Friday, May 28, 2010

BẠN CÓ BIẾT VỀ HÌNH PHẠT QUẢN CHẾ ?

Bạn có biết về hình phạt quản chế?

LS LÊ TRẦN LUẬT

May 28, '10 5:43 AM

http://lsletranluat.multiply.com/journal/item/9

Luật sư Lê Trần LuậtHình phạt quản chế đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, mang tính chất trừng trị và chứa đựng nhiều nội dung phi nhân đạo. Cho nên khó có thể nói rằng hệ thống hình phạt Việt Nam là hoàn thiện và có bản chất nhân đạo như Nhà Nước đã tuyên truyền và giáo dục dân chúng…

------------------------

Trong thời gian gần đây, nhất là năm 2008 và 2009, rất nhiều người bị đưa ra xét xử ở các tội danh thuộc chương an ninh quốc gia của Bộ luật hình sự Việt Nam như tội âm mưu lật đổ chính quền nhân dân, tội trốn ra nước ngòai nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, tội tuyên truyền chống nhà nuớc xã hội chủ nghĩa v.v. Số lượng vụ án ở lọai tội danh an ninh quốc gia này có chiều hướng gia tăng hơn rất nhiều, số người bị xét xử cũng nhiều hơn. Một số vụ án lớn, thu hút sự chú ý, thông thường dư luận chỉ quan tâm đến số năm tù ( có thời hạn) mà người bị kết án phải lãnh chịu, ít ai để ý đến hình phạt bổ sung là quản chế được áp dụng cho người bị kết án. Sau khi mãn hạn tù, người bị kết án phải tiếp tục chấp hành thêm hình phạt bổ sung là quản chế và tiếp tục gánh chịu thêm nhiều hậu quả pháp lý từ lọai hình phạt này.

.

Cũng giống như hình phạt chính, hình phạt bổ sung quản chế là một biện pháp cưỡng chế nhà nước được tuyên kèm với một hình phạt chính và được áp dụng ở một số tội danh nhất định. Quản chế đựợc áp dụng bắt buộc cho các tội thuộc chương an ninh quốc gia nếu như nguời bị kết án bị tuyên hình phạt là tù có thời hạn.

.

Nghiên cứu phần tội phạm của bộ luật hình sự hiện hành thấy có 29 điều cho phép áp dụng hình phạt quản chế đó là: các tội thuộc chương an ninh từ điều 78 đến điều 92; tội giết người (khỏan 3, điều 101); tội mua bán phụ nữ; tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đọat trẻ em; tội cướp tài sản; tội bắt cóc nhằm chiếm đọat tài sản, tội tổ chức mua bán trái phép chất ma túy; tội chiếm đọat tàu bay tàu thủy; tội mua bán trái phép và chiếm dụng vũ khí quân dụng và các kỹ thuật quân sự; tội phá hủy các công trình quan trọng về an ninh quốc gia; tội chế tạo, tàng trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đọat chất nổ; tội chế tạo, tang trữ, mua bán trái phép hoặc chiếm đọat vũ khí thô sơ và công cụ hổ trợ; tội chế tạo, tang trữ, mua bán trái phép họặc chiếm đọat chất phóng xạ; tội chế tạo, tang trữ, mua bán trái phép chất cháy, chất độc; tội ép buộc, dụ dỗ hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm tội và tội chứa chấp mãi dâm.

Như vậy có thể thấy quản chế chỉ được áp dụng cho các tội phạm thuộc chương an ninh quốc gia. Ngòai ra chỉ áp dụng cho các tội khác, vừa liệt kê ở trên ,khi có tình tiết tăng nặng là tái phạm nguy hiểm.

.

Không những là một hình phạt bổ sung trong hệ thống hình phạt của bộ luật hình sự, quản chế còn là biện pháp hành chính. Theo pháp lệnh xử phạt hành chính thì quản chế được áp dụng cho những người vi phạm an ninh quốc gia nhưng chưa tới mức khởi tố hình sự. Quy định hành chính này đã bị một số đại biểu quốc hội, trong đó có cựu Bộ trưởng Bộ tư pháp Uông Chu Lưu đề nghị bãi bỏ vì theo các đại biểu quy định này khó xác định ranh giới khởi tố và không khởi tố. Mặc khác, việc hạn chế tự do không qua họat động của Tòa Án làm người bị quản chế không những không chuyển biến mà còn xem thường Nhà Nuớc. Cũng theo các Đại biểu thì các đối tượng bị quản chế thường là những người có học thức nên rất khó cho chính quyền địa phương quản lý và cảm hóa.

.

Để rõ hơn nội dung và phạm vi áp dụng của hình phạt quản chế, thiết nghĩ cũng cần nhắc lại lịch sử áp dụng hình phạt này của Nhà Nước CHXH Việt Nam. Quản chế được áp dụng từ sắc luật số 175-SL ngày 18-08-1953.

Theo điều 1 của Sắc lệnh 175 thì: ‘quản chế là dùng quyền lực của chính quyền và của nhân dân để xử lý những phần tử phản cách mạng, chưa đáng phạt tù hoặc đã mãn hạn tù mà chưa thật sự hối cải’.

Cũng theo sắc lệnh này thì người bị quản chế phải chịu các chế tài sau: “phải theo pháp luật của chính phủ và quy ước của nhân dân trong xã; bắt buộc lao động để cải tạo thành người tốt; chỉ được ở lại trong xã mình ở. Muốn đi ra khỏi xã phải đuợc công an xã cho phép. Trường hợp đặt biệt thì phải có sư cho phép của công an Tỉnh. Cấm không được làm những ngành nghề mà có thể lợi dụng để phạm tội trở lại. Đúng kỳ hạn phải báo cáo với công an xã về sinh họat và sư cố gắng sửa chữa của mình. Bất cứ lúc nào chính quyền gọi phải đến ngay. Nếu biết kẻ nào có âm mưu thì phải báo ngay với chính quyền. Thời gian quản chế là từ 1đến 3 năm. Nếu kẻ quản chế không chịu sữa chữa thì có thể tăng thêm thời gian quản chế.”

.

Sau sắc lệnh này nhà nước còn ban hành rất nhiều văn bản khác để điều chỉnh việc quản chế như Nghị định 298 ngày 18-08-1953, pháp lệnh trừng trị bọn phản cách mạng ngày 30-10-1967, sắc luật số 03 ngày 15-03-1976 v.v.

Cho đến năm 1985, bộ luật hình sự đầu tiên ra đời thì quản chế trở thành hình phạt bổ sung. Theo bộ luật hình sự 1985 thì:quản chế là hình phạt buộc người bị kết án phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo tại một địa phương nhất định dưới sư kiểm soát và giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian bị quản chế, người bị kết án không được tự ý rời khỏi địa phương và bị tước một số quyền công dân và bị cấm làm một số nghề và công việc nhất định.”

.

Hiện nay hình phạt quản chế được quy định tại điều 38 bộ luật hình sự và nghị định 53/ND-CP/2001 ngày 23-08-2001. Theo quy định tại các văn bản này thì: “ người bị quản chế sau khi mãn hạn tù thì phải về trình diện ngay với chính quyền địa phương nơi mà bản án chỉ định là nơi quản chế. Phải xuất trình giấy chứng nhận đã chấp hành xong hình phạt tù. Trong quá trình làm ăn sinh sống và cải tạo người bị quản chế phải chịu sự quản lý giám sát và giáo dục của chính quyền địa phương, không được tự ý rới khỏi nơi quản chế. Nếu rời địa phương phải có sự đồng ý của chính quyền và mỗi lần đi không quá 5 ngày. Họ phải chấp hành nghiêm chỉnh chính sách và pháp luật của Nhà Nước và các quy định của địa phương, tích cực học tập để trở thành người có ích cho xã hội. Thường xuyên hàng tháng một lần vào đầu tháng phải trình báo với chính quyền địa phương. Phải có mặt theo yêu cầu của chính quyền địa phương để trả lời các vấn đề liên quan, nếu vắng mặt phải có lý do chính đáng. Ngòai ra người bị quản chế bị tước một số quyền công dân như quyền ứng cử, quyền bầu cử, quyền được làm việc trong một số cơ quan, tổ chức của Nhà Nước. Bị cấm làm việc trong lực lượng vũ trang.”

.

Theo quy định như vậy, về lý thuyết người bị quản chế phải chịu các hậu quả pháp lý sau đây:

- Bị tước một số quyền như quyền bầu cử, quyền ứng cử.

- Bị hạn chế một số quyền như quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú, quyền có việc làm.

- Phải có các nghĩa vụ như trình diện, trình báo và nghĩa vụ có mặt theo yêu cầu.

.

Vấn đề được đặt ra ở đây là sự tương thích giữa những hậu quả pháp lý và mục đích của hình phạt quản chế.

Thứ nhất, việc tước các quyền bầu cử và ứng cử trong xã hội hiện tại của Việt Nam có bị xem là “hậu quả” đối với người bị kết án không?

Đối với những người phạm tội ở chương an ninh quốc gia thì tất cả đều bị quy kết là có mục đính chống chính quyền nhân dân do đó trong nhận thức của họ không có chuyện họ ra ứng cử để đem tài đức của mình phục vụ cho chế độ hiện tại. Mặc khác, nếu họ muốn ứng cử tự do cũng không thể “ đủ tiêu chuẩn” để làm việc này, chưa kể chính quyền hiện tại luôn xem họ là “kẻ thù”. Còn việc bầu cử, với một cơ chế bầu cử độc tài như hiện nay không thể nói “bầu cử” thật sự là một quyền của công dân – một quyền chính trị xã hội của con người. Tất cả đều do Đảng sắp đặt, người dân thậm chí chưa từng nghe đến tên của những người mà mình sẻ bỏ phiếu để đại diện cho mình. Quyền bầu cử đã trở thành nghĩa vụ đi bầu của người dân. Tất cả đều phải đi bầu cho những người mà mình chưa từng nghe, chưa từng biết, nhưng “phải đi” như một nghĩa vụ bắt buộc. Con số “ người đi bầu” được công bố sau những đợt bầu cử đều rất cao, thậm chí nhiều nơi bảo đảm tỷ lệ 100%. Như vậy việc tước các quyền bầu cử và ứng cử trong thực trạng xã hội hiện nay không mang lại sự tác động bất lợi cho cho người bị kết án nói chung và những người phạm các tội an ninh quốc gia nói riêng. Nó chỉ mang tính chất phòng xa để bảo vệ sự an tòan cho chính quyền hiện tại.

Thứ hai, việc hạn chế các quyền như quyền tự do đi lại, quyền tự do cư trú, quyền tự do lựa chọn nghề nghiệp, thực chất Nhà Nước chỉ gây ra sự khó khăn nhất định cho người bị kết án, cô lập họ với đời sống xã hội thêm một thời gian nữa sau khi mãn hạn tù. Mục đích là hạn chế sự ảnh hưởng của những người này với các vấn đề an ninh chứ không nhằm mục đích “cải tạo họ thành người có ích cho xã hội”. Con người chỉ cảm thấy ăn năn hối cải khi họ nhận thấy sư sai trái trong hành động của mình. Đối với những người bị kết án về an ninh quốc gia, họ luôn tin rằng hành động của mình là đúng đắn, là chính nghĩa. Do đó, mục đích mà hình phạt quản chế đặt ra là “cải tạo thành người có ích” chỉ là hình thức và không khả thi.

Thứ ba, việc bắt buộc người bị quản chế phải trình diện, phải xin phép khi đi, phải có mặt theo yêu cầu, một mặt nó là hệ quả tất yếu của việc tước và hạn chế một số quyền của người bị kết án, mặt khác nó cho thấy rỏ tính “ trừng trị và trả đủa” của Nhà Nuớc đối với người bị kết án trong một thời gian dài.

.

Hình phạt quản chế đã bộc lộ nhiều hạn chế và bất cập, mang tính chất trừng trị và chứa đựng nhiều nội dung phi nhân đạo. Cho nên khó có thể nói rằng hệ thống hình phạt Việt Nam là hòan thiện và có bản chất nhân đạo như Nhà Nước đã tuyên truyền và giáo dục dân chúng.

Lê Trần Luật

.

.

.

No comments:

Post a Comment