Sunday, April 4, 2010

TRUNG QUỐC : TÀU TUẦN TRA HỘ TỐNG TÀU ĐÁNH CÁ Ơ TRƯỜNG SA

Tàu tuần tra hộ tống tàu đánh cá ở quần đảo tranh chấp Trường Sa
Chủ nhật, 04 Tháng 4 2010 12:19

http://www.seasfoundation.org/news-about-south-east-asia-sea/actions-from-china/284-tau-tun-tra-h-tng-tau-anh-ca--qun-o-tranh-chp-trng-sa

Will Clem tại Thượng Hải

03-04-2010

Hai tàu tuần tra đại lục (*) đã bắt đầu lên đường bảo vệ các tàu đánh cá ở Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) giữa lúc căng thẳng gia tăng trong việc tranh chấp chủ quyền trong khu vực, phương tiện truyền thông đại lục thông báo hôm qua. Các con tàu này sẽ đi cùng với đội tàu trong một tháng.

Đây là lần đầu tiên hai tàu tuần tra sẽ làm việc bên cạnh các tàu đánh cá quanh Quần đảo Trường Sa đang tranh chấp, cho thấy một dấu hiệu về lập trường chính sách quyết đoán ngày càng gia tăng của đại lục.

Các tàu Quản lý Nghề cá Yuzheng 311 và Yuzheng 202 đã rời khỏi Sanya, Hải Nam hôm thứ năm, Dịch vụ Tin tức Trung Quốc thông báo.

Các hãng tin bán chính thức dẫn lời một quan chức ngành thủy sản nói rằng tàu sẽ cùng làm việc với các đội tàu đánh cá, giúp bảo vệ và hỗ trợ cứu nạn.

Việc tuần tra khởi hành theo sau sự phản đối của Việt Nam trong tuần này, sau khi một tàu tuần tra đại lục bắt giữ một tàu đánh cá Việt Nam và 12 người trên con tàu này hôm 22 tháng 3.

Một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày thứ hai kêu gọi “trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện” con tàu này và toàn bộ số người đã bị bắt giữ tại quần đảo Hoàng Sa, một quần đảo đang tranh chấp khác nằm giữa quần đảo Trường Sa và Hải Nam.

Tàu [tuần tra] khởi hành cũng trùng ngày kết thúc chuyến viếng thăm Trung Quốc bốn ngày của Phó Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Phạm Bình Minh.

Quần đảo Trường Sa - Trung Quốc gọi là Nam Sa - là một trong những điểm nóng nhất trong khu vực.

Bắc Kinh, Đài Bắc và Hà Nội đều đòi chủ quyền trên chuỗi đảo, trong khi một số đảo khác Brunei, Philippines và Malaysia cũng tuyên bố chủ quyền.

Các ngư trường phong phú được cho là có nhiều trữ lượng dầu mỏ. Những hòn đảo cũng có vị trí chiến lược rất quan trọng do sự gần gũi với các tuyến đường vận chuyển hàng hải chính.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa dựa trên bằng chứng khảo cổ mà ngư dân Trung Quốc đã đánh cá bằng lưới trên vùng biển từ năm 112 TCN.

Các viên chức ngành thuỷ sản nói rằng từ năm 1994 đã có hơn 300 vụ tấn công vào các tàu đánh cá của đại lục, dẫn đến cái chết của 25 ngư dân.


Tàu Yuzheng 311, một tàu tuần tra hải quân đã được chuyển đổi, là con tàu lớn nhất và hiện đại nhất của chính phủ. Nó được đưa ra biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) lần đầu tiên hồi tháng 3 năm ngoái.

Việt Nam đã tăng cường phòng thủ hàng hải để phản ứng lại.


Hà Nội đã ký một thỏa thuận vũ khí với Nga vào tháng 12 để mua sáu chiếc tàu ngầm loại Kilo - được mọi người hiểu như là một thái độ đối phó với sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Nam Trung Hoa (Biển Đông).

------------

(*) Tờ báo này ở Hongkong nên gọi Trung Quốc là “đại lục”.

Người dịch: Ngọc Thu

Dịch từ: South China Morning Post

http://www.scmp.com/portal/site/SCMP/menuitem.2c913216495213d5df646910cba0a0a0/?vgnextoid=5a3aa17db6fb7210VgnVCM100000360a0a0aRCRD&vgnextfmt=teaser&ss=China&s=News

.

.

.

No comments:

Post a Comment