Monday, December 28, 2009

NÃO TRẠNG NÀO - CÁO TRẠNG ẤY

NÃO TRẠNG NÀO - CÁO TRẠNG ẤY
Hà Thủy
25.12.09
http://www.ddcvn.info/
Ngày 23-11-2009, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng số 09, làm cơ sở cho việc xét xử các ông Trần Anh Kim, Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long. Truyền thông đưa tin ông Trần Anh Kim sẽ ra tòa vào ngày 28-12 tới đây; và phiên tòa cho những người còn lại sẽ là ngày 20, 21 tháng 01, 2010. Ngày xét xử đang đến rất gần, nhưng những người dân có lương tâm đọc bản cáo trạng đều không khỏi bức xúc. Bản cáo trạng cho thấy não trạng lúng túng, cùng đường của Đảng Cộng sản trong việc ghép tội nhằm che giấu sự bức hại tù nhân chính trị hiện nay.

‘Chống’ chính quyền nhân dân?
Theo cáo trạng, tất cả những người bị xét xử đợt này đều vi phạm Điều 79 Bộ luật hình sự, tức “hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Tội của Trần Huỳnh Duy Thức là đã tuyên thệ trong “Tuyên ngôn Lạc Hồng” rằng sẽ “giành lấy quyền lực chính trị cho toàn dân chúng”, rồi kêu gọi các cá nhân trong và ngoài nước, mà theo Đảng Cộng sản là “có tư tưởng thù địch chống Việt Nam”, ủng hộ “Nhóm nghiên cứu Chấn”. Khi buộc tội cá nhân này đòi trả lại quyền chính trị lại cho dân chúng, cáo trạng cũng đồng thời gián tiếp thừa nhận Đảng Cộng sản đã tước đoạt quyền chính trị của người dân. Mặt khác, cáo trạng đã cố ý né tránh việc giải thích và chứng minh rõ trước pháp luật: cụ thể là ai, ở đâu, làm gì và làm như thế nào để thể hiện thù địch chống Việt Nam. Danh xưng quốc gia và dân tộc Việt Nam đã bị Đảng Cộng sản lạm dụng, áp đặt cho số đông nhằm loại trừ và tiêu diệt những người khác chính kiến với Đảng. Đúng ra, cáo trạng phải cho rằng những người bị truy tố chính là những người chống lại tội ác và sự trì trệ cản đường của Đảng Cộng sản. Hoàn toàn không có ai “chống Việt Nam” theo nghĩa chống lại nhân dân, dân tộc cả.
Cáo trạng còn kết tội Trần Huỳnh Duy Thức là đã nhìn nhận đánh giá chủ quan các hiện tượng tiêu cực xã hội. Vậy chính những tiêu cực ấy bị công khai chỉ trích trước các kỳ họp Quốc hội mà cả nước nghe thấy, càng nặng nề hơn gấp nhiều lần, buộc chính phủ phải nghiên cứu trả lời và tiếp thu sửa chữa, là chủ quan hay khách quan? Tại sao đại biểu Quốc hội được chất vấn đến mức đó, mà người dân khi lập ra nhóm nghiên cứu và phát biểu chính kiến của mình lại bị ghép tội chống phá chính quyền nhân dân? Hơn thế nữa, một nhận định chủ quan của cá nhân về tiêu cực xã hội không thể là cơ sở và không đủ điều kiện buộc tội, ra tòa. Nhân dịp này, đề nghị Viện Kiểm sát tối cao cũng cần cho biết rõ trước công luận như thế nào là khái niệm “chính quyền nhân dân”, vì ở Việt Nam hiện nay hoàn toàn không có chính quyền nhân dân theo đúng nghĩa, bởi bầu cử “đảng cử, dân bầu” ở Việt Nam không hề tự do, công bằng.
Đến các nhận định hàng ngũ đảng viên cộng sản Việt Nam có hai thành phần cấp tiến và bảo thủ cũng bị cho là là nói xấu Đảng, gây chia rẽ. Vậy những đảng viên lão thành trả thẻ ra khỏi Đảng, những tiếng nói trong Đảng, trong trí thức và nhiều người dân hiện nay phản đối Bộ chính trị là gì? Đó không phải là những người cấp tiến hay sao? Cáo trạng cũng buộc tội Blog Trần Đông Chấn đề cập cuộc khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam với dự báo chắc chắn dẫn đến sự sụp đổ xã hội một cách trầm trọng. Có gì trở thành tội phạm nếu đó là một dự báo? Ai và điều luật nào cấm người dân tự do nói lên một dự báo xã hội?
Về bài nhân 79 năm thành lập Đảng cộng sản, Trần Huỳnh Duy Thức viết: “Triều đại cộng sản Việt Nam sẽ suy vong nhanh chóng là tất yếu không thể cản lại được bởi chính sách sai lầm của nó”, cũng bị buộc tội lật đổ chính quyền nhân dân. Soi kỹ từng chữ, chẳng thấy người viết đề cập đến chính quyền nhân dân, mà chỉ thêm lần nữa đề cập về Đảng cộng sản. Hai đối tượng này hoàn toàn khác nhau, làm sao buộc tội chống chính quyền nhân dân? Nếu buộc được thì chỉ có thể đây là chính quyền của Đảng! Ngay cả việc Lê Thăng Long và Trần Huỳnh Duy Thức có ý định tự ứng cử vào Quốc hội hay vận động chuyển từ thể chế nhất nguyên độc đảng không có cạnh tranh trên chính trường hiện nay sang chế độ đa nguyên đa đảng, thì điều đó cũng không phải là tội lật đổ chính quyền nhân dân. Những người đang bị truy tố là ai nếu không phải là một phần của “nhân dân”? Từng tiếng nói cá nhân góp vào mới thành tiếng nói của nhân dân qua quá trình bàn thảo xã hội rộng rãi. Chặn đứng từng tiếng nói cá nhân ấy, và xem thành lập tổ chức là “âm mưu lật đổ,” như vậy chẳng khác nào tước quyền làm chủ của chính nhân dân để củng cố quyền lực và quyền lợi của Đảng cộng sản vốn chỉ là thiểu số.

Lại “phản động”..
Đối với Lê Thăng Long, cáo trạng nêu rằng tội của cá nhân này là đã lập ra “Câu lạc bộ chấn hưng nước Việt”. Nhưng ngay bản thân tên gọi câu lạc bộ đã thể hiện rằng họ không chống phá chính quyền, không phản bội lợi ích nhân dân, mà ngược lại mong muốn đem đến sự phát triển tốt đẹp. Mặt khác, thực tế nước ta hiện nay lĩnh vực nào cũng rối ren điều hành, so với các nước khu vực và trên thế giới lại tụt hậu và kém xa. Do đó, đất nước rất cần chấn hưng. Đó là những người yêu nước và hy sinh vì dân tộc, chứ sao lại là phản động?
Đối với Lê Công Định, cáo trạng buộc tội đã tham gia vào việc sửa đổi điều lệ của Đảng Dân chủ Việt Nam. Thiết nghĩ, đây là chuyện nội bộ của một đảng phái và là đảng viên thực hiện nhiệm vụ tổ chức phân công, có gì vi phạm pháp luật? Cáo trạng cũng buộc tội về một nhận định của Lê Công Định: “Đảng Cộng sản Việt Nam bất lực trong việc giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh, mỗi người trong khả năng hiện hữu hãy cố gắng làm nhiều điều thiết thực chuẩn bị cho bước chuyển biến vĩ đại”. Một chuyển biến vĩ đại có lợi cho quốc kế dân sinh thì sao gọi là có hại cho nhân dân được?
Đối với Nguyễn Tiến Trung, việc lập ra “Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ”, theo cáo trạng cũng là tổ chức phản động chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam. Trong khi đó, Viện Kiểm sát không có bất cứ một minh chứng nào từ phát ngôn đến việc làm của Tập hợp này cho thấy chống phá. Hiện nay Việt Nam vẫn hô hào phải phát huy dân chủ trong toàn Đảng và toàn dân, thì việc thành lập Tập Hợp của thanh niên để cổ vũ dân chủ một cách ôn hòa như nói trên có gì sai chủ trương? Đảng và nhà nước muốn có sự điều chỉnh thì đề nghị thay đổi, thêm bớt nội dung và hình thức hoạt động…, sao lại ngang nhiên gọi là phản động? Nếu vậy, chủ trương của Đảng và nhà nước mở rộng dân chủ cũng là phản động? Và cũng chính vì vậy, dưới não trạng bảo thủ của Đảng, cả thế giới đang nỗ lực cho dân chủ được trọn vẹn hơn, tất cả đã trở thành phản động đang thực hiện “diễn biến hòa bình”. Thêm vào đó, tổ chức Tập Hợp Thanh Niên Dân Chủ được thành lập theo đúng thủ tục pháp lý về lập hội theo luật pháp của nước Pháp, nơi tổ chức đặt trụ sở chính. Nói tổ chức này là “chống phá,” tự Nhà nước đã thể hiện mình đang đi ngược xu thế phát huy quyền công dân ở các nước trên thế giới – một xu thế đã được tôn vinh bởi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền năm 1968 mà chính Việt Nam đã đặt bút ký.
Đối với Đảng Dân chủ Việt Nam phục hoạt đầu tháng 6 năm 2006, cáo trạng cũng cho đây là tổ chức phản động. Đúng ra, Viện Kiểm sát phải có cái nhìn biện chứng và lịch sử đối với quá trình hoạt động của đảng phái này từ 1944 đến nay. Vào năm 2006, cựu Tổng thư ký Đảng Dân chủ VIệt Nam Hoàng Minh Chính, người đã được 125 quốc gia vinh danh “Nhà dân chủ Việt Nam kiên cường” cùng với Hoà thượng Thích Quảng Độ tại Đại hội Dân chủ Thế giới lần thứ Tư họp tại Thổ Nhĩ Kỳ, tiến hành phục hoạt Đảng. Đảng và nhà nước Việt Nam cũng không có văn bản nào chính thức cấm đoán hay giải thể ngoại trừ vài phản ứng cá nhân thiếu căn cứ và chứng cứ. Điều này chứng minh phục hoạt Đảng Dân chủ Việt Nam hoàn toàn không vi hiến.
Từ 2006 đến nay, Đảng Dân chủ hoạt động theo đường lối ôn hòa và quyết tâm cùng Đảng Cộng sản góp phần xây dựng đất nước, Đảng Cộng sản vẫn không có phản ứng chính thức nào. Bỏ qua tất cả quá trình ấy, cáo trạng đã cố ý hủy bỏ lịch sử chính danh của một đảng chính trị trong giai đoạn hiện đại. Và cũng lại thêm một lần nữa cáo trạng không có minh chứng nào cho thấy đây là một đảng phái phản động. Ngay cả khi Đảng Dân chủ đưa ra “Cương lĩnh” xác định “Thực hiện quyền ứng cử và bầu cử tự do, công bằng để xây dựng một Quốc hội mới, Nhà nước mới, Hiến pháp mới, hệ thống pháp luật mới” thì đó cũng là nỗ lực góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì dân”, mà yếu tố “bầu cử tự do, công bằng”.
“Mới” ở đây là chất lượng và điều kiện tiên quyết để hoạt động có hiệu quả chứ không phải thay thế toàn bộ nhân sự trong bộ máy công quyền đó, thì càng không có cơ sở nào để gọi là “lật đổ chính quyền nhân dân”. Nếu xác định vấn đề cần bàn là cương lĩnh và hoạt động của một đảng tích cực hay xa rời quần chúng, thì về mặt này Đảng Dân chủ Việt Nam chưa bao giờ sai phạm, đi ngược lại lợi ích dân tộc. Ngay cả việc giúp tuyên cáo tái lập Đảng Lao động Việt Nam cũng nhằm đáp ứng mong muốn và tự do lựa chọn của nhiều đảng viên cộng sản, nhân sĩ trí thức hiện nay. Vì tên gọi và mục tiêu ban đầu của Đảng Lao động gắn với bảo vệ quyền lợi khẩn thiết của đa số người lao động Việt Nam đang bị xâm phạm bởi các chính sách bất công của nhà nước, giới chủ trong và ngoài nước. Cùng với việc tái lập Đảng Lao động, nhiều người còn cho rằng cần khôi phục những yếu tố tích cực trong Hiến pháp 1946. Nếu thực hiện được điều đó, đồng nghĩa là dân tộc Việt Nam đã có những người đi tiên phong khôi phục và bảo vệ quyền lợi của nhân dân, tuyệt nhiên không chống phá chính quyền nhân dân.
Và cũng mỉa mai thay, khi không còn gì để buộc tội, cáo trạng lại quay sang nói về việc Đảng Dân chủ viết quyển sách “Con đường Việt Nam”. Đây là ấn phẩm cần có, nhằm chỉ rõ những ngõ cụt mà Đảng Cộng sản đã dẫn dắt cả dân tộc vào chỗ khốn cùng, rất nhiều lần trong lịch sử mà những người viết sử của Đảng Cộng sản luôn cố tình che giấu. Chỉ ra những sai lầm đó để dân tộc Việt Nam không phải tiếp tục hứng chịu và bị trả giá, là chống chính quyền nhân dân ư? Cũng cần nói thêm, đây mới chỉ là trao đổi, sách không thấy, vậy thì Viện Kiểm sát dựa vào chứng cứ tang vật gì cụ thể để buộc tội?
Vớ vẩn nhất toàn bộ cáo trạng là việc liệt kê hàng loạt địa chỉ e-mail cá nhân. Nó cho thấy một trình độ rất thấp của luận tội, cố tình buộc tội khi mà không còn gì để có thể làm cho tội nặng hơn. Với sự kiện này, cáo trạng cũng tự “vạch áo cho người xem lưng” khi mà sự vào cuộc lén lút của công an mạng Việt Nam đã phạm luật, can thiệp theo dõi và kiểm soát thư từ hay thông tin cá nhân. Một cơ quan điều tra như thế thì còn gì để đại diện cho công bằng? Khốn nỗi, cái cách gán tội bừa bãi bất tôn pháp luật không phải là lần đầu tiên mọi người nhìn thấy trong cáo trạng này.

Phiên toà phải độc lập, công bằng
Đọc cả cáo trạng, từ phát ngôn cho đến hoạt động của các cá nhân và tổ chức bị kết tội chủ yếu phản ứng sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản và nhà nước của Đảng, không ai đề cập đến nhà nước của nhân dân. Vậy tại sao cáo trạng lại luận tội theo điều 79 Bộ Luật hình sự? Nếu xét trên quan điểm của cáo trạng, Đảng Cộng sản là người bị hại, còn Đảng Dân chủ và các đảng viên của đảng này bị xem là đối tượng cạnh tranh không lành mạnh, gây hại đối với Đảng Cộng sản. Vậy tại sao đại diện cả hai tổ chức này không được triệu tập ra tòa? Chỉ riêng điều này đã cho thấy Viện Kiểm sát tối cao chính là Đảng Cộng sản trá hình đang “ném đá giấu tay” đằng sau phiên tòa. Mặt khác, chính quyền của Đảng Cộng sản đã nằm bên trong cái vỏ danh xưng “chính quyền nhân dân” để tạo cớ kết tội. Hay cũng có thể nói cách khác, đây là vụ án mà một lực lượng chính trị bị triệt thoái bởi một lực lượng chính trị khác bằng cách sử dụng công cụ Bộ Luật hình sự.
Cáo trạng cho thấy pháp luật đã bị lợi dụng một cách trắng trợn, phục vụ cho vị trí độc quyền cai trị của Đảng Cộng sản. Đó là chưa kể ngôn từ cáo trạng mà lại thiếu chuẩn mực hành chính, thiếu văn hóa chính trị và thiếu trung thực. Cáo trạng gọi: “Nguyễn Sĩ Bình - đối tượng cầm đầu Đảng Dân chủ…”. Viện Kiểm sát tối cao nghĩ gì khi có tổ chức phát ngôn đáp trả: “Nông Đức Mạnh - đối tượng cầm đầu Đảng cộng sản Việt Nam…”? Rõ ràng, bản cáo trạng không phải độc lập xuất phát từ cơ quan thực thi pháp luật mà từ não trạng già nua, bảo thủ, cố quyền cai trị của Đảng Cộng sản. Lương tâm chân chính của loài người nghĩ gì về một bản cáo trạng như thế được đọc trước tòa?
Viện Kiểm sát tối cao cần tự xem lại việc áp dụng điều 79 Bộ Luật hình sự. Không thể đánh đồng hoạt động chính trị xã hội ôn hòa với tội lật đổ chính quyền nhân dân như kết luận của bản cáo trạng: “Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xâm phạm an ninh quốc gia”. Những tài liệu, bài viết và phát biểu của những cá nhân bị giam giữ cần được công khai và rộng rãi tranh luận xem họ đúng sai chỗ nào, nội dung nào là chống phá và lật đổ.
Mặt khác, cáo trạng cần kết tội Đài truyền hình Việt Nam và một số cơ quan báo chí của Đảng đã tự ý tuyên tội trước khi cáo trạng được công bố và bản án có hiệu lực. Đại diện những cơ quan truyền thông tham gia vào việc này cũng phải có mặt tại tòa do đã vi phạm pháp luật và xúc phạm nhân phẩm của người khác. Để vấn đề trở nên khách quan, phiên tòa cũng phải mời đại diện các tổ chức bị cho là phản động đến để chất vấn và đánh giá việc làm dẫn đến hậu quả gì, mời đại diện các cơ quan độc lập trong việc đánh giá và bảo vệ các công ước và điều luật mà Việt Nam đã cam kết trước Liên hiệp quốc để nhận xét việc làm của các cá nhân đã bị bắt. Đại diện Đảng Cộng sản Việt Nam và đại diện Đảng Dân chủ Việt Nam phải có mặt ở tòa với tư cách tổ chức bị hại và làm hại mà cáo trạng đã xác định, để các tổ chức này có tiếng nói. Nếu Viện kiểm sát tiếp tục xác định đối tượng bị hại cơ bản trong vụ án này là chính quyền nhân dân, thì phải để đại diện nhiều nhóm xã hội và giai tầng nhân dân có tiếng nói, ít nhất là trên phương tiện truyền thông trong nước rộng rãi như vụ xử bà Ba Sương hiện nay. Việt Nam ngày đã hội nhập với thế giới nhiều mặt, trong đó có pháp luật, thì không có cớ gì một vụ án liên quan nhiều đối tượng và tổ chức rộng lớn trong và ngoài nước lại chỉ có thể thu hẹp xét xử một cách chủ quan và khép kín.
Việc luận tội là bước khẳng định kết quả điều tra, làm căn cứ để mở phiên tòa. Cho nên quá trình luận tội càng phải mở rộng điều tra chính xác các đối tượng liên quan, thu thập đủ và đúng chứng cứ, thay vì khép kín thông tin. Trong thời đại văn minh và thượng tôn pháp luật ngày nay, Đảng Cộng sản đứng sau Viện Kiểm sát tối cao không thể cứ não trạng thế nào thì cáo trạng như thế ấy mãi được.



No comments:

Post a Comment