Sunday, April 4, 2010

TỰ DO TÔN GIÁO và CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI của HOA KỲ

Tự Do Tôn Giáo và Chính Sách Đối Ngoại của Hoa Kỳ

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Sunday, April 04 @ 01:31:37 EDT

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1847

Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua cuối năm 1998, mở ra một trang mới trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Cộng đồng Việt đã phần nào biết khai thác điểm tựa pháp lý này cho cuộc vận động thay đổi Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta lẽ ra có thể đạt được nhiều kết quả hơn nếu như làm đúng cách.

Muốn thế, chúng ta cần hiểu bối cảnh ra đời của đạo luật này.

Khi còn tranh cử, ứng cử viên Bill Clinton chỉ trích Tổng Thống Bush (cha) là đã quá mềm yếu trước những vi phạm nhân quyền của Trung Cộng. Tuy nhiên, khi vừa bước chân vào Toà Bạch Ốc năm 1993, tân TT Clinton tuyên bố tách lìa nhân quyền ra khói chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Mất điểm tựa, phong trào tranh đấu cho nhân quyền bị khựng lại. Năm 1995, Dân Biểu Frank Wolf (Cộng Hoà, VA) khởi xướng nỗ lực cài nhân quyền vào trở lại với chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

DB Wolf đã tập trung vào lãnh vực tự do tôn giáo. Đây là một bước chiến lược tài tình và đã huy động được sự ủng hộ của lực lượng tôn giáo và cả các công đoàn đứng chung hàng ngũ với các tổ chức nhân quyền để đối chọi lại với cuộc phản công của các đại công ty và Hành Pháp Clinton. Sau 3 năm trời cù cưa và nhiều sửa đổi nhượng bộ, đạo luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế được thông qua.

Có người chỉ trích rằng tại sao chỉ giới hạn vào tự do tôn giáo mà không nới rộng ra mọi lãnh vực nhân quyền. Tôi có cơ hội hợp tác chặt chẽ với văn phòng của DB Wolf để vận động cho đạo luật này từ đầu nên biết rõ sự khó khăn trắc trở của nó, vì theo nguyên tắc phân quyền ở Hoa Kỳ thì đối ngoại thuộc thẩm quyền của Hành Pháp. Do đó, một đạo luật có biện pháp chế tài rất khó được thông qua. DB Wolf và những nhà tranh đấu nhân quyền lão thành cùng nhận định rằng, muốn thành công thì nhất thiết phải tập trung vào một mũi nhọn, và đó là tự do tôn giáo.

Họ cũng nhận định rằng tự do tôn giáo sẽ là đòn bẩy cho các quyền tự do khác. Các tổ chức tôn giáo chính là những cơ cấu xã hội dân sự đối trọng với chính quyền. Và khi các tổ chức này được tự do lập hội đoàn từ thiện, phát hành báo chí về đức tin, thực hiện các chương trình phát thanh và truyền hình để thông tin đến tín đồ, sỡ hữu tài sản để sinh hoạt tôn giáo, v.v. thì sẽ khơi mào cho nhân quyền trong các lãnh vực khác.

Điều khoản nặng ký nhất của đạo luật là thành lập Phòng Đặc Trách Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế ở Bộ Ngoại Giao để hàng năm theo dõi và báo cáo tình trạng tự do tôn giáo ở từng quốc gia một và phải đưa vào danh sách “quốc gia quan tâm đặc biệt” (CPC) quốc gia nào vi phạm tự do tôn giáo một cách trầm trọng. Quốc gia nào nằm trong danh sách CPC thì sẽ bị chế tài trừ khi được Tổng Thống bãi miễn-Tổng Thống có quyền miễn chế tài nếu như làm vậy sẽ thúc đẩy sự tôn trọng tự do tôn giáo ở quốc gia ấy. Để bảo đảm tính trung thực, Đạo Luật còn thành lập Uỷ Hội Hoa Kỳ Vê Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế với nhiệm vụ điều tra và báo cáo trực tiếp cho Quốc Hội và Tổng Thống độc lập với Bộ Ngoại Giao.

Hiểu được bối cảnh trên thì chúng ta sẽ hiểu được những bước đi lắt léo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ trong thời gian qua. Từ 2001 đến 2004, Việt Nam đã đàn áp nặng nề phong trào Tin Lành Tư Gia ở Cao Nguyên Trung Phần và Thượng Du Bắc Phần-đóng dẹp trên bốn ngàn nhóm điểm tư gia. Trước sự đàn áp khốc liệt ấy, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không thể nào làm ngơ và đã đưa Việt Nam vào danh sách CPC. Việt Nam ban hành Pháp Lệnh Tín Ngưỡng và Tôn Giáo và qua đó cho phép một số hội thánh và nhóm tư gia sinh hoạt. Bộ Ngoại Giao rút Việt Nam ra khỏi danh sách CPC mặc dù tình trạng đàn áp tôn giáo vẫn còn tiếp diễn. Trên 400 tín đồ Tin Lành thuộc các dân tộc Tây Nguyên tiếp tục ở tù.

Năm 2006 Ls. Nguyễn Văn Đài phanh phui sự lật lọng của chính quyền Việt Nam trong vấn đề thi hành Pháp Lệnh Tín Ngưỡng và Tôn Giáo với những dẫn chứng cụ thể. Tôi chuyển thông tin này đến Uỷ Hội Hoa Kỳ Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế. Đầu năm 2007 chính quyền Việt Nam bắt Ls. Đài với tội danh chính trị. Cùng lúc, chính quyền đàn áp thô bạo các Phật tử Khmer Krom ở Miền Nam và leo thang đàn áp đồng bào dân tộc Tây Nguyên (Montagnard) ở Miền Trung. Chính quyền tiếp tục quản chế các lãnh đạo của Giáo Hội Phất Giáo Thống Nhất. Và rồi các vụ Thái Hà, Bầu Sen, Tam Toà, Đồng Chiêm, Bát Nhã… xẩy ra.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lên án các vụ đàn áp này nhưng tuyên bố tất cả đều là những vụ đàn áp vì lý do tranh chấp đất đai hay chính trị, hoặc do những xung đột giữa các thành phần dân chúng địa phương, chứ không phải là đàn áp tôn giáo. Ngay cả đối với những vị lãnh đạo tôn giáo như LM Nguyễn Văn Lý và HT Thích Quảng Độ, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lập luận rằng họ bị đàn áp vì những hành động và tuyên bố mang tính cách chính trị. Khi lách vấn đề sang lãnh vực khác thì Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế không còn áp dụng, nghĩa là tránh không phải đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Trước chủ ý này của Bộ Ngoại Giao, muốn dùng Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế làm điểm tựa thì:

(1) Người ở trong nước phải khẳng định tính chất tôn giáo trong các hoạt động và trong mọi sự lên tiếng của mình để làm sao chính quyền Việt Nam và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ không thể nào “lách” vấn đề sang lãnh vực khác;

(2) Người ở hải ngoại cần trưng dẫn các chứng cớ không thể chối cãi về các vụ vi phạm tự do tôn giáo. Chẳng hạn chúng tôi đã thu thập và chuyển cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ danh sách của trên 650 hội nhóm Tin Lành tư gia mà từ 5 năm qua vẫn không được chấp nhận cho “đăng ký sinh hoạt” mặc dù họ đã làm đúng thủ tục ấn định bởi luật pháp.

Cho đến nay cả hai điều này chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta chưa tận dụng Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế làm điểm tựa cho cuộc vận động nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam.

.

.

.

No comments:

Post a Comment