Tuesday, February 23, 2010

CHÙM TRUYỆN CỰC NGẮN CỦA NGUYỄN VIỆN

Chùm truyện cực ngắn của Nguyễn Viện

Nguyễn Hưng Quốc

Thứ Ba, 23 tháng 2 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/literary/truyen-ngan-nguyen-vien-02-23-2010-85055567.html

Trong giới viết văn xuôi tại Việt Nam hiện nay, Nguyễn Viện hầu như là nhà văn duy nhất dám đối diện với các vấn đề chính trị nóng bỏng và nhức nhối nhất của đất nước. Ông đối diện với những vấn đề ấy – cũng có nghĩa là đối đầu với vô số những quyền lực hung bạo chung quanh– chỉ với một vũ khí duy nhất: tiếng nói.

Thừa can đảm, nhưng Nguyễn Viện cũng sáng suốt đủ để biết rõ tiếng nói của người cầm bút, cũng như của giới trí thức nói chung, không phải lúc nào cũng trong sáng và có sức mạnh như ý. Ở bên này, đã vậy. Ở bên kia, cũng vậy. Không có chút ảo tưởng.

Xin mời quý bạn đọc thưởng thức chùm truyện cực ngắn mới nhất mà nhà văn Nguyễn Viện muốn tặng, trước hết, cho độc giả trên blog của chúng ta.

À, mà bạn có muốn làm một con diều không nhỉ?

Riêng tôi, lúc nào tôi cũng ngưỡng mộ những người dám sống với trạng thái “chao đảo và chơi vơi”.

Đúng như Nguyễn Viện viết, để sống như thế, người ta cần phải tự tin ghê lắm.

NHQ

--------------------------------

NGUYỄN VIỆN

TÔI Ở PHÍA BÊN KIA

Hắn nói: “Chúng tôi muốn ông đóng một vai trò tương xứng và hữu ích”. Tất nhiên, cả tôi và hắn đều hiểu giống nhau “tương xứng và hữu ích” là như thế nào. Thế là tôi trở thành kẻ được chọn.

Tôi không cần phải chuẩn bị gì. Người ta dẫn tôi ra trước đám đông và nói: “Đây là con của giao hòa”. Bổn phận của tôi là cười với tất cả mọi người. Và tôi đã nở một nụ cười thật tươi. Tôi cúi chào chung quanh. Không có tiếng vỗ tay. Hắn đứng sau lưng tôi bảo: “Ông cứ nói đi, tất cả mọi người đang lắng nghe ông”. Và tôi nói: “Chúng ta là một thực thể, chúng ta cũng là một thực tế, và chúng ta cũng sẽ là một khả thể”. Không có ai phản đối. Tôi nói tiếp: “Chúng ta ai cũng phải ăn, ai cũng biết nghĩ và tất nhiên suy nghĩ của chúng ta không giống nhau. Bởi thế tôi đã được sai đến. Tôi là giao hòa”. Vẫn im lặng. Hắn đứng sau lưng

bảo: “Tốt lắm, tiếp đi”. Và tôi nói: “Ai cũng sẽ có chỗ của mình. Đàn ông và đàn bà, phụ lão và thiếu nhi, hãy rửa ruột để ơn phúc được chứa đựng”. Hắn đá vào chân tôi, nhắc: “Biện chứng duy vật”. Tôi hắng giọng: “Tôi nói các bạn có nghe rõ không”? Trong lúc các tiếng ồn từ từ dậy lên, tôi nghĩ: “Đây là vấn đề thể thức”. Và tôi quay lại, muốn nhìn vào mặt hắn, nhưng không còn thấy hắn đâu nữa.

TÔI Ở PHÍA BÊN NÀY

Hắn nhốt tôi vào trong một cái thùng, bảo: “Đấy, mày muốn nói gì thì nói”. Được nói thì dẫu nói trong một cái thùng thì cũng hơn không. Và tôi nói: “Đây là tiếng nói của một cái thùng. Không phải thùng rỗng, vì trong thùng có tôi. Mặc dù là cái thùng nhưng không thể kêu to. Hãy lắng nghe như nghe tiếng của loài muỗi”. Tiếng của tôi dội vào hai lỗ tai, lùng bùng. Tôi cố gắng nói tiếp: “Tôi nói các bạn có nghe rõ không”? Dường như không có bất kỳ ai đã nghe thấy. Tôi nghĩ: “Thế giới này không còn người”. Đáp lại ý nghĩ của tôi, tiếng muỗi vo ve như tiếng sáo diều. Tôi lại nghĩ: “Tại sao mình lại không mường tượng đó là

tiếng sáo diều để được nhìn thấy trời cao rộng”. Tôi nghĩ tiếp: “Nhất định khi nào mình ra khỏi cái thùng này sẽ phải làm một con diều cho thỏa sự mơ mộng và thơ ngây”.

CON DIỀU

Ít nhất thì nó đã bay lên khỏi mặt đất gần 100 thước. Thật ra, tôi vẫn có thể leo lên một building ba bốn chục tầng nhấm nháp ly cà phê và nhìn xuống thế giới bên dưới. Nhưng ngồi trên một cánh diều thì cảm giác khác hẳn. Chao đảo và chơi vơi.

Cái cảm giác không có chỗ dựa và cũng không phải tự do thật khốn khổ. Làm thế nào duy trì được cảm thức bay bổng và trạng thái an toàn không phải là điều dễ dàng. Chỉ còn một sự trông cậy duy nhất, tin vào chính mình. Nhưng cỡi lên lưng cọp hay ngồi trên cánh diều thì cũng chẳng khác nhau mấy. Cuộc đời không còn tùy thuộc vào mình mà nó tùy thuộc vào sự run rủi. Dù sao tôi cũng phải dự trù tình huống diều đứt dây hay mất gió cắm chúi xuống đất. Trong trường hợp ấy, tôi nghĩ, một vài giây đủ để tôi vẽ một đường bay đến chân trời.

16.2.2010

No comments:

Post a Comment