Tuesday, February 23, 2010

PHỎNG VẤN VACLAV HAVEL

Phỏng vấn Vaclav Havel

Foreign Policy

Trần Quốc Việt dịch

24/02/2010 1:12 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=16540

Cựu tổng thống Tiệp Khắc trả lời phỏng vấn của tạp chí Foreign Policy vào ngày 9 tháng 12 năm 2009.

FP: Sau quyết định của tổng thống Obama hoãn lại cuộc gặp gỡ với Dalai Lama, ông có phát biểu đại ý rằng những biểu hiện nhỏ nhặt tưởng chừng như vô hại nhưng rồi có thể dẫn đến hậu quả rất lớn tích tụ dần theo thời gian. Ông có thể vui lòng giải thích ý nghĩa đó cho những người vô cảm theo chủ nghĩa thực tế (realists)?

Havel: Chúng tôi biết điều này từ lịch sử hiện đại của chúng tôi. Khi thủ tướng Pháp Edouard Dalaier trở về từ hội nghị Munich năm 1938, cả nước đều hoan hô ông đã cứu vãn được nền hoà bình. Ông đã có một thoả hiệp rất nhỏ vì lợi ích của hoà bình. Nhưng đấy chính là sự khởi đầu của một chuỗi cái ác mà về sau gây ra cái chết của hàng triệu người. Chúng ta không thể nói, “Đây chỉ là một thoả hiệp nhỏ ta có thể bỏ qua được. Trước tiên chúng ta sẽ đi Trung Quốc rồi có lẽ hội đàm với Dalai Lama sau.” Nghe ra mọi thứ có vẻ hợp lý và thực tế, nhưng ta cần thiết phải suy nghĩ xem phải chăng thoả hiệp nhỏ đầu tiên ấy có thể là sự khởi đầu của một chuỗi dài những chuyện không hay. Trong trường hợp này có lẽ nó sẽ không sao, nhưng đấy chính là điều đầu tiên tôi nghĩ đến ngay.

FP: Ông nói có vẻ rất dễ dàng. Nhưng, với cương vị là tổng thống, làm sao ông quyết định được những thoả hiệp nhỏ nào là đáng có và khi nào chúng có thể biết đâu dẫn đến chuyện nguy hiểm hơn về sau?

Havel: Chính trị, có nghĩa, là mỗi ngày ta phải có những thoả hiệp nào đó, và phải chọn giữa một cái hại này với một cái hại khác, và quyết định cái nào là hại nhiều cái nào là hại ít. Nhưng đôi khi, trong số những thoả hiệp này có nhiều thoả hiệp rất nguy hiểm vì nó có thể là mở đầu cho con đường phải chấp nhận nhiều thoả hiệp khác, mà tất cả đều xuất phát từ thoả hiệp ban đầu, và có nhiều thoả hiệp rất nguy hiểm. Tôi nghĩ ta cần thiết phải cảm nhận thoả hiệp nào có thể nên có và thoả hiệp nào mà có thể, sau mười năm, dù muốn hay không có thể rất nguy hiểm.

Tôi sẽ minh họa điều này qua kinh nghiệm bản thân. Hai ngày sau khi đắc cử tổng thống, tôi mời Dalai Lama sang viếng thăm chính thức. Tôi là nguyên thủ quốc gia đầu tiên mời ông trực tiếp như thế. Và mọi người đều nói đây là việc rất nguy hiểm, rồi ra những tuyên bố và thông báo không tán đồng. Nhưng đó là vấn đề có tính nghi lễ. Sau đó, phó thủ tướng kiêm ngoại trưởng Trung Quốc đến thăm và mang đến cho tôi một chồng sách về Dalai Lama cùng một số tài liệu của chính phủ đề cập đến những điều tốt họ đã làm cho Tây Tạng, vân vân. Các sách này toàn là thêu dệt, tuyên truyền cả, nhưng ông ta cảm thấy cần giải thích vấn đề cho tôi hiểu.

Tôi có một buổi họp báo với vị ngoại trưởng này. Và ông ta phát biểu “Cuộc gặp hai bên đã diễn ra rất tốt đẹp, vì chúng tôi thảo luận công khai. Ông Havel cho tôi biết quan điểm của ông, còn tôi giải thích quan điểm của chính phủ chúng tôi. Tôi đã tặng ông cuốn sách này, và ông cảm ơn tôi về cuốn sách.”

Điều này quả là khó tin! Tại sao họ cảm thấy cần phải giải thích quan điểm của họ cho người lãnh đạo của một quốc gia quá nhỏ bé như thế? Vì họ tôn trọng người nào giữ vững lập trường của mình, người nào không sợ họ. Còn kẻ vãi ra quần quá sớm, họ lại coi mình chẳng ra gì.

Nguồn: Wall Street Journal 17/12/2009

online.wsj.com/article/SB10001424052748703514404574587882878195904.html

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

No comments:

Post a Comment