"Người rừng" Việt sống vất vưởng chờ sang Anh
Thứ năm 01 Tháng Tư 2010
http://www.viet.rfi.fr/viet-nam/20100401-nguoi-rung-viet-song-vat-vuong-cho-sang-anh
Từ hai năm qua, nhiều người Việt nhập cư lậu đã đến thành phố Téteghem ở miền bắc nước Pháp, chờ cơ hội đi sang Anh. Họ sống vất vưởng trong khu rừng bên cạnh xa lộ dẫn đến đường hầm qua eo biển Manche, đêm đêm chong mắt chờ những người trung gian dẫn đường. Nhưng bắt đầu từ hôm nay, họ có nguy cơ bị trục xuất...
« Những người Việt sống âm thầm bên con đường dẫn đến nước Anh ». Đó là tựa đề bài phóng sự trên nhật báo công giáo La Croix hôm nay.
Từ hai năm qua, nhiều người Việt nhập cư lậu đã đến thành phố Téteghem ở miền bắc nước Pháp, như một chốn dừng chân để tìm cách sang Anh. Xa lộ A16 chạy băng qua thành phố chỉ có 7.500 dân này dẫn tới vùng Calais, đến đường hầm xuyên qua eo biển Manche – trở ngại cuối cùng trước khi đến được miền đất hứa. Tác giả bài báo đã tìm đến tận những ngôi lều dựng tạm của họ, bên cạnh một hồ nước trong khu rừng Téteghem. Từ đó có thể nhìn thấy trạm nghỉ của xa lộ. Ban đêm, họ đến đó chờ đợi các trung gian dẫn đường. Ban ngày, họ nghỉ ngơi, sinh hoạt tại khu lều trại tạm bợ. Quần áo được phơi trên các nhành cây, một chiếc kính chiếu hậu mắc trên thân cây dùng làm gương soi mặt. Còn trong lều, những tấm mền để vương vãi trên các thanh pa-lét gỗ để tránh lấm bùn.
Những « người rừng » Việt Nam bắt đầu tìm đến Téteghem từ năm 2008, sau những người Afghanistan và Irak. Người dân địa phương biết đến sự hiện diện của người nhập cư gốc Việt, khi họ gõ cửa xin nước uống. Thị trưởng thành phố, ông Franck Dhersin cho biết, ông đã đề nghị với một gia đình đến tạm trú trong một ngôi nhà ở đây, vì thời tiết lạnh giá. Nhưng họ từ chối vì cần phải canh để gặp những người đưa đường vượt biên sang Anh, sợ bị lỡ dịp.
Làm cách nào họ đến được nước Pháp, thì vẫn là một chủ đề cấm kỵ. Những «người rừng » Việt thường giữ im lặng một cách lịch sự trước câu hỏi này, vả lại họ chẳng biết nói tiếng Anh cũng như tiếng Pháp. Tao, một thanh niên đang ngồi sưởi ấm bên bếp than hồng, cho biết anh 17 tuổi bằng cách dùng ngón tay vẽ lên băng ghế. Anh chàng có vẻ già hơn, nhưng không thể nào biết được anh có nói dối hay không. Là vị thành niên, thì sẽ được nhiều ưu đãi hơn, trong trường hợp bị cảnh sát bắt. Người ngồi bên cạnh, khi được hỏi đến đây bằng phương tiện nào, đã trả lời gọn lỏn : « Boeing », nhưng vài giây sau đó lại nói là đến bằng xe tải, qua ngả Ba Lan ; rồi bỗng chốc nhớ ra là đã nói hớ, anh ta lại im lặng.
Hết sức tình cờ, vị linh mục ở Téteghem, cha Dominique Pham lại là người gốc Việt. Những người đồng hương dễ dàng tâm sự với ông hơn. Ông cho biết, có rất nhiều đường dây đưa người sang đây. Một số đi qua ngả Trung Quốc và Nga, số khác sang trực tiếp bằng visa du lịch. Đường dây quan trọng nhất nằm tại Đông Âu, đặc biệt là ở Hungary và Cộng hòa Sec. Nhiều người Việt Nam đã sang lao động tại đó, nhưng rồi bị mất việc do khủng hoảng. Những « người rừng » Việt sáng mắt lên khi nghe nhắc đến nước Anh – vùng đất hứa mơ ước của họ. « London good », họ giơ cao ngón tay để tán thưởng.
Theo cha Dominique Pham,đa số là người miền Trung, dải đất còn nghèo nàn của Việt Nam. Họ ra đi để trốn cái cảnh nghèo khó,hơn là trốn chế độ cộng sản. Để vượt biên,nhiều người phải mang công mắc nợ, cầm cố nhà cửa, và không mặt mũi nào trở về nước nếu không thành công.
Những người tình nguyện ở giáo xứ địa phương, của hiệp hội trợ giúp người nhập cư Salam và Y sĩ thế giới đã cố gắng giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày của họ. Từ các bữa ăn, quần áo, rồi cả nơi tắm rửa, nhưng người Việt thường từ chối những sự giúp đỡ. Họ thích tự nấu ăn hơn. Khi phân phối thực phẩm, chỉ có mỗi một người Việt đến lãnh, rồi đứng ăn riêng một góc; trong khi trước mặt anh là các thiếu niên Afghanistan ồn ào, tay ôm đầy thức ăn đủ loại. Bà Francine, một tình nguyện viên kín đáo quan sát họ. Những người nhập cư gọi bà là mama, bà luôn luôn có mặt bên họ ngay cả trong những giây phút đau buồn nhất. Năm ngoái, Mac, một thanh niên Việt Nam 26 tuổi bị chết – vì tai nạn hay thanh toán nhau không rõ – chính chồng bà đã mang giùm tro hài cốt của anh về Việt Nam, còn cha Dominique Pham lo liệu các thủ tục. Bản thân cha Pham là thuyền nhân vượt biên vào cuối thập niên 70.
Thời hạn mà tòa thị chính đã thương lượng với cảnh sát không trục xuất người nhập cư bất hợp pháp vào mùa đông, sẽ chấm dứt vào hôm nay. Những căn lều có nguy cơ bị tháo dỡ. Còn những người nhập cư Việt, họ hy vọng rằng khi đó họ đã đi thật xa rồi.
.
.
.
No comments:
Post a Comment