Monday, December 28, 2009

PHẢN BÁC CÁO TRẠNG SỐ 9

Phản Bác Cáo Trạng Số 9
Nguyễn Tường Bá
Tháng Mười Hai 28, 2009
http://clbnhabaotudo.wordpress.com/2009/12/28/ph%e1%ba%a3n-bac-cao-tr%e1%ba%a1ng-s%e1%bb%91-9/
Nguyễn Tường Bá, nguyên tổng thư ký đoàn luật sư Toà Thượng Thẩm Sài Gòn trước năm 1975, tường trình nội dung phản bác cáo trạng 09/VKSTC-V2 qua buổi thảo luận với Đảng dân chủ Việt Nam trước khi phiên tòa mở ra.

Đảng Dân Chủ Việt Nam xem cáo trạng số 09/VKSTC-V2 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ngày 23/11/2009 là bản cáo trạng chủ quan, tùy tiện, buộc tội thiếu chính xác. Vấn đề không phải do thiếu trình độ pháp luật, mà do Viện Kiểm sát cố tình phủ nhận sự thật, đàn áp những chính kiến bất đồng với đường lối sai lầm của Đảng cộng sản Việt Nam như Trần Anh Kim, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và cả Đảng Dân chủ.

Thứ nhất, cáo trạng cố tình phủ nhận lịch sử nói chung và lịch sử của Đảng Dân chủ nói riêng khi cho rằng các ông Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định có ý định “thành lập” các Đảng Xã hội và Lao động, hiểu như thành lập một đảng phái mới. Đảng Xã hội và Đảng Lao động đã từng tồn tại và hoạt động ở Việt Nam từ năm 1944 đến năm 1988. Hai ông Định và Thức đã tham gia giúp đỡ các đảng viên thanh liêm của Đảng Cộng sản phục hoạt hai đảng này. Cáo trạng đã cố tình dùng chữ “thành lập” chính là một mặt phủ nhận lịch sử, mặt khác tạo cớ buộc tội họ theo pháp luật hiện hành. Viện kiểm sát phải hiểu những cá nhân này không hề thành lập một đảng phái nào mới. Tương tự, liên quan đến Đảng Dân chủ Việt Nam, cáo trạng cũng nêu: “Tổ chức có tên gọi ‘Đảng Dân Chủ Việt Nam thành lập ngày 1 tháng 6 năm 2006.” Một lần nữa, Viện Kiểm sát của Đảng cộng sản đã cố tình quên lịch sử Đảng cộng sản và và lịch sử nước nhà. Đảng Dân chủ Việt Nam thành lập từ năm 1944 và hoạt động sát cánh cùng Đảng Cộng sản trong hai cuộc chiến giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước cho đến năm 1988. Giữa năm 2006, Đảng Dân chủ được khôi phục sinh hoạt bởi chính nguyên cố Tổng Thư Ký là ông Hoàng Minh Chính. Cần nhắc Viện Kiểm sát tối cao: không có Đảng Lao động, Đảng Xã hội mới thành lập, càng không có Đảng Dân chủ Việt Nam nào thành lập giữa năm 2006.

Thứ hai, cáo trạng cố tình cắt xén các luận điểm trong cương lĩnh của Đảng Dân chủ khi trích dẫn: “Trong tài liệu có tên gọi là “Cương lĩnh” của tổ chức này [Đảng Dân Chủ] đã xác định: xây dựng một Quốc hội mới, Nhà nước mới,… Hiến pháp mới,… hệ thống pháp luật mới..”. Để hiểu trọn vẹn vấn đề, đề nghị cáo trạng phải trích dẫn những điểm quan trọng nhất ở điều 4, phần I về “Đường lối” của Cương lĩnh Đảng Dân chủ Việt Nam vốn được trình bày đầy đủ như sau: “Thực hiện quyền ứng cử và bầu cử tự do, công bằng, trung thực (có quốc tế giám sát) để xây dựng một Quốc hội mới, một Nhà nước mới thực sự của Dân, do Dân, vì Dân. Quốc hội mới sẽ xây dựng một Hiến pháp mới thực sự dân chủ, một hệ thống luật pháp mới thực sự công minh”. Việc cắt xén đó không những thiếu trung thực mà hoàn toàn có tính toán xuất phát từ cạnh tranh hoạt động chính trị không lành mạnh. Đảng Dân Chủ Việt Nam thượng tôn pháp luật, đường lối của Đảng như đã nêu hoàn toàn phù hợp với Hiến pháp hiện hành. Viện kiểm sát hãy nhớ lại lời của cha Ngô Quang Kiệt trong cuộc họp giải quyết đất đai nhà thờ ở UBND Thành phố Hà Nội bị cắt xén, sẽ thấy lần cắt xén trong cáo trạng này không khác phương pháp và mục tiêu bôi nhọ cần đạt được. Cần nhắc Viện Kiểm sát tối cao: tạo cho dư luận hiểu rằng Đảng Dân chủ đang âm mưu thực hiện cuộc cách mạng lật đổ chính quyền, đó là tội phạm của chính Viện kiểm sát.

Thứ ba, Viện kiểm sát không hề chứng minh được ý chí tinh thần cũng như hoạt động cụ thể cấu thành tội phạm “hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân.” Không một câu nói hay đoạn văn được trích dẫn nào trong bản cáo trạng cho thấy ý muốn “lật đổ chính quyền” của từng bị can Trần Anh Kim, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long. Đảng Dân chủ mà họ tham gia hay làm việc cùng cũng không có ý “lật đổ chính quyền,” vì Đảng Dân chủ chủ trương hoạt động ôn hòa, bất baọ động, tôn trọng luật pháp, như đã thể hiện rõ trong Bản tuyên bố quan điểm chính trị ngày 1 tháng 9 năm 2008. Về hành động cụ thể, các bị can không hề có hành động nào có thể gọi là “lật đổ chính quyền,” ngay cả tụ họp biểu tình cũng không có. Ngược lại, các hành động cụ thể của Đảng Dân Chủ là để đóng góp cho đất nước. Ví dụ, nguyên cố Tổng thư ký Hoàng Minh Chính thậm chí đã ủng hộ Liên Hiệp Quốc đưa Việt Nam vào làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an. Đó là những hành động cụ thể bảo vệ đất nước chứ không phải hành động nhằm lật đổ chính quyền. Cần nhắc Viện Kiểm sát tối cao: thiếu hai yếu tố cơ bản cấu thành tội phạm trong bản cáo trạng này là một thiếu sót lớn về mặt chuyên môn của Viện kiểm sát.

Đảng Dân Chủ Việt Nam đề nghị Đảng Cộng sản chấm dứt ngay việc sử dụng pháp luật đàn áp đảng viên Đảng Dân chủ xuất phát từ cạnh tranh chính trị không những không lành mạnh mà vi hiến, đồng thời phản đối cáo trạng cố tình tường thuật các sự việc và lịch sử một cách không trung thực trước khi đưa ra tòa.

Cáo trạng như thế thì công lý ở đâu? Nhưng nếu nhà nước Việt Nam vẫn quyết định đưa vụ việc ra xét xử, chúng tôi đề nghị nhà nước Việt Nam phải trả lại công lý bằng cách thực hiện những điều sau đây:
- Một phiên tòa công minh, trong đó các thẩm phán phải thực sự độc lập và phi chính trị, tức là các thẩm phán không thể là đảng viên Đảng cộng sản.
- Một phiên toà trong đó quyền bào chữa và được bào chữa của các công dân phải được đảm bảo. Các luật sư phải có quyền phát biểu trọn vẹn để bào chữa cho thân chủ, cũng như không có nguồn thông tin nào bị cấm đoán, kiểm duyệt, để sự thật được làm sáng tỏ.
- Các văn bản, cương lĩnh, đường lối của Đảng Dân Chủ, các bài viết và phát biểu của những cá nhân bị kết tội phải được tóm tắt đầy đủ trong cáo trạng hay làm thành tài liệu tham khảo mở rộng ban hành công khai để rộng đường dư luận. Xuyên suốt bản cáo trạng là những hoạt động, việc làm có liên quan đến Đảng Dân chủ Việt Nam, vì thế đại diện Đảng Dân chủ đã sẵn sàng làm nhân chứng tại tòa để soi sáng các tình tiết liên quan đến hoạt động, đường lối của mình.

Ngày 26 tháng 12 năm 2009
Nguyễn Tường Bá

Nguyên Tổng thư ký luật sư đoàn Toà thượng thẩm Sài Gòn trước 1975

Nơi gửi:
Viện KSNDTC
BBC

Sao gửi:
Ban Thường Vụ Đảng Dân Chủ Việt Nam



No comments:

Post a Comment