Họp mặt thuyền nhân Philippines
Nguyên Huy/Người Việt
Saturday, January 02, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106375&z=1
GARDEN GROVE (NV) - Gần 200 đồng hương thuyền nhân trong số 1,500 người từ “làng Việt Nam” ở Philippines tới Hoa Kỳ vào năm 2005, vừa có cuộc gặp mặt nhau lần thứ 5 tại công viên Garden Grove Park, vào sáng hôm Thứ Bảy đầu năm.
Các thuyền nhân Việt Nam đến từ Philippines họp mặt lần thứ 5 tại Hoa Kỳ.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/106375-medium_DP-090102-TiNanPhi%201.jpg
Anh Trần Tấn Cư, người từng mổ bụng tranh đấu đòi quyền định cư đến 2 lần tại các trại định cư trên đất Phi.
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/articlefiles/106375-medium_DP-090202-TiNanPhi%202.jpg
Anh Hào Nguyễn, người đứng ra tổ chức cuộc họp mặt năm nay cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng có cuộc họp mặt vào đầu năm Dương lịch để cùng ôn lại những tháng năm sống mất hy vọng tại Philippines. Và cũng là để nhớ đến công ơn của cộng đồng mình, của các anh Luật Sư Trịnh Hội, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, nhà báo Du Miên và hàng trăm người đã đứng ra tranh đấu cho chúng tôi được tái định cư ở Úc, Canada và Hoa Kỳ”.
Trong ánh sáng ấm áp của ngày mùng 2 Tháng Giêng đầu năm 2010 tại công viên Garden Grove, gần hai trăm anh chị em vừa được định cư tại Hoa Kỳ vào năm 2005 sau khi đã phải lê lết cuộc sống vô định ở Philippines đến cả chục năm trời, ai nấy đều náo nhiệt tìm lại nhau thăm hỏi. Trên nét mặt mọi người nay đều tỏ ra hân hoan vui sướng. Cô M. Lý cười nói: “Chú ơi, ở đây mà có khổ vì công ăn việc làm thì cũng chỉ là hạt bụi hạt cát so với những ngày phải lưu lại ở đất Phi”.
Theo anh Hào Nguyễn cho biết thì đa phần anh chị em đều đã tương đối ổn định được cuộc sống. Nghề chính mà anh chị em theo nhiều là ngành Nail. Nhiều người cũng cố gắng đi học lại và cũng đã tốt nghiệp qua các đại học cộng đồng cả, tuy không cao cấp gì nhưng cũng là cái bằng của học thức.
Anh Nguyễn Văn Huyên vui vẻ khoe: “Những ngày còn ở Philippines, nhìn lũ con trẻ trong làng mà cám cảnh nao lòng, những tưởng chỉ mong cho chúng được thành thợ thuyền kiếm được công ăn việc làm là mãn nguyện rồi. Nào ngờ đến được Mỹ, nay thì chúng được ăn học khá cả”.
Vào lúc 11 giờ, Luật Sư Trịnh Hội tới, rồi nhà báo Du Miên cũng có mặt và tiếp tới là Luật Sư Nguyễn Quốc Lân. Mọi người ùa nhau tới chào đón những ân nhân đã hết lòng tranh đấu cho thuyền nhân kẹt lại ở Philippines được đi định cư hết tại các nước Úc, Canada và Hoa Kỳ.
Nhắc lại chuyện xưa thì sau khi các nước tự do trên thế giới đã mệt mỏi tiếp nhận thuyền nhân Việt Nam tị nạn, cơ quan Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã đóng cửa các trại tiếp nhận thuyền nhân và giải quyết số tồn đọng bằng những cuộc thanh lọc khá khắt khe khiến cả hàng chục ngàn người không tới được các nước thứ ba để định cư. Số người không qua được thanh lọc bị buộc phải hồi hương trở về Việt Nam, ai có đủ điều kiện thì đi theo thủ tục ODP đặc biệt. Nhưng đa số người kẹt lại vì rớt thanh lọc đã cương quyết không trở về Việt Nam dù các lực lượng an ninh nơi các trại tạm cư lưu giữ hàng ngàn người đã dùng những biện pháp trấn áp, buộc phải hồi hương. Nhiều cuộc biểu tình nổ ra trong những trại tạm cư này.
Máu đã đổ trong những cuộc tranh đấu đòi quyền sống, đòi quyền được chọn nơi sinh sống. Ðể cuối cùng hơn 2,000 người được ở lại đất Phi nhưng trong hoàn cảnh rất khó khăn vì chính phủ Phi không thể cưu mang được nữa. Người Việt tị nạn khắp nơi đã cùng nhau tiếp trợ gom góp tiền bạc để lập được một “Làng Việt Nam” trên đất Phi nhưng cũng không giải quyết được cuộc sống cho những thuyền nhân này. Sau cùng với những nỗ lực của các tổ chức tranh đấu trong đó tích cực nhất là các luật sư Trịnh Hội, Nguyễn Quốc Lân, nhà báo Du Miên liên tục đi vận động hết chính phủ Úc lại đến chính phủ Canada và Hoa Kỳ, số 2,000 thuyền nhân kẹt lại hàng chục năm trên đất Phi được các chính phủ Úc, Canada và Hoa Kỳ tiếp nhận.
Trong buổi họp mặt năm nay của anh chị em thuyền nhân đến từ Philippines, phóng viên Người Việt có được gặp anh Trần Tấn Cư, người đã hai lần mổ bụng tự sát và một lần uống thuốc ngủ tự tử để tranh đấu đòi hỏi quyền được sống tại các nước tự do cho mọi người kẹt lại.
Anh kể: “Tôi ra đi từ saigon ngày 4 tháng 6 năm 1990, được tàu hải quân Mỹ vớt khi lênh đênh trên biển cả và được đưa về Subic Bay rồi chuyển sang các trại tạm cư ở Phi. Sau nhiều lần thanh lọc rất bất công vì những người Phi phụ trách việc thanh lọc có nhiều người tham nhũng mà tôi thì không có tiền bạc của cải gì nên bị rớt hoài. Vào tháng 9 năm 1993 có lệnh ai bị rớt thanh lọc, phải trở về Việt Nam chờ xin đi ODP đặc biệt. Chúng tôi cương quyết ở lại, nhất định không trở về dù bị các lực lượng an ninh trấn áp. Quá uất hận và cũng vì mong cho bà con được thoát cảnh này, tôi quyết định hy sinh thân mình vì nghĩ rằng có sống mà phải trở về Việt Nam thì cũng như chết mà thôi vì sau năm 1975, gia đình tôi và tôi đã bị Cộng Sản đuổi đi kinh tế mới, gia đình tan nát cả, cứ lang thang sống dở chết dở. Sau ba lần tranh đấu bằng máu và nước mắt mà vẫn không có kết quả gì nhưng tôi tin rằng thế giới đã biết đến hoàn cảnh của chúng tôi. Thì kết quả đã tới, các luật sư Trịnh Hội, Nguyễn Quốc Lân và các tổ chức tranh đấu đã can thiệp cho chúng tôi thỏa được nguyện vọng được sống trên các miền đất tự do. Bây giờ thì cuộc sống có kham khổ thế nào chúng tôi cũng rất vui vì con em được học hành và ai nấy đều có cơ hội làm lại cuộc đời”.
Anh Trần Tấn Cư nay đang làm nghề Nail trên Los, có gia đình được hai con còn nhỏ, một lên 2 và một mới 4 tuổi, cuộc sống tương đối đã ổn định. Anh nói: “Tương lai của chúng tôi bây giờ đâu có quan trọng bằng tương lai của các con tôi nên hai vợ chồng tôi nguyện cố gắng cho hai con được ăn học đến nơi đến chốn”.
Cuộc họp mặt của gần 200 anh chị em đến từ đất Phi tuy không có biểu ngữ “Chào Mừng Quan Khách”, không có diễn văn, cũng chẳng có quan khách nào mà chỉ là những thân phận từng phải trải qua những tháng năm cùng khổ sống trong tuyệt vọng tìm lại nhau để chia sẻ niềm vui tái sinh đồng thời cũng để nhắc nhở nhau những ân tình của đồng bào hải ngoại cụ thể qua các ân nhân Trịnh Hội, Nguyễn Quốc Lân, Du Miên và hàng trăm người đã tích cực góp sức trong cuộc tranh đấu cho thuyền nhân Việt Nam kẹt lại ở đất Philippines.
No comments:
Post a Comment