Wednesday, April 28, 2010

MỘT CHUYẾN VỀ THĂM TRẠI TỊ NẠN BATAAN (PHILIPPINES)

Đài tưởng niệm thuyền nhân xây ở trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân bị phá?
Nguyên Hân

28-04-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7386

Trại tị nạn Bataan, Phi Luật Tân - Ghi vội nhân chuyến viếng thăm trại tháng Tư năm 2010

Trại chuyển tiếp người tị nạn Đông dương (Philippines Refugees Processing Center - PRPC) chiếm một khu vực đồi núi khá lớn, nằm ở Moron, Bataan, Phi Luật Tân. Đây là nơi cho người tị nạn từ các nơi – sau khi được chấp thuận cho định cư ở nước thứ ba - được đưa về đây một thời gian trước đi lên đường đi định cư vĩnh viễn.

Được thành lập năm 1980, PRPC Bataan nằm phía nam Vịnh Subic và phía bắc Nhà máy Điện Hạt nhân Bataan. Trại tiếp nhận và chuẩn bị người tị nạn Việt Nam, Cam Bốt và Lào trước khi họ đi định cư ở các nước như Gia Nã Đại, Na Uy, Úc Đại Lợi, Pháp và chủ yếu là Hoa Kỳ.

Ngân qũy hoạt động trung tâm chuyển tiếp này do Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tài trợ, trại có khả năng chứa đến mức tối đa 18.000 người. Cùng với một số đông nhân viên người Phi cũng như nhân viên từ các nước thứ ba đến làm việc trong trại, PRPC Bataan này vận hành như một thành phố nhỏ với trường học, bệnh xá, thư viện, chợ búa, trung tâm xử lý nước uống, xử lý nước thoát, sở cứu hỏa, chùa và nhà thờ… riêng cho mình.

Chức năng chính của PRPC Bataan là tạm thời giữ người tị nạn ở đây lâu đủ để hoàn tất thử nghiệm bệnh lao phổi, hoàn chỉnh hồ sơ tị nạn trước khi đi định cư, và cho những người đi các nước nói tiếng Anh, thì đây cũng là cơ hội cho họ học Anh văn như một ngôn ngữ thứ hai (English as a second language) do ICMC đảm trách với ngân qũy của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cung cấp, và lớp Hướng dẫn Văn hóa (Cultural Orientation). Có thể nói, đa số người tị nạn khi được chuyển đến trại chuyển tiếp PRPC Bataan có nghĩa là họ đã được nhận cho đi định cư ở nước thứ ba; vì lẽ đó, tinh thần họ rất phấn chấn, lạc quan, hăng hái học tập, hăng hái ... yêu đương, nhiều mối tình Việt-Phi lãng mạn ra đời trong bối cảnh này Iniwan ko ang puso ko sa Pilipinas; lẽ cố nhiên bên cạnh đó, là một “nỗi băn khoăn của Kim Dung” cho cuộc sống ngày mai sẽ ra sao ở xứ người.

Khoảng cuối thập niên 1980, khi làn sóng người tị nạn giảm dần thì ngân qũy cung cấp cho trại cũng ít đi. Khoảng năm 1992, người tị nạn được chuyển đến đây chỉ còn nhỏ giọt, đa số là diện con lai cùng gia đình họ (và hình như là những người tị nạn cuối cùng từ Hồng Kông chuyển qua). Nến như thời đông nhất, trại có 10 vùng (gọi là neighborhood) thì dạo đó chỉ còn hai hoặc ba vùng còn hoạt động. Có thể nói người đến từ Việt Nam như diện con lai là lứa cuối cùng ở đây trước khi chính phủ Phi Luật Tân chính thức đóng cửa trại và chuyển thành Khu Kỹ nghệ Bataan, một phần của Subic Bay Metropolitan Authority (SBMA) gần đó.

Hiện tại, tuy trung tâm chuyển tiếp PRPC này đã và đang chuyển thành Khu Kỹ nghệ Bataan, nhưng vẫn có một phòng triển lãm trưng bày một số đồ vật để đánh dấu sự hoạt động của trung tâm trong thời gian giúp người tị nạn Đông dương dưới sự bảo trợ của Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc. Trong phòng triển lãm này, là một chiếc tàu đánh cá của người Việt vượt biển, một số đồ tư trang của người tị nạn, hai căn nhà thu nhỏ lại, nhưng nhìn là biết ngay một cái là bunk house, nơi người tị nạn tạm trú trước đây, và cái kia là monkey house, nhà kỹ luật nhốt những người vi phạm kỹ luật trại.

Sau hai năm rưỡi ở ba trại tị nạn Songkhla, Sikiew và Phanat Nikhom Thái Lan từ năm 1981-1983, và sau khi được phái đoàn Hoa Kỳ nhận như một người tị nạn chính trị, người viết bài này được chuyển qua PRPC Bataan chỉ hai ngày trước đêm Giáng sinh năm 1983. Xe buýt đón ở phi trường Manila và đưa đến trại lúc 5 giờ chiều, lúc nắng còn vương trên đồi và cái lạnh gây gây của núi đồi bắt đầu lan tới. Hơn hai năm ở Thái Lan không thấy gì hơn ngoài cái hàng rào bao quanh trại, giờ đứng ở PRPC đưa mắt quét một vòng là những núi và đồi xanh ngát chạy tới mãi chân trời, cái cảm giác nhẹ nhàng, sung sướng lâng lâng trong người như những ngày xuân, cận tết ở quê nhà.

Tâm trạng của người tị nạn được chuyển về Bataan, Phi Luật Tân để học tiếng Anh chờ ngày đi định cư ở Mỹ là tâm trạng của con chim sau bao năm bị nhốt trong lồng giờ sắp được sải cánh về vùng trời mơ ước và tự do. Chắn chắn con đường trước mặt sẽ có nhiều điều mới lạ, những khó khăn cần vượt qua để tái lập cuộc đời trong xã hội và đất nước mới, nhưng trong tận cùng tâm khảm, ai cũng thấy hân hoan niềm vui sướng, rộn ràng: Tự do đang nằm trong tầm tay với. Xin gĩa biệt chế độ cộng sản độc tài toàn trị ở Việt Nam và một chuyến vượt biển đầy gian nguy để hướng đến một cuộc đời tự do trước mặt!

Mới tuần rồi, người viết bài này có dịp ghé lại PRPC Bataan trong chuyến đi làm việc ở Subic Bay Freeport Zone, sau khi nhận được "tin nóng" (và dzỗm) từ một người bạn ớ Úc: "Nghe tin đồn "tụi nó" mới phá đài tưởng niệm thuyền nhân xây ở Bataan, ông phải đi thăm ngay xem như thế nào?". Đây là lần thứ nhì người viết ghé thăm lại chốn này, và cũng là 26 năm kể từ ngày rời trại Bataan đi định cư ở Mỹ.

Con đường vào trại giờ hoàn toàn thay đổi. Có các trạm canh chốt dọc đường với nhân viên an ninh (có mang súng). Nhưng người viết bài này đưa passport và trình bày lý do là chỉ muốn ghé thăm trại vì trước đây đã là từng ở đây như người tị nạn, là họ cho vào, không làm khó dễ gì. Hai bên đường cây cối bạt ngàn, càng vào gần bên trong càng thấy rất nhiều building ngày xưa nơi người tị nạn ở và dùng làm lớp học giờ đã bị tháo dỡ.

Nếu những ai đã từng ở trại PRPC này trong thời gian đó thì chắc còn nhớ Đài Tưởng niệm của người Việt Nam dựng ở vùng Tám. Chính người tị nạn từ Thái Lan qua đây đã mang theo một luồng sinh khí mới đến cho trại. Lễ giỗ Hùng Vương lần đầu tiên được tổ chức ở ngay trên mãnh đất này và cũng chính chỗ này, Đài Tưởng niệm được xây lên sau đó.

Đứng ở Đài Tưởng niệm này, ngày xưa bạn có thể dõi mắt về Neighborhood 8, 9 và 10 thì giờ đây những gì lọt vào tầm mắt của bạn là tranh và cỏ dại (2). Nhà cửa không còn nữa, và tuy có xe SUV đưa đi, nhưng người viết bài này cũng không cách gì đi được trên con đường trải nhựa chia đôi neighborhood 8 và 9 ngày xưa.

Một điều thật mừng, là Đài Tưởng niệm vẫn còn đó, nguyên vẹn. "Tụi nó chưa phá" như người bạn ở Sydney la hoảng. Đài trông hoang tàng vì đã lâu ngày không có người chăm sóc, nhưng cái lư đất lớn ngày xưa giỗ tổ Hùng Vương còn đó, và ở trên đài chính là lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn còn kia. Lá cờ mà như tác gỉa Trần Khải đã viết: "Ba thế hệ trôi qua rồi, đã biến lá cờ trở thành biểu tượng cho một ước mơ dân chủ tự do... Cờ Vàng thực sự phải là lá cờ của hòa bình, của tự do, dân chủ và nhân quyền cho toàn dân Việt Nam," và hiện nay lá cờ vàng ba sọc đỏ này đã được chấp thuận như lá cờ mang ý nghĩa tự do cho rất nhiều thành phố ở Hoa Kỳ, nơi có người Việt tị nạn định cư.

Trong lần thăm trại này, người viết có dịp gặp viên sĩ quan đặc trách an ninh cho khu kỹ nghệ Bataan và bày tỏ mối quan tâm rằng đài tưởng niệm thuyền nhân này có thể bị chế độ cộng sản Việt Nam qua Tòa Đại sứ của họ ở Manila "thò tay" vào phá như đã từng xảy ra ở Bidong, Mã Lai Á và Galang, Nam Dương trước đây, ông lắc đầu: "Không, chúng tôi sẽ không để điều đó xảy ra ở đây." Ông cũng cho hay là thỉnh thoảng người Việt tị nạn năm xưa vẫn thường hay ghé vào thăm trại, có khi đi một mình, có khi đi cả nhóm.

Đài Tưởng niệm do người tị nạn xây dựng với lá cờ vàng còn nguyên vẹn. Người trong trại bỏ công sức xây với sự tài trợ của những mạnh thường quân đi trước gởi tiền về ủng hộ. Chính nơi này, người tị nạn giỗ tổ Hùng Vương hằng năm. Nguồn: DCVOnline, hình chụp tháng 4, 2010

http://www.dcvonline.net/php/images/042010/b5-500.jpg

Một đôi lời ghi vội, và một vài tấm hình ghi lại cảnh trại PRPC đã một thời là đất tạm dung cho nhiều người Việt tị nạn cộng sản đi tìm tự do. Riêng cho những bạn tị nạn năm xưa của người viết ở Sikiew, Phanat Nikhom, Thái Lan, và rồi Bataan, Phi Luật Tân, mong các bạn nhớ lại một chặng đời làm “thuyền nhân”, để trân qúy cái tự do mình đang có, và xin đừng quên dân chủ, tự do, nhân quyền vẫn là trái cấm trên quê hương Việt Nam của chúng ta - 35 năm sau ngày chiến tranh chấm dứt, đất nước thống nhất.

Xin mượn câu thơ của Tô Thùy Yên để diễn tả tâm trạng người viết khi về lại trại tị nạn Bataan và thấy đài tưởng niệm năm xưa vẫn còn đó với lá cờ vàng, cho dẫu hoang tàng; thoáng hiện đâu đó là cái tâm cảm gặp lại "mùi mái tóc đêm mưa" của một thời trẻ dại:

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi.
- "Ta về"


© DCVOnline


Nguồn:

(1)
Philippines Refugees Processing Center. Wikipedia, PRPC
(2) Có một số chi tiết có thể không chính xác do lâu ngày qúa nên người viết không nhớ rõ, đành xin lỗi trước vậy. Mong các bạn từng ở Bataan bổ túc thêm.

.

.

.

No comments:

Post a Comment