Sunday, April 4, 2010

THẾ ĐỨNG CHÍNH TRỊ CHO CỘNG ĐỒNG VIỆT Ở HOA KỲ

Thế Đứng Chính Trị Cho Cộng Đồng Việt

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Friday, April 02 @ 09:24:08 EDT

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1845

Ở đời muốn tạo ảnh hưởng thì phải có hoặc lực, hoặc thế, hoặc tốt nhất là có cả hai. Cộng đồng chúng ta muốn ảnh hưởng chính sách quốc gia hay địa phương, về những vấn đề của chính cộng đồng hay đối với Việt Nam, thì một mặt cần tạo sức mạnh về kinh tế và tổ chức, một mặt cần tạo thế chính trị.

Có nhiều cách tạo thế chính trị. Dưới đây là bốn cách mà cộng đồng Việt có thể thực hiện được ngay.

Thứ nhất là huy động mọi thành viên của cộng đồng tận dụng lá phiếu của mình vào mỗi kỳ bầu cử. Cộng đồng nào đông dân thì chắc chắn tạo được sự chú ý của các ứng cử viên và kể cả các chính khách thuộc các chính đảng. Tuy nhiên, số đông không bằng khả năng huy động được số phiếu. Do đó, nếu chúng ta có danh sách cử tri với tên tuổi rõ ràng và bảo đảm được rằng ngày bầu cử họ sẽ đi bầu và sẽ bỏ phiếu cho một ứng cử viên nhất định thì vẫn có thế chính trị dù có thể không đông bằng một cộng đồng bạn nào đó về dân số.

Thứ hai là huy động tài chánh để ảnh hưởng kết quả của cuộc bầu cử. Ứng cử viên nào cũng cần tài chánh để đưa tiếng nói của mình rộng rãi đến cử tri bằng các phương tiện truyền thông đa dạng và đa diện, để mướn những chuyên viên vận động tranh cử, để tổ chức các toán tình nguyện đi gõ cửa từng nhà hay gọi điện thoại đến từng hộ… Do đó khả năng đóng góp tài chánh cho ứng cử viên cũng là một yếu tố tạo thế chính trị.

Thứ ba là giúp vận động tranh cử. Cộng đồng nào có thể tung ra một đội ngũ tình nguyện viên hùng hậu để cầm bảng, đi gõ cửa, gọi điện thoại; hoặc viết bài yểm trợ, sắp xếp các buổi phỏng vấn, huy động các cơ quan truyền thông chạy tin… cho ứng cử viên thì cộng đồng đó sẽ được chú ý, nể vì và lôi kéo.

Thứ tư, và quan trọng nhất, là đưa chính người của chúng ta vào trong guồng máy chính quyền, nghĩa là ủng hộ để người Việt ra tranh cử, tiếp trợ về tài chánh và vận động cho họ đắc cử. Đạt được điều này thì có nghĩa là chúng ta có cơ hội để tạo thế bổ trợ “trong ngoài”. Ở bên trong lúc nào cũng có sẵn tiếng nói của chúng ta và tiếng nói ấy được sự hậu thuẫn của cả một tập thể có tổ chức và có sức mạnh kinh tế.

Trong thời gian hơn một năm qua tôi đã tiếp xúc nhiều nhóm ở nhiều nơi, từ Houston đến Dallas, từ Seattle đến Orange County… về các vấn đề trên. Nhiều người hưởng ứng ý kiến này, không chỉ trong giới trẻ mà ở mọi lứa tuổi. Một số người trẻ đã hứng thú với ý định một ngày nào sẽ ra tranh cử. Đây là một dấu hiệu chuyển mình rất lớn của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ so với vài ba năm trước đây.

Cuối tháng 3 vừa qua, một nhóm đồng tâm đồng chí đã thành lập một Uỷ Ban Hành Động Chính Trị mà ngưỡi Mỹ thường gọi là PAC (Political Action Committee) dưới tên Renewing Democracy Fund (Quỹ Làm Mới Dân Chủ). Tổ chức bất vụ lợi này ghi danh thành lập ở Tiểu Bang Virginia và có tầm hoạt động toàn quốc. Trong thời gian tới đây, Quỹ này sẽ ghi danh hoạt động ở một số tiểu bang chiến lược để yểm trợ cho một số ứng cử viên người Việt hay không phải người Việt nhưng ủng hộ lập trường của người Việt. Quỹ này sẽ thực hiện cả bốn cách thức tạo thế kể trên và sẽ đưa ra bản lập trường phản ánh nguyện vọng của cộng đồng cho những ứng cử viên nào muốn nhận sự yểm trợ của Quỹ Làm Mới Dân Chủ.

Quỹ sẽ thiết lập chương trình nghiên cứu sinh (fellowship) để phối hợp hoạt động. Fellowship là chương trình dành cho những sinh viên ở năm cuối đại học, sinh viên mới ra trường hay những người đã có một số năm kinh nghiệm muốn vừa làm vừa thu thập thêm kinh nghiệm. Nghiên cứu sinh thường không có lương mà chỉ được một khoản phụ cấp nhỏ. Đây là cách thức ít tốn kém để Quỹ Làm Mới Dân Chủ có thể khởi đầu hoạt động ngay.

Qua Quỹ này, mọi người Việt quan tâm đến cộng đồng và đất nước đều có thể đóng góp về tài chánh, qua lá phiếu, hay bằng công sức tình nguyện.

.

.

.

No comments:

Post a Comment