Thursday, May 6, 2010

WORLD EXPO THƯỢNG HẢI và MỘT CHÍNH QUYỀN KHÔNG BẢO VỆ ĐƯỢC TRẺ EM

World Expo Thượng Hải 2010 và một chính quyền không bảo vệ được trẻ em

Lê Diễn Đức

Tháng Năm 6, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/05/06/world-export-th%c6%b0%e1%bb%a3ng-h%e1%ba%a3i-2010-va-m%e1%bb%99t-chinh-quy%e1%bb%81n-khong-b%e1%ba%a3o-v%e1%bb%87-d%c6%b0%e1%bb%a3c-tr%e1%ba%bb-em/

.

BBC hôm 1/05 đưa lời bình luận của phóng viên Shirong Chen rằng, “Trung Quốc đang đi tìm câu trả lời cho làn sóng các vụ tấn công vào các em nhỏ vô tội ở nước này, trong lúc tăng cường an ninh tại các trường học”. Bài báo viết:

“Vụ tấn công mới nhất, một nông dân ở tỉnh Sơn Đông đã làm năm cháu bé và một giáo viên bị thương, trước khi tự thiêu mà chết. Đây là vụ tấn công thứ tư nhắm vào các trường học tại Trung Quốc chỉ trong vòng một tháng qua.

Hôm thứ Năm, một người đàn ông trung niên đã dùng dao làm bị thương 28 em nhỏ và ba người lớn tại một nhà trẻ ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Năm em nhỏ lâm vào tình trạng nguy kịch.

Hôm thứ Tư (28/04/2010), một giáo viên đang nghỉ ốm vì bị bệnh thần kinh đã làm bị thương 16 học sinh và một nhân viên ở trưởng tiểu học thuộc tỉnh Quảng Đông.

Cũng cùng ngày, một người đàn ông khác đã bị xử tử về tội sát hại tám em nhỏ hồi tháng trước ở bên ngoài một trường cấp hai ở tỉnh Phúc Kiến”.

Trung Quốc từng là nước có tỷ lệ tội phạm thấp, nhưng nay đây lại là chủ đề mà họ phải xử lý hầu như mỗi ngày. Điều này khiến người ta đặt câu hỏi tại sao lại có làn sóng dâng cao đột ngột về các vụ tấn công như vậy”.

Han Han, Blogger Trung Quốc nổi tiếng nhận thấy trong các vụ giết người gần đây bởi những tên thủ phạm có chứng bệnh tâm thần, đối tượng lựa chọn để tấn công là các trường mẫu giáo hay tiểu học.

Anh muốn lý giải vì sao. Nếu như xảy ra đơn lẻ thì có thể hiểu ở nơi nào trên thế giới cũng có cả. Đàng này, ở Trung Quốc, được lặp lại trong một thời gian ngắn, nạn nhân là những kẻ yếu, “giết người giống như một loại thời trang”, với số lượng nạn nhân đáng sợ, 5 vụ trong một tháng, 2 vụ trong vòng một tuần.

Trong bài “Chính quyền không bảo vệ được trẻ em”, Han Han nhận định rằng, hiện tượng này phản ánh chính xác về sự trả thù xã hội của những người dân Trung Quốc nghèo khổ, phải chịu quá nhiều bất công, không tìm thấy lối thoát.

Cũng theo BBC, Ji Jianlin, giáo sư thuộc khoa tâm thần học của Đại Học Phúc Đán ở Thượng Hải nói các vụ việc mới đây đều có những điểm chung: “Những kẻ tấn công đều là những người thù hằn xã hội. Họ đều muốn báo thù bằng cách tấn công vào những đối tượng non trẻ, yếu đuối”. Và “phần nào chuyện này phản ứng tâm trạng căng thẳng trong xã hội trước nạn tham nhũng và bất bình đẳng”. “Trước đây, các công nhân Trung Quốc từng nhận được sự hỗ trợ xã hội từ các tổ chức hay các hội phụ nữ. Nay sự hỗ trợ đó tương đối yếu kém”.

Nhắc lại câu nói của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo một năm trước đây: “Sự bình đẳng và công lý sẽ rực rỡ hơn mặt trời”, Han Han than thở rằng, “nhưng mặt trời đã không hiện ra mỗi ngày, vì quá nhiều mây u ám và bóng đêm?”. -“Tôi kêu gọi các nhà chức trách trên toàn quốc phải điều động cảnh sát đến các nhà trẻ, mẫu giáo, để bảo vệ các em nhỏ” – Han Han viết.

Điều đáng lưu ý là sau thảm kịch giết người ở trường mẫu giáo Thái Châu hôm 29/04, các phương tiện truyền thông đã bị kiểm soát chặt chẽ, bởi vì các em đã lâm nạn không may mắn đúng vào thời gian cả nước đang ồn ào mừng khai mạc Hội chợ triển lãm Thượng Hải World Expo 2010.

Tin tức của chính phủ cho biết có 32 người bị thương và không có ai chết, nhưng trên đường phố thì có tin đồn rằng nhiều trẻ em đã thiệt mạng. Han Han đặt dấu hỏi: Chúng tôi có thể tin không? Nếu chính phủ nói thật, thì tại sao họ không để cho cha mẹ tới thăm con cái của họ? Chính phủ đối phó tình hình với thói quen của họ, kiểm duyệt truyền thông, cấm nhà báo, du khách nước ngoài đến nơi xảy ra sự vụ, và chuyển hướng sự chú ý của công chúng vào Expo Thượng Hải. Họ ăn, uống và tận hưởng ngây ngất ngày đêm, trong khi cấm cáo báo chí thông báo về hiện tình, bồi thường, tổ chức ma chay cho nạn nhân ra sao…

Han Han đau xót viết: Phải chăng, trong mắt của người lớn Trung Quốc trẻ em chỉ là thứ đồ chơi? Hàng chục ngàn trẻ em bị nhiễm độc do sữa bột, bị tổn thương do vắc xin, bị chết dưới hoang đổ của động đất, và hoả hoạn. Tôi thật sự hy vọng được như các nhà chức trách Thái Châu nói, các em chỉ bị thương và không ai chết. Người lớn chúng tôi đã thất bại trong nhiệm vụ của mình. Tôi hy vọng rằng khi các em lớn lên, các em sẽ không chỉ bảo vệ con cái của riêng mình, mà sẽ xây dựng một xã hội bảo vệ trẻ em của tất cả mọi người.

Trung Quốc với tham vọng vươn lên thành một siêu cường quốc giờ đây không những chỉ là ý đồ công khai của các nhà lãnh đạo Trung Nam Hải mà con là của hàng triệu người Hoa bị kích động ồn ào bởi chủ nghĩa dân tộc Đại Hán cực đoan.

Tổng thu nhập kinh tế quốc dân của Trung Quốc đã vượt Đức, có thể sẽ vượt Nhật Bản, chiếm vị trí thứ hai sau Hoa Kỳ, nhưng còn rất lâu nữa Trung Quốc mới có thể được xếp hạng vào danh sách quốc gia thịnh vượng, dân chủ, văn minh và một xã hội có phúc lợi bảo trợ công dân cao. Người cộng sản Trung Quốc đã, đang và sẽ phải đối đầu khó khăn trước nhiều vấn đề xã hội đầy bất trắc.

Trong một bài dịch của tôi từ Tuần báo Ba Lan “Polityka” với tựa đề “Con Rồng bị ợ chua”, Mao Shoulong, Giáo sư Đại học Bắc Kinh (Beijing University) nói: “Mặc dầu là nước đang phát triển, gần 800 triệu người Trung Quốc, tức là hai phần ba dân số nằm ở khu vực kinh tế nhỏ ở nông thôn và các ngành tiểu thủ công ở các thành phố nhỏ. Ở nông thôn, mức độ phát triển của các đơn vị kinh tế không hơn 100 trước đây bao nhiêu, người nông dân vẫn sống nghèo khổ, trong khi các chi phí cho thuốc men và y tế, sức khoẻ đắt đỏ ngang với các thành phố lớn”.

Cho nên, những ai choáng ngợp trước sự phát triển kinh tế của Trung Quốc hay Việt Nam nên nghiên cứu thực chất sự mất cân đối và những mâu thuẫn tiềm tàng bên trong của nó, để có cái nhìn tổng thể chính xác.

Nguồn tham khảo: ChinaSmask và Han Han Blog

.

.

.

No comments:

Post a Comment