Monday, January 4, 2010

CÔNG NHÂN XUẤT KHẨU BỊ LỪA DỐI NGAY TỪ VIỆT NAM

Công nhân Việt ở Malaysia: Bị lừa dối ‘ngay từ Việt Nam’
Ðông Bàn/Người Việt (từ Kuala Lumpur)
Sunday, January 03, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=106384&z=1
MELAKA, Malaysia (NV) - “Thì làm ruộng chứ làm gì nữa!” Chị Ðợi nói với chúng tôi, mắt tròn xoe, như thể rất ngạc nhiên trước câu hỏi: “Chồng chị ở Việt Nam làm gì?” Chị Ðợi là một trong số hàng ngàn công nhân Việt Nam đang làm việc tại thành phố Melaka. Thành phố này nằm ở phía Nam Malaysia, bên bờ Tây bán đảo Malay cách đảo Sumatra của Indonesia bằng một eo biển nhỏ, tên thành phố được đặt cho eo biển Malacca.
Mà dường như ai cũng ngạc nhiên khi chúng tôi hỏi “vợ/chồng của anh/chị làm nghề gì tại Việt Nam.” Ðôi khi, hoàn cảnh khiến những chuyện bình thường không còn bình thường nữa! Chẳng hạn, chúng tôi hỏi anh Tới, một công nhân cũng đang làm việc tại Melaka: “Anh có gia đình chưa?” “Có rồi, vợ và một con ở Ðịnh Quán.” “Vợ anh làm gì?” Anh nhìn chúng tôi, ánh mắt hơi ngạc nhiên, rồi cười cười: “Ở nhà có ba con heo nái!”
Chúng tôi tiếp xúc với vài chục nam nữ công nhân Việt Nam tại Melaka trong hai ngày 29 và 30 tháng 12, 2009. Chúng tôi gặp để tìm hiểu về cuộc sống của họ; để rồi, chính chúng tôi cũng phải tự hỏi: tại sao họ ra đi, và tại sao họ vẫn chưa về lại Việt Nam?
Ðôi trai gái mà chúng tôi để ý nhiều nhất, và hỏi chuyện nhiều nhất là Triều và Phượng. Hai người, vừa qua tuổi đôi mươi, gặp nhau tại một nhà thờ Tin Lành ở Malaysia, và họ yêu nhau. Cả hai đều rất đẹp và thông minh. Nhìn họ, chúng tôi tự hỏi: Tại sao họ ra đi, và tại sao họ vẫn chưa về lại Việt Nam?
Chính họ, cũng như nhiều công nhân Việt Nam khác, không trả lời được câu hỏi này. “Sống cực khổ như thế này, em nghĩ sao?” Triều yên lặng, rồi nói: “Bọn em hay bảo nhau, cứ nhìn xuống, đừng bao giờ nhìn lên cả.”

***

Căn nhà đầu tiên mà chúng tôi ghé thăm đêm 29 tháng 12 là nhà của Triều. Nhà có sáu người, gồm cả hai công nhân Miến Ðiện. Căn phòng chung, không bàn, không ghế, chỉ có một chiếc tivi. Mọi người ngủ trong ba căn phòng nhỏ. Mấy căn phòng nhỏ, nhỏ đến nỗi, các công nhân phải kê giường tầng, để tiết kiệm không gian.
Nhà bếp, gắn liền với cầu tiêu, lúc nào cũng lấp xấp nước. Ði không khéo, có thể té vỡ mặt. Các bồn rửa mặt và rửa tay thì phải có thau hứng bên dưới. Nước dơ không đi vào ống cống, mà xuống các thau, rồi mang thau đi đổ.
Căn nhà được sáu người thuê chung, giá khoảng 200 RM, đơn vị tiền tệ Malaysia.
Bữa cơm tối có 10 người ăn. Triều đưa chúng tôi ra siêu thị. Chúng tôi đề nghị được chiêu đãi tất cả mọi người. Về nhà, Triều nói: “Cả đời em chưa bao giờ đi chợ nhiều như hôm nay.”
Bữa cơm có mặt của Ðịnh, một công nhân sống ở nhà khác, đến chơi. Ðịnh gốc người Hà Nội, âm thầm như một chiếc bóng. Ai nhờ mở tivi, Ðịnh mở tivi. Ai than âm thanh nhỏ, Ðịnh vặn lớn lên. Ðến khi có người than lớn quá, Ðịnh với tay lấy chiếc “remote control,” vặn nhỏ lại.
Bữa cơm tối có bia. Mọi người uống bia, trong khi Tới thú thật: “Thường thì bọn em uống rượu tự nấu bằng bột nở và đường.”
Chuyến đi xa khá mệt, tính ngả lưng ngay sau bữa ăn, thì Ðịnh lên tiếng: “Em mời mấy anh sang nhà chơi.”
Triều cười, giễu: “Các anh nên sang thăm nhà của Ðịnh, để biết thế nào là nhà.”
Nhà Ðịnh cách nhà Triều khoảng 100 thước. Cả bọn đi bộ trên các con đường cổ xưa của thành phố vốn là thuộc địa Bồ Ðào Nha hồi mấy trăm năm trước.
Không biết có nên gọi căn nhà của Ðịnh là nhà không. Nếu nhà là một công trình có bốn vách, bên trên có một cái trần, và một trong bốn vách có khoét cái lỗ gọi là cửa, thì nhà của Ðịnh đúng là... nhà: Bốn vách bằng tôn, trần nhà bằng tôn, và có cả một cái cửa.
Ðịnh mời mọc: “Các anh vào nhà chơi.” Chúng tôi nhìn trước nhìn sau, thầm nghĩ: “Làm sao mà vào?” Bên trong căn nhà là một tấm nệm, nóng hầm hập, và tấm nệm ấy chiếm toàn bộ diện tích. Tất cả các đồ đạc khác được treo vòng vòng trên bốn vách tôn.
Nếu đây là một cái nhà, thì chủ nhà phải là người rất hiếu khách. Ðịnh loay hoay pha nước, lại mời: “Các anh vào nhà chơi, dùng nước.”
Chúng tôi xin phép về sớm vì còn nhiều nơi phải đi. Chúng tôi về sớm còn vì một lý do khác: căn nhà nóng quá.
Ngoài cái nóng của khí hậu, căn phòng lại nằm sát một phòng hấp cửa sắt sau khi sơn. Chủ nhà nói rằng, bên trong phòng hấp ấy, buổi tối nhiệt độ chỉ còn... 170 độ C. Cách nhiệt có tốt đến đâu, căn nhà của Ðịnh cũng không thoát khỏi cơn nóng từ căn phòng chỉ cách có một sải tay.
Cũng còn một lý do khác để ra đi: Tối hôm ấy, Hoàng, bạn cùng nhà với Ðịnh, có bạn gái ghé thăm. “Nhà có hai đàn ông. Người nào có bạn gái đến thăm thì người kia phải đi ngủ lang.”
Hôm ấy, Ðịnh sang ngủ lang tại nhà Triều, cùng với chúng tôi.
Rời nhà Ðịnh, chúng tôi sang một căn nhà khác, đặc biệt không kém. Một người dặn trước: “Các anh đến một tý thôi, để các chị ngủ sớm, ngày mai đi làm.”
Ðó là căn nhà của 30 nữ công nhân Việt Nam, những người “đi làm từ 8 giờ rưỡi sáng đến 10 giờ rưỡi tối, và hơn hai năm nay chưa được nghỉ một ngày.”

***

Trời nóng, mà chị Phương ra đón chúng tôi lại mặt áo len. “Người em cứ sốt, lại khàn giọng và ho.” Chị Phương lộ vẻ lo lắng. Chúng tôi bước vào nhà, các nữ công nhân đã treo mùng, đã đắp mền, chuẩn bị ngủ.
Có khách, các chị lao xao; người thì từ trên cầu thang, nhìn xuống chào một tiếng; người thì loay hoay trở mình ngồi dậy. Người đầu tiên mà tôi tiếp chuyện là chị Ðợi, có vẻ lớn tuổi nhất trong nhà. Chị cho biết đã có chồng và ba con, sống tại Thanh Hóa.
“Chồng chị làm nghề gì?” Tôi hỏi.
“Thì làm ruộng chứ làm gì nữa!” Chị trả lời, mắt tròn xoe.
Căn nhà này đúng nghĩa là nhà: hai tầng, bê tông hẳn hoi. Nhưng, nhà có phải là nhà không, còn tùy cách ở. Trong toàn bộ diện tích này, các chị, các cô chia ra thành 30 phần không gian, đặt vào đó 30 chiếc giường. Căn nhà này chỉ dùng để ngủ.
“Cũng may, mới có 16 người về nước, nay chỉ còn lại 14 người.” Chị Phương giới thiệu.
“Mọi người đi làm từ 8 giờ rưỡi sáng đến 10 giờ rưỡi tối. Về mới bắt đầu cơm nước. Có hôm mệt quá, ăn đại mì gói hay bánh mì. Có khi chẳng ăn gì, cứ để bụng đói nằm lăn ra ngủ.”
Có một dãy tủ được dựng dọc theo tường. Một người cho biết xuất xứ, mấy cái tủ ấy được các chị vớt về trong cơn lũ vừa qua. “Cũ người, mới ta!”

***

Hình như ai cũng có một điều gì đó để thắc mắc, mà không thể tự trả lời. Họ thắc mắc, vì nhiều điều trong hợp đồng lao động không được tôn trọng. Và họ là phía chịu thiệt thòi.
Chị Phương là một ví dụ. “Sốt và ho triền miên, nhưng chỉ được khám bệnh qua loa, cho vài viên thuốc.”
Chị Phương làm việc gần ba năm tại một nhà máy giấy.
Anh Ðịnh là một ví dụ khác. “Phía chủ nói sẽ cung cấp chỗ ở.” Và cái căn nhà 5 vách tôn, nóng hầm hập ở ngay xưởng làm việc ấy, là chỗ ở mà người ta cung cấp.
Hợp đồng thì nói mỗi tháng làm việc 26 ngày, ngày tám tiếng, lương 20 RM/ngày. Tiền phụ trội trước sau gì cũng bị trừ đầu này, đầu nọ. Làm thêm mà thu nhập cứ như làm bình thường.
Giới chủ thì vẫn tiếp tục trừ mỗi tháng từ 100 đến 150 RM tiền “thuế lao động,” trong khi luật mới đã bãi bỏ thuế này từ hơn nửa năm nay.
Và hộ chiếu của tất cả công nhân đều “được” giới chủ “giữ giùm.”
Với điều kiện sống như vậy, tại sao họ không về nước? Tại sao vẫn có người tiếp tục từ Việt Nam sang đây?
“Có nhiều ràng buộc.” Các công nhân cho biết.
Hợp đồng lao động kéo dài ba năm, bỏ việc trước khi hợp đồng hết hạn thì trước mắt là mất số tiền lên đến 20 triệu đồng, đã đóng trước cho các công ty môi giới tại Việt Nam.
Bỏ việc, đồng nghĩa mất số tiền $350 chi phí cho môi giới Malaysia, mà chi phí này lại do chính phủ Việt Nam ra “công văn hướng dẫn.”
Bỏ việc tức là mất thêm $300 nữa, tiền “phí quản lý” mà môi giới Việt Nam “tạm thu” theo một nghị định do chính phủ Việt Nam ban hành.
Bỏ việc tức là mất cả tiền vé máy bay, mất luôn chi phí xin visa.
Một công nhân còn nói: “Cho dầu làm hết hợp đồng, trở về nước đúng luật, đòi số tiền đặt cọc trước đó, cũng có được đâu.”
Một bản hợp đồng do công ty môi giới Việt Nam ký với người lao động cho thấy, người lao động bị đẩy vào thế bị động trong mọi tình huống, từ trước khi họ lên máy bay, sang Malaysia làm việc.
Chúng tôi hỏi Triều, rằng trước khi sang Malaysia làm việc, anh có đọc kỹ hợp đồng không. Anh nói:
“Người ta ấn vào tay bọn em bản hợp đồng chỉ 15 phút trước giờ máy bay cất cánh.”
“Bọn em bị lừa dối rất nhiều.” Triều kết luận.
“Lừa dối rất nhiều,” chúng tôi hỏi, “nếu phải chọn ra sự lừa dối lớn nhất, thì đó là đâu?”
Triều trả lời, không chút đắn đo: “Ngay từ Việt Nam!”

***

Phóng sự dưới đây do phóng viên Ðông Bàn thực hiện nhân chuyến sang Malaysia tham dự Hội Thảo của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Ðộng Việt Nam, được tổ chức trong hai ngày 28 và 29 tháng 12, 2009. Vì sự an toàn của người lao động, danh tánh các công nhân trả lời phỏng vấn đã được thay đổi.

Chuyến đi Malaysia của Ðông Bàn được bảo trợ bởi:
Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên
Phó khoa trưởng Học Vụ, Ðại Học Luật Khoa Lincoln - San JoseVăn phòng chính tại:
1569 Lexann Ave., Suite 132
San Jose, CA 95121
Tel: 408-528-7668
Website:
www.duyenlaw.com

Luật Sư Nguyễn Hoàng Duyên sẽ mở văn phòng tại quận Cam trong thời gian sắp tới.


Ôi, những nụ cười
Ts. Nguyễn Đình Thắng
Saturday, January 02 @ 22:38:43 EST
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1770
Khi nói về công nhân đi lao động, người ta thường chỉ nghe những lời than, những tiếng cầu cứu; người ta chỉ nói về những người chủ nhẫn tâm bóc lột, ức chế, và ngược đãi người làm công. Hôm nay tôi muốn nói về một ngưòi chủ tử tế, người quản lý nhân từ và những nụ cười hạnh phúc của công nhân.

XEM TIẾP TẠI :
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1770


No comments:

Post a Comment