Tránh né và nói láo đang trở thành tiêu chuẩn đạo đức của nhà văn nước ta
Ngô Huy Liễn
27.04.2010
Mấy ngày nay, có một thư mời được quảng bá trên mạng và qua email, nói về một cuộc tọa đàm mệnh danh là “Tiểu thuyết và Tiểu luận” sẽ diễn ra tại Thư viện L’Espace-CCF vào ngày 5/5/2010, nhân dịp tác phẩm Vô tri của Milan Kundera được xuất bản bằng tiếng Việt. Cuộc tọa đàm do Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam phối hợp tổ chức, với sự tham gia của các nhà văn và dịch giả Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên, Cao Việt Dũng.
Một cuộc tọa đàm như vậy thì thật là hấp dẫn đối với người mê văn chương và đặc biệt đối với những ai yêu thích Milan Kundera. Tôi rất yêu thích Kundera. Nhưng, thú thật, khi đọc lời giới thiệu tiểu sử của Kundera trên tờ giấy mời, tôi cảm thấy chán nản, không muốn đến đó nữa. Tiểu sử Milan Kundera được nhà xuất bản Nhã Nam viết như sau:
Sinh năm 1929 tại Brno, Tiệp Khắc, Milan Kundera sang Pháp định cư năm 1975 và trở thành một gương mặt quan trọng trong đời sống văn học Pháp và quốc tế. Ông bắt đầu nổi tiếng vào những năm 60 khi cho xuất bản hai tập thơ do mình sáng tác. Tuy nhiên, chỉ với những tác phẩm bằng văn xuôi đầu tiên, Kundera mới bộc lộ rõ vẻ độc đáo của mình. Thái độ giễu cợt mỉa mai, sự phức tạp trong cấu trúc hình thức ngôn ngữ của tác phẩm, dấu ấn của âm nhạc, lối phân tích lạnh lùng và quá tỉnh táo, tính “triết” là những điều làm nên phong cách không thể lẫn được của Kundera. Là chuyên gia phân tích công việc của chính mình, ông đã xuất bản nhiều tác phẩm lý thuyết khiến ông được xếp vào hàng các nhà tư tưởng văn học lớn nhất thời đại.
Dễ ghét nhất là câu này: “Sinh năm 1929 tại
Giới thiệu tiểu sử Kundera như thế thì hiển nhiên là cố ý tránh né rất nhiều sự thật. Kundera nào mà có được cuộc sống hanh thông như thế! Kundera nào mà được Nhà nước Tiệp Khắc ưu đãi cho phép khơi khơi “sang Pháp định cư” khoẻ ru như thế!
Ai đã từng đọc tiểu sử của Kundera ở những nơi khác thì đều biết ông đã chịu đựng những gì trước khi rời khỏi Tiệp Khắc. Cuốn tiểu thuyết Trò đùa của Kundera mô tả cuộc sống dưới chế độ Stalin được xuất bản ở Prague năm 1967, và là một trong những thành tố gây men cho phong trào đòi tự do, nhưng ngay năm sau đó thì biến cố “Mùa Xuân Prague” xảy ra, với bộ đội Liên Xô mang từng đoàn xe tăng vào xâm lăng Tiệp Khắc và nghiền nát phong trào tự do vừa manh nha dấy lên. Cuốn tiểu thuyết Trò đùa và các tập thơ của Kundera bị thu hồi, cấm lưu hành, vất ra khỏi mọi thư viện ở Tiệp Khắc. Ông phải lén gửi bản thảo ra nước ngoài để xuất bản. Rồi ông bị đuổi dạy, không còn sinh kế. Ông xin xuất ngoại sang Pháp để dạy học, nhưng Nhà nước cấm ông đi đến bất kì nước phương Tây nào. Cuối cùng sau nhiều lần nạp đơn và bị thẩm vấn, ông mới được cho đi Pháp năm 1975 để dạy ở đại học Rennes; nhưng đến năm 1979 thì Nhà nước Tiệp khác hủy bỏ quốc tịch của Kundera. Đến năm 1981, Kundera được nhập quốc tịch Pháp...
Một cuộc tọa đàm về “Tiểu thuyết và Tiểu luận” của Kundera, nhưng ngay ở lời giới thiệu tiểu sử đã lộ liễu tránh né những sự thật như vậy, thì liệu các diễn giả sẽ nói những gì và tránh né những gì trong lúc tọa đàm?
Trước đây, Alexander Solzhenitsyn bị báo chí ta giới thiệu là “người thư ký trung thành của nước Nga thời Xô-viết”! Rồi Murakami Haruki dịch cuốn The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại) của Scott Fitzgerald thì bị báo chí ta loan tin là ông dịch cuốn Ruồi trâu! Bây giờ thì Milan Kundera bị giới thiệu khơi khơi như thế đấy!
Tôi có cảm tưởng cái sinh hoạt văn chương ở thủ đô Hà Nội ta càng ngày càng thối tha vì những trò tránh né, xiên xẹo càng ngày càng trở thành những hành vi bình thường, không còn khiến các nhà văn ta cảm thấy xấu hổ chút nào nữa.
.
.
.
No comments:
Post a Comment