Ai sợ và vì sao lại sợ Diển Biến Hoà Bình ?
Kami
http://nguoiduatinkami.wordpress.com/2010/01/30/ai-s%E1%BB%A3-va-vi-sao-l%E1%BA%A1i-s%E1%BB%A3-di%E1%BB%85n-bi%E1%BA%BFn-hoa-binh/
Bắt đầu bài viết với ý kiến của một thành viên thuộc thành phần yêu đảng trên Diễn đàn Hoangsa.org có nick phongvan177 đã viết “Độc lập của VN có còn không khi không chống Diễn biến Hòa Bình?”(1), để thông qua đó thấy được nhận thức của đa phần nhân dân trong nước có cái nhìn lệch lạc, thiếu chính xác với cụm từ “Diễn biến hòa bình”. Đồng thời qua đó thấy hiệu quả và sự nguy hiểm của công tác tuyên truyền của truyền thông nhà nước đã tạo được cho người dân ý thức không mấy thiện cảm với công cuộc vận động cho một nhà nước pháp quyền và một xã hội dân sự, mà thường bị chụp mũ là những ” nhân tố phản động, chống đối từ bên trong” với tội danh tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt nam hay hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.
Theo Từ điển bách khoa toàn thư Việt nam một cơ quan của nhà nước đã định nghĩa cụ thể ” Diễn biến hòa bình là chiến lược của chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế, được thực hiện dưới một phương thức, thủ đoạn mới để chống phá, đẩy lùi và đi đến xoá bỏ chủ nghĩa xã hội. Đối tượng của chiến lược DBHB là các nước có khuynh hướng phát triển phi tư bản chủ nghĩa. Bản chất của chiến lược DBHB là chống chủ nghĩa xã hội, chống độc lập dân tộc”(2).
Nếu những người ở trong một môi trường bị bưng bít thông tin như ở Việt nam hiện nay, nếu chỉ nghe thông tin một chiều và suy nghĩ đảng bao giờ cũng nói đúng, thì những suy nghĩ cho rằng hậu quả của Diễn biến hòa bình là mất độc lập dân tộc như thành viên phongvan177 chẳng có gì đáng trách, họ hiểu đúng như Đảng CSVN và Nhà nước Việt nam mong muốn, đó là làm cho người dân sợ hãi, xa lánh và ghét bỏ cái gọi là Diễn biến hòa bình.
Thực chất của Diễn biến hòa bình thì bản thân cái tên gọi đã nói lên phương thức của nó là hòa bình (bất bạo động), diễn biến này thực chất là một quá trình dùng các lý luận thông qua các bài viết, các ý kiến bình luận đánh giá giúp cho người dân hiểu được giá trị của một Nhà nước pháp quyền, với khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” và “Mọi người bình đẳng trước luật pháp. Thông qua đó dùng sự hiểu biết của đa số quần chúng nhân dân để tiến tới xây dựng một Chính quyền nhân dân thực sự, ở đó người dân làm chủ vận mệnh đất nước và bản thân cá nhân mình quyết định tương lai thông qua lá phiếu bầu của mình bầu các đại diện của mình vào cơ quan Lập pháp (Quốc hội)trong một cuộc bầu cử tự do (đề cử, ứng cử), trung thực và công bằng.
Những việc làm như vậy hoàn toàn là quyền và nghĩa vụ của nhân dân được Hiến pháp và luật pháp nước CHXHCN Việt nam khẳng định thì ảnh hưởng gì tới độc lập dân tộc? Tại sao lại reo rắc nỗi lo không thể có cho người dân rằng “Bản chất của chiến lược DBHB là chống chủ nghĩa xã hội, chống độc lập dân tộc”(2)được.
Nếu đọc kỹ cái định nghĩa có đoạn “Đối tượng của chiến lược DBHB là các nước có khuynh hướng phát triển phi tư bản chủ nghĩa” thì thấy đảng và nhà nước Việt nam coi thường tri thức và dân trí của người Việt nam quá. Cái gì là phi tư bản? Bởi đến giờ phút này ở Việt nam làm gì còn cái gì nữa dính dáng tới CNXH theo học thuyết Marx-Lênin mà trước đây đảng ta vẫn theo đuổi, bản chất của cái CNXH đó là dùng bạo lực chuyên chính vô sản để công hữu hóa toàn bộ tư liệu sản xuất thuộc sở hữu toàn dân. Đó là thời kỳ 1954-1956 ở Miền Bắc và 1975-1976 ở Miền nam khi Đảng CSVN và chính quyền tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh để Công hữu hóa sở hữu tư nhân, điều đó trái ngược hoàn toàn với chủ trương Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà thực chất là Tư hữu hóa sở hữu toàn dân mà chúng ta đang tiến hành. Phải khẳng định, đường lối gọi là đổi mới mà Đảng CSVN và chính quyền của họ từ năm 1986 đến nay hoàn toàn trái với nguyên tắc về CNXH của Chủ nghĩa Marx-Lênin.
Về kinh tế thì Việt nam hiện nay là một chế độ tư bản giai đoạn đầu mà người ta gọi là thời kỳ tư bản hoang dã, chính là thời kỳ Lê nin đánh giá rằng tư bản với sự tự do bóc lột quan hệ “Người với người là chó sói” và đầy rẫy bất công. Sự duy trì quản lý nhà nước đối với một số doanh nghiệp chủ đạo mang tính độc quyền hiện nay thực chất chỉ là hình thức Tư bản nhà nước.
Xin hỏi đâu là phi tư bản và đâu là Chủ nghĩa xã hội?
Theo lý luận của CN Marx-Lênin thì chủ nghĩa xã hội sẽ là một hệ thống kinh tế-xã hội sau khi một cuộc cách mạng đã nổ ra để chuyển quyền điều khiển và sử dụng các tư liệu sản xuất từ tay của một số ít sang tay của một tập thể hay còn gọi là bước đệm để tiến tới chủ nghĩa cộng sản. Chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Marx-Lênin tuy đã bị phá sản hoàn toàn cùng với sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên xô và Đông Âu, nhưng nhưng những bài học xương máu của sự thất bại toàn diện này đem lại cho nhân loại một cái nhìn sâu rộng hơn về chủ nghĩa cộng sản và điều quan trọng nhất sự hình thành chủ nghĩa xã hội cũng đã làm cho chủ nghĩa tư bản phải thay đổi để không còn bóc lột một cách trực diện như trước, buộc CNTB phải giải quyết mâu thuẫn đó để tồn tại và phát triển.
Quan trọng hơn cả sự thất bại của CNCS đã giúp loài người thu được các kinh nghiệm và tri thức cực kỳ to lớn, đã từ bỏ được bạo lực. Các tầng lớp trong xã hội đã không còn dễ bị kích động bởi các ý tưởng có tính cực đoan, trong cách xử lý với các thách thức lớn của xã hội, đó là cách thích nghi và triển khai một xã hội dân sự mà trong đó mọi thành phần xã hội đều có thể phát triển hoặc có cơ hội phát triển ngang nhau, các mâu thuẫn xã hội không thể đã hết nhưng đã có những cơ chế thỏa hiệp để giải quyết trên cơ sở hợp lý cho các tầng lớp. Xã hội hướng đến cách giải quyết các mâu thuẫn bằng con đường phi bạo lực đó chính là con đường của đấu tranh bất bạo động hay được gọi dưới cái tên mang nhiều tranh cãi đó là Diễn biến hòa bình.
Ở Việt nam hiện nay, tuy nền kinh tế đã hoàn toàn từ bổ mô hình kinh tế Tập trung-Kế hoạch hóa-Bao cấp vốn là đặc trưng của kinh tế XHCN theo học thuyết Marx-Lênin để chuyển sang nền kinh tế thị trường Tư bản chủ nghĩa hoàn chỉnh kéo theo cái đuôi định hướng XHCN để hy vọng duy trì quyền lãnh đạo theo tính đặc trưng nhất của CNXH theo học thuyết Marx-Lênin là “chỉ do một đảng lãnh đạo đó là đảng cộng sản”(3).
Diễn biến hòa bình thực chất không phải là “do các nhà hoạch định chiến lược phương Tây soạn thảo từ cuối những năm 40 thế kỉ 20, sau được tiếp tục bổ sung; cuối thập kỉ 80 thế kỉ 20, được nâng lên và hoàn chỉnh thành chiến lược”(2) như sách báo của đảng tuyên truyền. Mà thực chất khái niệm này đã được Lênin nhắc tới trong lý luận của mình trích “Lenin khi lý luận về khả năng thắng lợi của cách mạng tại một quốc gia đã đưa ra một ý tưởng mới rất khác lạ với Marx là hệ quả của điểm khác biệt lớn nhất của hai người – đó là khái niệm “cùng tồn tại hòa bình” (Мирное сосуществование): theo đó các đế quốc và các quốc gia xã hội chủ nghĩa cùng có thể tồn tại hòa bình với nhau (rất khác quan điểm của Marx rằng các nước tư bản nhất định sẽ tập hợp lại bóp chết cách mạng đến cùng), thậm chí có thể hợp tác trong một số lĩnh vực. Và chủ nghĩa xã hội sẽ thắng lợi trên toàn thế giới thông qua “thi đua hòa bình” mà trong đó công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản sẽ là hình mẫu ưu thế của thế giới mới trước thế giới cũ và nhân dân cùng vô sản tại các nước tư bản còn lại sẽ tự đứng lên lật đổ chế độ đó. Khái niệm “diễn biến hòa bình” ngày nay các quốc gia cộng sản hậu Xô Viết đang ra sức chống lại đó chính là khái niệm “Thi đua hòa bình” ngày xưa của Lenin nhưng theo chiều ngược lại.”(4)
Điều đó càng khẳng định hoàn toàn không đúng như Từ điển bách khoa toàn thư của nhà nước đã viết “Phương thức và thủ đoạn chủ yếu là tạo dựng và thúc đẩy những nhân tố phản động, chống đối từ bên trong, đẩy đối phương vào khủng hoảng toàn diện, từng bước chuyển hoá chế độ chính trị theo con đường phát triển tư bản chủ nghĩa hoặc bị chính các thế lực chống đối dùng bạo lực lật đổ”. Bởi chuyển sang chế độ tư bản chủ nghĩa (về kinh tế) là chủ trương sáng suốt, đúng đắn và là tính tất yếu phù hợp quy luật phát triển tự nhiên của Đảng CSVN đã cứu nguy nguy cơ chết đói cho cả dân tộc Việt nam những năm 1985-1986, chứ không hề có sự can thiệp của Diễn biến hòa bình. Và đáng lưu ý tên gọi của nó là Diễn biến hòa bình sao lại bảo “Dùng bạo lực lật đổ”?
Thực chất Diễn biến hòa bình hoàn toàn không có nguy cơ gây xáo trộn xã hội, nó chỉ là quá trình với các hành động sử dụng quyền tự do ngôn luận theo luật pháp quy định mang tính chất ôn hòa bất bạo động, từng bước nâng cao sự hiểu biết của quần chúng nhân dân về một xã hội dân sự và một Nhà nước pháp quyền để tiến tới đồng thuận cao trong công cuộc cải cách chính trị, nhắm hướng tới đích xây dựng một chính quyền nhân dân đúng nghĩa của nó, thực sự là “của dân-do dân và vì dân” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nó đơn giản chỉ là những ý kiến đòi hỏi nhiều hơn sự minh bạch, đòi hỏi luật lệ phải nhất quán, dịch vụ y tế, giáo dục và quản lý nhà nước, xã hội, môi trường phải tốt hơn, chế độ bớt tham nhũng hơn.
Vì vậy Diễn biến hòa bình chỉ là nguy cơ mất quyền lực của một số kẻ tham quyền cố vị, không chấp nhận cạnh tranh trong chính trị để lựa chọn những người có tài, có đức tham gia lãnh đạo đất nước vì một tương lai tươi sáng của Tổ quốc Việt nam.
Tổ quốc này, đất nước Việt nam này không của riêng ai, không phải của riêng người Cộng sản mà là của toàn thể 87 triệu người Việt nam. Nhân dân phải làm chủ đất nước, mọi người phải bình đẳng trước pháp luật, không cho phép bất kỳ ai hay nhóm người nào có đặc quyền và vùng cấm kể cả đảng CSVN như Hiến pháp khẳng định.
Diễn biến hòa bình không hề ảnh hưởng tới độc lập dân tộc, nó không gây xáo trộn xã hội và càng không tác động gì cho bạn, cho tôi hay cho bất kỳ ai. Nó chỉ là mối nguy hiểm cho những kẻ đang cố bằng mọi cách để ôm cái ghế quyền lực, nó thực sự đe dọa cho một vài trăm đảng viên cộng sản đang nắm chức vụ lãnh đạo chủ chốt. Nhưng Diễn biến hòa bình không hề hạn chế, cấm hay tước quyền tham gia hoạt động chính trị của họ, nếu họ cảm thấy có đủ tài năng, có đủ đức độ và tin rằng nhân dân vẫn sẽ lựa chọn họ làm lãnh đạo đất nước, thì xin mời cùng tham gia cuộc chơi chính trị, bình đẳng và công bằng mà trọng tài là toàn thể nhân dân Việt nam có quyền bầu cử trên cơ sở tôn trọng Hiến pháp và pháp luật quy định.
Khi ấy những người được nhân dân chọn lựa phải làm được những gì cho đất nước, hay cá nhân người dân đòi hỏi, chứ không chỉ vì quyền lợi của đảng CSVN như hiện nay những người lãnh đạo đất nước vẫn làm. Quyền làm chủ của nhân dân được luật pháp bảo hộ, do đó mỗi chúng ta hay trân trọng và giữ lấy cái quyền thiêng liêng ấy của mình, phải để cho các chính trị gia họ sợ không nhận được sự ủng hộ và lá phiếu bầu đừng và càng đừng thờ ơ để kẻ khác sử dụng danh nghĩa của mình vào mục đích của họ.
Đừng để bọn họ (chính trị gia)vừa được ăn, vừa được nói vừa được gói đem về , không những thế bọn họ cười thầm trong bụng nghĩ rằng “sao người Việt nam chúng ta ngu thế, không biết sử dụng quyền của mình”.
12/01/2010
——————
Chú thích:
(1) http://hoangsa.org/forum/showthread.php?t=22373
(2) http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn/default.aspx?param=13EFaWQ9MzQ5NTMmZ3JvdXBpZD00JmtpbmQ9JmtleXdvcmQ9&page=2
(3) http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%87_th%E1%BB%91ng_x%C3%A3_h%E1%BB%99i_ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a
(4) http://vi.wikipedia.org/wiki/Ch%E1%BB%A7_ngh%C4%A9a_c%E1%BB%99ng_s%E1%BA%A3n
© Kami 2010
No comments:
Post a Comment