Sunday, January 31, 2010
BÀN VỀ CƠ HỘI
Bàn về cơ hội
Hồng Nga
2010-01-31, 7:46
http://www.bbc.co.uk/blogs/vietnamese/2010/01/ban-ve-c-hoi.html
Việt Nam đang phát triển từng ngày với thu nhập hôm nay cao hơn hôm trước. Nhưng điều đó chưa hẳn có nghĩa là người dân được hưởng cơ hội kinh tế ngang nhau.
Chúng ta ai cũng thích sự đổi đời. Từ xấu xí, tẻ nhạt trở thành xinh đẹp, hấp dẫn; từ nghèo khó, bần cùng thành giàu có, phong lưu - những câu chuyện như thể cổ tích luôn làm chúng ta mê mẩn.
Thế nên mới có hiện tượng Susan Boyle. Người xem chương trình Britain's Got Talent được tận mắt chứng kiến sự đổi đời như sâu hóa bướm của một cô gái già (Susan Boyle năm nay 49 tuổi) xứ Scotland.
Nhưng muốn đổi đời, thì phải có cơ hội. Susan Boyle phải cảm ơn Britain's Got Talent đã cho cô (bà?) một cơ hội trong đời.
Tôi là người tôn sùng sự công bằng trong cuộc sống.
Công bằng, theo định nghĩa của Ngân hàng Thế giới trong một phúc trình năm 2005, chính là "công bằng trong các cơ hội".
Phúc trình 'Công bằng và Phát triển' của World Bank nhấn mạnh: "Cơ hội đồng đều tức là sự thành đạt của một người phải do các nỗ lực, chọn lựa và tài năng của người ấy, chứ không do những hoàn cảnh có sẵn trước đó như chủng tộc, giới tính, nhóm xã hội, gốc gác gia đình và sinh quán của họ".
Chỉ có bình đẳng về cơ hội mới khép lại khoảng cách giàu nghèo, phân bổ tài sản xã hội một cách hợp lý cho người nghèo được hưởng lợi ích từ quá trình phát triển kinh tế.
Vậy cho nên, các bình luận mới đây của giới phân tích nước ngoài đã làm tôi lo ngại.
Con ông cháu cha
Một số cây viết khi nói về kinh tế Việt Nam đã nhắc nhiều tới cụm từ 'crony socialism', hay 'crony communism' .
Các cụm từ này dịch sang tiếng Việt có thể là chủ nghĩa xã hội/cộng sản thân hữu, nhưng tôi muốn dùng một định nghĩa đơn giản và bình dân hơn, là 'con ông cháu cha' (COCC).
Tác giả Bill Hayton, đồng nghiệp của chúng tôi nhận định rằng các manh nha tích lũy tư bản tại Việt Nam đang nằm trong tay số ít người và nền kinh tế đang biến thái "theo xu hướng thỏa mãn nhu cầu của số ít chứ không phải nguyện vọng của số đông".
Anh viết trong bài đăng trên tạp chí Foreign Policy của Mỹ: "Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản đang biến chủ nghĩa tư bản ở Việt Nam thành doanh nghiệp gia đình."
Một nhà bình luận khác, Greg Rushford, người từng theo dõi kinh tế Việt Nam hàng chục năm, thì còn cho rằng việc bỏ tù bốn nhân vật đối kháng hồi tuần trước tại TP Hồ Chí Minh cũng là một nỗ lực triệt tiêu rào cản trong cuộc làm ăn.
Triệu tiêu cơ hội cũng là triệt tiêu sự công bằng. Sự công bằng mà các nhà cách mạng, dù ở Việt Nam hay nước ngoài, luôn cổ súy.
Ông Võ Văn Kiệt có người con trai đi bộ đội chết trận, tướng Nguyễn Chí Thanh gửi con vào thiếu sinh quân... việc chia sẻ gánh nặng chiến tranh một cách đồng đều từng được các lãnh đạo Việt Nam coi như lẽ bình thường.
Thời nay, có vị lãnh đạo nào cho rằng con cái họ cũng nên chia sẻ những khó khăn thời bình cùng con cái của các đồng bào khác?
Tôi còn nhớ ái nữ của một vị tổng biên tập có tiếng trong nước từng nói trên báo rằng vị trí "con ông cháu cha" chỉ cho em một nền tảng vững để "đánh bại" hàng chục "đối thủ" trong một cuộc thi tài năng.
"Cơ hội luôn chia đều cho tất cả mọi người. Nếu có bạn không phải là con ông cháu cha chạnh lòng thì điều này tốt cho các bạn, nếu các bạn lấy đây là động lực để vươn lên."
Và nói rộng ra, hàng vạn thanh niên Việt Nam, cũng trẻ như em, chưa chắc đã nghĩ rằng cơ hội được chia đều cho mọi người.
Nghĩ thế nào được, khi bố mẹ các em còn phải chạy ăn từng bữa, và chính các em phải bỏ học để kiếm tiền, khi cơ hội duy nhất mà các em có thể đạt được trước mắt là vào làm công nhân trong một khu chế xuất?
Ông Hồ Chí Minh từng nói một câu, mà tương truyền là của Khổng Tử: "Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng, không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên".
Tác giả Bill Hayton trong bài viết nói trên thì cảnh báo: ""Mạng lưới xã hội chủ nghĩa theo kiểu con ông cháu cha đang trở thành đe dọa cho sự ổn định trong tương lai của Việt Nam."
Công bằng là khát vọng của xã hội. Và lòng dân sẽ không yên, khi mà thành quả cách mạng của toàn dân nay tập trung vào tay một số ít người.
Quý vị nghĩ thế nào về công bằng xã hội ở Việt Nam? Quý vị có được cơ hội mà mình mong muốn hay không? Xin bấm vào chữ Bình luận ở góc trên bên phải để chia sẻ với Hồng Nga.
No comments:
Post a Comment