Monday, November 23, 2009

VỤ HÀNH HUNG LÀM CHẤN ĐỘNG GIỚI BLOGGER CUBA

Vụ hành hung làm chấn động giới blogger Cuba
David Luhnow
Trần Quốc Việt dịch

24/11/2009 3:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=13903
Lời toà soạn: Khắp nơi trên thế giới, các blogger đang dần thay thế vai trò của truyền thông chính thống, đặc biệt là tại những nước độc tài hay toàn trị. Để ngăn chặn ảnh hưởng ngày một gia tăng của các bàn phím độc lập này, nhà cầm quyền không ngần ngại áp dụng đủ mọi biện pháp sách nhiễu, đe dọa và trấn áp, kể cả việc sử dụng côn đồ, ví dụ vụ blogger Cuba Yoani Sánchez và đồng nghiệp của cô là Orlando Luis Pardo Lazo bị hành hung hồi đầu tháng 11 vừa rồi. Yoani Sánchez sinh năm 1975, hiện sống tại Havana. Tốt nghiệp khoa ngữ văn, chuyên ngành văn chương Mỹ Latin đương đại, Sánchez bắt đầu nghiệp viết báo mạng và blog vào năm 2004. Mới đây, cô gửi
7 câu hỏi tới Tổng thống Mỹ Obama và 7 câu hỏi tới Chủ tịch Cuba Raúl Castro. Và cô đã nhận được thư trả lời của Obama.
talawas xin giới thiệu với bạn đọc chùm bài về vụ Yoani Sánchez bị hành hung.

------------------------------------

Vào thứ Sáu vừa qua, Yoani Sánchez, cây viết blog bất đồng chính kiến nổi tiếng nhất của Cuba, đang đi bộ trên một đường phố ở Havana cùng với hai blogger khác và một người bạn, thì hai người đàn ông chị khẳng định là công an Cuba mặc thường phục buộc chị vào một chiếc xe hơi đen bề ngoài trông bình thường. Họ đánh đập chị và bảo chị chấm dứt việc chỉ trích chính quyền.

Cuộc hành hung này, được xem như là vụ đầu tiên chống lại phong trào viết blog ngày càng phát triển trên đảo quốc, đã phơi bày hồ sơ đàn áp của chế độ, và qua đó nêu bật lên rằng chẳng có mấy thay đổi về các quyền tự do về chính trị trong suốt ba năm qua kể từ lúc ông Raúl Castro lên nắm quyền chủ tịch nước thay thế nhà độc tài Fidel Castro về nghỉ.

Theo bản báo cáo của Hiệp hội Báo chí liên Mỹ, một tổ chức bảo vệ tự do báo chí, sự sút giảm doanh thu từ du lịch vì cơn suy thoái kinh tế toàn cầu và thiệt hại từ các trận bão năm ngoái khiến chính quyền nước này kiểm soát thậm chí càng chặt chẽ hơn phong trào bất đồng chính kiến và quyền tự do ngôn luận. Tổ chức này cũng cho biết Cuba hiện bỏ tù 26 nhà báo, và đã nêu ra 102 vụ chống lại các nhà báo trong năm vừa qua, bao gồm từ các vụ hành hung, bắt giam tuỳ tiện đến đe dọa tính mạng.

Bộ ngoại giao Mỹ vào hôm thứ Hai đã lên án vụ hành hung trên, đồng thời kêu gọi Cuba tôn trọng quyền công dân. Khi được hỏi ý kiến, chính quyền Cuba từ chối bình luận về vụ này.

Cách đây gần ba năm, khi ông Raúl Castro lên nắm quyền thay người anh bệnh hoạn Fidel, nhiều người Cuba hy vọng ông ta sẽ nới lỏng hơn về kinh tế và chính trị.

Theo lời ông Philip Peters, một nhà phân tích ở Viện Lexington, một think tank về thị trường tự do tại Washington, cho đến nay, chính quyền đã đi những bước táo bạo trong nông nghiệp, cấp 80 ngàn phần đất cho nông dân cá thể thuê trong một cố gắng giảm sự thiếu hụt lương thực kinh niên.

Nhưng các nhà phân tích cho rằng những thay đổi này đã không đi xa hơn thế, đặc biệt về tự do tư tưởng. Các phương tiện thông tin đại chúng của nhà nước vẫn bị kiểm soát chặt chẽ như trước.

Chính quyền, cho đến lúc này, vẫn chấp nhận cho phong trào viết blog ngày càng phát triển, chủ yếu vì sự tiếp cận internet vẫn còn bị hạn chế trên đảo quốc Cuba. Nhưng cuộc hành hung blogger Sánchez có thể báo trước rằng sự chấp nhận này sẽ tàn lụi.

“Tôi không nghĩ họ đánh vào cá nhân Yoani Sánchez, mà đúng hơn là đánh vào hiện tượng bùng nổ của các cây viết blog, một hiện tượng về các ý kiến khác nhau đang diễn ra tại Cuba,” chị Sánchez phát biểu trong cuộc phỏng vấn của blog Medaite.
Nhưng theo chị, mưu toan đó đã thất bại. “Họ vẫn chưa hiểu tiềm năng của thế giới mạng, và các biện pháp trấn áp ấy chẳng làm được gì cả ngoại trừ tăng số lượng người vào xem blog của tôi,” chị cho biết.

Chân dung sâu sắc cuộc sống hàng ngày ở Cuba qua sự khắc họa của chị Sánchez, năm nay 34 tuổi, dù mang đến bao phiền toái, tủi nhục và đau khổ cho chị, song vẫn chứng tỏ đó là những lời chỉ trích chế độ Castro còn hiệu quả hơn rất nhiều các hô hào suông ồn ào và khoác lác của cộng đồng Cuba lưu vong ở Miami.

Vào đầu năm nay, chị đoạt được một giải báo chí hàng đầu của Đại học Columbia, nhưng chính quyền Cuba cấm chị sang New York để nhận giải.

Vụ hành hung này không làm chị Sánchez khiếp sợ. Mấy ngày sau đó, chị vẫn tiếp tục viết blog. Sau khi bị tống ra khỏi xe cùng với một cây viết blog khác, chị lo lắng cho con trai của mình.

“Trong lúc chúng tôi ôm nhau khóc, tôi chỉ nghĩ đến Teo. Chúa ơi, làm sao tôi giải thích cho cháu biết các vết đánh bầm tím này? Làm sao tôi có thể bảo cháu rằng cháu đang sống trong một nước đã để chuyện này xảy ra?” chị viết.

Nguồn: Wall Street Journal ngày 11 tháng 11 năm 2009
(
http://online.wsj.com/article/SB125790719186842977.html)

Bản tiếng Việt © 2009 Trần Quốc Việt
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog




No comments:

Post a Comment