Thursday, April 1, 2010

NGƯỜI TỊ NẠN TẠI ĐÔNG NAM Á CÓ THỂ HY VỌNG ?

Người tỵ nạn ở Đông Nam Á có thể hy vọng?

Lê Nguyên Hồng

Tháng Tư 1, 2010

http://baotoquoc.com/2010/04/01/ng%c6%b0%e1%bb%9di-t%e1%bb%b5-n%e1%ba%a1n-%e1%bb%9f-dong-nam-a-co-th%e1%bb%83-hy-v%e1%bb%8dng/

Tình hình bất ổn về chính trị, xung đột vũ trang và sự thiếu tôn trọng nhân quyền tại một số quốc gia độc tài trên thế giới đã làm cho làn sóng người tị nạn gia tăng. Đối với các nước ASEAN, tình hình người xin tị nạn chính trị và tị nạn tôn giáo hiện nay không còn ồ ạt như thời kỳ những năm 75- 90 của thế kỷ trước (thời kỳ này chủ yếu là hiện diện của thuyền nhân người Việt). Nhưng dù cho số lượng người tị nạn có xu hướng giảm bớt ở nơi này, thì nó lại gia tăng ở nơi khác.

Thực trạng nghiệt ngã hiện nay của những người tị nạn tại Đông Nam Á vẫn đang là vấn đề nhân đạo thời sự của cuộc sống mà nhiều người quan tâm.

Một người được cho là người tị nạn (không vì lý do kinh tế) khi hội tụ đủ những yếu tố sau: “Người buộc phải rời bỏ nơi thường trú hoặc tổ quốc của mình để đến một nơi khác, nước khác, nhằm tránh đàn áp, tránh bị bức hại vì lí do kỳ thị chủng tộc, tôn giáo, chính kiến hoặc vì chiến tranh”. Gần đây người ta thêm một nhóm thành phần có tiêu chuẩn tị nạn nữa đó là “tị nạn thiên tai hay những thảm họa môi trường do con người gây ra”.

Công Ước Quốc Tế Về Người Tị Nạn năm 1951 ra đời nhằm bảo vệ, giúp đỡ, tiếp nhận người tị nạn, và Nghị định thư năm 1967 bổ sung công ước 1951, và công ước Châu Phi năm 1969 đã hoàn chỉnh về lý thuyết, định nghĩa và quyền lợi của người tị nạn. Cơ cấu tổ chức của Liên Hợp Quốc có cơ quan Cao Ủy chuyên trách về người tị nạn (UHCR). Trong hàng chục năm qua, vấn đề hàng triệu người tị nạn chạy tự nước này đến nước khác, đã gây nên nhiều khó khăn về kinh tế cũng như mất trật tự trị an cho nước mà người tị nạn đổ đến. Và nó cũng trở thành gánh nặng chi phí cho ngân sách tài chính của Liên Hợp Quốc.

Trong 10 nước ASEAN thì phần lớn các quốc gia đã tham gia ký kết hiệp ước về người tị nạn năm 1951, như Việt Nam, Campuchia, Indonesia vv…Nhưng vẫn còn có những nước như Thái Lan chưa chính thức tham gia ký kết hiệp ước này (tuy họ cũng tuyên bố tôn trọng Công Ước Về Người Tị Nạn). Nhưng một sự thật khá nghịch lý là, chính Vương Quốc Thái Lan, nhiều năm qua lại là nơi cưu mang và giúp đỡ cho hàng triệu lượt người tị nạn đến từ khắp các quốc gia trên thế giới.

Ngày 23/10/2009 một tổ chức có tên gọi Ủy Ban Liên Chính Phủ ASEAN Về Nhân Quyền (AICHR), lấy trụ sở tạm thời tại Jakarta – Indonesia làm trung tâm. Các nước thành viên đã lập một ngân quỹ ban đầu 200.000 USD hỗ trợ AICHR, sau đó sẽ tiếp tục quyên góp tiền ủng hộ từ nhiều nguồn khác. Các nước thành viên cam kết 5 năm một lần sẽ xem xét lại khuôn khổ và quyền hạn của tổ chức này, nhằm mở rộng quyền lực để AICHR trở thành một tổ chức quan trọng trong việc bảo vệ quyền con người của khối ASEAN…

Ngày 29/03/2010 có 40 tổ chức hoạt động nhân quyền quốc tế đã đồng thời đệ trình lên AICHR tại Jakarta những văn bản nội dung kêu gọi và yêu cầu AICHR phải hành động gấp, nhằm bảo vệ những quyền lợi chính đáng cho người tị nạn đang hiện diện trong một số nước ASEAN. Vấn đề nêu trên vì vậy chắc chắn sẽ chính thức được đặt lên bàn nghị sự của hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN dự kiến khai mạc vào ngày 08 – 09/04/2010 tại Hà Nội.

Theo thông tin từ các tổ chức theo dõi về nhân quyền như AICHR (nhân quyền ASEAN), UNIFEM (quỹ phát triển Liên Hợp Quốc cho quyền của phụ nữ), IOM (tổ chức Di Dân Quốc Tế), hiện nay riêng tại Thái Lan – Nước thuộc ASEAN có lượng người tị nạn lớn nhất Đông Nam Á – Có khoảng 368,800 người nhập cư vì lý do tị nạn đang cư trú nửa hợp pháp và bất hợp pháp. Trong số này có khoảng 1200 người bị tạm giữ tại trung tâm International Detention Center (IDC). Địa chỉ nơi này là 507 soi Suan Phlu đường Nam Sathon – Bangkok- Thailand. Có lẽ sẽ có phần lớn số người nói trên không có đủ điều kiện để được UNHCR công nhận là người tị nạn.

Vấn đề nhân đạo trước mắt đặt ra đó là, chính phủ của các nước ASEAN sẽ phải có những khoản kinh phí lớn, nhằm giúp đỡ những người tị nạn trong việc hỗ trợ nơi ăn ở tạm thời, khám chữa bệnh, cung cấp thuốc men, lương thực thực phẩm cho họ. Và đối với những người đã được UNHCR quan tâm (được cấp giấy Asylum Seeker) họ cần phải được coi là cư trú hợp pháp có thời hạn trong quốc gia mà mình tìm đến lánh nạn. Tất nhiên là đối với những người chính thức được công nhận là người tị nạn (được cấp giấy Refugee) thì trong khi họ chờ đợi đến Nước Thứ Ba định cư, họ phải được coi như một người sống hợp pháp hoàn toàn, với những quyền căn bản như đi học, làm việc và sử dụng các dịch vụ xã hội khác.

Vấn đề khó khăn hiện nay là: Việt Nam đang nắm quyền chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2010. Mà Việt Nam, cũng giống như Myanma đều là những nước độc tài và vi phạm nhân quyền trầm trọng. Nếu họ ủng hộ yêu cầu của AICHR thì đương nhiên họ lại đi trợ giúp những kẻ chống đối họ, “những kẻ thù chính trị và tôn giáo” của họ đang trong thân phận của người tị nạn…

Để mở đường cho việc ngăn chặn từ xa “những thành phần vi phạm pháp luật Việt Nam”. Vừa qua ngày 01/03/2010 đại tướng, bộ trưởng công an Việt Nam Lê Hồng Anh đã sang thăm Thái Lan, sau đó là Malaixia, và đã ký kết hàng loạt văn bản với chính phủ các nước này, nói là để ngăn chặn, trấn áp bắt giữ, và dẫn độ tội phạm. Dường như đây có thể là những bước đi ban đầu nhằm dọn đường cho việc băt giữ các cá nhân và tổ chức hoạt động chính trị hoặc tôn giáo người Việt đã chạy sang Thái Lan và Malaixia lánh nạn. Vì theo như cách nói của chế độ CSVN thì ở nước họ không có tội phạm chính trị (?) mà chỉ có tội phạm hình sự mà thôi…

Theo một số nguồn tin không chính thức, một số người cho rằng trong kế hoạch làm việc của mình tại Hà Nội lần này AICHR đưa ra phương án là, các nước ASEAN sẽ có thể được phép tiếp nhận định cư người tị nạn ngay tại chỗ cho những người không được Nước Thứ Ba tiếp nhận. Nếu như vậy thì một làn sóng tị nạn ồ ạt từ các nước độc tài như Myanma, Việt Nam và cả Campuchia nữa, sẽ đổ vào các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore vv…và gây nên một cảnh hỗn loạn không thể nào kiểm soát nổi…

Hôi nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2009 vừa qua tại Thái Lan, các nước trong Khối cũng hô hào rằng “vấn đề người tị nạn là một thảm họa tồi tệ” và “cần hành động kịp thời để cứu giúp người tị nạn”. Nhưng ngoài những nỗ lực của UNHCR thì các nước ASEAN dường như vẫn đang dẫm chân tại chỗ với chỉ những lời kêu gọi mà thôi.

Vì vậy tại Hà Nội, trong phiên họp của ASEAN lần này, người ta cũng chẳng thể kỳ vọng nhiều vào những đổi thay có tính chất quyết định đối với người tị nạn tại Đông Nam Á. Có chăng sẽ là một vài những sự gia tăng hỗ trợ nhân đạo thuần túy đơn giản mà thôi.

Vấn đề cốt lõi để giải quyết vấn nạn phát sinh ra người tị nạn có xuất xứ từ Khối ASEAN đó là: Các nước độc tài Cộng Sản như Việt Nam, Lào, độc tài thuần túy như Myanma, độc tài trá hình như Campuchia cần phải cải thiện và tôn trọng Nhân Quyền, dỡ bỏ thể chế chính trị lạc hậu cực đoan tại quốc gia của mình. Họ cần phải chấm dứt đàn áp tôn giáo, tôn trọng các tiếng nói khác biệt về tư tưởng chính trị, mở rộng dân chủ, đưa đất nước của mình thành những quốc gia giàu mạnh văn minh. Chỉ có như vậy thì mới mong giải quyết được tận gốc bài toán mang tên “người tị nạn”.

Lê Nguyên Hồng

.

.

.

No comments:

Post a Comment