Friday, March 19, 2010

TRUNG QUỐC VỚI 40 TRIỆU "QUANG CÔN"

Trung Quốc với 40 triệu 'quang côn'

Ngô Nhân Dụng

Thursday, March 18, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110030&z=7

Người Tầu đọc là “Guang-gun,” đọc lối Việt là Quang Côn. Quang là sáng, cũng nghĩa là trống trải, như khi ta nói “phong quang, quang đãng.” Côn là cây gậy dùng để đánh nhau, “Côn quyền ra sức lược thao gồm tài.” Quang côn là cây gậy trơ trụi, là cành cây không lá không hoa, người nói tiếng Anh dịch là Bare Branches. Hai tác giả Valerie Hudson và Andrea den Boer đã viết cuốn sách mang tựa đề “Bare Branches,” dịch từ hai chữ Quang Côn, trình bày tình trạng nhiều đàn ông ở nước Tầu “không thể kiếm được vợ.” Sách do nhà xuất bản Ðại Học MIT in năm 2004. Trong từ điển Hán Việt cũng ghi nghĩa chính rất thông dụng đó: quang côn là đàn ông con trai chưa có vợ, độc thân, cũng gọi là ế vợ.

.

Ðề tài cuốn sách này có vẻ không đáng chú ý, vì người Việt chỉ lo con trai nhà mình khó kiếm vợ, chẳng ai cần quan tâm đến tình trạng đàn ông bên Tầu ế vợ! Nhưng khi đọc thấy con số 40 triệu đàn ông con trai độc thân dự đoán trong mười năm tới ở lục địa Trung Hoa thì thấy cũng đáng suy nghĩ. Gần đây, một tuần báo Anh viết một bài dài, nhấn mạnh đến cảnh đàn ông ế vợ ở nhiều nước, đặc biệt là ở Trung Cộng, khi họ trình bày tình trạng phá thai hoặc giết trẻ gái sơ sinh khắp thế giới. Hàng trăm triệu em bé gái đã bị giết ngay trong bụng mẹ vì cha mẹ không muốn có con gái. Một hậu quả là cảnh đàn ông ế vợ vì nhiều trai, ít gái quá, ở những nước như Trung Hoa, Ấn Ðộ, Armenia, Georgia, vân vân. Người Việt phải chú ý đến chuyện bên Tầu.

.

Theo báo Nhà Kinh Tế (The Economist, March 6, 2010) thì Viện Khoa Học Xã Hội Trung Quốc (CASS) vào đầu năm 2010 đã tiên đoán trong mười năm nữa ở nước Tầu cứ 5 thanh niên đến tuổi cưới vợ sẽ có một chàng không thể tìm được cô nào để “rước về” cả. Họ tính ra con số trên dựa trên tỷ lệ số trẻ em trai và gái sinh ra trong khoảng từ 5, 10 năm trước tới nay. Vào năm 2020 trong lớp tuổi 19 trở xuống, sẽ có từ 30 đến 40 triệu thanh niên “dư” so với số phụ nữ độc thân cùng tuổi, nghĩa là không thể kiếm được vợ.

Ðể độc giả thấy rõ con số đó lớn hay nhỏ ra sao, báo Economist đã so sánh: Con số 40 triệu này lớn bằng tất cả số thanh niên ở nước Mỹ vào năm 2020, có vợ hoặc chưa có vợ. Con số đó cũng cao gần gấp đôi số thanh niên trẻ ở ba nước Ðức, Pháp và Anh quốc cộng lại, ba nước đông dân nhất Âu Châu. Trong lịch sử, chưa bao giờ có một quốc gia nào trên thế giới lại “chứa” một lực lượng đàn ông độc thân và ế vợ cao đến thế, trong thời gian không có chiến tranh. Nếu so sánh với Việt Nam thì con số 40 triệu đó cũng sấp sỉ một nửa dân số nước ta, tức là gần bằng tổng số người đàn ông, con trai người Việt, kể từ trẻ sơ sinh tới các cụ già.

.

Nhưng đối với người Việt Nam thì con số 40 triệu này có phải một điều đáng lo nghĩ hay một mối đe dọa hay không?

Có, nếu chúng ta tin một số quy luật dân số học trong quá khứ có thể được lập lại trong tương lai. Nhiều nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi dân số một nước tăng lên nhanh hơn khả năng sản xuất, đặc biệt là khi số thanh niên trai tráng lên cao, có nhiều người trong tuổi lao động bị thất nghiệp, đặc biệt hơn nữa là trong số đó có quá nhiều người không thể nào kiếm được vợ vì thừa trai thiếu gái, thì một hệ quả là các nước ế vợ thường hay gây chiến với lân bang. Có thể họ thấy đó là một cách giải quyết số đàn ông thặng dư này, nhất là để tránh không cho đám thanh niên “bức xúc” bất mãn đó không còn thời giờ mà phạm tội, hoặc quay ra làm cách mạng, nổi loạn chống chính quyền nữa. Không phải cuộc chiến tranh nào cũng xẩy ra vì quá nhiều thanh niên ế vợ; nhưng trong một xã hội mà số đàn ông thặng dư đông quá thì những người cầm quyền thường hay gây chiến, nhất là khi kinh tế suy yếu.

Hy vọng là thế giới nay đã thay đổi, chuyện này sẽ không diễn ra trong tương lai. Vì hiện nay loài người đã văn minh hơn, kinh tế toàn cầu hóa, các nước tôn trọng tự do mậu dịch; sẽ không để cho nước nào thiếu việc làm hay thiếu thực phẩm. Miễn là có trao đổi thương mại, có công việc làm là ai cũng có gạo ăn và có đủ trò giải trí.

.

Nhưng theo Valerie Hudson và Andrea den Boer thì có những hậu quả khác khó tránh được khi số thanh niên ế vợ tăng cao quá. Một, là số người phạm tội sẽ gia tăng; cho nên, chế độ chính trị sẽ thiên về đường lối độc tài để đối phó với mối lo bất ổn.

Bình thường, những người phạm tội và bạo động trong xã hội đa số vẫn là giới trẻ. Những người trẻ ế vợ, không phải gánh trách nhiệm đối với vợ và con thì dễ phạm tội hơn, lý do cũng dễ hiểu. Trong nhiều xã hội, những thanh niên ế vợ quá lâu còn bị mọi người chung quanh coi thường, nếu không nói là coi khinh, gạt ra ngoài lề xã hội, họ càng có lý do để nổi loạn. Hai chữ “quang côn,” cành cây trụi lá, chứa ý nghĩa khinh thường, ai cũng thấy - cũng giống như người Việt Nam gọi họ là “bị sao Mộc Ðức (tức là đực, mốc) chiếu mạng!”

Tất cả các yếu tố đó dễ thúc đẩy đám thanh niên bị gạt ra bên lề xã hội sinh ra bạo động và phạm tội. Nhiều người sẽ gia nhập băng đảng, để được kính trọng hơn, và để thể hiện “nam tính” của mình. Ở các xã hội thừa trai thiếu gái, những vụ hiếp dâm, bắt cóc phụ nữ ép làm vợ, và nạn mãi dâm đều cao hơn các xã hội bình thường.

Ðể đối phó với đám thanh niên bất mãn dễ gây tội và dễ làm loạn đó, Valerie Hudson và Andrea den Boer nhận xét, các chính quyền thường quay sang khuynh hướng độc tài. oHaiHHai

Hudson và den Boer viết, các chính phủ “phải giảm bớt mối đe dọa của những chàng trai trẻ này đối với xã hội. Hậu quả là họ trở nên độc đoán hơn để đối phó với các tội phạm như băng đảng, buôn lậu, vân vân.”

.

Tại sao có tình trạng 30 đến 40 triệu “quang côn,” đàn ông ế vợ, ở nước Trung Hoa trong vòng 10 năm tới? Người ta nghi rằng đó là do nhiều bậc cha mẹ đã phá thai khi biết bào thai sẽ sinh ra là một em gái; và tệ hơn nữa, có người giết trẻ em gái ngay lúc lọt lòng. Nhiều cô mụ đỡ đẻ được trả tiền để làm việc này. Một tác giả người Trung Hoa đang sống ở Anh đã mô tả cảnh tượng đó, mà cô là người chứng kiến. Có những người mẹ sau đó hối hận đã tìm cách tự tử. (Cuốn sách là Message from an Unknown Chinese Mother của Xinran Xue).

Chính sách thời Mao Trạch Ðông hạn chế mỗi gia đình chỉ được có một con chỉ là một trong nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tội lỗi này. Vì người ta đã thấy khắp thế giới, không riêng gì ở Trung Cộng đã xẩy ra tình trạng nhiều con trai, ít con gái. Và tại Trung Hoa, những tỉnh có chính sách dễ dãi trong việc hạn chế số con, nhiều khi cho phép các cặp vợ chồng có 2 con, thì chính ở những tỉnh đó tỷ lệ sinh con trai cao hơn sinh con gái còn nặng nề hơn ở các tỉnh khác. Những vùng kinh tế phát triển cao thì tỷ lệ chênh lệch cũng cao hơn, những nơi nhiều người có học, biết dùng các phương pháp dò để biết trước thai nhi là trai hay gái, thì tỷ lệ chênh lệch cũng cao hơn nữa.

.

Trong các xã hội bình thường, cứ 100 trẻ em gái sinh ra thì có từ 103 đến 106 trẻ sơ sinh con trai. Vì trẻ em con trai dễ bị chết yểu hơn con gái, cho nên khi chúng lớn lên đến tuổi lập gia đình thì số trai gái cao sấp sỉ bằng nhau. Nhưng tại nhiều nước hiện nay tỷ lệ 100 gái/105 trai không còn giữ được nữa. Trong những năm từ 1985 đến 1989, tỷ lệ nam nữ ở Trung Hoa đã chênh lệch thành 100/108, tức là 100 bé gái thì có 108 bé trai. Trong những năm từ 2000 đến 2004, tỷ lệ càng nghiêng lệch thêm, 100 bé gái sinh ra thì sinh 124 bé trai. Tại nhiều tỉnh ở miền Nam và trung nước Tầu, tỷ lệ này lên tới 100/130 hay 140.

Tỉnh Quảng Ðông là một nơi cứ 100 em gái ra đời thì có 120 em trai, trong mười lăm, hai mươi năm nữa, cứ 100 cô gái sẽ có 120 cậu trai muốn cưới làm vợ. Quảng Ðông ở ngay sát nước ta. Nếu trong mươi năm tới ở tỉnh này, thuộc loại trù phú nhất Trung Quốc, mà có dăm, mười triệu thanh niên ế vợ, thì có ảnh hưởng gì tới xã hội Việt Nam hay không?

Ảnh hưởng hay không còn tùy thuộc vào chính sách của những người cầm quyền ở Việt Nam. Người Trung Hoa có thể đối phó với nạn hàng chục triệu đàn ông ế vợ bằng cách đi mua hay dụ dỗ, bắt cóc phụ nữ ở các nước đem về. Những phụ nữ này có thể bị mua hoặc ép làm vợ, hay bị khai thác làm nghề mại dâm. Chính phủ của họ có thể làm ngơ, các chính quyền địa phương có thể khuyến khích những hành động phi pháp và vô đạo này. Những nước chung quanh, trong đó có Việt Nam, phải biết tự vệ. Những nước nghèo tất nhiên phải ngăn ngừa cẩn thận hơn nạn buôn người, xuất cảng phụ nữ.

.

Một lối thoát khác của thanh niên ế vợ ở Trung Hoa là đem họ ra nước ngoài làm việc. Hiện nay trong nước Tầu đang có cảnh nhiều ngành công nghiệp thiếu nhân lực, nhưng chính phủ Trung Cộng vẫn khuyến khích việc đem các công nhân Trung Hoa đi làm việc ở nước ngoài. Nhiều công trình xây dựng hạ tầng cơ sở, phi trường, nhà máy, do các công ty Trung Cộng phụ trách sử dụng toàn người Trung Hoa từ lục địa đem qua. Nay lại thêm các chương trình thuê đất trồng rừng hoặc trồng cây kỹ nghệ của người Trung Hoa, đó cũng là những nơi sử dụng công nhân Trung Cộng. Nếu chính phủ các nước biết thì họ phải đưa ra chính sách ngăn ngừa những công nhân ngoại quốc bất hợp pháp này. Nếu không thì đây cũng là một cách giải quyết nạn “quang côn” quá đông của người Trung Hoa.

.

Nếu như lời tiên đoán của hai tác giả Valerie Hudson và Andrea den Boer đáng chú ý thì người Việt Nam còn phải tính trước đề phòng với một nước Trung Hoa nằm dưới một chế độ cộng sản càng ngày càng độc tài hơn, vì họ lo sợ cảnh hỗn loạn, bạo động do các “quang côn” gây ra. Một nước Trung Hoa tự do dân chủ sẽ không có tham vọng bành trướng mạnh mẽ như một nước Trung Hoa độc tài chuyên chế. Vì các chính quyền độc đoán bao giờ cũng gây tình trạng thù nghịch với các nước khác để kích thích tự ái quốc gia, đánh lạc nỗi bất mãn của dân. Một chính phủ tự do dân chủ khó gây chiến tranh, vì rất khó thuyết phục dân chúng đồng ý; còn một chính quyền độc tài thì họ không cần hỏi ý kiến dân. Khi nước Trung Hoa có 30 tới 40 triệu thanh niên không tìm đâu ra vợ thì các nước chung quanh đều phải lo ngại, nhưng Việt Nam đáng lo nhất. Vì chính phủ cộng sản ở hai nước đều độc tài chuyên chế, và họ đang coi nhau là đồng chí và anh em. Chính sách ngoại giao của hai đảng không cho phép một định chế độc lập nào của người dân để kiểm soát; mà dân chúng cũng không có quyền tự do ngôn luận để góp ý kiến.

.

.

.

No comments:

Post a Comment