Monday, January 4, 2010

KHI SĨ PHU NGOẢNH MẶT

Phỏng vấn cuối năm
KHI SĨ PHU NGOẢNH MẶT

Cát Khuê (thực hiện)
blog Cát Khuê
Thursday, December 31, 2009
http://www.catkhue.com/2009/12/phong-van-cuoi-nam.html

Tôi có bớt đi một vài câu hỏi, do thấy đã nói nhiều lần rồi, hoặc có thể hơi quá vụn vặt. Và tôi đã nói thẳng, tùy các bạn cân nhắc. - Nguyên Ngọc –

Hội nhập văn hóa “về hình thức” là gì, thưa ông? Việc chúng ta rất hãnh diện với các loại hình văn hóa phi vật thể được thế giới công nhận trong đó có ca trù được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO có là bình thường không, thưa ông?
Nguyên Ngọc : Tôi không hiểu lắm mấy chữ “về hình thức” trong câu hỏi. Hội nhập thì bao giờ cũng là hội nhập về thực chất, sao lại có chuyện “về hình thức”? Nhưng nhân đây có thể nói một điều theo tôi là cần thiết và quan trọng. Tôi thấy hình như chúng ta thường không hiểu đúng và không nói đúng về hội nhập, bàn về hội nhập chúng ta thường nói đến chuyện du nhập hay không du nhập cái này cái nọ vào xã hội, vào đời sống văn hóa của ta. Và rồi tranh cãi về những cái đó. Hoặc lo lắng hội nhập thì được gì, mất gì…
Nghĩ như vậy thì hẹp và đúng là “hình thức” quá, lúng túng, rối ren, và chẳng có ý nghĩa gì nhiều. Có lẽ cần đặt vấn đề một cách khác. Chắc cũng có thể nói một cách đơn giản, dễ hiểu, mà lại cơ bản hơn: hội nhập nghĩa là cố gắng sống được một cách văn minh cho bằng thiên hạ bây giờ, và theo cách của mình.
Có thể như thế được không? Theo tôi là có. Vì ta từng sống văn minh. Vừa rồi tôi sang Lào, đi khắp từ nam đến bắc, gần như tuyệt đối không hề nghe thấy tiếng còi ô tô. Người lái xe, đến ngã tư bao giờ cũng từ tốn dừng lại, nhìn trước nhìn sau, nhường đường cho người khác, nhẹ nhàng và đúng luật. Tôi nghĩ trong một chuyện nhỏ đó có cả hai mặt: họ biết thực hiện giao thông hiện đại một cách văn minh, và sự từ tốn văn minh đó lại cũng bắt nguồn từ tính chất dân tộc ôn hòa lâu đời. Vậy đó, họ đã hội nhập hơn ta nhiều, họ tự nâng mình lên đến trình độ giao thông văn minh của thế giới trên cơ sở bản tính tốt đẹp truyền thống của dân tộc. Thật đáng buồn, chắc ai cũng hiểu không biết đến bao giờ ta mới “hội nhập” được cho bằng họ, chẳng hạn về mặt này! Ở đây có chuyện tương tự như trong kinh tế: muốn thu hút được nhiều vốn tốt bên ngoài thì ta cũng phải có “vốn đối ứng” mạnh. Chính vì vốn đối ứng văn hóa của ta đã bị suy sút nặng nề nên ta rất lúng túng về hội nhâp, vừa lạc hậu vừa yếu, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ, và lại rối ren trong tiếp nhận
Vui vì Quan họ hay Ca trù được công nhận là di sản văn hóa thế giới cũng tốt thôi, chẳng tội tình gì. Nhưng từ trong một chiếu ca trù tinh tế đến từng miếng gõ sanh tuyệt diệu … để rồi vừa bước ra khỏi cửa đã gặp và lao ngay vào cuộc giao thông hỗn hào trên đường, thì lẽ ra càng đáng xấu hổ hơn, chẳng có gì để mà hãnh diện!
Tôi nghĩ cũng có thể nói vấn đề của ta hiện nay là thế này: những cái tinh tế, tuyệt vời được nâng niu như Quan họ, Ca trù (mà ta đem khoe với thế giới) đang rơi lọt thỏm vào một biển văn hóa xã hội hỗn hào!

Không ít lần ông đã phải đau lòng đến mức nói rằng “thực trạng văn hóa đang xuống cấp”, ông nhìn thấy ở năm 2009 những điều cụ thể nào minh chứng cho sự đau đớn ấy?
Nguyên Ngọc : Những “đau lòng” trong năm 2009 cũng chẳng có gì mới hơn đâu, vẫn tiếp tục và chỉ có nặng thêm hơn thôi. Vấn đề không phải chỉ là ở những biểu hiện cụ thể, báo chí hằng ngày dù đã “được” kiềm chế, cũng đã phơi ra vô vàn. Vấn đề là xem ra tốc độ xuống dốc ngày càng tăng, và chưa thấy có bất cứ dấu hiệu nào có thể kìm hãm hoặc thậm chí làm chậm lại đôi chút.
Cần chú ý điều này: có người đã nói đến nguyên nhân ở “lỗi thiết kế”. Tức là ở hệ thống chứ không chỉ ở cái cụ thể. Có một điều gì đó không ổn ở trong hệ thống. Nếu không làm sao giải thích xu thế và gia tốc vừa nói?
Xin nói chẳng hạn một ví dụ về giáo dục. Vừa rồi trong một cuộc hội thảo có người đã nêu hiện tượng: hầu hết những người đang làm việc trong ngành giáo dục mà tương đối có điều kiện đều cho con mình ra học ở nước ngoài, ngay cả ở cấp phổ thông. Trong khi đó họ chăm chú, cần mẫn, ráo riết đem nền giáo dục mà chính họ chối bỏ cho con cái mình áp đặt cho con cái tuyệt đại đa số nhân dân không có được điều kiện như họ. Nói thế nào đây về chuyện này, nếu không phải là một sự thách thức, một sự bất lương công khai?

Nhưng cũng sẽ có những điểm sáng đáng mừng chứ, ông nhận thấy ở giới trẻ người Việt hôm nay những đốm sáng lấp lánh nào để thế hệ ông “an lòng” không?
Nguyên Ngọc : Tôi đã có lần nói, và xin nói lại: tôi không mất lòng tin ở lớp trẻ. Theo tôi, nhìn chung họ đang phản kháng lại nền giáo dục tệ hại đang được áp đặt cho họ (nền giáo dục mà chính những người làm giáo dục đang chối bỏ cho con cái mình). Bằng nhiều cách, công khai hay im lặng. Ngay cả các em đang hư hỏng cũng là một cách biểu hiện phản kháng, nói theo cách nào đó đấy cũng là tích cực. Tích cực một cách đáng buồn!
Tội là ở chúng ta.
Trong bất cứ xã hội nào, giáo dục bao giờ cũng là cái nền. Lỗi ở giáo dục thì thuộc lỗi hệ thống. Có điều rất lạ: cho đến nay Bộ Giáo dục& Đào tạo vẫn nhất quyết không chịu cải cách giáo dục, chỉ kiên trì làm cái “chiến lược” cũ kỹ què quặt của họ thôi.
Trong khi đó tôi đã biết một số môi trường, tiếc là còn rất ít, nơi tạo được một không khí cởi mở, lành mạnh, trí thức. Ở đấy tôi đã gặp một số bạn trẻ, chỉ cần môi trường đó thôi, gặp nó họ như được giải phóng, bộc lộ tiềm năng hóa ra là rất phong phú, họ bổng khác hẳn, tự chủ, tự tin, tự do, đầy sức sống, đầy khát khao. Rất đáng trách là những môi trường như vậy đang bị ngăn cản và thu hẹp.

Những người làm văn hóa ở Việt Nam có đang thực sự tham dự vào mỗi biến chuyển của đất nước hôm nay không, theo ông?
Nguyên Ngọc : Đã là người làm văn hóa chân chính thì đều khát khao tham gia – chứ không phải chỉ tham dự – vào biến chuyển tốt đẹp của đất nước. Vấn đề là tự do cho sự tham gia, cống hiến đó. Tất nhiên ở đâu cũng có kẻ tốt người xấu, người chân chính kẻ cơ hội. Có điều đáng chú ý: khi những người chân chính, thẳng thắn, cương trực bị dẹp đi, thì đám cơ hội mọc lên nhiều, những kẻ làm văn hóa dỏm, chẳng bao giờ thiếu, sẽ trổi dậy như nấm.
Gần đây có hiện tượng rất đáng lo: một số người vốn rất có trách nhiệm, là trí thức lớn của đất nước, đã tỏ ra chán nản, thậm chí tuyên bố sẽ im lặng. Đó là điều mà Lê Quý Đôn xưa đã gọi là “sĩ phu ngoảnh mặt”. Là dấu hiệu báo động. Vậy mà người ta đang điếc với cả báo động đó!

Năm 2010, chúng ta sẽ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, trước đó đã có rất nhiều những hoạt động khác nhau để chuẩn bị chào mừng như con đường gốm sư, phim Lý Công Uẩn, Trần Thủ Độ… Ông có nhìn nhận gì về những hoạt động đó? Có phải đại lễ này chưa đến nhưng đang như “một miếng giữa làng” không, thưa ông?
Nguyên Ngọc : Cho tôi nói thật: tôi không quan tâm nhiều lắm đến những hoạt động “đại lễ” ấy. Những vấn đề gốc rễ của văn hóa không giải quyết trong và bằng các đại lễ. Tôi cũng chẳng phản đối, tất nhiên, nhưng thôi thì cứ làm đi, vừa vừa thôi, đừng “đại” quá, dành tiền và nhất là dành suy ngẫm, tâm huyết cho những bài toán lớn, sâu hơn nhiều đang chưa có lời giải. Chẳng hạn bài toán giáo dục, chìa khóa của mọi bài toán lớn nhỏ khác.

Ông chờ đợi gì ở những khởi sắc cho văn hóa dân tộc trong năm 2010 với những vận hội và đại lễ lớn?
Nguyên Ngọc : Không bao giờ nên chờ “khởi sắc văn hóa” trong một năm, dù là năm nhiều “đại lễ”. Và đại lễ với vận hội thì có liên quan gì với nhau?
Những vấn đề văn hóa luôn luôn là những vấn đề dài hạn. Như vấn đề “thiết kế” nói trên.

Trân trọng cảm ơn ông.



No comments:

Post a Comment