Monday, January 4, 2010

THTNDC PHỎNG VẤN Ông BÙI TÍN Đầu NĂM 2010

Phỏng vấn bác Bùi Tín nhân dịp đầu năm 2010
THTNDC
http://www.taphopthanhniendanchu.org/index.php?option=com_content&view=article&id=739:phng-vn-bac-bui-tin-nhan-dp-u-nm-2010&catid=54:radiotntn&Itemid=60
Tâm Kiên: Chào bác Bùi Tín, cháu rất vui mừng vì có dịp gặp bác vào dịp Noel này, đầu tiên xin bác cho bạn nghe đài biết về tình hình sức khỏe của bác. Xin bác chia sẻ về điều đó ạ.
Bùi Tín: Tôi vẫn thường tự nhủ rằng mình phải tự rèn luyện sức khỏe cho thật tốt, tuy là tuổi đã cao, 83 tuổi rồi, nhưng vẫn phải rèn luyện, để mình phải sống lâu hơn cái chế độ độc đoán này.
Tâm Kiên: Bạn đọc vẫn thường theo dõi bác và thấy là hiện nay bác viết rất khỏe, trên trang VOA, RFI, v.v… Làm sao bác có thể viết được nhiều như vậy ạ?
Bùi Tín: Đó chỉ là do thôi thúc của tình hình,tôi thấy đây là trách nhiệm. Nghề của tôi là nghề làm báo, để chuyển tải thông tin đến các bạn thì phải viết, tôi coi đó là một sự hứng thú; một trách nhiệm.
Tâm Kiên: Trước đây cháu thấy bác viết nhiều về chính trị, giờ đây cháu thấy bác còn viết về các đề tài khác, như thể thao, kinh tế, v.v… Bác có thể chia sẻ làm sao bác lấy ý tưởng từ đó không ạ?
Bùi Tín: Thì mình phải quan tâm đến tất cả các mặt của xã hội, trên hết dĩ nhiên là chính trị. Đài VOA cũng coi tôi như là đặc phái viên của họ ở Pháp, thì những vấn đề nổi cộm tôi đều viết. Khi có vấn đề gì mới, cần thông tin đến độc giả thì tôi không ngừng viết.
Tâm Kiên: Ở Việt Nam, vừa có tin là những nhà bất đồng chính kiến bị bắt như Trần Anh Kim, Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung vừa bị đổi tội danh, từ tuyên truyền chống phá chế độ sang hoạt động lật đổ. Bác có giải thích thế nào về việc này ạ?
Bùi Tín: Tôi rất quan tâm đến vụ án này, vì đối với tôi, cả 4 người đó tôi đều quen biết và có tiếp xúc. Chẳng hạn như tôi đã gặp và trò chuyện với Nguyễn Tiến Trung nhiều lần nên tôi rất hiểu anh ta, một sinh viên, trí thức tâm huyết yêu nước, rất quan tâm đến nền độc lập tự chủ của đất nước. Tôi rất quý trọng anh Nguyễn Tiến Trung với bầu nhiệt huyết đấy, ngay thẳng và trung thực. Tôi dám so sánh rằng chưa chắc các quan tòa, 15 vị trong bộ chính trị có lòng yêu nước chân thật, quan tâm đến đất nước Việt Nam như Trung. Nên tôi khẳng định anh Nguyễn TIến Trung không có tội gì cả. Nếu nói rằng đã có thế lực xấu xúi giục, thì tôi lại là người cổ vũ vì đó là hành vi đúng đắn lương thiện, mọi thanh niên yêu nước nên coi Trung như tấm gương để hợp tác, cùng chung sức, biểu lộ những tiếng nói như Trung vậy.
Tâm Kiên: Về tiếng nói của các thanh niên dân chủ thì không chỉ có Nguyễn Tiến Trung mà còn rất nhiều trí thức khác đã lên tiếng trên trang bauxite Việt Nam. Theo bác thấy thì tại sao Nguyễn Tiến Trung lại bị bắt vào thời điểm gần đây, tại sao ko phải là 2 năm trước, và tại sao lại là anh Trung mà không phải là những người khác?
Bùi Tín: Về tâm lý của bộ Chính Trị, việc đòi hỏi tự do là của toàn dân, nhưng cái họ sợ nhất là có đòi hỏi có tổ chức, thì Nguyễn Tiến Trung đã có động lực khai sinh ra THTNDC, và đã có nhiều người ngoài và trong nước tham gia, điều đó là điều làm Bộ Chính Trị của Đảng Cộng Sản sợ. Mặc dù trong Hiến Pháp có nói rằng công dân có quyền tự do lập hội, huống chi là chủ trương của Nguyễn Tiến Trung trước sau vẫn là đấu tranh bất bạo động, đấu tranh bằng tư tưởng, lý lẽ.Nên việc họ bảo Trung lật đổ là hoàn toàn vu cáo, chứ làm gì có bằng chứng nào để có thể ghép vào những tội phản quốc như vậy.
Tâm Kiên: Có ý kiến cho rằng chuyện bắt bớ này là để chuẩn bị cho đại hội Đảng sắp diễn ra. Bác có suy nghĩ như thế nào?
Bùi Tín: Hiện nay, năm 2009, Phong trào Dân Chủ đã phát triển về bề rộng và sâu, đông đảo người tham gia, và yêu cầu đòi dân chủ tự do đang tập trung mũi nhọn vào 2 gót chân Asin của chế độ.
Thứ 1, trì hoãn việc công nhận quyền sở hữu ruộng đất của nông dân trong khi họ đã thừa nhận quyền sở hữu nhà xưởng của công nhân. Giới tư sản công nghiệp có quyền lập nhà máy, tuyển công nhân... Về các nhà buôn,trước kia chỉ có mậu dịch quốc doanh, giờ họ đã để cho người dân được thả cửa buôn bán tự do, đưa đến việc sở hữu nhà đất cửa hàng... của tư nhân, vậy thì ko có lý do gì ko trả lại cho nông dân quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất, cái mà họ đã tước đoạt đi từ hơn 30 năm nay.
Chính một cô sinh viên trẻ Đỗ Thúy Hường đã có một bài viết nói về ĐCS đã tịch thu quyền sở hữu của nông dân mà người ta đã chấp nhận từ ngàn xưa. Từ thời phong kiến đến thời thực dân Pháp cũng hoàn toàn công nhận quyền lợi đó; thế mà khi ĐCS cầm quyền, họ bảo rằng "ruộng đất là sở hữu của toàn dân" mà ko đưa ra định nghĩa cụ thể về khái niệm toàn dân đó, rồi Đảng thay mặt cho toàn dân quản lý các thửa ruộng.
Cho nên cô Đỗ Thúy Hường bảo rằng đấy là chuyện phi lý, khi mà những con người của ĐCS ko hề đổ một giọt mồ hôi trong việc khai thác ruộng nương, nghiễm nhiên lại trở thành người chủ. Dẫn đến tình trạng tịch thu đất và bồi thường ko thỏa đáng. Do đó, không có vấn đề nào quan trọng hơn chuyện này hiện nay. Việc sửa luật về đất đai không giải quyết được mà phải làm lại luật đất đai mới.
Thứ hai, họ đã tịch thu quyền tự do báo chí. Có thể nói rằng năm 2009 vừa qua, cả làng báo chí Việt Nam trải qua một cơn bão khủng khiếp đến mức trong nước các nhà báo phải kêu rằng: "hơn 600 nhà báo nhưng chỉ có một tổng biên tập duy nhất là Đảng mà thôi". Tôi cũng lưu ý các bạn trẻ rằng không có gì có thể ghi dấu rõ một cá nhân bằng một bài báo, nên mỗi bài báo phải có một tên ký riêng, đó là bổn phận và trách nhiệm của người viết mà không phải qua kiểm duyệt. Hiến pháp quy định là tự do báo chí, nhưng quy định ở Việt Nam hiện giờ là cấm tư nhân ra báo, điều này vi phạm rõ Hiến Pháp về quyền tự do ngôn luận. Bất cứ nhà nước nào cũng dựa trên nền tảng Hiến Pháp, phải tôn trọng từng chữ từng câu, không có luật nào có thể phủ định Hiến Pháp cả. Nhưng ở nước ta thì dùng pháp luật để phủ định các quyền của Hiến Pháp, đó là luật vi hiến. Ở các nước khác có viện Bảo Hiến, quyền hành cao nhất để bảo vệ Hiến Pháp, không cho vi phạm. Nhưng ở Việt Nam thì hàng loạt bộ luật đã vi phạm, nhưng lại không có luật Bảo Hiến đấy. Cho nên chế độ mình vẫn còn sơ hở, lạc hậu ở điểm đó.
Phủ định quyền tự do báo chí là một sai lầm lớn nhất hiện nay trong nước. Có 13000 nhà báo đang ấm ức đòi hỏi mỗi bài báo phải được kí tên mình, và bản thân chịu trách nhiệm chứ không phải thông qua kiểm duyệt. Năm vừa qua thì hàng loạt tổng biên tập, nhà báo bị mất chức và bị truy tố vì nói thật về vụ PMU19. Quốc Hội đã hẹn là sẽ lại biên tập lại quyền tự do báo chí vào năm 2009 nhưng họ đã lờ đi
Tâm Kiên: Sau vụ bắt bớ này, quốc tế và các hội đoàn đã lên tiếng mạnh, như RSF, Annesty International... theo bác họ có ảnh hưởng đến chính quyền Việt Nam trong cuộc vận động này không ạ?
Bùi Tín: Tất nhiên chính quyền Việt Nam rất quan tâm đến dư luận thế giới. Điều đó dễ hiểu vì vốn đầu tư cơ bản đến từ nước ngoài chứ không từ trong nước. Mà phần lớn là bên ngoài họ có điều kiện, đầu tiên là Việt Nam phải trở thành một chế độ tôn trọng pháp lý, nhất là khi đã vào WTO thì vn bắt buộc phải tuân theo các điều ước mà họ đã ký, ví dụ như công ước về quyền tôn trọng con người 1948, cam kết về tính minh bạch công khai chính trị kinh tế tài chính, ngân sách. Nên khi cấm báo chí là đã vi phạm công ước quốc tế. Nên tôi cho rằng họ rất quan tâm đến dư luận thế giới.
Tâm Kiên: Trung Quốc là một nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, vừa qua có một học giả là Lưu Hiểu Ba bị kết tội lật đổ nhà nước, và án đưa ra rất nặng 11 năm tù. Quốc tế đã có phản ứng rất nhiều như vẫn không có hiệu quả. Theo bác thì vn có đi theo hướng xử án bất chấp tiếng nói của dư luận không?
Bùi Tín: Việt Nam thì hay theo vết chân của Trung Quốc nhưng không thể hoàn toàn giống được. Trung Quốc cũng phụ thuộc vào vốn đầu tư nước ngoài nhưng họ có điểm mạnh là chủ nợ của Mỹ và các nước phương Tây, hiện kim dự trữ mạnh nên họ bất chấp sức ép của các nước phương Tây. Việt Nam thì ngược lại, kinh tế yếu, quĩ đầu tư thì không có mấy, hiện nay mang nợ khoảng 20 tỷ, nên không thể phớt lờ như Trung Quốc được, vì sẽ mất vốn để duy trì nền kinh tế.
Cũng có khả năng là họ giơ cao đánh khẽ, chẳng hạn dọa tử hình nhưng xử 5 năm, và họ cũng không dám làm mạnh vì việc đó sẽ kích thích phong trào dân chủ hơn nữa.
Tâm Kiên: Trước đây Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ có từng phỏng vấn bác, bác đã đưa ra một con số là 3-5 năm nữa Việt Nam sẽ có dân chủ, đã qua 1 năm với nhiều biến động, hiện nay bác còn giữ con số đó không ạ hay là bác thấy rằng tình hình hiện nay đang đi xuống?
Bùi Tín: Không những tôi giữ ý kiến mà tôi còn lạc quan hơn năm ngoái. Điều đó có căn cứ.Trước kia như Đoàn Viết Hoạt, họ xử 15 năm, thì giờ đây họ phải cân nhắc kĩ càng, như về Lê Thị Công Nhân và Nguyễn Văn Đài, không thể xử phi lý như thế được khi mà có các tổ chức quốc tế theo dõi rất chặt chẽ. Tôi lạc quan cũng là vì năm nay có thêm một loạt trí thức và mạng bauxite, các trí thức ủng hộ lên đến 5000 người, có 12 triệu người đọc, vượt hơn hẳn các mạng trong nước. Đó là những trí thức hàng đầu rất kiên cường, tuy là chỉ đấu tranh bằng ngôn luận, không phải là lời lẽ dữ dội, nhưng người dân trong nước thường xuyên vào đọc có nghĩa là tán thành hơn là cái trang của ĐCS hay Bộ Ngoại Giao. Đó là một thế mạnh không thể xem thường.
Thêm một việc về viện IDS giải thể, vì nghị quyết 97 họ đã tự giải tán nhưng vẫn kiên quyết đấu tranh để đòi tự do ngôn luận, tự do lập hội. Tôi nghĩ rằng đó là một cái gai vì họ là những người trí thức rất có tên tuổi như Hoàng Tụy, Nguyễn Quang A v.v... có cả một lớp trí thức trẻ ủng hộ.
Phần nữa, suốt trong năm 2009, vị thế của ĐCS xuống thấp hẳn đi, có thể nói là rơi tự do, vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Người Việt Nam mình từ ngàn xưa, tinh thần tự hào dân tộc rất mạnh; từ một em bé đến người dân thường. Nhưng lòng tự hào dân tộc đó đã mềm yếu đi. Như Lê Công Định đã nói, do trí thức mềm yếu nên không đòi được tự do, nhà cầm quyền mềm yếu, ươn hèn trước Trung Quốc nên mất đất, mất biển, mất đảo. Lãnh đạo của bộ chính trị hiện nay lộ bộ mặt ra là người trị những người chống bành trướng. Ví dụ cô Pham Thanh Nghien, những người trong miền Nam biểu tình trước Đại Sứ Quán chống sự xâm chiếm HS-TS thì bị công an đánh đập và bắt đi. Ai đấu tranh cho độc lập tự do đây? Ai biểu hiện tinh thần tự chủ, bênh vực lãnh thổ bất khả xâm phạm của ta đây? Thì giữa Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung với bộ chính trị trên lập trường đó thì ai đúng ai sai? Ai hơn ai kém? Ai yêu nước hơn ai? Ai có tâm huyết với tổ quốc hơn những người ươn hèn kia?
Ở Việt Nam, trước kia kinh tế là mậu dịch quốc doanh, nên gạo ẩm mốc cũng phải mua, nước mắm có vòi thối cũng đành chịu vì không có lựa chọn. Bây giờ thì tự do kinh tế, cho người dân tự do buôn bán, ta có thể chọn giữa hàng trăm thứ gạo … Về chính trị cũng như thế, khi mỗi công dân có quyền lựa chọn người thay mặt mình, thì lúc ấy nền chính trị mới tìm ra được nhân tài, có ganh đua. Không có gì tệ hại bằng độc quyền chính trị.
Vừa qua LHQ công bố, Việt Nam không có mặt trong các nước dân chủ mà lại có mặt trong danh sách 12 nước độc đoán nhất thế giới. Cái này người Việt mình phải coi là cái nhục, mà nó là cái lạc hậu gốc do độc đảng chính trị mà kinh tế không thể phát triển lên được. Cho nên yêu cầu của nhóm Harvard ở Hà Nội là giải quyết hệ thống cơ bản tức là thay cái gốc của hệ thống chính trị, từ độc đoán sang dân chủ toàn dân, từ dân chủ kinh tế sang dân chủ chính trị. Vì không có dân chủ chính trị nên người ta gọi chế độ kinh tế hiện nay là chế độ kinh tế cánh hậu hay là bè phái. Tức là không phục vụ cho giai cấp nào cả mà là một nền kinh tế kì quặc phục vụ cho nhóm lợi ích, chỉ một số người quen biết nhau, tạo ra quan hệ riêng có lợi bảo vệ cho nhau, hoàn toàn không có lợi cho toàn dân. Cho nên cái đạo đức kinh tế, đạo đức đơn thuần xuống rất thấp.
Theo tôi người dân trong nước cũng nhận thức được nguồn gốc cơ bản của sự lạc hậu. Thu nhập trên đầu người đứng thứ 158/199. Tự do báo chí thì 166 /177 nước. Mức độ giáo dục khoa học càng tệ. Đảng Cộng Sản thường tự hào nhưng nhìn lại thì mình thấp trên tất cả các mặt so với người khác.
Quay lại về xử án các nhà dân chủ sắp đến, tôi nghĩ rằng họ đang toan tính thế nào để có thể vừa đủ đe dọa và cũng vừa đủ xoa dịu cái phong trào. Họ không thể thẳng tay và cũng không thể tha bổng, vì như thế thì mất mặt quá. Nhưng ra tay cũng không thể quá đáng vì quốc tế đang nhìn vào họ. Hiện nay công luận đã khá lên, những người quan tâm cũng nhiều hơn trước. Nên tôi cho rằng Đảng Cộng Sản đang tính đường để tồn tại, để con đường đi đến đại hội đảng không quá khó khăn cho họ.
Việt Quốc: Cám ơn bác đã cho bọn cháu buổi phỏng vấn này. Xin bác cho thanh niên một lời khuyên. Theo bác năm 2010 những thanh niên như bọn cháu nên làm gì để đóng góp xây dựng đất nước?
Bùi Tín: Thanh niên là một lực lượng rất mạnh. Tôi chỉ ước rằng mình có thể trẻ lại 30 tuổi. Từ lâu tôi rất quý trọng tuổi trẻ và đặt niềm tin vào đó. Nên từ khi ra nước ngoài 1940, cuốn sách đầu tiên « Hoa Xuyên Tuyết » là tôi viết tặng tuổi trẻ Vn, cuốn « Mặt Thật » cũng thế, thay mặt cho thế hệ đi trước, công thì ích, lỗi lầm thì nhiều, nên phải xin lỗi tuổi trẻ vì chúng tôi ăn phải những bã xấu, tiếp thu lầm lẫn về chủ nghĩa CS, và bây giờ nhận ra rằng đó là con đường lầm lạc, phải dứt khoát từ bỏ. Đến những cuốn sách gần đây tôi cũng tặng cho tuổi trẻ, vì lớp trẻ sẽ kế thừa lớp chúng tôi, huống gì hiện này các bạn được tiếp thu nguồn văn hóa thế giới, chất mật ong của nền văn hóa chính trị. Các bạn đi du học là một dịp để mở mắt, phải tận dụng để so sánh với nước mình để mình không thua kém những nước khác. Mình phải có khí phách để luôn đặt câu hỏi « tại sao » và từ đó đi đến ý tưởng thôi thúc cống hiến. Phải có khí phách dấn thân, một cách thông minh chứ không mù quáng, bằng những phương tiện mình có được, không sợ cường quyền, phải có một dũng khí và tư duy độc lập, luôn đặt ra nghi vấn và tìm tòi để được sáng tỏ. Tư duy độc lập là điều quan trọng nhất mà thanh niên cần có.
Sau đó phải có một định hướng rõ ràng về hoạt động. Khi đã chọn thì phải quyết tâm dấn thân, và không sợ gì cả, phải lấy nhân dân dân tộc mình là cái đích để mình phục vụ. Theo tôi thì dấn thân cao nhất là cứu nước, và cứu nước cao nhất là dân chủ đa nguyên. Đó là gốc chìa khóa để thay đổi hệ thống, kịp với các nước khác. Bỏ tiền về đầu tư chẳng hạn, chỉ là thứ yếu. Bạn phải cần tìm ra cái sâu sắc nhất, gốc rễ nhất.
Việt Quốc: Thay mặt anh em Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ, cám ơn bác đã cho anh em Tập Hợp một buổi nói chuyện thật thú vị. Xin chúc bác thượng thọ để có thể cho mọi người những bài viết hay hơn nữa. Và mong rằng những dự đoán của bác sẽ trở thành hiện thực.
Bùi Tín: Tôi cũng gửi lời thăm Nguyễn Tiến Trung, tôi tin ở Trung, xin chúc cho Nguyễn Tiến Trung ra toà thật đường hoàng đĩnh đạc, nói lên sự thật, tất cả những gì mình nghĩ với khí phách của một thanh niên thời đại mới, và cũng chúc cho các bạn của Trung cũng như thế.


(Thanh Nguyên biên tập)



No comments:

Post a Comment