Wednesday, February 3, 2010

THANH NIÊN THẢO LUẬN về BẢN ÁN 4 NHÀ DÂN CHỦ (Phần 2)

Thanh niên thảo luận về bản án của 4 nhà dân chủ (phần 2)
Trà Mi - VOA
Washington DC Thứ Ba, 02 tháng 2 2010
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/YOUTH-REACT-TO-SENTENCES-OF-4-DEMOCRACY-ACTIVISTS-IN-VIETNAM-02-02-10-83354057.html
"Nhà nước Việt Nam chỉ chụp mũ để đàn áp những quan điểm của những người này thôi, chứ làm sao mà những người này có thể 'gây rối an ninh quốc gia' bằng hai bàn tay trắng và một cây bút?"
-------------------------

THANH NIÊN THẢO LUẬN về BẢN ÁN 4 NHÀ DÂN CHỦ (Phần 1)


Chắc các bạn còn nhớ trong phần đầu cuộc trao đổi kỳ trước, chúng ta đã nghe 3 thính giả trẻ đăng ký tham gia chương trình qua đường dây điện thoại từ Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi ý kiến về bản án gây tranh cãi và được công luận quốc tế đặc biệt quan tâm của 4 nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, và Lê Thăng Long.
Tóm lại, theo các bạn Hùng và Bảo ở Sài Gòn, Thông ở New York, thì cho dù 4 trí thức trẻ này bị xem là “có tội” với luật của Việt Nam quy định quyền lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản, nhưng họ hoàn toàn vô tội với đất nước, với sự phát triển của Việt Nam trong xu hướng tự do-dân chủ trên toàn cầu hiện nay. Vì vậy, 3 vị khách tham luận trong chương trình nhận xét rằng các bản án mới tuyên là một “sự quy chụp chủ quan” và “vô lý”. Các bạn lý luận rằng nếu nhà nước khẳng định với ngừơi dân và với thế giới là tại Việt Nam có dân chủ, thì phải tôn trọng những ý kiến khác biệt.
Ý kiến khác biệt - “xây dựng” hay “chống phá”? Chúng ta sẽ nghe phần phân tích của 3 thanh niên Hùng, Bảo, và Thông trong câu chuyện hôm nay, các bạn nhé.

Trà Mi: Các bạn nói rằng “một nền dân chủ phải tôn trọng những ý kiến khác biệt”. Nếu như có ý kiến cho rằng những ý kiến khác biệt phải là những ý kiến xây dựng. Ý kiến khác biệt không có nghĩa là những ý kiến chống phá. Bởi lẽ theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, những ngừơi này đã làm ra những tài liệu có nội dung “chống phá nhà nước”, “làm mất lòng tin của người dân đối với sự lãnh đạo của đảng và nhà nước”, như vậy chẳng khác nào là họ cố tình “kích động”, “gây rối”. Ý kiến các bạn ra sao?
Bảo: Đây chỉ là luận điệu để bảo vệ quan điểm của Đảng Cộng sản mà thôi. Bởi lẽ khi Đảng Cộng sản đưa ra một quan điểm hay một đường hướng nào đấy mà bị các nhà trí thức, không cần phải là đảng phái gì cả, chỉ trích, như vụ bauxite Tây Nguyên chẳng hạn, thì rõ ràng bất kỳ ai cũng có thể bị quy chụp là “không có tinh thần xây dựng” hay “phá hoại”.

Trà Mi:
Có trường hợp nào điển hình để Bảo có thể chứng minh cho ý kiến của mình không?
Bảo: Điển hình như vụ bauxite Tây Nguyên, có blogger Mẹ Nấm ở Nha Trang phát động phong trào mặc áo in chữ “No bauxite. No China” thì đã bị công an thẩm vấn liên tục. Hoặc như các nhà quản trị website mang tên bauxitevn.info cũng đã bị rắc rối. Trước đó thì Bộ Công thương đã ra thông cáo nói rằng “nhiều nhà trí thức bị lợi dụng, bị xuyên tạc” …v….v… Rõ ràng khi anh còn đứng ở trên, nhìn người ta với con mắt e dè như thế thì bất kỳ một quan điểm nào trái với sự suy nghĩ của anh, anh có thể quy chụp người ta tội “phá hoại”, “không có tinh thần xây dựng”. Tuy nhiên, nếu xét theo quan điểm Mác-Lênin, tất cả các sự việc, sự vật trong xã hội đều có mặt đấu tranh của nó. Đã có sự đấu tranh thì lúc nào cũng có sự mâu thuẫn lẫn nhau. Và như thế không thể gọi là “chống đối” hay “không có tinh thần xây dựng” được. Khi một sự vật, sự việc nào đó cùng đưa ra, bàn luận chung, đưa đến một kết quả chung thì đấy mới là sự xây dựng lẫn nhau giữa hai bên.

Trà Mi: Bây giờ xin nhường lời cho anh Hùng.
Hùng: Ai cũng đồng ý là những bản án này khắc nghiệt.

Trà Mi: Anh Hùng ơi, anh Bảo có đặt ra vấn đề là cần phải tôn trọng những ý kiến khác biệt. Trà Mi có hỏi thăm rằng “ý kiến khác biệt” theo một số ngừơi, phải mang tính “xây dựng”, chứ không phải “ý kiến khác biệt” là “chống đối, quấy rối, gây sự xáo trộn, làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của đảng”. Ý kiến của anh ra sao?
Hùng: Theo mình, những ngừơi này đấu tranh cho nền dân chủ, tự do. Bởi luật pháp của chế độ Cộng sản Việt Nam đặt ra, thì họ muốn quy chụp, gán ghép ai tội danh gì thì cũng do họ mà thôi, cũng như việc họ thay đổi tội danh (đối với 4 nhà dân chủ) từ vi phạm điều 88 sang điều 79, “âm mưu lật đổ chế độ” vậy.

Trà Mi: Ý của anh có thể hiểu rằng có mang tính “xây dựng” hay “chống đối” thì cũng là do ý kiến chủ quan của nhà nước thôi?
Hùng: Do nhà nước thôi, hoàn toàn do nhà nước.

Trà Mi: Ngựơc lại, căn cứ trên những cơ sở nào mà anh nghĩ rằng những ý kiến khác biệt hoàn toàn không mang tính chống đối nhà nước, không kích động, xúi giục, hay làm mất lòng tin của dân, hoặc làm ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, theo như nhà nước tố cáo?
Hùng: Do mình theo dõi thường xuyên vụ việc của 4 nhà đấu tranh dân chủ này trên dư luận quốc tế, là những nguồn tin khá chính xác. Còn khán thính giả ở Việt Nam xem báo chí hay TV của chế độ Cộng sản này phát ngôn ra thì không thể tin đựơc.

Trà Mi:
Anh nghĩ rằng báo đài nước ngoài đáng tin hơn báo đài trong nước thì cũng có thể có những người đặt câu hỏi rằng trên cơ sở nào mà anh cho là như vậy? Có người bảo rằng họ tin báo chí trong nước hơn vì báo chí trong nước phải thực tế hơn những người bên ngoài nói à chuyện trong nước, chẳng hạn. Ý kiến của anh ra sao?
Hùng: Theo mình, thông tin của những đài báo nước ngoài là nhanh nhạy và chính xác trong khi thông tin ở Việt Nam thì bị nhà nước áp đặt, bưng bít, che giấu.

Bảo: Bảo không thích quan điểm của Hùng ở chỗ là những thông tin trong nước hoàn toàn bị bưng bít. Cũng đồng ý với anh là những thông tin nhạy cảm, chính trị của báo đài trong nước thường bị méo mó, sai lệch, bị cắt xén rất nhiều.
Hùng: Chắc chắn là như vậy.

Bảo: Tuy nhiên, cũng phải tùy vào từng loại thông tin. Chẳng hạn như những thông tin về kinh tế, xã hội, thì theo Bảo, đó là những thông tin chính xác hơn so với các nguồn bên ngoài. Ví dụ như những thông tin về kinh tế, GDP, hay lạm phát…v.v.., thì có lẽ nguồn tin trong nứơc sẽ chính xác hơn.
Hùng: Mình đồng ý với Bảo là những thông tin kinh tế nói chung thì chính xác, vì nó không đụng chạm gì về chính trị và đảng phái. Còn giả sử như những thông tin về vụ Tu viện Bát Nhã, vụ Đồng Chiêm, Tam Toà, hay mới đây là vụ án xét xử Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long, mình xem trên các báo đài quốc tế thì mới biết là xử kín, không cho người thân tham gia phiên toà mà phải ở ngoài xem màn hình. Họ còn dùng kỹ thuật phá sóng. Những lời phát biểu của ông Thức và ông Long bị phá, bên ngoài không nghe được gì cả. Tức là họ muốn che dấu, bưng bít, quy chụp, áp đặt, xuyên tạc 4 nhà hoạt động dân chủ này.

Trà Mi: Các bạn ở đây đang bàn đến vấn đề là độ chính xác của thông tin trong nước cũng còn tuỳ thuộc vào phạm trù thông tin thuộc lĩnh vực nào mà nó chính xác tới đâu. Mời ý kiến của Thông.
Thông: Thông đồng ý với quan điểm rằng báo đài trong nứơc bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản. Các tổng biên tập, phó tổng biên tập của các báo đài đều là đảng viên của Đảng Cộng sản. Cho nên mọi bài báo nào viết ra đều nêu lên quan điểm của Đảng Cộng sản mà thôi, mất đi tính khách quan trong đó. Vì vậy, chúng ta nên xem tin tức đa chiều, xem cả báo chí trong và ngoài nước thì chính xác hơn. Trong một môi trường thông tin đa chiều, mỗi người đều có ý kiến khác nhau, quan điểm khác nhau. Nếu tôi nêu lên quan điểm mà không đúng thì dần dần thính giả sẽ không nghe, thế thôi. Trong mỗi vấn đề, mỗi cá nhân đều có những quan điểm khác nhau. Cho nên việc tranh luận để đi đến một quyết định sáng suốt nhất, tốt nhất thì rất cần thiết. Tranh lụân để đóng góp, đưa ra một cách giải quyết tốt nhất không có nghĩa là chống đối. Những người như anh Lê Công Định có bài viết “Hãy lấy lại hào khí Diên Hồng”. Bởi lẽ xã hội Việt Nam ngày nay, người trẻ thường lo làm kiếm tiền hoặc vui chơi giải trí ma tuý này kia. Thì anh Định viết bài “Hãy lấy lại hào khí Diên Hồng” để kêu gọi giới trẻ Việt Nam hãy chú tâm vào công cuộc xây dựng đất nước. Bài viết đó rất có giá trị, không có gì sai hết, tại sao đưa người ta ra xét xử tội “chống phá nhà nước”? Thông thấy rất là sai.

Trà Mi: Cảm ơn ý kíên của anh Thông. Các bài viết mà anh vừa nói mang tính xây dựng vì tình yêu nước, vì tinh thần dân tộc. Nhưng ngược lại, nhà nước cho rằng các tài liệu những người này làm ra mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có thể “xâm phạm đến an ninh quốc gia”, và họ không những làm ra những tài liệu mà còn thành lập tổ chức này kia, có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia…
Thông: Nhà nước Việt Nam chỉ chụp mũ để đàn áp những quan điểm của những người này thôi, chứ làm sao mà những người này có thể “gây rối an ninh quốc gia” bằng hai bàn tay trắng và một cây bút? Anh Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, và Lê Thăng Long đều là những trí thức rất thành đạt. Tại sao họ lại phải phá hoại an ninh quốc gia? Họ đâu phải là khủng bố al-Qaida đâu! Họ chỉ đưa ra những bài viết thôi, những bài viết làm sao có thể “gây hại cho an ninh quốc gia” Việt Nam được? Cho nên những gì chính phủ Việt Nam nói chỉ là chụp mũ để đàn áp mà thôi.

Trà Mi: Xin mời ý kiến của những bạn khác.
Hùng: Mình cũng đồng ý với quan điểm của anh Thông. Đó là luận điệu áp đặt, quy chụp, gán ghép tội cho những nhà hoạt động vì tự do-dân chủ mà thôi. Người ta không có quân đội, không có võ khí trong tay, làm sao “âm mưu lật đổ chế độ” được? Không một tấc sắt trong tay, làm sao “lật đổ chế độ” được. Đó là sự xuyên tạc để ghép tội người ta thôi.

Trà Mi: Lý luận của anh Hùng đưa ra có hoàn toàn thuyết phục được mọi người hay không? Chúng ta hãy chờ nghe trong cuộc gặp lần tới, cũng tại điểm hẹn này, giờ này, tối thứ ba tuần sau.

Tạp chí Thanh Niên chờ đón mọi ý kiến đóng góp và tham luận của bạn nghe đài khắp nơi trên trang nhà www.VOAtiengviet.com hoặc tại địa chỉ email Vietnamese@VOANews.com . Quý vị muốn góp tiếng trong chương trình, xin đừng quên để lại số liên lạc, chúng tôi sẽ mời quý vị tham gia. Hãy đến với Tạp chí Thanh Niên để được kết nối và trao đổi quan điểm về mọi vấn đề xã hội mà giới trẻ quan tâm, các bạn nhé.

Trà Mi xin chào tạm biệt quý vị trong lời chúc bình an.




No comments:

Post a Comment