộc phải hợp tác sản xuất tại Ba Lan một phần cấu kiện, thiết bị của máy bay, nhằm tạo công ăn việc làm cho công nhân và hiện đại hoá công nghiệp quốc phòng của Ba Lan.

Một ví dụ khác của thành phố Warszawa, điều kiện ràng buộc kèm theo trúng thầu mở một đại siêu thị là nhà đầu tư phải bỏ thêm tiền xây dựng khu vực xung quanh các cơ sở hạ tầng như đường xá, trồng cây xanh bảo vệ môi trường…

Lẽ nào người Việt dở đến mức không nghĩ ra sáng kiến gì trong các dự án đầu tư, mà chỉ cần nhà tư bản mang tiền vào thì mặc sức khai thác nguồn tài nguyên, vật lực của nước mình?

Coi thiên hạ như củ khoai, củ sắn, chưa biết đầu đũa ra sao, Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng cộng sản Việt Nam đã gặp đối tác Nhật bên lề Hội nghị Thượng đỉnh giữa Nhật và 5 nước khu vực sông Mê Kông tại Tokyo cuối năm 2009, đồng ý Nhật giúp Việt Nam xây dựng đường tàu cao tốc và khẳng định thêm quyết định này với Thủ tướng Yukio Hatoyama tại Washington hồi tháng 4/2010.[2]

Đàn em của Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, theo báo Nhật Ashahi[3], cũng nhanh nhẩu thông báo cho Bộ trưởng Nhật Yoshito Sengoku rằng,Việt Nam đã quyết định áp dụng hệ thống Shinkansen của Nhật.

Bất kỳ quan chức nào ở các nước dân chủ mà tuyên bố khơi khơi, bỏ qua thủ tục cơ bản của tiến trình đấu thầu chọn đối tác, “tiền trảm hậu tấu” kiểu như ông Dũng, ông Phúc, là ngay lập tức đồng nghĩa với làm bia để các phương tiện truyền thông, các đảng đối lập và dư luận xã hội đánh cho lên bờ, xuống ruộng không kịp vuốt mặt, cầm chắc bị văng khỏi chức vụ, và có thể cả sự nghiệp chính trị vĩnh viễn nằm trong quan tài.

Giờ đây tôi càng thấm thía hơn tiết lộ của ông bạn học cũ, hiện đang giữ trọng trách tại Quốc hội Việt Nam, rằng, giá của Bộ trưởng Giao thông Vận tải cao nhất trên thị trường mua quan, bán chức tại CHXHCN Việt Nam hiện nay!

.

Lời kết

Xin gửi tới độc giả hai đoạn thơ đăng trên trang web của nhà văn Trần Nhương trong nước. Tôi muốn qua đây được đứng vào hàng ngũ phó thường dân ưu tư với những vấn đề lớn của đất nước, quê hương, chứ không phải là “các nhà chuyên gia kinh tế giả danh, việc duy nhất là phản bác bất kể các quyết định nào của chính phủ, không kể đúng sai”, như comment của bạn đọc có nickname “Adamvn” trên Weblog của tôi dưới bài “Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Miếng to cần phải xơi gấp”.

Từ địa phương tới Trung ương

Mắc bệnh Hoành tráng phô trương kinh người

Tiêu toàn thóc thật tiền tươi

Của dân đóng góp mồ hôi, lưng còng

Học Bác mà học mồm không

Các quan lớn nói như rồng như mây

Dân nghèo như bọn tôi đây

Thấm lời Bác dạy đêm ngày căn cơ

Toàn đảng viên, toàn ông to

Nói là học chỉ giả vờ vậy thôi

Linh đình thì mới có xơi

Dân sao tin được mấy người hại dân…

Và:

Con tàu cao tốc, thưa ông

Dự án sao thật viển vông… trên trời

Tiền vay, ai biết? ai xơi?

Nông dân đang đổ mồ hôi trên đồng

Cao tốc, cao ngựa, chẳng mong

Chỉ mong no ấm, cấy trồng bội thu

Tiến lên cũng phải từ từ

Chứ đùng một cái bay vù được đâu

Ba mươi năm nữa nước giầu

Tha hồ cao tốc, cao lầu lo chi

Ta đã hết tuổi xuân thì

Dành cho con cháu vội gì, thưa ông?

© 2010 Lê Diễn Đức

© 2010 talawas blog

---------------------------------------------

[1] Trích từ bài “Lo ngại bệnh hoành tráng”, báo Tiền Phong ngày 29/05/2010

[2]Japan Today 12/12/2009

[3]Vietnam to buy Shinkansen system“, Asahi Shimbun 17/4/2010

.

.

.

No comments:

Post a Comment